Nghe giống như tra tấn ấy nhỉ? Bạn đang làm đúng rồi đấy.
Đây không phải là chuyện tìm ra niềm vui trong việc đọc một cuốn sách dở, giống như việc tìm ra điểm cuốn hút của một nhân vật phản diện. Đây là chuyện đọc một cuốn sách khiến bạn cảm thấy như mình bị xúc phạm, và ngấu nghiến nó cho đến dòng chữ cuối cùng.
Vào thời đại ngày nay, tùy thuộc vào thế giới quan riêng mà mỗi người sẽ tự đóng khung mình trong những nguồn thông tin nhất định - họ lựa chọn cho mình những người để theo dõi trên Twitter, những buổi tiệc đêm huyên náo, chương trình radio AM hay NPR yêu thích - nên chuyện hầu hết chúng ta có xu hướng đọc những cuốn sách hợp gu với mình cũng chẳng còn là điều gì lạ lẫm. Đọc là một thú vui tốn không ít thời gian. Vậy vì lý do gì mà bạn phải đọc thứ mà mình không thích?
Song, việc đọc thứ bạn ghét sẽ giúp bạn định hình lại những điều quan trọng với mình, dù đó là văn phong, cốt truyện hay một góc nhìn. Bởi lẽ sách hàm chứa một lượng nội dung lớn, vì vậy chúng đòi hỏi nhiều công sức hơn ở cả tác giả lẫn độc giả so với một talk show hay một đường link Facebook. Bạn có thể xem xong một bộ phim trong vòng hai tiếng rồi quên luôn nhưng với một cuốn tiểu thuyết thì khác. Bám lấy 300 trang sách có nghĩa là chìm đắm trong thế giới của một người khác và thực hiện một chuyến phiêu lưu trong thế giới ấy. Đó là lý do vì sao những cuốn sách bạn ghét lại có một sức hấp dẫn khó có thể chối từ đến vậy. Thay vì quẳng cuốn sách sang một bên, hãy lật sang trang kế tiếp và vật lộn với những ý tưởng trong đó.
Lần đầu tôi được nếm mùi phải đọc cuốn sách mình ghét là “Suối Nguồn” (The Fountainhead), tài liệu đọc thêm của một lớp đại học về kiến trúc thế kỷ 20. Tôi đã mở cuốn sách ra trong sự mù mờ tuyệt đối. Tôi không hay biết gì về Ayn Rand hay chủ nghĩa khách quan. Tôi cứ ngỡ đó là một cuốn sách về xây dựng. Tôi thậm chí còn khoe nó với một anh bạn người Pháp, một kiến trúc sư và là một tín đồ trung thành của chủ nghĩa xã hội, tưởng rằng anh sẽ thấy ấn tượng lắm.
“Sao cô có thể mang thứ đó vào nhà cơ chứ?”, anh hỏi với giọng điệu đầy kinh tởm. “Nhưng nó viết về kiến trúc mà,” tôi trả lời trong yếu ớt. Có thật vậy không? Sau vài trang, tôi nhận ra mình đang bị bạo ngược bởi tên nhân vật chính tôn thờ cái tôi, Howard Roark, một kẻ chán ngắt lúc nào cũng giảng đạo và vung nắm đấm vào đất. Nhân vật nữ chính, Dominique, người dĩ nhiên chỉ đứng sau Roark thần thánh, thì lúc nào cũng lướt từ căn phòng này đến căn phòng khác trong những chiếc đầm tuôn dài như những cây cột.
Nhưng tôi vẫn ngoan cố. Một trăm trang tiếp theo, tôi thấy mình giống anh bạn người Pháp theo chủ nghĩa xã hội hơn bao giờ hết. Tôi hoàn thành mỗi trang sách của Suối Nguồn trong trạng thái cảm xúc luân chuyển từ phẫn nộ cho đến tuyệt vọng. Và khi đọc xong, tôi cố gắng xóa bỏ bóng hình lê thê bước của cô ả Dominique khỏi tâm trí mình. Những gì còn sót lại chính là niềm tin cố hữu rằng tôi không phải và sẽ không bao giờ là một người thuộc về chủ nghĩa tự do cá nhân.
Thời còn vô tư và hồn nhiên, tôi chỉ đơn thuần gói ghém tất cả mọi thứ trong quá trình đọc vào đầu rồi mới bước vào giai đoạn chắt lọc sau khi đã hoàn thành cuốn sách, dù có thích nó hay không. Nhưng chỉ khi đắm mình vào những cuốn sách mình ghét, những cuốn sách khơi dậy cảm xúc tức giận và ức chế, tôi mới thực sự học được cách đọc đúng nghĩa. Trạng thái phòng thủ sẽ giúp bạn trở thành một người đọc sắc sảo và và biết hoài nghi hơn - bạn trở thành một nhà phê bình. Việc tranh luận với tác giả trong đầu thúc ép bạn phải tìm ra bằng chứng để phản biện. Bạn sẽ nhận thấy mình đang đọc những dòng chữ tiếp theo với sự kiên định, bạn sẽ phải thu gom chứng cứ, đấu tranh chống lại cuốn sách đang nằm trên tay mình. Và bạn nhận ra rằng bản thân đang xây dựng cho mình một chính kiến.
Như các nhà tranh luận đã biết, đôi khi chỉ nhờ vào những thứ bạn ghét, bạn mới biết mình là ai. Để làm được điều đó, cá nhân tôi chỉ cần đọc một cuốn sách của Howard Zinn hay Paul Johnson. Mỗi cuốn đều đáng ghét theo cách rất riêng của nó. Nhờ vào chúng mà tôi có thể khẳng định lại cách hiểu của mình về lịch sử. Đó là lý do tại sao việc đọc thứ mình ghét lại khiến bạn cảm thấy tràn đầy sinh lực. Việc chủ động giữ vững những giả thuyết và bảo vệ lập trường của mình đến cùng giúp bạn vạch ra mục đích cụ thể của việc đọc. Rồi bạn sẽ biết mình đang đứng ở đâu, dù đó có là một vị trí biệt lập đi chăng nữa.
Tôi ghét cái cách mà mình đọc sách, nghĩ rằng: “Ta sẽ đọc ngươi dù ngươi có khó nuốt ra sao”. Nhưng khi tiếp tục đọc, tôi thường nhận ra rằng sự thù ghét còn pha trộn với những trạng thái cảm xúc khác - sự sợ hãi, sức hấp dẫn đầy sai trái, hay thậm chí là những tư tưởng cảm thông vô cùng phức tạp. Đây cũng là một phần lý do khiến những bài phê bình sách tiêu cực lại trở nên cuốn hút đến lạ kỳ.
Một trong những bài phê bình gay gắt nhất mà tôi từng viết là cho một tờ báo với tư cách là một người làm việc tự do. Đó là một cuốn sách về giáo dục con cái. Tôi cũng muốn thích cuốn sách lắm chứ. Tôi đồng tình với phần lớn nội dung cuốn sách. Nhưng các tác giả lại quá nhẹ dạ cả tin trước một nghiên cứu nọ nhằm củng cố cho luận điểm của họ. Như tôi đã viết trong bài phê bình, “sự ưu ái các tác giả dành cho việc mô tả các công trình nghiên cứu tâm lý và dự án khác giống như thể đó là những thí nghiệm hóa học vậy, các cụm từ như “phép thử phân tích khoa học” và “mặt khoa học của mối quan hệ với người đồng trang lứa” làm tôi nhớ đến hình ảnh ca sĩ Thomas Dolby không ngừng thuyết phục mọi người với câu hát ‘Science!’ (Khoa học!).”
Cách dùng từ đó là một sự thao túng. Tôi không chỉ cảm thấy bị phản bội với tư cách một cá nhân, mà còn với tư cách là đại diện cho các độc giả không có nền tảng về việc phân tích dữ liệu. Những người mới làm cha mẹ là một mảnh đất màu mỡ - tôi hiểu điều đó vì chính tôi cũng từng đi qua giai đoạn như vậy.
Một cuốn sách có thể khơi dậy cảm xúc thù ghét thật ra lại khá là thú vị và hữu ích. Nó có thể cho bạn biết nhiều hơn về một chủ đề bạn nghĩ mình đã biết hay thậm chí là chính bản thân bạn, với tư cách một người đọc. Đôi khi, điều đó còn có thể thách thức bạn thay đổi chính cách nghĩ của mình.
Tất nhiên, có nhiều cuốn sách tệ đến mức việc đọc nó chỉ làm rõ thêm điều đó mà thôi. Tôi có thể ngay lập tức chỉ ra cho bạn biết vì sao tôi lại ghét cuốn Flashman của George MacDonald Fraser, dù đã đọc nó gần 15 năm trước. Flashman là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng. Ngay từ đầu tôi đã có dự cảm không lành khi chọn đọc cuốn sách này nhờ vào gợi ý của một người bạn trai mới vào thời điểm đó. Dù vì lý do gì đi chăng nữa, khi nhắc đến tiểu thuyết nổi tiếng hay thịnh hành, tôi không bao giờ trôi theo dòng chảy của xu hướng đó. Được yêu thích tương tự Wodehouse nhưng ở một phạm vi hẹp hơn, Flashman, xuất bản năm 1969, là tập đầu tiên của một chuỗi tiểu thuyết dài tập với những tiêu đề nghe như cú tát vào mặt (ví dụ: Flashman and the Redskins (Tạm dịch: Flashman và những gã Da Đỏ), Flashman’s Lady (Tạm dịch: Người tình của Flashman). Bìa cuốn sách Flashman, Volume I (Tạm dịch: Flashman, Tập 1) là hình ảnh một gã đàn ông vênh váo đang mặc đồng phục bên cạnh một cô gái người ngoại quốc với bộ ngực trần. Đôi khi bạn lại có thể đánh giá một cuốn sách qua bìa của nó đấy.
Nhưng bất chấp mọi thứ, tôi vẫn đọc cuốn sách đó. Qua những trang sách, tôi đã gặp được nhân vật chính, Harry Paget Flashman, kẻ ngao du khắp Vương Quốc Anh, đặt chân đến nhiều nơi từ Scotland, Ấn Độ cho đến Afghanistan. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của những nhân vật không mấy nổi bật trong lịch sử nước Anh - Lãnh chúa của Auckland, một chính khách ở Ấn Độ; Thomas Arnold, hiệu trưởng trường Rugby; và một số nhân vật khác. Nhưng điều mệt mỏi nhất vẫn là Flashman, một kỵ binh ánh sáng và là gã sở khanh nát rượu, một kẻ từ bỏ cuộc chiến tay đôi để loạn lạc trong “cám dỗ”. Phần lớn thời gian hắn ta thường lui tới các khu mại dâm, nhưng hắn cũng rất thích việc cưỡng hiếp một cô gái nhảy đầm người Afghanistan. Tôi không có lý do gì để ghét một nhân vật phản diện đàng hoàng, nhưng tôi thậm chí còn chẳng thèm ghét tên này. Tôi chỉ muốn tránh xa hắn mà thôi. Thật ra, tôi cũng muốn tránh xa cả người bạn trai đã gợi ý cho tôi cuốn sách này nữa. Điều này hoá ra lại là một cơ hội hoàn hảo để gạn đục khơi trong.
Tuy nhiên, việc ghét đọc một thứ gì thực chất lại khiến các độc giả xích lại gần nhau hơn. Hiển nhiên cảm giác sẽ thật tuyệt nếu mọi người cùng thích cuốn sách bạn thích. Nhưng cảm giác còn phấn khích hơn rất nhiều khi có ai đó cũng ghét cuốn sách mà bạn ghét (xin chào những người anh em cùng ghét cuốn Pickwick Papers). Đây là lý do vì sao những nhà phê bình sách lại thích thể hiện sự đồng cảm. Những cuộc tranh luận sôi nổi nhất mà tôi từng tham gia cùng các độc giả khác là về việc một cuốn sách khiến chúng tôi thấy khó chịu và mệt mỏi đến nhường nào.
Vì vậy, hãy thử đi, hãy vật lộn với thứ bạn ghét. Hoặc hãy tự mình ghét điều đó trước, rồi bạn sẽ tìm thấy ở đâu đó cũng có người đã từng ném cuốn sách dở tệ đó vào tường giống như bạn. Nhưng hãy hoàn thành cuốn sách trước khi bạn có thể tìm thấy người đó nhé.
Trịnh Tố Uyên | Theo nytimes.com
Nguồn ảnh:
Ảnh thumb: Daleed Win Murray
Ảnh 1: Andrea De Santis
Ảnh 2: Minh họa cho Babelia, bởi El País và Diego Areso
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Học tập thông minh hơn với “Làm sao học ít hiểu nhiều?”