Văn hóa đọc của người Nhật Bản
Văn hóa đọc ở Nhật được hình thành cách đây hơn 300 năm. Từ thời Genroku (1688-1704), nước Nhật đã có hệ thống xuất bản với lượng sách lên đến 10.000 cuốn một năm. Thời Minh Trị, những cuốn sách từ phương Tây được dịch lại và in ra hàng triệu bản để phổ biến đến người dân.
Ngày nay, mỗi năm Nhật Bản xuất bản 43.000 đầu sách. Mỗi năm trung bình một người dân Nhật Bản đọc hơn 10 cuốn sách. Đặc biệt, người Nhật có thói quen tranh thủ đọc sách ở mọi không gian chờ như: Đường phố, bến xe bus, trên tàu điện ngầm... Thói quen này đã hình thành văn hóa đọc đứng “Tachiyomi” độc đáo của người dân đất nước mặt trời mọc.
Trong xã hội công nghiệp hối hả cùng khối công việc lớn thì thời gian dành cho nghỉ ngơi không nhiều song người Nhật chọn sử dụng vốn thời gian ít ỏi đó cho việc đọc sách. Cảnh tượng trên những toa tàu khiến nhiều du khách nước ngoài phải trầm trồ là rất nhiều hành khách trên tàu đều im lặng đọc sách báo . Do đó, không sai khi nói rằng Nhật Bản là một trong những nước “mọt sách” nhất trên thế giới.
Bởi phải thường xuyên đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng và tranh thủ thời gian trống cho thói quen đọc sách, người Nhật đã phát minh ra những cuốn sách nhỏ gọn chỉ tương đương kích cỡ một gang bàn tay, có thể dễ dàng bỏ vào túi xách hay túi áo để mang theo bên người.
Tại một nước yêu sách như Nhật Bản, những cửa hàng bán sách hiện diện ở mọi nơi. Số lượng sách và tạp chí phát hành tại Nhật Bản vẫn gia tăng một cách đều đặn, trên 7% mỗi năm. Đây là con số đáng mơ ước đối với nhiều quốc gia.
Ngoài ra, các quầy sách cũ cũng không hề mai một. Tại thủ đô Tokyo còn có cả một quảng trường rộng ở khu phố Kanda dành riêng để dựng các quầy sách cũ với đủ các loại sách báo khác nhau. Thậm chí, trong những quầy này còn có cả các loại sách báo chuyên ngành với mức giá cực rẻ.
Tại Nhật Bản, việc rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ được các bậc phụ huynh chú trọng từ khi chúng còn nhỏ. Thói quen đó được hình thành từ môi trường sống, từ môi trường giáo dục; Giáo dục từ nhà trường, giáo dục trong gia đình.
Hoạt động của thư viện được xem là một phần quan trọng trong chương trình giáo dục tại các trường tiểu học ở Nhật Bản. Dù trường có ít học sinh bao nhiêu vẫn phải có thư viện và phòng đọc sách. Trường đang trong quá trình tu bổ, sửa chữa, ngày hội thao phải mượn đỡ sân vận động của trường khác, vẫn phải thu xếp một không gian để làm thư viện và mở cửa để phục vụ các độc giả nhí.
Văn hóa đứng đọc Tachiyomi độc đáo của người Nhật
Trong các hiệu sách, nhất là hiệu sách lớn tại Nhật, bạn dễ dàng bắt gặp những hàng người đứng ken cứng quanh các kệ sách, đọc chăm chú từ ít phút đến vài giờ. Không chỉ trong cửa hàng sách, người Nhật còn “tachiyomi” ở rất nhiều nơi, nhiều thời điểm ví như trong cửa hàng tiện lợi, trong lúc đợi tàu xe, trong khi di chuyển bằng tàu hay trong khi xếp hàng làm gì đó.
Trong thư viện các trường đại học, không thiếu những tờ nhật báo được cẩn thận gắn trên những tấm biển đứng, và càng không thiếu những người dừng lại đứng trầm ngâm một lúc để cập nhật tin tức nổi bật trong ngày.
Văn hóa “đứng đọc” hay nhìn rộng hơn là thói quen “đứng” của người Nhật đã trở thành một điểm đặc trưng. Nhiều người có thể đứng chờ ba tiếng để chơi một trò chơi trong công viên giải trí, có thể đứng trên tàu lắc lư nhưng không tựa hẳn người vào thành tàu cho đỡ mỏi,...
Ngoài tachiyomi, người Nhật còn rất nhiều từ khác liên quan đến việc đứng và hành động gì đó cùng lúc như như tachigui (立ち食い) - đứng ăn, tachinomi (立ち飲み) - đứng uống, tachiuri (立ち売り) - đứng bán. Tachigui phổ biến ở nhiều cửa hàng trong các đô thị lớn bởi điều này giúp giảm diện tích trong bối cảnh mật độ dân số quá cao tại các đô thị này. Chưa kể, tachigui còn mang lại cảm giác ngầm “ăn nhanh để còn đi”. Hẳn nhiên cũng có một số nơi xem tachigui và tachinomi như một phong cách thú vị, điển hình là có không ít các quán bar đứng sang trọng và độc đáo tại Nhật Bản.
Có thể nói, người Nhật đã được luyện thói quen đứng từ bé. Và chính vì thế đối với họ khoảng thời gian đứng không phải thời gian chết. Họ đứng đọc sách, đứng chơi game, đứng xem tài liệu,… Có rất nhiều việc có thể làm chỉ trong mươi phút đứng đợi tàu hay xe buýt. Yếu tố “tachi-đứng” vẫn là điều rất nổi bật trong xã hội Nhật Bản hiện đại. Việc tập “đứng” phản ánh sự kiên nhẫn nổi tiếng của đại đa số người dân Nhật Bản cả trước đây lẫn bây giờ, hay ở một khía cạnh khác là phản ánh nhịp sống vội vã của người dân Nhật Bản với phong cách tiết kiệm thời gian tối đa, hoàn thành được nhiều việc hết mức có thể trong khoảng thời gian ngắn nhất.