Luyện đọc nhanh: Tìm hiểu về luyện đọc nhanh (Phần 1)
Luyện đọc nhanh: Tìm hiểu về luyện đọc nhanh (Phần 1)
Bạn rất muốn đọc nhanh, vì nhiều lý do. Để hoàn thành hết khối lượng tài liệu khổng lồ đang chất thành núi. Để có nhiều thời gian hơn dành cho công việc khác. Và còn rất nhiều lý do khác nữa. Thế nhưng, đã bao giờ bạn tìm hiểu đọc nhanh là gì chưa?

I. Luyện đọc nhanh là gì?

1. Hiểu đúng về đọc nhanh

Bạn có nhớ lần cuối cùng mình được dạy về đọc là khi nào không? Lớp 1, lớp 2 hay đến hết tiểu học? Dù câu trả lời là hết tiểu học đi chăng nữa, đó vẫn là tin đáng buồn cho bạn. Những kỹ năng bạn đang có ngang bằng với một cậu bé tiểu học, cộng thêm khoảng hơn chục năm gọi là “thâm niên” trong việc đọc. Đó cũng là lý do vì sao bạn không hiểu đúng về đọc nhanh và không có được kỹ năng đọc nhanh đúng đắn.

Đọc nhanh là nhìn

Điều đầu tiên và quan trọng nhất, đọc nhanh là nhìn. Bước đầu tiên để đọc bất cứ điều gì chính là nhìn thấy các từ. Nhưng làm thế nào để bạn nhìn thấy các từ trên trang giấy khi đọc?

Đây là những điểm quan trọng bạn cần biết về đọc nhanh:

- Bạn đọc được vài từ mỗi lần lướt mắt. Trừ trường hợp bạn gặp phải những từ quá khó, chưa biết hoặc chưa từng gặp, với các từ quen thuộc bạn không đọc một từ một lần.

- Bạn có thể mở rộng tầm nhìn để đọc và hiểu nhiều từ mỗi lần lướt mắt. Người đọc nhanh tốt có thể đọc và xử lý 10-14 từ mỗi lần định vị mắt.

- Bạn có thể mở rộng tầm nhìn theo chiều ngang cũng như chiều dọc của trang giấy. Người đọc nhanh có thể đọc và hiểu nhiều từ trên hai hoặc ba dòng khác nhau trong mỗi lần lướt mắt.

Đọc nhanh là đọc thầm

Khi đọc, bạn thường nghe thấy tiếng thì thầm bên trong tâm trí, tưởng như của người khác chứ không phải của bạn. Đơn giản bởi bạn chẳng bao giờ đọc một mình. Chính các từ đang “nói chuyện” với bạn đấy!

Khi đọc, bạn đọc các từ cho mình nghe vì ở trường bạn vẫn được dạy đọc bằng phương pháp phát âm. Mỗi chữ cái có một âm thanh, thế nên khi đọc mỗi từ bạn đều có xu hướng kết hợp với một âm thanh.

Nhưng đọc ra âm thanh của các từ chỉ là kỹ năng cần thiết cho người bắt đầu học đọc. Nếu bạn đọc bằng cách phát âm, tốc độ đọc sẽ bị giảm, chỉ còn bằng với tốc độ bạn nói chuyện mà thôi. Đây là những điều bạn cần phải nhớ:

- Đọc phát ra âm thanh là kiểu đọc bạn được dạy khi mới bắt đầu đọc, bạn cần phải từ bỏ nó nếu muốn trở thành người đọc nhanh.

- Tự luyện tập để không phát ra âm thanh khi đọc là một trong những kỹ năng đọc nhanh quan trọng nhất mà bạn đạt được.

Đọc nhanh là giải mã các từ

Mục đích của việc đọc là để tìm hiểu một điều mới, tiếp cận cuộc sống từ một góc nhìn khác hoặc để có được kiến thức vượt qua kỳ thi hay thảo luận trong một cuộc họp… Bạn đạt kết quả tốt nhất khi hiểu được những gì mình đã đọc. Điều này được xác định bởi các yếu tố:

- Tốc độ đọc: Nếu bạn không đọc đúng tốc độ, khả năng hiểu của bạn sẽ bị giảm sút. Một kỹ năng không kém phần quan trọng là bạn biết khi nào phải đọc chậm, khi nào cần tăng tốc độ. Những người đọc nhanh nhất thế giới có thể điều chỉnh tốc độ đọc của họ như những tay đua ôtô điêu luyện, họ sẽ chậm lại khi gặp đoạn đường trơn hoặc những khúc cua quanh co.

- Độ rộng của vốn từ: Có vốn từ rộng là yêu cầu bắt buộc cho những người đọc nhanh. Bạn không thể trốn tránh sự thật này.

- Mức độ quen thuộc của chủ đề: Nếu bạn hiểu sâu về đề tài bạn đang đọc, bạn sẽ nắm được nội dung tài liệu nhanh hơn. Hiển nhiên là bạn sẽ tiến lên rất nhanh nếu bạn đang đi dạo trên lãnh thổ bạn quen thuộc và hiểu những biệt ngữ ở đó.

Với quan điểm đọc nhanh là giải mã các từ, chúng tôi có vài lưu ý cho bạn về đọc nhanh:

- Đọc nhanh thực sự là tăng tốc độ giải mã. Khi đọc vài từ một lần, bạn có thể hiểu nội dung của từ dựa vào ngữ cảnh. Ngữ cảnh giúp bạn cải thiện khả năng hiểu các từ bởi vì từ đặt trong câu nhất định mang ý nghĩa khác so với khi nó đứng một mình.

- Tốc độ đọc có hiệu ứng bóng tuyết từ độ rộng của vốn từ và vốn hiểu biết chung của bạn. Càng có vốn từ phong phú và vốn hiểu biết rộng, bạn càng dễ dàng gia tăng tốc độ đọc. Chúng cũng có vai trò khuyến khích bạn đọc nhiều hơn để mở rộng vốn từ và vốn kiến thức hiện tại.

- Bạn có thể cải thiện khả năng hiểu của mình bằng cách áp dụng những chiến lược cụ thể. Ví dụ, bạn có thể luyện tập xác định phần quan trọng nhất của một tài liệu để chú tâm đọc nó hơn.

Đọc nhanh là tập trung cao

Dù đọc nhanh hay đọc thông thường, bạn cũng luôn cần sự tập trung. Bởi khi đọc bạn phải làm nhiều việc một lúc. Bạn phải suy nghĩ cùng với tác giả, hiểu điều tác giả muốn nói, phản biện lại tác giả và chọn tốc độ đọc khác nhau cho phù hợp. Đọc nhanh cũng đòi hỏi bạn đọc với tất cả sự nhiệt tình. Bạn hãy đọc như thể người đói đang nuốt lấy từng thông tin trong tài liệu vậy.

2. Giải mã những quan điểm không đúng về đọc nhanh

Dù đã hiểu về đọc nhanh nhưng chưa chắc những quan điểm sai về đọc nhanh thôi không lảng vảng trong đầu bạn nữa. Dưới đây là một số điều “hoang tưởng” về đọc nhanh bạn cần vứt bỏ:

- Bạn không đọc được nhiều khi tăng tốc độ đọc. Ngược lại đằng khác. Đọc nhanh chính là đọc hiệu quả như những gì đã được giải thích ở trên. Khi đọc nhanh, bạn sẽ đọc tốt hơn. Bạn sẽ thấy hứng khởi với những thông tin và kiến thức thu nhận được. Các giáo viên dạy đọc nhanh nhận xét rằng học viên của mình đều yêu thích việc đọc hơn sau khi họ học về đọc nhanh.

- Bạn không hiểu gì khi đọc nhanh. Đọc nhanh là đọc với mức độ tập trung cao. Hơn nữa, bằng cách đọc vài từ mỗi lần thay vì đọc tuần tự từng từ một, khả năng hiểu của bạn sẽ tăng lên. Bạn có thể đọc nhiều từ trong một văn cảnh và hiểu ý nghĩa của chúng nhiều hơn so với đọc rời rạc. Bạn có thể tự kiểm nghiệm điều này.

- Bạn bỏ mất từ khi đọc nhanh. Lại là một sai lầm. Người đọc nhanh quét mắt qua tất cả các từ họ đọc nhưng không có nghĩa là bỏ qua chúng. Đọc nhanh đòi hỏi bạn phải đọc từng cụm hoặc từng nhóm. Bạn đọc nhiều hơn một từ mỗi lần đọc nhưng không từ nào được bỏ qua (Bạn sẽ hiểu hơn về cách đọc này ở chương 3.

- Ngón tay của bạn phải chạy theo chiều trang giấy hoặc bạn cần công cụ để đọc nhanh hơn. Công cụ hỗ trợ chỉ là vật định hướng trực quan như ngón tay hay bút để đánh dấu vị trí đọc của bạn trên trang giấy. Rất nhiều người tưởng tượng ra một người đọc nhanh cứ liến thoắng kéo bàn tay hay công cụ hỗ trợ của mình theo trang giấy mình đọc. Thực ra, chúng chỉ hữu ích khi bạn mới bắt đầu luyện đọc nhanh, còn người đọc nhanh khôn ngoan sẽ bỏ nó ngay khi đã quen với việc đọc.

Chắc hẳn những mối nghi ngờ, lo lắng trong bạn về đọc nhanh đã được hóa giải phần nào. Kiên trì luyện tập theo những phương pháp trong cuốn sách này, bạn sẽ tự mình khám phá thêm được nhiều điều thú vị hơn nữa về đọc nhanh.

3. Đọc nhanh là công cụ hữu ích cho bạn

Ưu điểm lớn nhất của đọc nhanh là ở tốc độ đọc mà chất lượng thông tin thu nhận được không kém gì, thậm chí còn tốt hơn cách đọc thông thường.

Ví dụ thực tế

Giáo sư Bruce Stewart, người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, đào tạo kỹ năng đọc nhanh đã đưa ra con số khiến nhiều người phải giật mình: cứ 9 tháng, tổng số lượng kiến thức nhân loại lại tăng gấp đôi. Với thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, nếu không cải thiện kỹ năng đọc hiểu và xử lý thông tin cho phù hợp, chúng ta sẽ bị nhấn chìm trong bể thông tin đó. Đọc nhanh là chiếc phao hữu ích giúp bạn vượt qua được mối nguy hại đó.

Bạn vừa nhận được tin không vui rằng kỹ năng đọc của mình chỉ dừng lại ở bậc tiểu học và chẳng ai dạy bạn cải thiện nó cả. Nhưng tin tốt cho bạn là bạn có thể dễ dàng tăng tốc độ đọc của mình lên ít nhất 2 đến 3 lần, nhờ sự tập trung và áp dụng một số kỹ thuật đơn giản. Bạn vẫn có thể đọc hiểu tốt hơn và lưu giữ chúng lại trong trí nhớ lâu hơn và quan trọng là bạn có thể nhận được niềm vui và ý nghĩa từ chính những cuốn sách, bài viết hay các trang điện tử bạn đọc.

Thử làm một phép tính đơn giản bạn sẽ thấy rằng chỉ cần tăng tốc độ đọc thêm 200 đến 300 từ một phút bạn sẽ “tiết kiệm” được 50% thời gian đọc. Đó quả là một khoản tiết kiệm không nhỏ dành cho cuộc sống của bạn.

II. Bạn hoàn toàn có thể đọc nhanh

1. Loại bỏ thói quen xấu cản trở việc đọc nhanh

Bạn đọc sách theo thói quen mà không để ý xem cách đọc đó đúng hay sai. Bạn khao khát cải thiện tốc độ đọc của mình nhưng vẫn duy trì những thói quen cũ. Sự tiếc nuối hay ngại thay đổi sẽ không giúp bạn làm nên chuyện. Hãy nhìn thẳng vào cách đọc hiện nay của bạn và dũng cảm xóa bỏ nếu chúng đã lỗi thời.

Có rất nhiều thói quen xấu bạn từng chung sống: Đọc thành tiếng, đọc từng từ một, đọc quay lại, coi mọi phần của cuốn sách là như nhau... Hai thói quen đọc thành tiếng và coi mọi phần của cuốn sách như nhau được xem là “bệnh nan y” làm hao hụt nhiều nhất tốc độ đọc của bạn và cũng là nguyên nhân chính dẫn tới các thói xấu còn lại.

