#PrayforParis - Một phong trào vô cảm?
#PrayforParis - Một phong trào vô cảm?
Ở giữa những nét rạn nứt và sự đổ vỡ của thế giới vật chất, chúng ta có thể để ý và cảm nhận về những giá trị vô hình của văn hóa và nghệ thuật, thứ đưa chúng ta lại gần nhau hơn, hàn gắn những vết thương đau và le lói về hi vọng.
 

Khi vụ đánh bom ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái diễn ra, cộng đồng quốc tế đã có nhiều phản ứng mạnh mẽ thể hiện sự quan tâm của mình với nước Pháp. Làn sóng phản ứng mạnh mẽ này, một mặt được nhìn nhận như sự quan tâm tích cực của số đông, lên án những hành vi khủng bố cực đoan, nhưng mặt khác nó cũng đem lại một ý kiến tranh luận trái chiều.

 

Nhóm người cảm thấy bực bội vì phong trào #prayforParis có những lý giải khá xác đáng của riêng mình: đối với họ, những hashtag trên mạng xã hội, việc thay ảnh đại diện trên facebook chỉ là một sự a dua, một thứ thể hiện sự cập nhật tin tức thời thượng, sự quan tâm, thương cảm nửa vời của đám đông để cảm thấy hài lòng với bản thân mình như một công dân "tích cực" và "hội nhập toàn cầu".

 

Mới chỉ trước đó một ngày Belrut cũng bị khủng bố tấn công, Nhật Bản thì có một trận động đất, những nạn đói và các cuộc chiến ở châu Phi hay Trung Đông vẫn đang tiếp diễn, mới đây thì vụ đánh bom tại Lahore, Pakistan cướp đi 70 sinh mạng người vô tội mà cùng một đám đông đó đâu có đoái hoài. Tuy vậy, sẽ là suy xét một cách vội vàng khi chúng ta đi đến kết luận rằng tất cả những người đã phản ứng cho sự kiện ở Paris chỉ là những kẻ đạo đức giả vô cảm, rằng tâm lý đám đông coi trọng mạng sống của những cư dân Paris hơn là những người dân Pakistan hay con người ở bất kì nơi nào khác. Không phải vậy.

 

Có ý kiến cho rằng việc chúng ta phản ứng với sự kiện Paris mà thờ ơ với những thảm họa khác là do hiệu ứng của truyền thông, rằng các kênh thông tin lớn đưa nhiều bài hơn, nhanh hơn và cập nhật hơn về Paris so với những sự kiện khác dẫn tới việc cộng đồng có nhiều phản hồi hơn. Thế nhưng đây thật sự không phải là một câu trả lời thuyết phục. Bản thân những người làm tin tức luôn cố gắng cập nhật tin tức một cách đa dạng về bức tranh toàn cầu, thế nhưng họ cũng bị ảnh hưởng bởi thị hiếu của người đọc.

 

Nếu một bài báo được đưa lên nhưng không có nhiều người đọc quan tâm chia sẻ thì chủ đề của nó sẽ không thể được nhà báo hay tòa soạn ưu tiên nữa. Vụ đánh bom ở Pakistan được các trang báo lớn như The Guardian cập nhật và dành cho nó vị trí trang nhất (phiên bản mạng). Thế nhưng từ số liệu phản hồi, bài đưa tin về Pakistan còn không lọt vào top 5 bài được truy cập nhiều nhất ngày hôm đó. Điều này thể hiện rõ rằng trong thời đại truyền thông xã hội, chính người đọc là nắm quyền quyết định những tin tức mà họ tiếp nhận hàng ngày.

 

Bởi vậy, việc sự kiện ở Paris có tác động đối với nhiều người hơn là sự kiện ở Belrut, Brussels, hay ở Pakistan gần đây có thể nói rằng là do đám đông thật sự đồng cảm với Paris nhiều hơn, nhưng đó không phải là một sự phân biệt hay thiên vị của lý trí. Nó đơn thuần là một quy luật của cảm xúc, quy luật tự nhiên của sự đồng cảm, CÀNG GẦN GŨI VỚI MỘT NGƯỜI/ĐIỀU GÌ ĐÓ BAO NHIÊU, BẠN CÀNG ĐỒNG CẢM VỚI NÓ nhiều hơn. Và không có điều gì là sai trái với những hành xử tự nhiên như thế cả (dĩ nhiên nếu bạn có thể đồng cảm kể cả với một người xa lạ thì nó là một việc tốt, nhưng điều đó không bắt buộc). Khi hiểu được quy luật trên, chúng ta nhận ra điều đáng được hỏi để làm sáng tỏ vấn đề đó là: "Tại sao cộng đồng (thế giới, ko chỉ Việt Nam) lại gần gũi với Paris hơn là Brussels hoặc Pakistan?"

 

Rõ ràng là không phải ai cũng đã từng đến nước Pháp, phần đông dân số thế giới chưa bao giờ gần gũi với nước Pháp về mặt không gian, hay thời gian. Việt Nam ở cách Pháp hơn 10 nghìn cây số và 4 múi giờ. Thế nhưng nhiều người trong chúng ta biết đến Pháp và gần gũi với nó ở trong tâm hồn. Nhiều người từng gắn bó với những trang sách trong Le Petit Prince của Antoine de Saint-Exupéry, những tiểu thuyết lãng mạn của Marc Levy hay Musso, quen thuộc với giai điệu bất hủ của La Vie En Rose. Có lẽ nước Pháp thật sự không hẳn tương đồng với những thứ mà chúng ta từng nghe, từng đọc, nhưng chắc chắn là những thứ chúng ta từng nghe và từng đọc đó đem đến cho ta một sự gần gũi vô hình với nó.

 

Ở giữa những nét rạn nứt và sự đổ vỡ của thế giới vật chất, chúng ta có thể để ý và cảm nhận về những giá trị vô hình của văn hóa và nghệ thuật, thứ đưa chúng ta lại gần nhau hơn, hàn gắn những vết thương đau và le lói về hi vọng.

 

Có lẽ thay về việc chỉ trích đám đông về đạo đức và đúng sai, chúng ta có thể kết nối với nhau và tạo ra sự đồng cảm, gần gũi bằng việc nuôi dưỡng tâm hồn mình.Chúng ta có thể gần gũi hơn với Ấn Độ khi đọc Triệu Phú Ổ Chuột, biết thêm về Afghanistan qua Người Đua Diều... (Dĩ nhiên chỉ đọc sách thôi là không đủ để có thể đưa được cả thế giới lại với nhau, nó chỉ là một ví dụ, và còn rất nhiều điều khác chúng ta có thể làm).

 

Và quay trở lại từ chuyện thế giới, nếu người Việt muốn thế giới biết về Việt Nam nhiều hơn chỉ là phở và nón lá, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần quan tâm, chú trọng hơn tới văn hóa nghệ thuật. Sẽ là một điều đáng buồn nếu thế hệ của chúng ta mãi chạy theo những giá trị vật chất vô hồn trong khi luôn trống rỗng về tinh thần. Nhiều người Việt hiện tại đã và đang ở trong tâm thế dễ dàng đón nhận những sản phẩm, những giá trị từ các nên văn hóa khác để bù đắp cho sự trống rỗng ấy. Có lẽ thay vì một số ý kiến chỉ trích và phản đối hiện tại, điều chúng ta cần làm là xem lại cách mà chúng ta đang xây dựng và gìn giữ văn hóa, nghệ thuật của mình.

 

 Trạm đọc (Read Station)