Ở độ tuổi 77, độ tuổi nghỉ ngơi, vui thú điền viên của nhiều người thì Nguyễn Mạnh Tuấn đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết Linh Ứng với độ dài 700 trang. Một cuốn tiểu thuyết mang đậm màu sắc sử thi, vừa hào hùng bi tráng vừa chứa chan tình cảm. Thêm vào đó, yếu tố tâm linh xen kẽ trong hành trình phát triển của cuốn tiểu thuyết cũng là một địa hạt đầy thú vị và thách thức.
Linh Ứng xoay quanh hành trình tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi, được dẫn dắt bởi vai trò của các nhà ngoại cảm. Thông qua lời kể của tác giả cũng là nhân vật tôi, đóng vai trò là người kể chuyện trong tiểu thuyết, hành trình tìm mộ cũng mở ra cả một thế giới tâm linh đầy bí ẩn, khiến những người dù vô thần đến mức nào cũng khó có thể cưỡng lại.
Trong tiểu thuyết Linh ứng, câu chuyện của hiện tại với hành trình tìm mộ liệt sĩ được kể đan xen với những điều diễn ra trong quá khứ, liên quan tới những người liệt sĩ là Minh Khôi, Danh Hùng, Huy Lan.
Những người trên dương trần vẫn mãi không yên lòng về những người con, người anh, người chị đã mất mà không thể tìm thấy mộ của họ nên đã vất vả gian nan để đi tìm kiếm những ngôi mộ mất tích ấy.
Chuyện về những nhà ngoại cảm có thể gọi hồi, có thể nói chuyện được với người đã mất, và chỉ dẫn cho người nhà tìm thấy hài cốt của người đã mất đến nay vẫn là một câu chuyện khoa học không thể lý giải nổi. Rất nhiều nghi vấn, rất nhiều suy tư cũng đã được thể hiện trong hành trình tìm mộ của Minh Khôi và các liệt sĩ trong Linh ứng.
Trong tiểu thuyết, nhân vật tôi kể về Nguyễn Văn Lư, người ông gọi là cậu Lư, đã nói chi tiết về những điều đang diễn ra ở thế giới bên kia, hay miêu tả cụ thể những vấn đề đã xảy ra hàng chục năm trước. Trong những tình huống đối thoại với các nhà ngoại cảm như cậu Lư, người kể chuyện vẫn luôn dè dặt, nghi ngờ, đôi lúc có phần sợ hãi. Nhưng càng tiếp xúc sâu sắc, người kể chuyện cũng cảm thấy không thể không tin.
Tác giả cũng để Tư Quang - người quản trang nghĩa trang liệt sĩ Phước Long dẫn dắt:
Tôi ở nghĩa trang này hơn hai chục năm, nhiều đêm nghe tiếng chân bộ đội hành quân, có đêm nghe tiếng hát, tiếng cười, cả tiếng khóc, tiếng đám nhậu. Tôi thức giấc và đem đèn pin đi soi, chẳng thấy gì. Lúc đầu nghĩ là mình ngủ mê. Sau quyết thức suốt đêm, từ của sổ nhìn ra, thấy toàn lính trẻ anh em mình. Tôi báo cáo lên trên.
Những chi tiết tâm linh được đan cài trong tiểu thuyết nhưng không hề làm lu mờ đi phần chân thực trong việc đặc tả tâm tư tình cảm của những người lính. Dù được xây dựng theo phương pháp tiểu thuyết nào, họ vẫn là hình ảnh trung tâm của câu chuyện, đẹp đẽ và bi tráng.
Linh ứng là hành trình tìm mộ liệt sĩ, đồng thời cũng có thể xem đó là một hành trình khám phá và khắc hoạ hình tượng của những người thanh niên kháng chiến chống Mỹ. Minh Khôi hay Danh Hùng cũng như hàng ngàn người trẻ lúc bấy giờ, mang trong mình bao xúc cảm tình yêu và khao khát của tự do. Họ hiện lên trong từng trang sách của Linh Ứng, qua một miền ký ức chất chứa tình yêu thương, hiện lên thật thân mật gần gũi. Họ là bạn bè, là ruột thịt, là những người bạn thân, là mối tình đầu day dứt…. họ hiện lên trong đủ đầy cung bậc cảm xúc, càng đem đến đến cảm giác đau đớn cho người đọc.
Là một tiểu thuyết nhưng Linh ứng rất gần với bút ký, nó mang đậm chất cá nhân riêng tư của tác giả, nó lại vừa mang tầm vóc lớn lao của các dân tộc. Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, nhưng mất mát đau thương vẫn chưa thể hàn gắn, nhiều người liệt sĩ vẫn chưa được trả lại tên, chưa được trở về với gia đình thân yêu.
Người đã khuất và người ở lại đều đau đáu những vết thương. Đọc Linh ứng, cảm giác về chiến tranh lại ùa về trong tâm trí. Chiến tranh là có thật, đau thương là có thật, mất mát càng là sự thật không thế trốn tránh. Và ở đó, có những người lính đã ngã xuống khi chưa kịp biết yêu.
Linh ứng không chỉ là hành trình tìm mộ, nó còn là một khúc ca da diết, tỏ bày tâm tư của người ở lại, sự quý trọng day dứt của người ở lại đối với những người liệt sĩ đã hi sinh.
Cuốn tiểu thuyết được kể đan xen giữa ký ức và hiện tại cũng là cách để những người đương thời có thể có được cách tiếp cận dễ dàng với những câu chuyện trong chiến tranh. Tác giả đã thành công khi vẽ những người lính không chỉ là những tượng đài, những cái tên mà họ chính là những con người với số phận của riêng mình. Và số phận của họ có thể khiến bất kỳ ai được biết cũng vừa kính trọng vừa yêu mến.
Nguyễn Mạnh Tuấn đã dồn đủ công lực được luyện suốt hơn bảy mươi năm qua để viết nên một tiểu thuyết không chỉ đồ sộ về mặt số lượng mà còn vô cùng đồ sộ về giá trị. Có thể xem Linh ứng là một lời hồi đáp đầy ân tình của những người ở lại hôm nay dành cho biết bao linh hồn đã khuất xa bởi chiến tranh, như một lời nhắn nhủ: Chúng tôi mãi mãi ghi nhớ và biết ơn các anh!
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn sinh năm 1945 và bắt đầu viết văn khi còn rất trẻ. Ông tạo tiếng vang với những tác phẩm nổi tiếng như: Những khoảng cách còn lại (1980), Đứng trước biển (1982), Cù Lao Tràm (1984), Yêu như là sống (1990), Phần hồn (1994)...
Từ năm 2000, Nguyễn Mạnh Tuấn dần chuyển sang lĩnh vực sân khấu và điện ảnh. Ông để lại dấu ấn với các kịch bản điện ảnh: Biển sáng, Xa và gần, Cơn lốc đen, Lưới trời, Sinh mệnh, Lối rẽ trái trên đường mòn, Tử hình, Hợp đồng bán mình...
Cuốn sách do First News phát hành. Trạm Đọc dành tặng mã ưu đãi LINHUNG10 giảm thêm 10% khi mua sách Linh Ứng do Tiki trading phân phối tại đây
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Một thời đã qua trong “Linh ứng” của Nguyễn Mạnh Tuấn
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và “Linh Ứng” – Hành trình tâm linh mang đậm tính lịch sử của dân tộc
LINH ỨNG - Hành trình từ kẻ siêu vô thần đến thế giới tâm linh