Thói quen đọc sách thay đổi
Sách là kho tàng kiến thức vô giá của nhân loại. Từ xưa đến nay, con người đọc sách để lĩnh hội kiến thức, tự trau dồi, hoàn thiện bản thân, từ đó hình thành một nét văn hóa tốt đẹp - văn hóa đọc.
Trong thời đại 4.0, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, văn hóa đọc ngày càng phát triển khi người đọc có thể dễ dàng tiếp cận với những cuốn sách giá trị ở mọi lúc, mọi nơi. Không chỉ vậy, với kỷ nguyên số, khi một quyển sách ra đời, với một bản sách in có thể tiếp cận được hàng ngàn, chục ngàn, trăm ngàn người, nhưng với hình tướng ngắn gọn trên đa nền tảng thì nội dung sách có thể tới được với hàng triệu người và nhiều hơn thế nữa, giá trị của sách qua đó cũng tăng lên.
Quyển sách sẽ vẫn là quyển sách, nhưng vô vạn hình tướng. Vô vạn hình tướng là cách để sách đến được hàng triệu người.
Ở Việt Nam, những năm gần đây đã có nhiều triển lãm, hội chợ sách online trên nền tảng số được tổ chức để phục vụ bạn đọc. Độc giả cũng có thể mua sách thông qua sự kết nối trực tiếp giữa nền tảng số quốc gia với các sàn mua bán sách trực tuyến. Tại nhiều địa phương, thư viện tỉnh linh hoạt tổ chức các triển lãm, hội sách trực tuyến trên các nền tảng công nghệ; Hội sách trực tiếp kết hợp với trực tuyến; Hội sách thanh toán không sử dụng tiền mặt; quảng bá sách và văn hóa đọc trên các chuyên mục báo điện tử, mạng xã hội…
Để thích ứng với câu chuyện chuyển đổi số, nhiều nhà xuất bản đã mở thêm kênh xuất bản sách điện tử, từ thể loại lật đơn giản như sách truyền thống đến sách tương tác, sách 3D, hay gần đây nhất là sách nói… Hay có sự xuất hiện các hình thức kết hợp giữa bản thảo truyền thống với công nghệ hiện đại như sách điện tử, sách nói, ứng dụng tóm tắt sách... Các loại hình sách mới như: Ebook, audiobook, videobook cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn trên thị trường xuất bản Việt Nam.
Từ thực tế đó có thể nhận thấy hiện nay xu hướng chuyển đổi số đang từng bước thay đổi phương thức hoạt động của các nhà xuất bản, mở ra một kỷ nguyên mới mà ở đó, sách giấy không còn vị trí độc tôn. Cùng với những phương thức mới, thói quen đọc của nhiều người cũng bắt đầu thay đổi, họ tiếp cận được với văn hóa đọc trên nền tảng số, đặc biệt là giới trẻ. Trong bối cảnh chúng ta không đủ thời gian để đọc hết những cuốn sách vài trăm trang, nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ, người đọc hoàn toàn có thể tiếp cận với những đầu sách hay không giới hạn ngôn ngữ, không gian và thời gian. Quá trình đó cũng đang hình thành một thói quen mới cho người đọc sách hiện đại - thói quen “nghe sách”. Đây được cho là kết quả xuất phát từ chính nhu cầu có thực của những người trẻ hiện đại, những người không có nhiều thời gian nhưng vẫn muốn được trau dồi kiến thức.
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 30% người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Thế nhưng, nước ta lại có đến 70% người dân sử dụng internet, nằm trong nhóm đầu thế giới. Để phát huy giá trị của sách, những người làm xuất bản, in phát hành đang từng bước chủ động chuyển đổi, kết hợp hài hòa thói quen của người đọc để lựa chọn sách, đưa sách đến gần hơn với họ thông qua môi trường số.
