Quyền tự do lớn nhất mà con người có thể có được là tự sát?
Quyền tự do lớn nhất mà con người có thể có được là tự sát?
Nếu chúng ta lùi ra xa và nhìn vào đời sống, thì rõ ràng là toàn bộ loài người đều mắc một căn bệnh (truyền nhiễm qua đường tình dục), nguy hiểm vô phương cứu chữa, xác suất tử vong là 100%.
Cách duy nhất để thoát ra khỏi căn bệnh đó là … tự tử.

Nhưng nếu không muốn tự tử thì rốt cuộc chúng ta phải làm gì trong lúc chờ chết?

“Thần thoại Sisyphus” là câu chuyện kinh điển về sự vô nghĩa của kiếp người. Sisyphus bị một hình phạt vĩnh viễn là phải lăn một hòn đá lớn lên đỉnh núi, ngay khi tới đỉnh thì hòn đá lại rơi xuống và anh ta phải làm lại từ đầu. Toàn bộ kiếp bình sinh bị dốc vào việc không đạt tới gì cả. Đó là cái giá phải trả cho đam mê lạc thú trần thế của con người.

Cuộc sống của con người là hành trình đi tới cái chết, không có cách nào cưỡng lại, vậy thì đời sống bản thân nó đã là tập hợp của vô số sự phi lý. Thế nhưng đa số chúng ta không nhận ra điều đó mà cứ cố vật lộn tranh giành với nhau để chiếm đoạt và sở hữu những thứ ta không thể giữ nó mãi mãi được vì đơn giản là chính ta là hữu hạn.

Giờ phút con người ý thức về sự phi lý của cuộc sống, là lúc anh ta bắt đầu khổ ải suy nghĩ về việc rốt cuộc cuộc đời và mọi hành động của anh ta có ý nghĩa quái gì không hay cũng giống như Sisyphus, chỉ là sự lặp đi lặp lại vô nghĩa, kéo lê lết cuộc đời trong một sự trừng phạt vĩnh viễn của một kẻ - vừa – sinh – ra – đã – chết?

 

 

Con người có thực sự “hạnh phúc” không?

 

Trong cuốn sách kinh điển “Thần thoại Sisyphus”, triết gia Pháp, Albert Camus đã đưa ra hàng loạt những suy tư của ông về ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa của những khái niệm cốt yếu trong đời sống con người như hạnh phúc, tình yêu, sự vĩnh cửu, niềm hy vọng…

“Nếu một con người đang hạnh phúc trong hoàn cảnh hiện tại thì anh ta không việc gì phải tìm cách tránh nghĩ về thực trạng của mình” (Pascal)

Theo Camus, hành động điển hình của tránh né chính là hy vọng. Hy vọng về một cuộc đời khác mà người ta hẳn xứng đáng được sống hoặc trò tự phỉnh mình của những kẻ không đặt lẽ sống ở bản thân cuộc sống mà ở ý tưởng vĩ đại nào đó vượt lên trên cuộc sống, tinh lọc cuộc sống, gán cho nó một ý nghĩa, và phản bội lại nó.  Phải chăng cuộc sống tốt hơn nhiều nếu nó không phải gánh ý nghĩa nào cả?

Đi qua trải nghiệm, sống hết số phận cụ thể của mình, chính là chấp nhận nó hoàn toàn. Sống trọn vẹn nhất, hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này, coi quy tắc là vô nghĩa. Quy tắc ứng xử và thang giá trị của một người không có ý nghĩa gì nếu không nhờ có số lượng cũng như sự đa dạng của các trải nghiệm mà người đó tích lũy.

Nietzsche nói: “Điều quan trọng không phải là sống mãi mãi mà là sống động mãi mãi”.

Cũng theo Camus, khao khát tự do dựa trên những ảo tưởng. Chừng nào con người còn tưởng tượng đến một mục đích trong đời, kể cả tự do, thì anh ta còn uốn mình theo các đòi hỏi để đạt được yêu cầu đó và trở thành nô lệ cho chính sự tự do ấy.

Có lẽ, trong tôn giáo, con người tìm thấy tự do khi hiến mình cho Chúa. Khi đánh mất bản thân vào tay vị thánh thần của họ, khi chấp nhận những quy tắc của đấng ấy, họ lặng thầm có được tự do: tự do của sự lựa chọn ấy chứ không phải tự do vì được giải phóng.

 

 

Con người phi lý

 

Hình tượng Don Juan là một hình tượng đột phá được sử dụng như biểu tượng cho mô hình con người phi lý. Con người khai sáng về sự phi lý của cuộc sống sẽ đi qua những ranh giới đạo đức xã hội. Nó sẵn sàng trả giá. Nói cách khác, nó cho rằng có những kẻ phải chịu trách nhiệm, nhưng không tồn tại con người tội lỗi. Don Juan là vậy. Chính vì gã yêu mọi người tình bằng niềm đam mê cháy bỏng như nhau và với toàn bộ con người gã, nên mỗi lần yêu gã phải lặp lại sự cho đi và cuộc kiếm tìm thăng thẳm ấy.

Camus cho rằng, thứ tình yêu được khoác lên ảo tưởng về sự vĩnh hằng có thể gây xúc động lòng người nhưng không phải điều quan trọng. Ai quay lưng lại với cuộc đời riêng vì một tình yêu vĩ đại - không chắc sẽ làm giàu cho chính họ, nhưng chắc chắn sẽ làm hao mòn cùng kiệt đối tượng họ yêu thương.

Tình yêu chỉ có thể vươn lên tầm cao quý khi nó tự thừa nhận rằng nó ngắn ngủi và độc nhất vô nhị. Nó thừa nhận cái không vĩnh cửu.

 

 

Con người sáng tạo là con người phi lý nhất

 

Người nghệ sĩ, người chinh phục và sáng tạo đa phần là người ý thức rõ rệt sự phi lý của cuộc sống, của cái chết tất yếu – thế nhưng họ cũng là những người sống phi lý nhất khi tìm cách bất tử thông qua sáng tạo.

Nietzsche: “Nghệ thuật và không có gì ngoài nghệ thuật, chúng ta có nghệ thuật để không phải chết vì sự thật”.

Chính ở đây, vẻ đẹp của hình tượng Sisyphus xuất hiện. Anh ta ý thức rõ rệt về khổ hình và sự hành xác, khi hòn đá rơi tuột xuống và anh ta nhìn nó trôi đi trong sự bình thản, chấp nhận. Hành trình đi xuống lại chính là niềm vui trong sự sầu đau.

“Con người phi lý, khi suy tư về sự đau khổ của mình, làm im tiếng tất cả thần tượng. Bản thân sự vật lộn đã đủ để lấp đầy trái tim anh ta. Ta buộc phải hình dung rằng Sisyphus hạnh phúc” – Camus viết.

Phi lý hay không phi lý, ta phải hình dung rằng, sống về cơ bản là hạnh phúc.

Tags: