Khi bản đặc biệt không còn đặc biệt
Vậy là khi nhà nhà làm bản đặc biệt, người người làm bản đặc biệt thì việc trên thị trường xuất hiện những bản đặc biệt không có gì… đặc biệt là chuyện thường tình. Hình thức phổ biến nhất vẫn là ấn bản giới hạn có bìa cứng. Nếu chỉ tính đến tiêu chí “khác với bản phổ thông” thì đây có thể coi là bản đặc biệt. Tuy nhiên, với nhà sưu tầm hoặc độc giả khó tính thì điều này là chưa đủ. Nhà sưu tầm Vũ Hà Tuệ cho rằng: “Muốn làm được một ấn bản đặc biệt đạt các tiêu chuẩn thẩm mỹ, hấp dẫn được người sưu tầm thì người làm sách cần phải hiểu rõ khái niệm và quy cách thế nào là ấn bản đặc biệt, thế nào là ấn bản giới hạn, thế nào là ấn bản bìa cứng có chữ ký… Gần đây, còn xuất hiện trường hợp bản in giới hạn bìa cứng, có đánh số. Loại này khác so với bản thường ở chỗ có bìa cứng, có ghi số thứ tự và chữ ký tác giả, còn chất liệu giấy và hình thức dàn trang thì y hệt. Loại bản giới hạn kiểu này tôi chỉ mới thấy ở Việt Nam. Tuy nhiên, có thể hiểu theo kiểu tích cực là đó là sự sáng tạo của ta thì cũng được”.
Thậm chí, thị trường đã phát sinh nhiều hình thức biến tướng như “hô biến” sách ế thành bản đặc biệt thông qua việc đóng bìa da, thêm dấu triện. Việc tuyển chọn nội dung cho các ấn bản này cũng có phần sơ sài. Nếu như trước kia, ấn bản đặc biệt chỉ dành cho các tác phẩm kinh điển, có giá trị của Việt Nam cũng như thế giới thì giờ đây, gần như mọi thứ đều được các đơn vị làm sách đưa vào tầm ngắm để làm bản đặc biệt. Nói như nhà sưu tầm Từ Xuân Minh, “Có những cuốn có bản đặc biệt nhưng nội dung thì thú thật chẳng đâu vào đâu cả. Những sách này, có bản đặc biệt có khi còn phản tác dụng”. Chưa kể, có những ấn phẩm vẫn có “sạn” khi để “lọt lưới” lỗi văn bản hoặc lỗi dịch thuật, khiến cái tên “ấn bản đặc biệt” trở thành một tấm áo quá rộng mà bản thân đơn vị làm sách cũng loay hoay, không biết phải gồng mình sao cho vừa vặn?
“Sàn sách” như sàn chứng khoán
Khi nhu cầu của đời sống không còn là ăn no mặc ấm mà là ăn ngon mặc đẹp thì sách, dĩ nhiên, cũng phải trong quá trình ngày một hoàn thiện cả về nội dung lẫn hình thức. Sách giờ đây không chỉ để đọc mà còn để trưng bày, như một tác phẩm nghệ thuật, thậm chí để… tích trữ, đầu cơ. Nhiều người nói vui rằng chơi sách S100 giống như chơi chứng khoán nhưng có vẻ an toàn hơn. Bởi nếu chẳng may “vỡ bong bóng” thì thiệt hại cũng ở ngưỡng chấp nhận được, không đến mức mất nhà, mất xe. Hơn nữa, đây cũng là quy luật tất yếu của thị trường khi cầu lớn hơn cung. Khó có thể dùng biện pháp hành chính để xử lý.
Thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội, không khó để thấy những cuộc sang tay, đẩy giá ấn bản đặc biệt một cách chóng mặt. Chẳng hạn, S100 cuốn “Những cuốn sách thay đổi lịch sử” của Đông A có giá hai triệu đồng nhưng có thể bán hơn sáu triệu đồng. Cũng ấn phẩm này, với số đẹp hơn, gần đây, đã sang tay thành công với giá 14 triệu đồng, tức là gấp bảy lần giá ban đầu. Giá bán các ấn bản đặc biệt khác cũng tăng đều trong các hội nhóm chơi sách, bất chấp dự báo về một sự bão hòa sẽ diễn ra trong nay mai. Những giao dịch sách giá “khủng” khiến tên tuổi của một số đơn vị xuất bản được khẳng định, nhưng không đem lại cho họ lợi ích về mặt kinh tế vì hiển nhiên, tiền chênh lệch trong mỗi lần giao dịch đều vào túi của người bán trung gian.
Ở một khía cạnh khác, có thể thấy hầu như các ấn bản đặc biệt đều là một cách làm thương hiệu, một sự kích cầu cho bản phổ thông hơn là một sự đầu tư có lãi ngay từ đầu. Điều này cũng dẫn tới sự chuyển dịch trong hình thức phân phối ấn bản đặc biệt. Người tiên phong vẫn tiếp tục là Đông A khi S100 của công ty này năm nay đã được chia thành V20 và S80. Trong đó, V20 gồm các số từ ĐA-001 đến ĐA-010 và 10 số tự chọn khác được công ty đem ra đấu giá, mang lại nguồn lợi trực tiếp cho đơn vị làm sách.
Ấn bản đặc biệt, cho đến nay, vẫn là một trào lưu chưa hề hạ nhiệt. Khó có thể dự đoán bao giờ trào lưu này rơi vào vòng suy thoái. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chắc chắn chúng ta sẽ có thêm nhiều ấn bản sách đẹp. Có điều những ấn bản đấy có thật sự đáp ứng đủ tiêu chí về một bản đặc biệt hay không, lại phải đợi hạ hồi phân giải.