Nâng cấp ngành xuất bản để theo kịp hành vi đọc
Lĩnh vực xuất bản điện tử ở Việt Nam đã có hơn 10 năm để phát triển. Vẫn còn con đường rất dài để xây dựng hệ sinh thái xuất bản tích hợp giữa truyền thống và công nghệ số hiện đại, đồng bộ. Tuy nhiên, trong bức tranh chung của ngành xuất bản, sách điện tử vẫn đang giữ đà tăng trưởng.
Theo báo cáo tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2023 của Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ Thông tin và Truyền thông, quy mô doanh thu thị trường sách nói trong năm 2023 đạt 80 tỷ đồng; số lượt nghe sách nói trong năm 2023 đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022).
Năm 2023, sách điện tử đạt 4.600 đầu sách, tăng 31,4%. Tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đạt 40,3% (vượt 20% so với kế hoạch). Hoạt động xuất bản sách điện tử cũng tăng trưởng. Số tên sách điện tử xuất bản trong năm đạt 4.600 đầu sách, tăng 31,4%, đưa tỷ lệ sách điện tử/sách đạt 15,3% trên tổng số xuất bản phẩm (vượt chỉ tiêu năm 12%).
Đặc biệt, nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn, cùng xu thế chuyển đổi số chung, các nhà xuất bản ngày càng tham gia xuất bản điện tử nhiều hơn. Tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đạt 40,3% (vượt 20% so với kế hoạch). Ngành xuất bản cũng đã thí điểm ứng dụng AI vào hoạt động xuất bản, triển khai ChatGPT hỗ trợ cho công tác biên tập tại một số đơn vị xuất bản.
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường sách đang bị thu hẹp. Nói đúng thì là thị trường sách truyền thống đang thu hẹp. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra chuyển đổi số, tạo ra một không gian mới là không gian mạng. Các nhà xuất bản sẽ phải hoạt động đồng thời ở cả 2 không gian. Không gian cũ với sự trợ giúp của công nghệ mới sẽ được mở rộng, nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Còn không gian mới thì sẽ giúp cho xuất bản mở rộng thị trường, tạo ra các sản phẩm mới, tạo ra sự phát triển trong dài hạn. 2 không gian này không độc lập nhau mà bổ trợ nhau. Thí dụ, không gian mạng để test thị trường, sau đó mới in. Không gian mạng giá rẻ, không gian thực giá cao. Tư duy của các nhà xuất bản hiện nay cũng phải như doanh nghiệp, xuất phát từ thị trường, liên tục đổi mới công nghệ, quản lý hiệu quả, hướng cả vào phân đoạn đại chúng và phân đoạn giá trị cao.
Khi chúng ta có nhiều cách đọc hơn, kể cách đọc là không đọc (hỏi trợ lý ảo), tức là không gian của xuất bản rộng hơn. Không gian để sáng tạo cũng vì thế mà rộng hơn rất nhiều. Xuất bản phải tìm đến những cách đọc khác nhau để tạo ra sản phẩm phù hợp. Bởi vậy, đổi mới sáng tạo sẽ là câu chuyện chính của xuất bản. Đổi mới sáng tạo về cách làm sách, cách phân phối sách, về các mô hình kinh doanh mới, các mô hình hợp tác mới. Đổi mới sáng tạo xuất bản sẽ tạo ra tương lai của xuất bản.
Sứ mệnh của xuất bản là sáng tạo tri thức, là lưu trữ, tích luỹ và truyền bá tri thức. Sứ mệnh không thay đổi nhưng trong kỷ nguyên số phương cách cần có những đổi mới. Là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet hàng đầu khu vực, Việt Nam đang có một nền tảng khá quan trọng để bước vào giai đoạn xuất bản 4.0. Đã đến lúc xuất bản phải đổi mới mạnh mẽ để tồn tại và phát triển, mở ra một trang mới của ngành xuất bản. Đó là xuất bản số. Đó là sự kết hợp xuất bản truyền thống và xuất bản số. Ngành xuất bản phải liên tục thay mới, nâng cấp, mở rộng để theo kịp hành vi đọc và đáp ứng nhu cầu của độc giả.
- Theo ZNews