Sách thông tin đối ngoại giúp Việt Nam vươn ra thế giới
Sách thông tin đối ngoại giúp Việt Nam vươn ra thế giới
Theo GS.TS Phạm Quang Minh, hội đồng khoa học độc lập sẽ thẩm định, lựa chọn những cuốn sách song ngữ tốt nhất, giúp thế giới nhìn nhận đúng về Việt Nam.

Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành thực hiện đề án Chương trình Sách quốc gia. Trong số 8 lĩnh vực được đề ra, dự kiến 50 cuốn sách song ngữ Việt - Anh được phát hành nhằm phục vụ công tác thông tin đối ngoại.

 GS.TS Phạm Quang Minh - nguyên Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Chủ nhiệm khoa Quốc tế học, tác giả của nhiều tựa sách về thông tin đối ngoại - cho rằng sách có vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ giữa các quốc gia, cũng như đưa Việt Nam tiếp cận gần hơn với thế giới.

Sách giúp kết nối các quốc gia

- Theo ông, sách có vai trò thế nào trong công tác thông tin đối ngoại?

- Sách trước hết là tri thức, trí tuệ của nhân loại. Đối với một quốc gia, sách còn là cầu nối giữa các dân tộc, phương tiện truyền tải lịch sử, văn hóa, đời sống của đất nước, làm cho thế giới hiểu hơn về quốc gia đó.

Tôi coi sách là một thứ “quyền lực mềm” vì nó có thể thay đổi nhận thức, tình cảm và hành vi của con người mà không cần đến sự ép buộc. Sách có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Quốc gia nào không sử dụng sách như một phương tiện truyền thông sẽ mất đi một công cụ hiệu quả để tiếp cận thế giới và chiếm được trái tim, khối óc của các dân tộc khác.

- Thông tin đối ngoại là lĩnh vực diễn ra nhiều hoạt động mang tính cập nhật. Sách sẽ đi chậm hơn tin tức thời sự. Vậy mảng sách này có còn cần thiết không, thưa ông?

- Để kết nối quan hệ giữa các quốc gia, không thể bỏ qua vai trò của sách. Vì thế, không thể nói là mảng sách thông tin đối ngoại sẽ không còn cần thiết hay có ít vai trò được.

Tuy nhiên, để trả lời về sự cần thiết đó, chúng ta biết là sách thường được phân thành một số loại cơ bản như: Sách tra cứu (phục vụ mục đích tra cứu thông tin như từ điển, bách khoa toàn thư), sách chuyên khảo (thường viết về một chủ đề chuyên sâu) và cẩm nang (chỉ dẫn, phổ biến kiến thức thông dụng)...

Nếu muốn tìm kiến thức căn bản, chính thống, độc giả nên chọn loại thứ nhất. Nếu muốn nghiên cứu sâu về một lĩnh vực ở quốc gia đó, bạn đọc có thể chọn nhóm sách thứ hai. Những người ham tìm hiểu thông tin về đời sống văn hóa, kinh tế, du lịch thì nên chọn dòng sách thứ ba.

Hiện nay, việc sử dụng Internet khiến con người có xu hướng đọc trên mạng nhiều hơn. Song, vẫn phải khẳng định rằng mạng xã hội dù có phát triển đến đâu vẫn không thay thế được sách. Tôi tin nhiều người vẫn thích cầm cuốn sách trên tay và đọc trực tiếp hơn là đọc trên mạng.

Tủ sách thông tin đối ngoại sẽ giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Ảnh: Baskaran Appu

Xây dựng tủ sách thông tin đối ngoại

Từ đề án Chương trình Sách quốc gia, 50 đầu sách song ngữ Việt Anh sẽ được chọn và phát hành. Ông nhìn nhận ra sao về điều này?

- Đề án là một ý tưởng tốt, giúp các đơn vị có định hướng chung, biết được đâu là mục tiêu và cách thức để lựa chọn những tác phẩm xứng đáng.

Tôi cho rằng 8 lĩnh vực đưa vào đề án đã có sự tính toán, cân nhắc của đơn vị thực hiện, nhằm phục vụ mục đích quảng bá hình ảnh đất nước và phổ cập kiến thức.

Với tủ sách thông tin đối ngoại, 50 cuốn là con số còn khá hạn chế, nên có thêm nhiều đầu sách hơn nữa để thực hiện sứ mệnh cao cả này. Để có được cơ hội đầu tư từ các nước, chúng ta nên chọn những cuốn sách đáp ứng đúng nhu cầu của người đọc, tránh trình trạng áp đặt, chủ quan duy ý chí.

Trên thế giới, nhiều tập đoàn xuất bản uy tín (Routledge, Springer, Elsevier…) hoặc của các trường đại học danh tiếng cũng đi tìm kiếm những công trình có giá trị của các chuyên gia đến từ những nước khác nhau để phát hành. Nếu chúng ta chọn lựa được những cuốn sách tốt, cơ hội để Việt Nam vươn ra thế giới sẽ lớn hơn.

Bên cạnh sách song ngữ Việt - Anh, việc phát hành thêm những cuốn sách song ngữ với một ngôn ngữ khác sẽ càng tốt, chẳng hạn tiếng Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha… Khi có thêm ngôn ngữ, nhiều quốc gia sẽ biết đến Việt Nam hơn.

Theo ông, để xây dựng tủ sách thông tin đối ngoại, cần chú trọng những điểm nào?

- Nên lập ra một hội đồng thẩm định khoa học độc lập gồm những chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực đó. Theo tôi, nên mời cả học giả nước ngoài. Họ là những người có tiếng nói khách quan nhất.

 

 

Để có được cơ hội đầu tư từ các nước, chúng ta nên chọn những cuốn sách đáp ứng đúng nhu cầu của người đọc.

GS.TS Phạm Quang Minh

 

 

Đối với tủ sách thông tin đối ngoại, hội đồng ấy phải phải là những chuyên gia hàng đầu đến từ các cơ quan làm công tác thông tin đối ngoại. Đầu tiên phải kể đến đó là đại diện của các trường đại học có ngành Quan hệ quốc tế như Học viện Ngoại giao, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, sau đó là Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội và một số đơn vị, bộ, ngành liên quan.

Khâu chọn sách cần khách quan, khoa học, dựa trên tinh thần dân chủ, cởi mở. Ngoài ra, cũng nên xét tới đối tượng, quốc gia tiếp cận, không nên lấy số lượng lấn át chất lượng. Điều quan trọng nhất là phải lựa chọn sao cho thế giới có cái nhìn đúng đắn và hiểu hơn về Việt Nam, nên cũng cần có các cuộc khảo sát độc giả ở từng lĩnh vực.

Đặc biệt, các đơn vị xuất bản phải đảm bảo được vấn đề bản quyền. Tiếp đến, với những cuốn sách song ngữ, cần lựa chọn chuyên gia dịch thuật có chuyên môn, tránh những mối quan hệ mang tính lợi ích riêng.

Tôi từng thẩm định, biên tập một số ấn phẩm về chủ đề biển đảo và chính sách của Đảng, nên thấy việc chuyển ngữ phải được đảm bảo theo một quy trình chặt chẽ. Cụ thể, sau khi bản dịch hoàn thiện, cần mời những người bản địa đọc rà soát lại. Đây là việc làm phức tạp nhưng rất quan trọng, không được bỏ qua.

- Để bạn bè quốc tế có cái nhìn đúng đắn về Việt Nam, theo ông, đâu là những đề tài chúng ta nên hướng tới?

- Theo tôi, có hai hướng đi: Sách chuyên khảo (nghiên cứu sâu về một lĩnh vực) và cẩm nang (phục vụ những người có nhu cầu du lịch, tìm hiểu văn hóa Việt).

Trong đó, cần tập trung hơn mảng sách chuyên khảo và nên bình xét xem đâu là những vấn đề mang tính thời sự hoặc những điểm mà thế giới luôn muốn tìm hiểu về Việt Nam.

Việt Nam với chiều dài lịch sử, vị trí địa chiến lược và nền văn hóa đa dạng sẽ có rất nhiều chủ đề đáng được quan tâm, từ nguồn gốc, bản sắc dân tộc, vùng miền, đến quan hệ đối ngoại. Ngoài ra, có nhiều chủ đề vẫn bị coi là “vùng trắng” mà độc giả cả trong và ngoài nước quan tâm. Hay cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật lịch sử như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn… cũng sẽ là chủ đề mãi thu hút độc giả quốc tế.

GS.TS Phạm Quang Minh công tác tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) từ năm 1987 đến nay, Chủ nhiệm khoa Quốc tế học (2006-2012), Phó hiệu trưởng (2012-2015) và Hiệu trưởng (2015-2020).

Ông là tác giả của các cuốn sách như: Việt Nam’s Foreign Policy in the Renovation Period 1986-2015Vietnam’s Foreign Policy and External RelationsKiến trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương (NXB Thế giới); Quan hệ Tam giác Việt Nam - Liên Xô - Trung Quốc trong Cuộc Kháng chiến Chống Mỹ (1954-195), giáo trình Quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội); đồng chủ biên cuốn Cách mạng Campuchia và sự hợp tác, giúp đỡ của Việt Nam giai đoạn 1989-1999 (NXB Quân đội Nhân dân); Critical reflections on China’s Belt & Road (NXB Palgrave MacMillan, Anh)...

Năm 2018, ông được trao giải ba - Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại với cuốn sách Chính sách đối ngoại đổi mới của Việt Nam (1986-2015).

Tags: