Quan điểm truyền thống về trí tuệ
Quan điểm truyền thống về trí tuệ
Trích đoạn dưới đây trong cuốn sách “Trí óc vận hành như thế nào?” giúp độc giả tìm hiểu về trí tuệ - điều khác biệt lớn nhất giữa con người và các sinh vật khác, giúp con người có thể thống trị hành tinh này.
Trí óc vận hành như thế nào
(0 lượt)
Cách giải thích truyền thống về trí tuệ là xác thịt của con người tràn ngập một thực thể phi vật chất, là linh hồn, thường được hình dung như một dạng bóng ma nào đó. Nhưng lý thuyết này phải đối mặt với một vấn đề không thể vượt qua: Làm thế nào mà ma quỷ tương tác được với vật chất? Làm thế nào mà một thứ thinh không phi phàm lại phản ứng được với đèn flash, cú huých, tiếng bíp và khiến tay chân di chuyển?

Một vấn đề khác là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy trí óc là hoạt động của não bộ. Đến giờ, chúng ta đã biết linh hồn, vốn được cho là phi vật chất, có thể bị chẻ đôi bằng dao, bị biến đổi bằng hóa chất, được kích hoạt hoặc dừng lại bằng điện, và có thể bị dập tắt bởi một cú đánh mạnh hoặc do không đủ oxy. Dưới kính hiển vi, bộ não cho thấy cấu trúc của nó phức tạp đến mức ngoạn mục, hoàn toàn tương xứng với độ phong phú của trí óc.

Một lời giải thích khác là trí óc đến từ một dạng vật chất phi thường nào đó. Pinocchio cử động được là nhờ một loại gỗ kỳ diệu mà bác Geppetto tìm ra, có thể nói chuyện, cười và đi đứng. Tiếc thay, chưa ai từng phát hiện ra một chất liệu kỳ diệu như vậy. 

sach-tri-oc-van-hanh-nhu-the-nao

Lúc đầu, người ta có thể cho rằng chất liệu kỳ diệu ấy chính là mô não. Darwin đã viết rằng bộ não “tiết ra” trí óc, và gần đây triết gia John Searle đã lập luận rằng các tính chất lý hóa của mô não bằng cách nào đó tạo ra trí óc giống như mô vú tạo ra sữa và mô thực vật tạo ra đường. 

Nhưng hãy nhớ lại rằng các loại màng, lỗ và hóa chất tương tự tìm thấy trong mô não trên khắp giới động vật, chưa kể các khối u não và mô nuôi cấy trong các đĩa thí nghiệm. Tất cả các khối mô thần kinh này có cùng tính chất lý hóa, nhưng không phải toàn bộ chúng đều đạt được trí tuệ giống con người. 

Tất nhiên, có điều gì đó về tế bào trong não người là cần thiết cho trí tuệ của chúng ta, nhưng tính chất vật lý là không đủ, cũng như tính chất vật lý của gạch không đủ để giải thích kiến trúc hay tính chất vật lý của các hạt oxit không đủ để giải thích âm nhạc. Điều gì đó trong cách sắp xếp của mô thần kinh có tính quyết định ở đây.

Trí tuệ thường được quy cho một loại dòng năng lượng hoặc trường lực nào đó. Những khối cầu, luồng hơi phát sáng, hào quang, rung động, từ trường và các kiểu lực xuất hiện đầy rẫy trong mớ hào nhoáng những thuyết tâm linh, giả khoa học và khoa học viễn tưởng. 

sach-tri-oc-van-hanh-nhu-the-nao
Ví dụ cho hiệu ứng tâm lý Gestalt

Trường phái tâm lý học Gestalt đã cố gắng giải thích ảo ảnh thị giác bằng các trường lực điện từ trên bề mặt não, nhưng các trường này không bao giờ được tìm thấy. Có khi, bề mặt não lại được mô tả là một môi chất rung liên tục có khả năng hỗ trợ hình ba chiều hoặc các kiểu giao thoa sóng khác, nhưng ý tưởng đó cũng chẳng đi đến đâu. 

Mô hình thủy lực, nói rằng áp lực tâm lý tăng lên, bùng phát hoặc bị chuyển hướng qua các kênh thay thế, chiếm vị trí trung tâm trong lý thuyết của Freud và có thể được tìm thấy trong hàng chục phép ẩn dụ hằng ngày: giận dữ dâng trào, xả hơi, áp lực xì khói, giận banh nóc, trút nỗi lòng, nén giận. 

Nhưng ngay cả những cảm xúc nóng bỏng nhất cũng không tương ứng với quá trình tích và xả năng lượng (theo nghĩa vật lý) đâu đó trong não bộ. Trong Chương 6, tôi sẽ cố gắng thuyết phục bạn rằng bộ não không được vận hành bởi những áp lực bên trong mà phơi bày chúng ra như một chiến thuật đàm phán, giống như một kẻ khủng bố buộc chất nổ vào cơ thể vậy.

----------------------- 

sach-tri-oc-van-hanh-nhu-the-nao
Steven Pinker - Tác giả cuốn sách "Trí óc vận hành như thế nào"
Steven Pinker là một nhà tâm lý học thực nghiệm nghiên cứu về nhận thức thị giác, ngôn ngữ học tâm lý và các mối quan hệ xã hội. Ông là thành viên được bầu chọn của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, người từng hai lần lọt vào chung kết Giải thưởng Pulitzer, nhà nhân văn của năm và đã nhận chín bằng tiến sĩ danh dự. Ông lọt vào danh sách “100 trí thức nổi danh hàng đầu thế giới” của Foreign Policy và "100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới" của Times. Pinker thường xuyên viết bài cho New York Times, Guardian và nhiều ấn phẩm khác.
Tags: