Sao chúng ta lại ngủ - chỉ dẫn tường minh để nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống
Sao chúng ta lại ngủ - chỉ dẫn tường minh để nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống

Hồi 2, Cảnh 2 trong vở Macbeth của Shakespeare, nhân vật chính đã cất lên một tiên đoán mà sau này trở thành những khám phá quan trọng về giấc ngủ: “Giấc ngủ làm dịu đi tất cả âu lo của chúng ta. Giấc ngủ giúp mỗi ngày kết thúc thảnh thơi. Giấc ngủ giải toả cho kẻ lao động vất vả và chữa lành những tổn thương trong tâm trí. Giấc ngủ, món chính của bữa tiệc cuộc đời, cũng là món ăn bổ dưỡng nhất”.

Chúng ta dành 1/3 cuộc đời chỉ để ngủ. Hãy tưởng tượng bạn sống 60 năm trên cuộc đời, thì 20 năm trong đời bạn không nhìn thấy ánh sáng, không có ý thức chủ quan về thế giới xung quanh và nằm trong tư thế hoàn toàn bất động, không thể tự vệ. Một việc bản thân chúng ta, hay thậm chí cả truyền thông xã hội, đôi khi coi là việc không quan trọng. Nhưng chúng ta quên mất một quy luật tất yếu rằng Mẹ thiên nhiên không sinh ra bất kì điều gì là dư thừa, giấc ngủ cũng vậy.

Nếu như giấc ngủ không có ý nghĩa quan trọng, vì sao sinh giới không ngừng tiến hoá mà giấc ngủ chưa từng bao giờ bị loại bỏ. Hãy nhìn xung quanh bạn, từ những loài côn trùng nhỏ bé, tới những loài động vật to lớn như voi, vượn và đặc biệt là chính chúng ta, loài Người tinh khôn, giấc ngủ luôn luôn hiện hữu.  Bởi vì giấc ngủ thực sự là thứ giúp có “chúng ta”, tồn tại khoẻ mạnh và tinh anh. Đây cũng chính là quan điểm xuyên suốt mà tác giả của cuốn sách Sao chúng ta lại ngủ, tiến sĩ về giấc ngủ Matthew Walker, luôn cố gắng truyền tải tới người đọc.

Những quan điểm sai lầm về giấc ngủ

Lối sống hiện đại và công nghiệp hoá khiến một phần rất lớn nhân loại bỏ bê giấc ngủ. Chính bạn, hay tôi cũng có những lúc thức đến 2-3h sáng để xem một bộ phim trên Netflix và tỉnh dậy lúc 6h để tất tưởi đến công ty chấm công lúc 8h. Một giấc ngủ vội vã chỉ kéo dài 4 tiếng đồng hồ đương nhiên sẽ kéo theo hậu quả là một buổi sáng sớm mệt mỏi và chúng ta phải làm bạn cùng cốc cà phê.

Cứ như thế, vòng lặp ấy lặp lại mỗi ngày và đôi khi sự bận rộn, vất vả ấy còn được “tôn vinh” bằng truyền thông, bằng những bài báo “anh tỉ phú A chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày”, “nhà bác học B làm việc 16 tiếng/ngày”. Thậm chí có những tư tưởng cực đoan như “bạn có cả thiên niên kỉ để ngủ sau khi chết” tiêm nhiễm vào đầu chúng ta những quan niệm sai lệch về tầm quan trọng của giấc ngủ.

Để rồi những đêm trằn trọc khó ngủ, hoặc ngủ dậy mà cơ thể uể oải còn hơn khi lên giường trở thành vấn nạn mà hầu hết mọi người đều từng trải qua, thậm chí quen thuộc. Một nhu cầu hết sức con người, được tiến hoá chọn lọc và bảo tồn qua hàng triệu năm, trở thành biểu tượng của sự lười biếng và có gì đó đáng xấu hổ.

Và chỉ dẫn tường minh dành cho độc giả

Với xuất thân là một nhà khoa học đã nghiên cứu giấc ngủ hơn 20 năm với hơn 100 bài báo cáo, Matthew Walker thực sự là một chuyên gia về giấc ngủ đối với ngành nghiên cứu não bộ nói riêng và những người quan tâm tới khoa học nói chung.  Tất cả những tri thức mà ông tích luỹ được qua quá trình học hỏi, tìm tòi, thử nghiệm và đúc kết đều được gửi gắm một cách trọn vẹn qua gần 500 trang sách, được chia thành 4 phần theo một cấu trúc khoa học.

Bằng cách giải thích tường tận về cấu trúc của giấc ngủ, về giấc ngủ NREM, REM và cách giấc ngủ hoạt động, tác giả đưa cho người đọc những kiến thức tiền đề quan trọng để người đọc có thể hiểu rõ hơn những vấn đề về giấc ngủ mà nhân loại đang gặp phải, đồng thời sẽ đồng cảm với mục tiêu lớn nhất trong sự nghiệp mà ông muốn truyền tải: đưa giấc ngủ về đúng với tầm quan trọng mà nó xứng đáng nhận được.

Giấc ngủ tưởng chừng là khoảng lặng của một ngày hoạt động hết sức, là lúc não bộ chúng ta sẽ hoàn toàn tắt đi chức năng của nó, nhưng sự thật không phải vậy. Giấc ngủ là lúc não bộ vận động năng suất không kém khi chúng ta thức. Giấc ngủ được chia thành những pha khác nhau với những chức năng riêng biệt. Xuyên suốt cuốn sách là hai pha quan trọng nhất có tên giấc ngủ NREM sâu (non-rapid eye movement) và giấc ngủ REM (rapid eye movement).

Giấc ngủ NREM sâu cắt giảm những liên kết không cần thiết trong não bộ, giúp hình thành tư duy, kiến thức, khả năng phản biện, dọn dẹp những tàn dư của một ngày não bộ vận hành.

Giấc ngủ REM kiến tạo giấc mơ, kích hoạt thần kinh thị giác, vận động và kí ức trong khi làm tê liệt các khối cơ ngăn chúng ta di chuyển, hình thành những liên kết xa xôi, giúp bộ não tạo ra tư duy trừu tượng. Giấc ngủ REM cùng giấc mơ an ủi bộ não, giúp chữa lành những vết thương về mặt cảm xúc và giải mã, xâu chuỗi lại những trải nghiệm cá nhân để hình thành kiến thức và là cội nguồn cho sáng tạo.  

Mỗi một pha của của giấc ngủ lại có tầm quan trọng đặc biệt với từng giai đoạn phát triển của con người và sự thiếu xót hay sai lệch của bất kì giai đoạn nào cũng sẽ gây ra những rối loạn về tâm lý, tâm thần, ảnh hưởng tới sức khoẻ nói chung và hệ thần kinh nói riêng. Thiếu ngủ hay mất ngủ không chỉ làm cho tư duy kém sắc bén, trí nhớ suy giảm, năng suất lao động chững lại, mà nó còn khiến tuổi thọ của chúng ta bị giảm đi. Mất ngủ gây ra những hậu quả nghiêm trọng lên toàn cơ thể, đặc biệt là đối với tim mạch, miễn dịch, sinh sản, trao đổi chất.

Tuy nhiên cuộc sống hiện đại với đèn điện, màn hình điện tử và những loại chất kích thích như caffeine hay rượu, đồng hành với những quan điểm sai lầm của xã hội như tuổi vị thành niên hay ngủ muộn, dậy muộn vì ý thích, người già cần ngủ ít hơn so với bình thường, ngủ không đủ giấc là năng suất cao, là chăm chỉ, hay ngủ là lười nhác… đều là những yếu tố khiến sức khoẻ của nhân loại bị suy giảm do mất ngủ hay thiếu ngủ.

Điều này phản ánh trực tiếp lên chất lượng cuộc sống cũng như tỉ lệ mắc bệnh ung thư, tiểu đường, béo phì, trầm cảm… của người dân những quốc gia phát triển và công nghiệp, nơi cuộc sống bận rộn và gấp gáp trở thành tiêu chuẩn được tôn vinh. Đây là một vấn đề cốt lõi và bức bách của Y tế công cộng mà tác giả vô cùng trăn trở và mong muốn thay đổi.

Bằng những dẫn chứng thực tế, cách giải thích những vấn đề khoa học trừu tượng bằng so sánh cụ thể và gần gũi, lối tổng hợp ngắn gọn, mạch lạc cùng những biểu đồ được lược giản dễ hiểu, Matthew đã khiến một chủ đề vốn dĩ rất chuyên sâu trở nên dễ nắm bắt hơn đối với độc giả phổ thông.

Khoa học não bộ chưa bao giờ đơn giản nên bản thân “Sao chúng ta lại ngủ” không phải là cuốn sách dành cho số đông, nhưng là cuốn sách rất đáng để ngâm cứu cho tất cả những ai quan tâm tới khoa học. Tuy nhiên không phải cách giải thích nào của ông cũng khiến ý tưởng trở nên tường minh hơn với người đọc, vì vậy đọc cuốn sách này độc giả cũng cần có thời gian và sự nghiền ngẫm.

Đối với một người làm chuyên môn, “Sao chúng ta lại ngủ” không quá thách thức, hoàn toàn có khả năng chinh phục và thay đổi quan điểm của người đọc về một vấn đề trước nay chưa được quan tâm đúng mực. Cách viết của ông ngắn gọn, xúc tích, đầy đủ thông tin với rất nhiều dẫn chứng và các nghiên cứu cụ thể, thể hiện rất rõ tư duy trình bày của một người làm khoa học lâu năm.

Nếu bạn là một người đã từng gặp phải hay đang vật lộn những vấn đề như mất ngủ, thiếu ngủ hay trầm cảm, bất ổn tâm lý do chất lượng giấc ngủ kém, bạn sẽ thấy mình như được thấu hiểu, thông cảm và giải thích tường tận về nguyên nhân cũng như chỉ lối để bước ra khỏi vòng lặp của giấc ngủ uể oải, của những buổi sáng gắn liền với một cốc cafe trên tay và đôi mắt chỉ muốn nhắm nghiền mỗi lúc lái xe về nhà.

Với một người từng có tiền sử mất ngủ như tôi, “Sao chúng ta lại ngủ” không hề đưa ra câu hỏi mà chính là câu trả lời cho bao khúc mắc bấy lâu, là thứ xâu chuỗi lại tất cả mọi vấn đề xung quanh giấc ngủ và sức khoẻ của bản thân từng gặp phải. Và tôi tin là bất cứ ai đọc cuốn sách này và từ tốn chiêm nghiệm nó cũng sẽ nhận ra được tầm quan trọng của giấc ngủ mà bấy lâu có thể chính bản thân cũng coi nhẹ. Và điều thú vị nhất mà chính tác giả cũng đã bông đùa nhấn mạnh rằng, nếu bạn có lỡ chìm vào giấc ngủ khi đọc cuốn sách này thì yên tâm rằng ông sẽ không hề mếch lòng, mà thậm chí còn vui mừng vì điều đó.

Linh Phan

Nghiên cứu sinh Ngành Công nghệ Sinh học và Khoa học Não bộ

Tags: