Không chỉ là câu chuyện về một con người, hay những bài học về thành công và thất bại trong kinh doanh, cuốn tự truyện Sinh năm 1972 - Khát vọng sống của kẻ đi ngược chiều của tác giả, doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình còn là câu chuyện khát vọng được sống với chính mình, được trưởng thành, được làm việc với những dự định, mơ ước, được theo đuổi tri thức, sáng tạo, khám phá bản thân và được dấn thân cho những lý tưởng cao đẹp.
Khát vọng của Nguyễn Cảnh Bình không chỉ đại diện cho chính ông, mà còn phản ánh khát vọng lập thân và lập nghiệp của một thế hệ người Việt Nam thời kỳ hội nhập.
Như lời của ông Hoàng Việt Cường - người bạn phổ thông, chuyên lý, Amsterdam, đồng thời là đồng nghiệp của tác giả tại Petrolimex, viết trong cuốn sách: “Sinh năm 1972 là câu chuyện cả một thế hệ. Tôi cũng như mọi người đều thấy mình trong những câu văn, những kỷ niệm cũng như những khúc rẽ của suy nghĩ, những thay đổi cùng sự biến động của tuổi tác, xã hội, môi trường… Nhưng trên tất cả, luôn có một khát vọng được sống hết mình, được cống hiến, được thể hiện qua từng đoạn văn mà tác giả đã nói hộ cả thế hệ chúng tôi”.
Nguyễn Cảnh Bình sinh ra và lớn lên trong môi trường của thế hệ 7X - thế hệ gắn với nền kinh tế đổi mới của Việt Nam, và môi trường này đã giúp cho ông có nhiều cơ hội tích lũy kiến thức, trải nghiệm và thử nghiệm khả năng của bản thân.
Trong cuốn tự truyện Sinh năm 1972 - Khát vọng sống của kẻ đi ngược chiều (gồm bảy phần, mỗi phần tập trung vào một giai đoạn trong cuộc đời của tác giả, từ tuổi thơ, những tháng ngày khó khăn, chặng đường tìm kiếm tự do cho đến thành công với Alpha Books và những chân trời mới), ông đã chia sẻ nguồn gốc và đặc điểm đặc biệt của thế hệ mình.
Ít người biết rằng, Nguyễn Cảnh Bình có xuất phát điểm từ vị trí một kỹ sư hóa dầu, nhưng công việc nhàn nhã và thu nhập ổn định không đủ để làm ông thỏa mãn.
Ông đã đi ngược lại với số đông thời bấy giờ và quyết định rời bỏ công việc tại Petrolimex, tìm kiếm một tương lai mới bằng khởi nghiệp với ngành sách, theo đuổi đam mê với kiến thức và con chữ, mặc cho bị coi là viển vông, tham vọng và không giống ai.
Ông chia sẻ “Với tôi, quyết định rời khỏi Petrolimex rồi thành lập Alpha Books có lẽ là quyết định quan trọng nhất của cuộc đời. Chính quyết định này đã dẫn tôi đến với bầu trời trí tuệ, từ đó giúp tôi có cơ hội gặp gỡ những con người, những nhân vật tuyệt vời. Rồi tôi được trưởng thành, và hơn hết được sống và làm việc với những ước mơ, dự định và ý tưởng của mình”.
Sau khi rời bỏ công việc tại Petrolimex và tìm kiếm một tương lai mới, qua những thử thách và khó khăn, Nguyễn Cảnh Bình không bỏ cuộc. Ông tìm niềm đam mê trong việc đọc sách và viết lách.
Mong muốn du học và trở thành biên tập viên tạp chí không thành, ông không từ bỏ ước mơ. Thay vào đó, ông tự rèn luyện và nghiên cứu không chỉ thông qua việc mày mò trong các thư viện, mà còn thông qua việc liên lạc và trao đổi ý kiến với các tác giả và nhân vật ông ngưỡng mộ.
Qua những nỗ lực không ngừng, Nguyễn Cảnh Bình thành lập Alpha Books với vốn ban đầu chỉ là 80 triệu đồng, góp từ ông và 7 người bạn. Sản phẩm đầu tiên của Alpha Books, Chân dung những nhà cải cách tiêu biểu thế giới, đã ra mắt vào tháng 12/2004. Dù sở hữu những kiến thức và thành tựu cá nhân trong việc biên soạn sách, để vận hành một doanh nghiệp xuất bản sách đòi hỏi nhiều hơn thế. Ông Nguyễn Cảnh Bình đã phải trải qua một năm làm thuê ở Cao ốc Việt Âu và Ôtô Hoàng Trà để học hỏi kinh nghiệm quản lý và điều hành doanh nghiệp.
Sau 20 năm trải qua rất nhiều biến động và thăng trầm trong công việc kinh doanh, qua những trục trặc của việc quản trị, qua những nỗi buồn phiền và trăn trở với công việc xuất bản, qua những niềm vui, niềm hạnh phúc luôn song hành với những thất bại, buồn đau, đổ vỡ, chia ly, mất mát trong cuộc sống, tác giả sách đã xây dựng giá trị cá nhân, phục vụ cộng đồng của ông nói riêng và Alpha Books nói chung.
Giá trị đó nằm ở những niềm vui được gặp độc giả, gặp gỡ bạn bè và hơn hết là niềm vui được đọc những trang sách, những ý tưởng tuyệt vời, những kiến thức mới mẻ hấp dẫn… Nói cách khác, ông Nguyễn Cảnh Bình đã tìm ra được cách để thể hiện và đạt được khát vọng sống của chính mình từ qua những trang sách mà ông và các đồng nghiệp của mình mang đến cho cộng đồng.
Ông tâm sự: “Mãi sau này, nhiều lần tôi tự đặt câu hỏi cho mình, như một cổ đông từng chất vấn tôi, chúng ta lập công ty là để kiếm tiền, kinh doanh vì lợi nhuận, chứ không phải vì theo đuổi lý tưởng. Có thật vậy không? Không! Tôi không nghĩ thế. Nếu chỉ để kiếm tiền tại sao tôi lại rời Petrolimex? Nếu chỉ làm giàu tại sao tôi lại từ bỏ việc kinh doanh ôtô, bất động sản?”.
Ông cũng chia sẻ: “Có những khát vọng không ngừng cháy trong tôi. Những dự định và ý tưởng mới cần làm luôn thôi thúc trái tim, khối óc mỗi ngày. Và như Van Gogh từng vẽ chiếc ghế mòn vẹt đi, bởi đó là chiếc ghế hữu ích nhất, tôi muốn sống với những gì tốt đẹp và ý nghĩa như thế”.
Theo Zing