"Pinocchio đáng thương" hay kẻ bắt chước tài giỏi: Khi trẻ em nói dối
Nếu con bạn nhìn thấy bạn gọi điện xin phép sếp nghỉ ốm để đi spa với mấy cô bạn thân, thì đừng ngạc nhiên nếu một ngày bạn tá hoả phát hiện bé trốn học đi đánh điện tử. Cũng đừng phát sốt nếu con bạn bị bắt gian lận trong giờ thi Lịch sử, bởi vì bạn đã ép con học thêm tiếng Anh đến 10 giờ tối cơ mà!
Nói dối không còn là một vấn đề mới trong giáo dục nước nhà. Ở mọi kỳ thi, người ta thấy số lượng giám thị bằng cả một phòng thi, còn học sinh thì vẫn rỉ tai nhau những cách chép phao tân tiến và hiệu quả. Khó tin thay, vấn đề không nằm ở chương trình của Bộ Giáo dục mà nằm chính ở giáo dục gia đình khi các em còn bé.

Theo cô Doãn Kiến Lợi trong bộ sách dạy con nổi tiếng “Người mẹ tốt hơn người thầy tốt,” “Thói quen nói dối của trẻ hầu như không nằm ngoài hai nguyên nhân sau, một là bắt chước người lớn, hai là buộc phải làm do sức ép.” 

Hẳn nhiên, một người cha người mẹ dù có giảo hoạt ra sao trên thương trường cũng không bao giờ dạy con nói dối. Tuy nhiên, với khả năng quan sát và bắt chước, trẻ sẽ rất nhanh chóng học theo những lời nói dối vô hại của cha mẹ hoặc thậm chí chỉ là lời nói khéo léo trong giao tiếp.

Bạn chuẩn bị quà biếu tặng sếp nhưng lại nói với hàng xóm là mình mang quà về cho ông nội để tránh bị soi mói cùng giải thích lằng nhằng. Đây quả là một chiêu hay trong ứng xử xã hội, nhưng đứa con của bạn lại hiểu rằng “nói dối" mang lại lợi ích đáng kể. Sẽ chẳng có gì là lạ khi con bạn bao biện rằng thuốc tránh thai khẩn cấp trong cặp là mua hộ nhỏ bạn thân, vì nói thế đỡ phiền hà lại chẳng hại ai cả. 

Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng thường xuyên “vô tình" nói dối để dỗ dành trẻ. Con ăn nhanh thì mẹ sẽ cho ăn kẹo, nhưng rốt cuộc chỉ thấy đứa trẻ bị nhồi cơm chứ chẳng thấy kẹo đâu. Con mà ngủ ngoan thì mai bố sẽ đưa đi Công viên nước - kết cục ngày hôm sau bố đi làm từ sáng tới tối muộn. Những lời nói bâng quơ vô hại này sẽ để lại ấn tượng trong tâm lý trẻ, dần dần ăn sâu vào tiềm thức và trở thành thói quen nói dối. Con được 4 điểm thì nói vống thành 9 điểm để cha mẹ vui lòng, hoặc con hứa về nhà thăm cha mẹ thì lần lữa vài năm chưa thấy mặt mũi.

Tuy nhiên, không phải lời nói dối nào cũng là bắt chước. Tôi gọi những đứa trẻ này là “Pinocchio đáng thương,” bởi vì hoàn cảnh ép buộc chúng phải che đậy sự thật. Những đòn roi của cha mẹ hay những lời doạ nạt từ thầy cô sẽ khiến những đứa trẻ ngây thơ tin rằng sai lầm dù là nhỏ nhất của mình cũng mang lại hình phạt khắt khe.

Nếu cha mẹ kèm cặp trẻ quá gay gắt, trẻ sẽ thà giả vờ ốm còn hơn phải đến trường. Những lần đầu nói dối có thể trẻ sẽ hơi gượng, nhưng dần dần con sẽ thuần thục mà cha mẹ không hề hay biết. “Nhân chi sơ tính bản thiện" - những tâm hồn non nớt và tội nghiệp đã buộc phải nói dối để được sống một cuộc đời vui vẻ bình thường như bạn đồng trang lứa. 

Câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào để xây dựng (lại) phẩm chất trung thực ở trẻ. Đa số các bậc phụ huynh khi phát hiện ra con nói dối thì nổi cáu và trừng phạt con, với hy vọng rằng sự răn đe sẽ khiến trẻ thành thật. Tuy nhiên cô Doãn Kiến Lợi cho rằng những hình phạt này không những không giúp con thật thà hơn, mà còn thúc đẩy trẻ nói dối nhiều hơn nữa.

Khi phát hiện ra con nói dối, cha mẹ cần bình tĩnh lắng nghe và tìm ra mấu chốt của vấn đề cũng như nguyên nhân chính dẫn đến lời nói dối của con. Nên nhớ, “khi cần suy nghĩ đến việc thay đổi trẻ, điều cần quan tâm nhất là làm thế nào để thay đổi phương pháp giáo dục của cha mẹ.” Một khi con cảm thấy yên tâm khi trò chuyện với cha mẹ, cha mẹ sẽ không cần lo lắng con sẽ nói dối nữa.

Giáo dục trẻ em chủ yếu vẫn là nhiệm vụ của gia đình. Chỉ khi gia đình bao dung và yêu thương các em thì các em mới phát triển được những phẩm chất đạo đức quý giá và cần thiết để trở thành những công dân tốt của xã hội sau này.

“Người mẹ tốt hơn người thầy tốt" của Doãn Kiến Lợi là bộ sách dạy con nổi tiếng ở Trung Quốc. Bằng cách kể lại những câu chuyện hằng ngày qua những câu hỏi ngây thơ của con gái Viên Viên, tác giả đã lồng ghép những bài học sâu sắc trong quá trình trưởng thành cùng con. Bộ sách được nhiều người yêu thích bởi thông điệp giản dị mà nhân văn: cách dạy con tốt nhất là luôn lắng nghe, tôn trọng và thấu hiểu con mình.

Trang Sâu 

Trạm Đọc

Tags: