Sách hay bạn nên đọc trong tháng 8
Sách hay bạn nên đọc trong tháng 8
Những cuốn sách phi hư cấu đáng đọc trong tháng 8, do biên tập của Trạm Đọc chọn lọc.

1. Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ (Đào Trinh Nhất, Tao đàn và NXB Hội nhà văn ấn hành)

 

Lịch sử sự đọc vẫn chưa quên, ở vào thời điểm mà nó [cuốn sách này] xuất hiện, đã từng gây nên một “best-seller lộn kèo”, sách vừa ra đến tiệm thì các nhóm khách trú đã thuê sẵn người, mua vét cho kỳ hết mà đem đốt.

 

Cuốn sách đầu tay và cũng là chắc tay nhất của nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu Đào Trinh Nhất, “Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ” cho đến nay vẫn là công trình vừa công phu vừa hấp dẫn nhất về đề tài người Hoa ở Việt Nam.

 

Bìa sách tái bản khá ấn tượng

 

Trong cuốn sách này, chúng ta vừa thấy những số liệu lập luận chặt chẽ như chuyên khảo xã hội học, vừa thấy những câu chuyện “giang hồ tuyệt mật” như tiểu thuyết chương hồi về những hội nhóm thương mại của người Hoa ở Sài Gòn đầu thế kỷ XX. Tất cả trộn vào nhanh thành bức tranh tổng thể về thương mại Hoa kiều, một mạng lưới “toàn cầu” đã cạnh tranh cùng năm châu bốn bể trong suốt chiều dài văn minh nhân loại, mà Việt Nam như một trạm nhỏ trong thiên sử bi hùng ấy.

 

Đọc tác phẩm này, cách một thế kỷ khi nó được ra đời, chúng ta cần cẩn trọng. Một là đừng để cuốn theo tính dân tộc chủ nghĩa, “bài Hoa” vô căn cứ dù rằng người Hoa có nhiều mưu sâu kế hiểm trong kinh tế, nhưng không vì thế mà chúng ta phủ định sạch trơn những đóng góp nhất định của họ. Mặt khác, đúng theo tinh thần Đào Trinh Nhất, nhìn vào người Hoa mà phải nghĩ đến việc làm sao đất nước tự cường về kinh tế, làm sao để vượt mặt cả những thế lực mưa Âu gió Mỹ trên đài quốc tế. Viễn kiến phải được thực hiện từng bước, từ giảm giá vận chuyển, miễn giấy thông hành, yêu cầu các chế độ đảm bảo người lao động từ nhà nước bảo hộ… cho đến học tập “tấm gương” Nhật Bản.

 

Lịch sử và những bài học của nó vẫn còn nguyên đến nay.

 

2. Hàng tỷ doanh nhân (Tarun Khanna, dịch giả Nguyễn Thị Thu Hương - Nguyễn Dương Hiếu, Dtbook và NXB ĐHQG TPHCM ấn hành)

 

Nếu bạn quan tâm đến những thế lực mới nổi của kinh tế thế giới, nếu bạn muốn hiểu sự phát triển thần kỳ của châu Á qua Trung Quốc và Ấn Độ, thì Hàng tỷ doanh nhân là sự lựa chọn tuyệt vời.

 

 

Cuốn sách này cập nhật vấn đề kinh tế “mới nhất” của thế giới: Start-up ở hai đầu tàu kinh tế trẻ. Ở đây, với hệ thống kinh tế khổng lồ như mê cung, hàng tỷ doanh nhân đều hừng hực khí thế thay đổi chính mình và thay đổi bộ mặt kinh tế quốc gia. Chúng ta sẽ được theo chân tác giả đi khắp nơi, từ cơ quan quyền lực nhà nước đến nhưng quỹ tín dụng nhỏ ở những vùng xa xôi hẻo lánh nhất để thấy thế giới của 1 tỷ dân đang chuyển động thế nào.

 

Và họ đang thay đổi, thành công và thất bại, trong một tốc độ chóng mặt, thế còn chúng ta?

 

3. Những nhà khám phá: Cuộc phiêu lưu trí thức lớn nhất của nhân loại (Daniel J. Boorstin, Nguyễn Việt Long - Thiên Nga dịch, Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành)

 

 

Được coi như cuốn sách lớn nhất của một trong những sử gia lớn nhất thời hiện đại, Những nhà khám phá là một tập khảo luận đồ sộ và bao quát về cách thức nhân loại đã khám phá thế giới, dù còn dang dở. Boorstin chứng tỏ mình là một nghệ sĩ bậc thầy khi kết hợp những mảnh tư liệu lớn trong kho tàng lịch sử tri thức thành những cấu trúc trật tự và lô gích, theo một mạch văn sống động, hé mở sự vận động tiệm tiến của tri thức qua truyện kể về những cá nhân kiệt xuất đã từng vạch lối mở đường, bằng niềm tin, sự cẩn trọng cùng ý chí và quyết tâm sắt đá, tiến tới khai phá “miền đất lạ”, làm nên hiểu biết của chúng ta về sự phát triển của vũ trụ trong gần hai thiên niên kỷ qua, truy nguyên từ Ptolemy qua Copernicus và Newton tới Einstein, giúp ta nhìn thấu thời đại Khám phá vĩ đại, Tự nhiên muôn màu và hơn thế nữa...

 

4. Lịch sử học là gì (Odanaka Naoki, Nguyễn Quốc Vương dịch, Ban tu thư ĐH Hoa Sen và NXB ĐHQG TPHCM ấn hành)

 

Bạn đang băn khoăn về sự “thừa thãi” của việc học lịch sử? Cuốn sách này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc đó.

 

 

Bằng lối viết thiên về đối thoại, giáo sư Odanaka Naoki đã chỉ ra tầm quan trọng của lịch sử trong mối quan hệ của nó với xã hội cũng như với các môn học khác trong chương trình. Bằng rất nhiều ví dụ thực tiễn trong việc học lịch sử qua các sự kiện gây tranh cãi, tác giả đã trả lời những câu hỏi căn bản sau:

 

– Lịch sử học có ích gì cho cuộc sống của chúng ta không?

– Nếu nó có ích thì nó có ích thông qua phương thức nào?

– Nhà sử học có phải cố gắng tỏ ra “có ích” khi nghiên cứu và công bố tác phẩm của mình hay không?

– Lịch sử học có khả năng tiếp cận sự thật hay không? Nó tiếp cận sự thật bằng cơ chế như thế nào? Sự thật ấy có đáng tin cậy hay không? Để tin cậy thì nhà sử học phải làm thế nào?

– Tiểu thuyết lịch sử và tác phẩm sử học giống và khác nhau như thế nào? Nhà sử học và nhà văn ai là người nói ra …sự thật? Họ nói bằng cách nào?

– Lịch sử học có khả năng phát hiện ra quy luật của thế giới hay không hay sứ mệnh của nó đã kết thúc?

– Lịch sử học có phải là khoa học hay không? Nếu có thì nó là khoa học như thế nào?Nó khác gì so với Toán học, Vật lý học, Hoá học?

– Lịch sử học có mối quan hệ như thế nào đối với các ngành khoa học khác?

 

Đây là cuốn sách cần thiết cho bất kỳ ai nghiên cứu về lịch sử, đặc biệt là việc giảng dạy lịch sử.

 

Nguyễn Minh - Trạm Đọc (Read Station)

Tags: