Để đọc sách trở thành niềm vui: Hãy đọc với tư duy cởi mở
Để đọc sách trở thành niềm vui: Hãy đọc với tư duy cởi mở
Đọc sách cũng như được trải nghiệm thần giao cách cảm, và sách hẳn là thứ quyền lực nhất từng được phát minh trên đời.
Homer, Shakespeare, Voltaire, Flaubert, Tolstoy, Woolf, Hemingway – đó đã trở thành những cái tên tồn tại mà không cần đến hình hài. Cho dù ta không thể trò chuyện với họ, không thể chạm vào họ, nhưng những tư tưởng và suy nghĩ của họ - qua những trang văn - đã trở nên bất tử. Logic của Aristotle, thiên văn học của Kepler, vật lý học của Newton, sinh học của Darwin, triết học của Wittgenstein – thảy những điều ấy cũng giống như những yếu tố văn hóa truyền miệng, những câu chuyện không rõ người khởi xướng. Họ đã không còn tiếp tục đấu tranh cho những ý tưởng của mình, nhưng đến bây giờ, ta vẫn còn nhắc về họ.
 

Nếu như không có sách, con người sẽ chẳng bao giờ vượt qua được giới hạn của không gian và thời gian. Mỗi thế hệ mới sẽ buộc phải tự học lấy mọi thứ từ đầu, thay vì tiếp tục thừa hưởng những nền móng của quá khứ. Sự tích lũy kiến thức cũng sẽ nhanh chóng trở nên nhạt nhòa, như một đường tiệm cận mãi không thể chạm tới vạch đích của mình.

Mọi thứ chúng ta học được đều đến từ việc đọc

Mọi thứ chúng ta có được hiện tại, suy cho cùng, là nhờ có công rất lớn của chữ viết. Mọi thứ chúng ta học được đều đến từ việc đọc. Một trong những cách hiệu quả nhất để học là đắm mình vào những tri thức từ quá khứ. Thay vì bỏ ra rất nhiều thời gian băn khoăn xem tâm trí hoạt động thế nào, bạn chỉ cần tìm thông tin từ một người đã biết sẵn điều đó. Thay vì tự suy luận quy luật của tự nhiên, bạn đơn giản chỉ cần tìm một công trình nghiên cứu về nó và đọc.

Hơn thế nữa, đọc là niềm vui. Việc đọc giống như ngọn đèn hải đăng cho cảm hứng, như một nguồn nối kết cảm xúc. Những gì ta lựa chọn, những gì ta tiêu thụ chính là những thứ hình thành nên ta. Và cũng như thế, những thứ mà ta đọc sẽ định hình cách mà chúng ta nhìn thế giới.

Đọc không chỉ là để những con chữ lướt qua trí não. Nó còn là vấn đề tư duy. Cách mà bạn đọc sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến việc bạn tiếp thu được gì, đồng nghĩa với việc nó sẽ khoanh vùng những chủ đề bạn quan tâm và cách bạn trưởng thành qua từng cuốn sách.

Thật không may, điều này lại thường bị lờ đi.

Việc đọc giống như ngọn đèn hải đăng cho cảm hứng, như một nguồn nối kết cảm xúc

 

 

Có phải đọc sách chỉ để xác định đúng sai?

 

 

Phần lớn chúng ta học đọc ở trường, và khi đó, chúng ta thường đọc với một trong hai mục đích: để ghi nhớ hoặc để đánh giá – cả hai đều nhằm mục đích lựa chọn giữa đúng hoặc sai. Khi chúng ta ghi nhớ một bài viết từ giáo trình, mục tiêu của chúng ta là để đạt điểm cao trong bài kiểm tra. Kể cả khi ta không nhớ chính xác từng chữ một, cái đích của chúng ta là hiểu bài và ghi nhớ đủ nhiều để có thể làm một bài viết luận. Ngoài điều này ra, những thứ khác không có gì quan trọng cả.

 

Tương tự thế, khi ta đánh giá một thứ gì đó, chẳng hạn như một đoạn văn hoặc một quyết định lịch sử, mục tiêu của chúng ta là xây dựng lên được sự tương phản giữa cái sai và cái đúng. Thêm nữa, ta phải đảm bảo rằng mọi thứ chúng ta đọc phải khớp với một cái khung đã được xây dựng sẵn, như thế thì luận điểm của chúng ta mới chắc chắn.

Điều này có tác dụng tốt trong trường học. Nó cũng dạy ta được đôi điều - theo một cách nào đó - nhưng không may là, nếu trong đời thật mà ta cũng đọc như vậy thì trí não sẽ không tiếp thu được mấy tri thức. Tôi biết những người đã từng đọc theo cách như vậy, thậm chí yêu thích nó, nhưng rồi nhận ra mình không thể nhớ hết được những gì mình đã đọc. Họ chỉ đang phí phạm thời gian, do đó mất đi hứng thú tiếp tục đọc sách.

Tôi cũng biết những người – kiểu người này có rất nhiều trên internet – họ đọc mọi thứ bằng một con mắt chỉ trích. Họ soi từng lỗi nhỏ mà không để ý đến ý tưởng chung của toàn bài. Họ từ chối tiếp thu bất cứ thứ gì không ăn nhập với thế giới quan của họ, và họ quên không chú ý đến những thứ sâu xa hơn là ranh giới trắng – đen.

Việc đọc là để xây dựng góc nhìn

Bất cứ khi nào bạn đọc với suy nghĩ tìm ra cái đúng và cái sai, bạn đang tự giới hạn những gì mình có thể học hỏi được từ tác phẩm ấy. Bạn đang ép suy nghĩ của mình, vốn có thể đi theo rất nhiều hướng, thành chỉ còn hai hướng mà thôi. Một trong những điều mà những người đọc nhiều hiểu rất rõ, đó là nếu bạn chỉ đọc những cuốn sách mà bạn đồng ý 100% hoặc chỉ đọc những gì mà bạn thấy mình cần thuộc lòng, bạn sẽ sớm hết sách để đọc. Việc đọc không phải là để ý đến từng tiểu tiết, nó là việc xây dựng nên góc nhìn.

 

 

Niềm vui thực sự của việc đọc

 

 

Thế thì, góc nhìn ở đâu? Nếu chúng ta không thể nhớ hết những gì chúng ta đọc, không đọc bằng một con mắt phê phán thì giá trị của việc đọc nằm ở đâu? Để trả lời câu hỏi này, ta phải làm rõ xem tại sao con người lại đọc sách. Câu trả lời đến khá dễ dàng: ta đọc để hiểu.

 

Bạn có thể đọc một vở hài kịch hiện đại hay một cuốn văn học Nga cổ điển. Bạn có thể nghiên cứu một tuyển tập tâm lí học hiện đại, hoặc một cuốn sổ tay của một hoàng đế La Mã cổ. Bất kể bạn có đọc gì, thì bạn cũng đang đặt mình vào một thực tại khác để hiểu được những con chữ đó đang truyền tải điều gì.

Trong trường hợp này, “bộ lọc” duy nhất mà bạn cần có là phân biệt giữa điều gì cần thiết và điều gì không, điều gì quan trọng và điều gì không. Nếu dùng “bộ lọc” sai – đúng, bạn sẽ tự giới hạn những gì bạn muốn hiểu. Ai dám khẳng định rằng, sự phân định sai – đúng của bạn bây giờ chỉ là quan điểm nhất thời và đến một ngày bạn sẽ thay đổi suy nghĩ của mình?

Ta đọc là để ngấm và nhìn mọi thứ với một tư duy cởi mở

Bất cứ khi nào tôi đọc lại một cuốn sách mà đã từng quan trọng với tôi trong quá khứ, tôi luôn học được những điều mới mẻ. Hầu hết các cuốn sách đều chứa đựng nhiều hơn một tư tưởng, và chúng truyền tải những thông điệp khác nhau trong những bối cảnh khác nhau. Tôi có thể kể ra rất nhiều lần, tôi ngạo nghễ bỏ qua những thứ mà tôi nghĩ mình đã biết, những điều tôi không hiểu hay những thứ mà tôi đánh giá bằng một tư duy quá non nớt – khi nhìn từ góc độ đúng và sai - chỉ để học được rằng với một tư duy sắc bén và sâu rộng thì mới có thể nhận ra được tri thức ẩn giấu.

Có một câu hỏi hay hơn: Điều gì mới là đúng? Nếu đó là điều tôi không tin hoặc không cho là sự thật, tại sao người khác lại tin vào nó?

Mục đích của việc đọc không phải là để ghi nhớ, và chắc chắn cũng không phải để đánh giá. Ta đọc là để ngấm và nhìn mọi thứ với một tư duy mở, để tìm được điều đúng đắn vào đúng thời điểm. Như thế ta sẽ cải thiện được chính mình trong thời điểm đó thay vì đóng khung một cách cứng nhắc những gì mình đang đọc.

Điểm hay của cách tư duy này là, bạn không cần đến bất kì một “bộ lọc” nào cả. Bạn chỉ cần hiểu rằng, cũng chẳng sao nếu bạn không đồng ý với một quan điểm nào đó, và việc bạn bỏ qua những gì bạn không hiểu cũng vậy. Từ đó, bộ não bạn sẽ tự động lọc những điều gì cần thiết và điều gì không. Cách đọc này sẽ thay đổi bạn theo một cách mà việc đọc để ghi nhớ không thể làm được.

Với tư duy đọc mở, ta sẽ cải thiện được chính mình

 

 

Những gì ta nhận được

 

 

Đọc không chỉ là một sở thích thú vị. Nếu đọc đúng cách, nó sẽ có tác dụng vô cùng lớn. Việc đọc không chỉ dạy bạn sống thế nào và làm ra sao, nó còn dạy bạn cách nhìn nhận sự việc. Bằng cách nhìn vào tâm trí của những nhà tư tưởng và những người kể chuyện vĩ đại, ta sẽ bước vào một thế giới khác mà ta chưa từng biết tới. Kết thúc một cuốn sách, ta sẽ có một góc nhìn khác, và ta có thể dùng góc nhìn mới mẻ đó để tạo nên một thế giới tốt hơn, nếu đó là điều ta lựa chọn.
 

Một cuốn sách không thể tự mình làm điều đó được, nó còn phụ thuộc vào chúng ta nữa. Chúng ta phải có một tư duy đọc đúng đắn từ ban đầu, và phải sẵn sàng thay đổi tư duy, tiếp nhận những kiến thức mới.

Nếu muốn thay đổi, bạn phải sẵn sàng để được thay đổi

Đọc không phải là để đặt mọi thứ vào hai phía đúng – sai. Nếu cứ tiếp cận một cuốn sách với tư tưởng như vậy, bạn đang tự hạn chế tính đa dạng trong suy nghĩ và khả năng ghi nhớ của mình. Mỗi từ, mỗi câu, mỗi đoạn văn của một tác phẩm tuyệt vời đều có thể dạy bạn một điều gì đó.

Điều đó không có nghĩa là bạn không nên khó tính trong việc lựa chọn sách, hay là bạn không thể bỏ dở một cuốn sách không phù hợp với mình. Nó có nghĩa là nếu bạn muốn thay đổi, bạn phải sẵn sàng để được thay đổi. Nếu bạn đến với một cuốn sách với một tư duy mở thì đến cuối cuốn sách, bạn sẽ học được một điều gì đó. Nếu bạn tìm kiếm những gì bạn cần và bạn muốn hiểu, bạn sẽ tìm thấy chúng, và đó sẽ là lúc bạn thực sự tận hưởng niềm vui trong từng con chữ.

Hoặc như George R.R. Martin đã viết trong Điệu nhảy với Rồng (A Dance with Dragons):

 

Jojen nói rằng một người đọc sách sống cả ngàn cuộc đời trước khi chết. Còn một người không đọc chỉ sống một cuộc đời thôi.

 Lan Anh

Trạm Đọc

  Theo Medium

Tags: