Apple, Nike, Disney, Coca-Cola… là những thương hiệu phổ biến toàn cầu, đã hiện diện trong tâm trí khách hàng trong nhiều thập kỷ. Làm sao để các sản phẩm và dịch vụ của bạn có “sức hấp dẫn trường tồn” như vậy? “Dù có thừa nhận hay không thì mỗi người đều có tình yêu sâu đậm với một vài thương hiệu”, tác giả Soon Yu viết trong cuốn sách “Quyền lực biểu tượng”, và “với vai trò là người chăm sóc cho thương hiệu của mình, bạn có nhiệm vụ giữ lửa tình yêu ấy”.
“Quyền lực biểu tượng” (tựa gốc: “Iconic Advantage”) là những đúc kết qua 20 năm kinh nghiệm của Soon Yu trong lĩnh vực chiến lược, cải tiến, thiết kế và xây dựng thương hiệu. Ông từng làm việc cho Van’s, Timberland, The North Face, Wrangler, và cũng từng gầy dựng doanh nghiệp riêng. Bên cạnh đó là sự cộng tác đến từ cựu giám đốc quảng cáo sáng tạo Dave Birss với những câu chuyện ý nghĩa, và các nghiên cứu dưới góc nhìn của một người đã trải nghiệm mọi phương diện của Marketing tổng hợp.
“Giống như các biểu tượng tôn giáo và văn hóa, chúng ta đang nói về các đặc tính có ý nghĩa, phù hợp và có sự gắn kết về mặt cảm xúc với khách hàng”, Soon nhận định, “sản phẩm mang những đặc tính này sẽ có thể giữ vị trí tiên phong trong ngành hàng, ngách thị trường, phân khúc của nó hoặc trong xu hướng chung”. Đặc biệt, trải qua các cuộc nghiên cứu, các sản phẩm mang tính biểu tượng được kết luận là sẽ đem về lợi nhuận cao gấp ba và doanh số cao gấp đôi so với các sản phẩm còn lại.
Cũng theo Soon, Lợi thế biểu tượng chính là một chiến lược mà các thương hiệu hoạt động trong mọi lĩnh vực đều có thể áp dụng để ghi dấu ấn trong tâm trí của khách hàng, tạo lợi nhuận dài hạn và tăng trưởng bền vững. Mô hình của chiến lược Lợi thế biểu tượng mà Soon Yu giới thiệu trong cuốn sách gồm 3 bước: Khả năng gây chú ý, Khả năng duy trì, và Khả năng gia tăng.
Theo Soon Yu, khả năng đầu tiên - gây chú ý - là yếu tố giúp sản phẩm nổi bật trên thị trường. Điều này nghe thật hiển nhiên và đơn giản, nhưng vì “chúng ta đang sống trong một thời đại đồng nhất nhạt nhẽo”, nên thành ra rất ít các thương hiệu biết nhìn xa trông rộng cũng như thu hút sự quan tâm đúng cách.
Tiếp theo, để có thể trụ lại dài lâu trong tâm trí khách hàng chứ không vụt sáng theo trào lưu rồi chìm nghỉm, thương hiệu cần đến Khả năng duy trì - giữ sản phẩm luôn phù hợp theo thời gian, đủ mới mẻ để mọi người vẫn chú ý nhưng lại không quá khác biệt đến mức xa lạ. Soon đã gọi đây là “sự mới mẻ vừa đủ”.
“Hãy nghĩ về iPhone”, ông nêu ví dụ, “Mỗi khi cập nhật phiên bản iOS mới hoặc đổi sang chiếc iPhone mới, bạn không cần phải học lại toàn bộ cách sử dụng. Thỉnh thoảng có những cải tiến khiến bạn phải ngạc nhiên thốt lên “Ô!” hay “A!”, nhưng phần cốt lõi của sản phẩm thì luôn mang lại cảm giác quen thuộc”.
Và sau cùng, Khả năng gia tăng giúp sản phẩm được biết đến và công nhận bởi nhiều người. Khi nói đến sự phổ biến rộng rãi, bạn đừng chỉ nghĩ đến những tập đoàn toàn cầu như Apple, Amazon hay Unilever. Mục tiêu ở đây là đạt đến sự phổ biến “trong vũ trụ của bạn”. Chẳng hạn, trong cuốn sách “Quyền lực biểu tượng”, Soon Yu kể về một cửa hàng nhỏ, chỉ có mặt ở vài bang của nước Mỹ nhưng nó đủ nổi tiếng và có dấu ấn sâu sắc trong cộng đồng của mình.
Theo Soon, 3 bước như trên sẽ thúc đẩy doanh nghiệp gia tăng giá trị của các sản phẩm hiện có thay vì liên tục tạo ra những sản phẩm mới nhạt nhoà. Từ đó, doanh nghiệp chống đỡ tốt trước những biến động của thị trường cũng như gia tăng lợi nhuận đáng kể.
“Khả năng gây chú ý chính là chọn ra những hạt giống tốt nhất. Khả năng duy trì gieo những hạt giống ấy vào trái tim khách hàng. Khả năng gia tăng sẽ tưới nước, bón phân và đem đến ánh sáng mặt trời để hạt giống đâm chồi nảy lộc. Và những hạt giống đó sẽ cùng nhau mang đến cho bạn một vụ mùa bội thu”, Soon nhận định.
Tuy nhiên, chiến lược Lợi thế biểu tượng lại không dành cho tất cả. Theo Soon Yu, một doanh nghiệp chỉ nên áp dụng nó khi đã hiểu rõ về chất riêng của sản phẩm và dịch vụ của mình. “Biết mình là ai” chính là điểm khởi đầu cho hành trình tạo nên một biểu tượng, và đây rõ ràng là một hành trình dài hơi chứ không phải “ăn xổi ở thì”. Tuy nhiên, một khi đã lựa chọn và kiên nhẫn với chiến lược này, doanh nghiệp sẽ thu về những “vụ mùa” mỹ mãn: tình yêu và lòng trung thành của khách hàng, vị thế dẫn đầu trên thị trường, và lợi nhuận tối đa.
“‘Quyền lực biểu tượng’ sẽ giúp bạn hiểu tại sao một số thương hiệu luôn phát triển và trường tồn dù thị trường đầy biến động, trong khi số nhiều thương hiệu khác lại đối mặt với nguy cơ phá sản, thậm chí đã sụp đổ”, Adam Grant, tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất New York Times (Give and Take, Originals, Option B) chia sẻ.
“Quyền lực biểu tượng” được trình bày cô đọng, cuốn hút, và chứa đựng nhiều ví dụ đời thực về thành công lẫn thất bại của các thương hiệu trên khắp thế giới.
Những kiến thức thực tiễn từ cuốn sách đặc biệt cần thiết cho những ai làm trong ngành Marketing, các chuyên gia hoạch định chiến lược tại những công ty quảng cáo, chuyên gia tư vấn doanh nghiệp, và chủ của mọi doanh nghiệp lớn lẫn nhỏ, toàn cầu lẫn địa phương, lâu năm lẫn mới khởi sự kinh doanh.
Với những bạn đọc muốn tạo dựng thương hiệu cá nhân, và bất cứ ai quan tâm đến cách xây dựng một thương hiệu có sức sống lâu bền, thì “Quyền lực biểu tượng” là một sự lựa chọn sáng giá.
Soon Yu là một diễn giả, tác giả trong lĩnh vực sáng tạo. Ông từng đảm nhiệm vai trò phó chủ tịch về phát triển và quản trị toàn cầu của Tập đoàn VF, công ty mẹ của hơn ba mươi thương hiệu nổi tiếng thế giới như The North Face, Vans, Timberland, Nautica, và Wrangler. Ông cũng là nhà sáng lập và từng là CEO của nhiều công ty khởi nghiệp bằng vốn đầu tư mạo hiểm.
Dave Birss là người cộng tác cùng Soon thực hiện cuốn sách này. Dave là cựu giám đốc quảng cáo sáng tạo của nhiều công ty quảng cáo lớn nhất Vương quốc Anh, đồng thời là một diễn giả và tác giả được tôn vinh trong lĩnh vực sáng tạo và phát kiến. Bên cạnh đó, ông còn là phát thanh viên truyền hình, chuyên gia sáng chế, hoạ sĩ vẽ tranh minh hoạ và nhạc sĩ.