“Và tôi nhớ dì đã kể nhảy xuống sông, một lần, chân trần. Dì tươi cười.
Nhảy xuống mà không bận tâm xung quanh. Rồi hoà mình vào dòng sông Xen
Dòng nước lạnh cóng. Làm dì hắt hơi cả tháng trời. Nhưng dì bảo dì sẽ nhảy lại một lần nữa.
Gửi đến những người hay mơ mộng. Hãy cứ khờ dại mặc người đời.
Gửi đến những trái tim bị tổn thương. Gửi đến những sai lầm chúng ta mắc phải...”
Không biết liệu đạo diễn của La La Land có đọc Sự liều lĩnh vĩ đại của Brené Brown hay không, nhưng tôi cảm giác như bộ phim là một sự chuyển thể hoàn hảo những thông điệp đầy nhân văn của cô. Và giống như La La Land đã làm hàng triệu trái tim trên khắp thế giới phải rung động, cuốn sách này cũng đã chạm đến tâm hồn của hàng triệu độc giả toàn cầu.
“Sống Toàn Tâm là liều lĩnh dấn thân vào cuộc đời với tâm niệm rằng ta xứng đáng”, Brown chia sẻ triết lý sống triển khai trong toàn cuốn sách mà bà đã đúc kết được trong hơn 15 năm làm nguyên cứu về sự tổn thương và sự tủi hổ. Nhưng xứng đáng ư, ai đó chứ không phải tôi. Trong mắt bố mẹ mình, tôi chưa bao giờ học giỏi bằng đứa bạn hàng xóm để xứng đáng được khen ngợi. Tôi chưa bao giờ xinh đẹp được như mấy bạn “Hot Girls” để xứng đáng được đám con trai để ý. Tôi không bao giờ đủ xuất sắc để xứng đáng được đồng nghiệp ghi nhận. Và quỷ tha ma bắt, trong hội chợ phù hoa của Facebook và đứa-méo-nào-cũng-muốn-là-nổi-tiếng, “tôi chỉ tốt bằng số lượng Like mà tôi nhận được trên Facebook và Instagram.”
Trong cái nền văn hoá không-bao-giờ-là-đủ này, chẳng ai còn cảm thấy mình “xứng đáng” vì lúc nào họ cũng cảm thấy thiếu hụt thứ gì đó. Không đủ tốt, không đủ mảnh mai, không đủ thành công, không đủ thông minh, không đủ cool, ngầu, không đủ like…Vào buổi sáng, ”trước cả khi ngồi dậy và chạm chân xuống sàn, chúng ta đã ở trong tình trạng thiếu hụt, bị bỏ rơi, bị mất mát, bị thiếu hụt một thứ gì đó. Và cho đến tận lúc lên giường ngủ vào buổi tối, trí óc chúng ta vẫn đang chạy đua với vô vàn những thứ mà chúng ta chưa đạt được hoặc chưa làm xong trong ngày hôm đó. Chúng ta chìm vào giấc ngủ với những gánh nặng đó và tỉnh dậy trong trạng thái thiếu thốn đến vật vã.”
Tuy nhiên, đối lập đời-không-bao-giờ-là-đủ không phải là lối sống với ảo tưởng sức mạnh rằng mình lúc nào cũng xinh hơn, thông minh hơn, tốt hơn, giỏi hơn, ngon hơn thiên hạ. Đời không phải là một cuộc thi, và nếu bạn cứ thích coi nó thế thì không sớm thì muộn, bạn sẽ kiệt sức trong cuộc so sánh độc hại này. Nhưng đời cũng không phải là thiên đường xã hội chủ nghĩa nơi bạn cứ có nhu cầu, thì sẽ được đáp ứng. Nằm ở giữa hai thái cực thiếu hụt và dư thừa này là thái độ sống toàn tâm mà Brown đề xướng. Đời là những gì bạn dám liều lĩnh vĩ đại để để đạt được. Bạn vẫn phải chiến đấu để giành được những mình muốn trong đời, và cần dũng cảm để chấp nhận sự tổn thương đi kèm.
Nhưng tổn thương là yếu đuối. Sai! Những kẻ không dám hành động, lũ chỉ biết cầm bàn phím và chỉ trích người khác mới là kẻ yếu đuối hơn. Vì họ sợ bị phơi bày, họ sợ thất bại, họ sợ chê bai đến mức họ chỉ biết ngồi im trong vùng an toàn của mình để không bị “dính đạn”. Hơn nữa, nếu muốn thực sự sống, thì bạn buộc phải dám liều lĩnh vĩ đại. Bởi hãy nghĩ mà xem, mọi hành động của bạn đều tiềm ẩn những nguy cơ tổn thương trong nó. Ví dụ như tình yêu, một trải nghiệm kì diệu mà nhiều người do đã quá sợ dấn thân nên đã từ chối nó.
“Thức dậy mỗi sáng và cảm thấy yêu một ai đó mà người đó cũng đáp lại tình cảm của ta hoặc không, với tất cả cảm giác an toàn mà chúng ta có thể đảm bảo, về những người có thể đồng hành cùng ta trong suốt cuộc đời, nhưng cũng có thể ra đi không một lời nhắn nhủ, về những người sẽ chung thủy với ta đến tận cuối đời hay cũng có thể phản bội ta ngay ngày mai – đó chính là sự tổn thương.
Yêu thương là bất trắc, là mạo hiểm khó lòng tưởng tượng nổi. Và khi yêu một ai đó, bắt buộc chúng ta phải bộc lộ cảm xúc. Thật đáng sợ, chúng ta đang mở rộng trái tim để có thể phải chịu đau đớn, nhưng bạn có thể tưởng tượng cuộc đời sẽ ra sao nếu sống mà không có tình yêu và không được đáp lại?
Đưa một tác phẩm nghệ thuật, một bài viết, một bức ảnh, một ý tưởng của chúng ta đến với cuộc đời mà không có sự đảm bảo rằng chúng sẽ được chấp nhận hay trân trọng – cũng là sự tổn thương. Để bản thân chìm đắm trong những khoảnh khắc hân hoan trong cuộc đời, dù chúng chỉ thoảng qua, dù cả thế giới nói với ta rằng đừng có vội mừng, “ngày vui ngắn chẳng tày gang” – cũng chính là một dạng thức đặc biệt của sự tổn thương.
...Chính cuộc sống đang hỏi: “Bạn có dốc hết sức mình không? Bạn có đánh giá sự tổn thương ở mình như ở người khác không?” Việc trả lời “có” với cả hai câu hỏi này không chứng tỏ bạn là một người yếu đuối. Đó là sự dũng cảm không thể đo đếm − một sự liều lĩnh vĩ đại. Kết quả của việc liều lĩnh vĩ đại thường không phải là một chiến thắng trên chiến trường, nó là sự pha trộn của cảm giác tự do trong tĩnh lặng với một chút mệt mỏi của người lính sau trận chiến.”
Nói rằng tôi chưa bao giờ bị tổn thương, cũng giống như nói tôi chưa bao giờ sống. Bởi khi được kết nối, khi ở trong các mối quan hệ, dù bạn có mặc bao nhiêu lớp “áo giáp”, bạn có cầu toàn đến đâu, vẫn có bạn sẽ không thể tránh né được những tiêu cực của cuộc đời “Trải nghiệm tổn thương không phải một lựa chọn – lựa chọn duy nhất mà chúng ta có được đó là cách phản ứng khi đối đầu với sự bất trắc, rủi ro và cảm xúc bị bộc lộ”. Vậy phản ứng như thế nào cho đúng?
Được gọi là giáo viên “Phòng chống Nghệ thuật Hắc ám” chính hiệu, tác giả Brown lấy một ẩn dụ trong cuốn truyện yêu thích của cô, Harry Potter để minh hoạ. Khi trò chuyện với Sirius Black, “Harry lo lắng rằng mình có thể trở thành người xấu bởi cậu bé luôn giận dữ và lúc nào cũng có cảm giác có suy nghĩ đen tối không?…Sirius bảo với Harry hãy chăm chú lắng nghe và rồi ông nói, ‘Con không phải là người xấu. Con là một người tốt phải chịu đựng những chuyện tồi tệ. Tuy nhiên, thế giới này không được chia cắt rạch ròi giữa người tốt và những Tử thần Thực tử. Tất cả chúng ta đều mang trong mình cả phần ánh sáng lẫn phần bóng tối. Điều quan trọng là chúng ta chọn để phần nào hành động. Đó mới là con người thực của chúng ta.’
Tất cả chúng ta đều có nỗi hổ thẹn. Tất cả chúng ta đều mang trong mình cái tốt và cái xấu, bóng tối và ánh sáng. Nhưng nếu không dám đề cập tới sự hổ thẹn và những khúc mắc của bản thân, chúng ta sẽ bắt đầu nghĩ rằng có điều gì đó không ổn với bản thân – rằng chúng ta thật xấu xa, tội lỗi, không đủ tốt – và thậm chí tệ hơn, chúng ta bắt đầu hành động dựa trên những niềm tin sai lệch ấy. Nếu chúng ta thực sự muốn gắn kết, kết nối, chúng ta phải có khả năng bị tổn thương. Để có thể bị tổn thương, chúng ta cần phát triển khả năng thích ứng với hổ thẹn.”
Tôi biết người đời chẳng nhạy cảm đến mức, khi bạn lấy hết can đảm phát biểu một ý tưởng điên rồ gì đó, họ sẽ động viên: “Oh, tuy có sai nhưng cừ lắm”, mà họ sẽ cười thẳng vào mặt bạn mà chế giễu: “Ngu ngốc!”. Nhưng nếu muốn phát triển bản thân, bạn phải chấp nhận mình không hoàn thiện, và nếu muốn can đảm hơn bạn buộc phải bị tổn thương. “Chúng ta không thể khuyến khích sự tổn thương nếu sự hổ thẹn bóp nghẹt cảm giác của ta về giá trị và kết nối.”
“Khi liều lĩnh một cách vĩ đại, chúng ta sẽ mắc sai lầm và sẽ vấp váp hết lần này tới lần khác. Chắc chắn sẽ có thất bại, sai lầm và chỉ trích. Nếu chúng ta muốn vượt qua tất cả những thất vọng khó khăn, thì cảm giác đau đớn và tan vỡ là điều không thể tránh khỏi; nếu muốn sống một cuộc đời trọn vẹn, chúng ta không thể bị đánh bại bởi cảm giác không xứng đáng được yêu thương và vui vẻ. Nếu bị đánh bại, chúng ta sẽ không bao giờ dám lộ diện và cố gắng thêm lần nữa. Sự hổ thẹn luôn đứng chờ sẵn ở bên rìa trận địa, rình rập chờ chộp lấy ta, để khiến ta không bao giờ dám mạo hiểm nữa. Nó cười nhạo và nói, “Ta đã bảo rồi mà, đó là một sai lầm. Ta biết mi không đủ ____________.” Để đối phó với sự hổ thẹn là khả năng trả lời, “Đau đớn. Thất vọng, thậm chí là suy sụp. Nhưng thành công, danh vọng hay sự cho phép không phải là những giá trị thúc đẩy mình hành động. Giá trị của mình nằm ở sự dũng cảm và mình đã thật là can đảm. Mình có thể vượt qua sự hổ thẹn”
“Chẳng ai thèm đếm xỉa đến những kẻ chỉ trích; cũng như những kẻ chực chờ chứng minh kẻ mạnh cũng có lúc vấp ngã hoặc có những chiến công có thể lừng lẫy hơn. Sự ghi công thuộc về người thực sự đứng trên trận địa, với bộ mặt trầy xước vì khói bụi, mồ hôi và máu; người gắng gỏi gồng mình, người mắc sai lầm, người mà hết lần này đến lần khác suýt chạm tay vào chiến thắng, bởi không có ai nỗ lực mà không mắc sai lầm hay vấp váp; nhưng đó mới là người thực sự gắng sức làm điều gì đó; người biết thế nào là nhiệt huyết cháy bỏng, hy sinh một cách vĩ đại; không từ nan vì một lý do xứng đáng; người mà trong trường hợp tốt nhất, cuối cùng cũng sẽ chạm tay được vào ánh hào quang của chiến công hiển hách và trong trường hợp tồi tệ nhất, nếu thất bại, thì chí ít họ cũng thất bại khi đang liều lĩnh một cách vĩ đại…”
Đây là bài diễn thuyết của tổng thống Theodore Roosevelt truyền cảm hứng cho cuốn sách của Brown. Và tôi hi vọng cuốn sách của bà cũng một lần nữa truyền hứng cho những “kẻ khờ mộng mơ”, đang trên con đường theo đuổi mơ ước của mình. Chúc bạn dấn bước và sống Toàn tâm.
The Fools Who Dream
Trạm Đọc