Đọc thành tiếng

Đọc thành tiếng làm giảm đáng kể tốc độ đọc của bạn. Nếu bạn muốn đọc siêu tốc, bạn nhất định phải từ bỏ thói quen này.

Hãy thử đọc thầm đoạn đồng dao dưới đây:

Ai làm gì đó?

Khù khà khù khò,

Ai làm gì đó?

A! Là chú chó,

Ðang ngủ khò khò.

Cút ca cút kít,

Ai làm gì đó?

A! Là chuột chít,

Dùng răng cắn gỗ.

Hí hí ha ha,

Ai làm gì đó?

A! Ra là bé,

Ðang cười rất to!

Khi đọc thầm đoạn đồng dao này, hãy chú ý xem mình có nghe thấy các từ không. Bạn có nghe thấy các từ trong đoạn đồng dao trên không? Nếu bạn trả lời không, tôi đoán bạn chưa trả lời trung thực đâu. Kể cả những người đọc nhanh nhất cũng đôi lúc đọc lên thành tiếng. Điều quan trọng là bạn phải hạn chế tối đa việc đọc thành tiếng. Nó làm giảm tốc độ đọc của bạn vì nhữnǵ lý do sau:

Ghi chú:

- Đọc thành tiếng làm giảm tốc độ đọc. Trung bình một người thường nói khoảng 150-200 từ một phút. Nếu bạn đọc thành tiếng tất cả các từ, tốc độ đọc của bạn không thể vượt quá mức này. Trong khi đó, những người đọc tốt có thể đọc từ 200 đến 400 từ một phút, còn những người đọc nhanh lại có thể đọc trên 400 từ một phút.

- Đọc thành tiếng ảnh hưởng việc hiểu nghĩa. Nếu bạn mấp máy môi để phát âm thành tiếng, hiển nhiên bạn đã san sẻ một phần tâm trí mình để nói, mà lẽ ra phần tâm trí này phải được dùng để hiểu nhanh ý của tác giả.

- Đọc thành tiếng cản trở bạn hiểu nội dung qua ngữ cảnh. Cùng phân tích ví dụ:

Tongle Xrepok là tên tiếng Campuchia của sông Srêpôk – dòng sông lớn nhất trong hệ thống sông ngòi ở Đắk Lắk, một phụ lưu quan trọng của sông Mekong.

Nếu bạn đọc thành tiếng câu trên, bạn sẽ phải dừng lại khi đọc ngay từ đầu tiên và chậm hiểu nghĩa của chúng. Khi không đọc lên thành tiếng, bạn có thể đọc cả câu ngay trong một, hai lần lướt mắt và hiểu ngay từ Tongle Xrepok nghĩa là gì.

- Đọc thành tiếng khiến bạn phải đọc lùi lại. Bạn phải quay lại đọc khi không rõ mình đang đọc gì. Bạn phải quay lại các từ, câu trước để tìm lại nội dung. Đó là bởi vì khi đọc thành tiếng, mắt bạn hoạt động nhanh hơn miệng, khi miệng đang đọc phần này thì mắt đã nhìn sang phần khác. Sự không ăn khớp giữa các hoạt động của mắt và miệng khiến bạn rơi vào tình trạng khó hiểu và muốn đọc lại cho chắc chắn.

Loại bỏ ngay thói quen này không phải là điều dễ dàng. Để thoát khỏi điều này, bạn có thể áp dụng một số gợi ý sau:

- Giao “nhiệm vụ” khác cho miệng của bạn. Bạn có thể nhai kẹo cao su hoặc đặt bút chì làm dấu để kiểm soát môi khi đọc. Chắc chắn bạn sẽ gặp rắc rối với những lần thử đầu tiên nhưng hãy cố gắng làm bạn với nó. Đã rất nhiều người đọc cơ học thành công với cách này.

- Thử cảm nhận các từ thay vì hiểu chúng. Tưởng tượng mỗi từ là một biểu tượng (không phải âm thanh) truyền tải một ý nghĩa.

- Tắt đôi tai. Giả định đôi tai của bạn là thiết bị có thể điều khiển âm lượng, hãy chuyển nó sang chế độ tắt tiếng.

- Mở rộng tầm nhìn. Bằng cách thu nhận nhiều từ mỗi dòng, bạn buộc phải đọc nhiều từ một lúc và sẽ làm bạn không còn tạo ra được âm thanh nữa.

- Xác định các đơn vị ý nghĩa trong câu. Điều này sẽ giảm thiểu việc bạn đọc và phát âm từng từ.

- Tập trung cao độ. Những người đọc nhanh thành công có sự tập trung cao hơn bạn rất nhiều.

Coi mọi phần của cuốn sách là như nhau

Nếu bạn nghĩ phần nào của cuốn sách chẳng quan trọng thì chẳng có gì khó hiểu khi bạn nản lòng, uể oải trước một cuốn sách dày cộp. Nếu bạn đọc mọi phần của một cuốn sách với tốc độ như nhau, với lượng chú ý bằng nhau thì bạn đang mắc phải sai lầm nghiêm trọng đấy.

Bạn đừng ảo tưởng rằng nội dung quan trọng của một cuốn sách trải đều từ trang đầu đến trang cuối. Để nhanh nắm được ý chính của cuốn sách, có hai phần chúng ta nên tập trung đọc, đó là phần mở đầu và phần kết thúc. Ở hai phần này, tác giả giới thiệu hoặc đúc kết lại các nội dung chính được trình bày trong cuốn sách. Vậy tại sao ta không tận dụng điều này thay vì cặm cụi ngồi đọc triền miên?

Ngoài ra, khi đọc sách, ta nên dành chú ý cho một nội dung nào đó hơn. Sau khi lướt mắt qua phần mục lục, hãy nhanh chóng tìm cho mình phần nội dung cần thiết.

2. Những điều bạn cần biết để bắt đầu đọc nhanh

Cách xác định tốc độ đọc nhanh

Các chuyên gia sử dụng hai cách để kiểm tra tốc độ đọc. Cách thứ nhất là đo số lượng từ bạn đọc mỗi phút (gọi tắt là tmp – từ mỗi phút), cách thứ hai là tính chất lượng đọc hiểu trong sự tương quan với tốc độ đọc (gọi tắt là hqd – hiệu quả đọc). Cả hai cách xác định tốc độ này đều rất hữu ích. Đo số từ mỗi phút là cách thô sơ nhất để định mức bạn đọc nhanh tới đâu, còn cách kiểm tra hiệu quả đọc thì phản ánh trung thực khả năng nắm bắt nội dung tài liệu khi bạn đọc nhanh.

Cách đo tốc độ tmp không có gì khác với bài kiểm tra tốc độ đánh máy của bạn. Các chuyên gia sử dụng công thức tính dưới đây để cho ra kết quả tmp:

Số từ đã đọc ÷ số phút đọc = số từ mỗi phút

Ví dụ như bạn mất 2 phút 15 giây (2,25 phút) để đọc 700 từ thì bạn đã đọc với tốc độ 311 tmp:

700 ÷ 2,25 = 311

Người đọc trên trung bình đọc với tốc độ 360 - 500 tmp. Người đọc nhanh có thể đạt 500 - 800 tmp.

Sau khi tham gia một khóa luyện đọc nhanh, Tuấn Minh rất tự hào khoe rằng: “Mình đã đọc hết tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình chỉ trong 20 phút. Nó kể về nước Nga.” Theo cách tính hqd, Minh sẽ phải trả lời các câu hỏi xoay quanh cuốn tiểu thuyết này của Tolstoy sau khi cậu đọc nhanh để biết chính xác tốc độ đọc có tương ứng với hiệu quả đọc hay không, hay đọc nhanh mà không thu nhận được điều gì.

Chỉ số hqd sẽ đo lường độ hiểu thông tin trong một khoảng thời gian đọc. Cách tính này tỉ mỉ và triệt để hơn cách tính tmp bởi vì nó còn kiểm tra khả năng hiểu, thu nhận và ghi nhớ thông tin của bạn nữa. Các nhà khoa học sử dụng công thức dưới đây để tìm ra kết quả cho chỉ số hqd:

Chỉ số tmp x phần trăm đọc hiểu (chuyển sang số thập phân) = hqd

Ví dụ như bạn đọc 700 từ với tốc độ 350 tmp và trả lời đúng 80% những câu hỏi đọc hiểu, kết quả, chỉ số hqd của bạn là 280:

350 x 0,8 = 280

Một người đọc hiệu quả phải đạt ít nhất 80% câu trả lời đúng trong bài kiểm tra đọc hiểu này.

Những dụng cụ cần chuẩn bị

Ngoài việc chuẩn bị vị trí đọc đủ thoải mái và tập trung tinh thần (chúng tôi sẽ nói rõ hơn hai nội dung này trong chương 3), bạn cần có thêm một số dụng cụ nhằm hỗ trợ cho việc đọc được thuận lợi hơn.

Bạn cần một vật dẫn hướng – một người bạn đồng hành để tập trung hơn vào việc đọc. Đó có thể là tay bạn, một chiếc bút chì hoặc một mảnh giấy cứng để chỉ dẫn bạn vị trí cần đọc trên trang giấy. Tùy từng trường hợp và thói quen, bạn nên chọn sử dụng các vật dẫn hướng này sao cho thoải mái.

Khi đọc tới những thông tin quan trọng, bạn cần bút dạ quang để đánh dấu chúng lại. Quyết cũng có thói quen đánh dấu nhưng cậu lại không chuẩn bị trước cho mình một cây bút. Mỗi khi đến đoạn cần nhớ, cậu lại phải dừng lại, gấp sách và đi tìm bút. Đừng bao giờ để việc đọc bị gián đoạn bởi những việc như vậy. Hãy chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cần thiết trước khi bắt đầu đọc, bạn sẽ tiết kiệm được khoản thời gian đọc lại từ đầu để bắt nhịp với thông tin vừa bị gián đoạn. Mỗi phút giây trôi qua lãng phí như thế sẽ tạo cơ hội cho những tác nhân gây nhiễu làm phiền bạn.

Thời gian là đơn vị không thể thiếu để đo tốc độ đọc của bạn. Vì thế trong các bài luyện tập hoặc thử nghiệm, bạn rất cần một chiếc đồng hồ bấm giờ để kiểm soát chính xác thời gian đọc của mình. Nhưng lưu ý là bạn không nên nhìn vào đồng hồ khi luyện tập. Bạn sẽ bị phân tâm bởi sự nóng vội, cuống quýt dành bằng được điểm số cao nhất có thể.

3. Tốc độ đọc của bạn đang ở đâu?

Để sẵn sàng cho các phương thức luyện tập, bạn cần xác định vạch xuất phát của mình ở đâu. Hãy đọc như bạn chưa từng biết về đọc nhanh để không bị phân tán tư tưởng và cố gắng hết sức có thể.

Dẫn dắt làm bài Test 01

4. Chứng minh bạn có thể đọc nhanh

Dưới đây là bài kiểm tra tốc độ tiếp theo. Bạn sẽ thực hiện đọc hai lần văn bản Bức thư tổng thống Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng. Lần thứ nhất, đọc mà chưa vận dụng chút nào các kỹ năng đọc nhanh trình bày trong cuốn sách này. Lần thứ hai, sử dụng một số phương pháp đã được nhắc đến từ đầu cuốn sách để đọc một lần nữa. Cuối cùng, hãy so sánh hai lần đọc với nhau.

Lần đọc 1:

Lần đọc 2: (phần bài tập) Test 02

Và chắc chắn rằng với lần đọc thứ hai sẽ nhanh hơn lần thứ nhất, không phải vì bạn đã đọc qua một lần mà nhờ vào cách đọc tích cực, đọc không thành tiếng và đọc nhiều từ mỗi lần. Đó chính là bí quyết quan trọng của một người đọc nhanh bạn bắt đầu học được.

Trạm đọc | Ảnh sưu tầm

 

Tags: