5 tiểu thuyết giả tưởng được yêu thích lấy cảm hứng từ lịch sử 
5 tiểu thuyết giả tưởng được yêu thích lấy cảm hứng từ lịch sử 
Nhiều cuộc phiêu lưu trên trang sách và màn ảnh diễn ra ở những thế giới tưởng tượng có điểm tương đồng đáng kể với thế giới của chúng ta. Đó là vì các tác giả đã sử dụng lịch sử thực tế làm nền tảng cho những câu chuyện họ xây dựng. 5 câu chuyện giả tưởng dưới đây đã biến lịch sử ở thế giới thực thành những câu chuyện huyền diệu. 

 

1/ “Chúa tể những chiếc nhẫn” của J.R.R. Tolkien

 

Nhiều người đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để bàn về bộ tiểu thuyết này và những chi tiết phức tạp của nó, còn nhiều hơn cả máu đổ trong cuộc vây hãm Minas Tirith. Kiệt tác của J.R.R. Tolkien kể về cách một chiếc nhẫn ma thuật được tạo ra, thất lạc, tìm thấy và cuối cùng bị phá hủy đã làm say mê hàng triệu độc giả kể từ khi xuất bản lần đầu năm 1954. Các cuộc tranh luận về những chi tiết lịch sử thực tế làm cơ sở cho thế giới Middle Earth vẫn tiếp diễn. Dù vậy, khó có thể phủ nhận ảnh hưởng của lịch sử châu Âu và địa lý nước Anh, đặc biệt khi xem xét mức độ sâu sắc mà Tolkien đã đưa vào câu chuyện.

Ở đây, chúng ta sẽ tập trung vào chương áp chót của tiểu thuyết, “The Scouring of the Shire”. Chương này thường bị các độc giả bình thường bỏ qua và không được nhắc đến trong các bản chuyển thể. Ví dụ, trong bộ phim của Peter Jackson, phần này chỉ được đề cập như một khả năng nếu các anh hùng thất bại. Dù có nhiều cách giải thích ẩn dụ phong phú, nhưng chương này lại tạo chút cảm giác hụt hẫng.

Bất chấp ý kiến của Tolkien, nhiều nhà phê bình cho rằng chương này là sự mô tả về nước Anh sau Thế chiến II. Đặc biệt, có thể coi đó là sự chỉ trích chính quyền do Clement Attlee lãnh đạo, bình luận về quá trình công nghiệp hóa của Anh hoặc thậm chí là một phép ẩn dụ về chủ nghĩa phát xít.

Khi trở về Shire, các hobbit phát hiện những tòa nhà xấu xí, ô nhiễm đã thay thế nhiều nơi quen thuộc từ khi họ ra đi. Vô số cây cối bị đốn hạ và các nhà máy mới đang làm ô nhiễm dòng sông. Nhiều quán trọ và quán rượu vui vẻ đã bị đóng cửa, và các hobbit bị buộc phải ngủ trong một đồn cảnh sát buồn tẻ dành cho lực lượng an ninh mới. Hàng loạt quy định mới do một chính phủ mới áp đặt gần như khiến tất cả bọn họ bị tống giam. Viên “Shirriff” (sĩ quan an ninh) cố bắt họ đã nói, “Xin lỗi, ngài Merry, nhưng chúng tôi có lệnh.” Những băng nhóm gọi là “ruffians” dùng bạo lực để thực thi ý chí của thủ lĩnh.

Nhiều nhu yếu phẩm cơ bản, như “cỏ ống” mà các nhân vật thường hút, đã trở nên khan hiếm và được cho là xuất khẩu đến những vùng đất xa xôi. Các hobbit đứng lên khởi nghĩa, cuối cùng khôi phục môi trường và trật tự xã hội về trạng thái tươi đẹp trước đây.

Những chi tiết này có thể khá rõ ràng với một độc giả đương thời của Tolkien nhưng lại khó thấy hơn với những độc giả lớn lên trong thế kỷ 21. 

 

2/ “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân

 

Đây có thể coi là một sự "lách luật" trong danh sách này, vì “Tây du ký” diễn ra trong một phiên bản kỳ ảo của thế giới chúng ta thay vì một thế giới hoàn toàn hư cấu, nhưng tác phẩm này không thể thiếu trong bất kỳ cuộc thảo luận nào về chủ đề này. Có lẽ đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học Trung Quốc, và nhiều phiên bản chuyển thể vẫn tiếp tục làm say mê độc giả lâu sau khi được xuất bản vào thế kỷ 16.

Mặc dù chứa đựng những yếu tố kỳ ảo và huyền bí, câu chuyện lại dựa trên một sự kiện lịch sử có thật. Một nhà sư đã dành 17 năm đi từ Trung Quốc đến Ấn Độ để thu thập những bản kinh Phật. Ông tên là Huyền Trang, và bản ghi chép cuộc hành trình của ông, Tây Vực Ký, là một nguồn tài liệu quý giá về các nền văn hóa và quốc gia mà ông đã gặp trong cuộc hành trình dài từ Trung Quốc đến Nam Á. Những bài viết của ông xác nhận thời gian của một số sự kiện, nhân vật và sách vở nổi tiếng.

Huyền Trang trở về Trung Quốc với hàng trăm bản kinh Phật, sau đó ông đã dành nhiều năm để dịch chúng. Các bản dịch kinh Phật của ông bằng tiếng Trung, đặc biệt là Kinh Tâm, đã trở thành nền tảng cho nhiều quan niệm tôn giáo sau này ở Trung Quốc và các quốc gia Đông Á khác.

 

3/ “Xứ cát” (Dune) của Frank Herbert

 

Mặc dù là một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, nhưng sự khám phá các chủ đề tôn giáo, tính chất phong kiến của chính phủ, và những sức mạnh thần bí của các vật phẩm và chất liệu trong vũ trụ của “Dune” khiến nó hoàn toàn phù hợp khi ở trong danh sách này. Tiểu thuyết của Herbert là câu chuyện về sự tiến hóa tâm lý và xã hội của loài người vào một tương lai xa, sự kiểm soát “melange” huyền bí, và những người sống trên hành tinh duy nhất sản xuất được nó.

Vũ trụ “Dune” khá phức tạp ngay từ đầu, và sự phức tạp đó ngày càng gia tăng với những phiên bản chuyển thể sau này. Nếu chỉ xét những gì Herbert viết trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên, chúng ta có thể thấy một thế giới quá quen thuộc xoay quanh việc kiểm soát tài nguyên.

Melange, hay còn gọi là "gia vị," là một loại thuốc tâm lý chỉ có thể tìm thấy trong những sa mạc của Arrakis. Loại thuốc này cải thiện sức sống, nhận thức và tuổi thọ của người sử dụng. Nó cũng giúp việc du hành vũ trụ trở nên khả thi nhờ tác dụng mở rộng tâm trí. Nó cực kỳ gây nghiện, và việc ngừng sử dụng có thể dẫn đến cái chết. Vì Đế chế (Imperium), kiểm soát tất cả các khu định cư của con người trong vũ trụ, hoàn toàn phụ thuộc vào nó và việc sản xuất melange, nên đây là tài nguyên quý giá và được săn lùng nhất trong vũ trụ.

Thật không may, Arrakis là một hành tinh tàn bạo. Quá trình khai thác melange thường thu hút những con giun cát khổng lồ, sẵn sàng nuốt chửng các đội khai thác. Các cuộc tấn công của Fremen, những người bản địa của hành tinh này muốn chấm dứt chủ nghĩa đế quốc, cũng là một mối nguy hiểm. Người Fremen còn thực hành một tôn giáo gọi là "Zensunni" và đang chờ đợi sự xuất hiện của một nhà lãnh đạo messiah sẽ dẫn dắt họ. Và họ tìm thấy tố chất lãnh đạo ấy ở Paul Atreides, một người ngoại quốc.

Cảnh vật này hẳn quen thuộc với bất kỳ ai đã đọc về lịch sử Trung Đông. Câu chuyện của Paul thường được so sánh với Lawrence xứ Ả Rập. Cả hai nhân vật đều gia nhập vào một xã hội Hồi giáo ở sa mạc, nơi bị chi phối bởi các cường quốc ngoại quốc, bao gồm cả những cường quốc mà họ đại diện. Họ học cách lãnh đạo quân đội. Khi chiến tranh kéo dài, cả hai nhân vật đều tự hỏi về hành động của mình trong khi bị cuốn vào những thế lực mà họ không thể kiểm soát, và liệu họ có thực sự là những anh hùng hay không vẫn là một câu hỏi gây tranh cãi.

Lý do duy nhất khiến ai đó không sống trên Arrakis lại quan tâm đến hành tinh này chính là sự tồn tại của melange. Nhu cầu cung cấp liên tục gia vị này thúc đẩy mọi khía cạnh của cốt truyện. Kiểm soát gia vị là kiểm soát quyền lực vô hạn và sự giàu có bất tận. Các đại diện của Đế chế liên tục âm mưu và lập kế hoạch để chiếm đoạt nó. Các cuốn sách sau này cho thấy hành tinh này trở thành một vùng hẻo lánh khi một nguồn cung cấp thay thế được tìm thấy.

 

4/ “Khúc tráng ca của băng và lửa” của George R.R. Martin

 

 “Khúc tráng ca của băng và lửa” là series sách vẫn đang được tiếp tục của George R.R. Martin về các gia tộc quý tộc ở Westeros và cuộc tranh giành quyền lực để kiểm soát Ngai Sắt. Các cốt truyện  bao gồm những nỗ lực của cô con gái của một triều đại bị lật đổ để giành lại ngai vàng, những toan tính chính trị của những người đang nắm quyền, sự kinh hoàng sắp đến của mùa đông với độ dài không thể đoán trước, và tác động của việc gần gũi với quyền lực đối với con cái của một cố vấn vua.

Martin đã thẳng thắn về việc nhiều phần của câu chuyện được lấy cảm hứng từ “Wars of the Roses”, một loạt cuộc nội chiến ở Anh vào thế kỷ 15. Bản đồ Westeros có sự tương đồng rõ rệt với quần đảo Anh, và dàn nhân vật chính có nhiều nét tương đồng với những người nắm giữ vai trò quan trọng trong cuộc xung đột lịch sử này. Thật không may, các cuốn sách và mối liên hệ của chúng với “Wars of the Roses” khá phức tạp. 

“Wars of the Roses” là cuộc chiến giành ngai vàng Anh giữa các nhánh phụ của gia tộc Plantagenet. Gia tộc Lancaster (nguồn cảm hứng cho Lannisters) và gia tộc York (gia tộc Stark) đã thay nhau kiểm soát đất nước trong suốt ba thập kỷ trước khi sự trỗi dậy của Henry Tudor kết thúc cuộc xung đột. Trong suốt thời gian đó, đã có những trận chiến đẫm máu, những bí mật, những cố vấn bị giết, những âm mưu trong cung điện, và vài đám cưới không được suy tính kỹ. Thậm chí còn có một thành viên hoàng thất ở nước ngoài có mối liên hệ với một vị vua đã chết từ lâu (một trong số các nhân vật lịch sử tương đồng với Daenerys Targaryen của Martin). 

 

5/ “Phù thủy xứ Oz” của L. Frank Baum

 

“Phù thủy xứ Oz” là câu chuyện cổ tích của Mỹ, xoay quanh cô bé Dorothy, người bị cuốn vào Vùng Đất Oz bởi một cơn lốc xoáy. Cô và chú chó Toto được chỉ dẫn rằng cách tốt nhất để trở về nhà là gặp Phù Thủy Oz, người sống ở Thành Phố Ngọc Lục Bảo huyền diệu. Trên đường tới đó, cô gặp một Bù Nhìn Rơm muốn có bộ óc, một Người Gỗ Thiếc muốn có trái tim, và một Sư Tử Hèn Nhát tìm kiếm lòng dũng cảm. Sau một vài cuộc chạm trán với những phù thủy ác và một nhóm khỉ bay, Dorothy đã trở về nhà.

Mặc dù bộ truyện gồm hơn 40 tập nhưng hầu hết mọi người ngày nay chỉ biết đến cuốn đầu tiên. Thậm chí, họ thường quen thuộc với nó nhờ vào bộ phim chuyển thể nổi tiếng năm 1939. 

Những cuốn sách có thể có vẻ như chỉ là những câu chuyện vui nhộn, xa rời thực tế, nhưng thực ra có thể có khá nhiều yếu tố lịch sử trong đó. Nhiều nhà phê bình đã cho rằng câu chuyện gốc là một phép ẩn dụ về chính trị Mỹ cuối thế kỷ 19. Đặc biệt, một số nhân vật và sự kiện trong câu chuyện được cho là đại diện cho những người và khái niệm trong cuộc tranh luận về “bạc tự do” và cuộc bầu cử năm 1896.

Theo đó, Những người ủng hộ “Bạc” - thường là nông dân, thợ mỏ và những người đang mắc nợ - cho rằng việc hỗ trợ tiền tệ của Mỹ bằng cả vàng và bạc sẽ dẫn đến thịnh vượng. Đối lập với họ là những người ủng hộ “Vàng,” những người muốn đồng tiền chỉ được hỗ trợ bởi vàng.

Nói một cách hiện đại, những người ủng hộ bạc muốn có một nguồn cung tiền lớn hơn và lạm phát cao hơn. Hy vọng là điều này sẽ giảm bớt gánh nặng của những người mắc nợ và tăng doanh thu cho các bang khai thác mỏ. Những người phản đối xem đó như một cách nhanh chóng để phá hủy hệ thống tài chính.

Trong câu chuyện của Baum, Dorothy, đại diện cho người dân Mỹ từ một bang nông nghiệp, bị cuốn vào Oz bởi một cơn lốc xoáy, một hình ảnh thường được sử dụng vào thời điểm đó để đại diện cho sự biến động chính trị. Khi đến nơi, cô nhận được đôi giày bạc bằng cách vô tình giết chết Phù Thủy Ác Của Phía Đông (trong bộ phim, giày được thay bằng giày đỏ). Điều này khiến “những người nhỏ bé” ở Munchkinland vui mừng. Một Phù Thủy Tốt từ phương Bắc bảo đảm với Dorothy rằng đôi giày bạc sẽ bảo vệ cô khi cô đi trên con đường gạch vàng đến thành phố huyền diệu Oz - biểu tượng của chế độ hai bản vị. 

Bù Nhìn Rơm đại diện cho người nông dân Mỹ; Người Gỗ Thiếc rỉ sét đại diện cho công nhân thành thị và tác động tê liệt của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1893. Sư Tử Hèn Nhát đại diện cho William Jennings Bryan, một diễn giả táo bạo nhưng vẫn theo chủ nghĩa hòa bình. Khi sư tử tấn công nhóm của họ trong lần gặp đầu tiên, nó đã bị đánh bại bởi Người Gỗ Thiếc - giống như chiến dịch của Bryan đã bị phá sản vì ông không thể giành được sự ủng hộ của công nhân. Tuy nhiên, họ tạo thành một đội mạnh mẽ khi làm việc cùng nhau với những nông dân.

Khi nhóm đến Thành Phố Ngọc Lục Bảo - màu sắc giống như những tờ tiền “greenback” -  họ gặp Phù Thủy Oz. Giống như một chính trị gia lừa lọc vào cuối thế kỷ 19, ông ta xuất hiện trước mỗi thành viên trong nhóm dưới một hình dạng khác nhau.. Ông đồng ý giúp họ chỉ khi họ làm một số việc cho ông. Sau khi giết chết Phù Thủy Ác Của Phía Tây, người muốn có đôi giày bạc để kiểm soát phần Tây đang mục nát của Oz, Phù Thủy bị phát hiện là một kẻ lừa đảo. May mắn thay, một Phù Thủy Tốt từ phương Nam biết về sức mạnh của bạc và tiết lộ rằng đôi giày có thể đưa Dorothy trở về nhà.

Đây là một trong những cách giải thích gây tranh cãi nhất trong tất cả các cách giải thích. Nhiều học giả cho rằng Baum không có ý định tạo ra một cách đọc hiểu như vậy. 

Tuy nhiên, trong những cuốn sách sau của loạt truyện, Oz thỉnh thoảng được mô tả như một xã hội không tưởng. Một cuốn tiểu thuyết cho thấy xứ Oz không có tiền tệ, nền kinh tế vận hành dựa trên sự hỗ trợ lẫn nhau, ngày làm việc bị cắt giảm và người lao động không cần quản lý hà khắc để làm việc hiệu quả. Trong một cuốn sách khác, một nhân vật du hành đến vương quốc không biết tiền là gì. Mặc dù điều này không chứng minh rằng Oz dựa trên chính trị Mỹ, nhưng nó cho thấy Baum rất sẵn lòng sử dụng bối cảnh để khám phá các ý tưởng chính trị và kinh tế.

- Trạm Đọc

- Big Think

 

Tags: