Phiêu lưu tại Kenya cùng phóng viên, vận động viên chạy bộ Adharanat Finn
Phiêu lưu tại Kenya cùng phóng viên, vận động viên chạy bộ Adharanat Finn
Đây là trích đoạn cuốn sách "Chạy bộ cùng người Kenya" đạt giải Sách thể thao Anh Quốc, cũng là cuốn sách phiêu lưu thú vị khám phá đất nước Kenya đăng độc quyền trên Trạm đọc.

Ngày hôm sau, tôi lại lên chiếc Toyota Corolla được người ta thèm muốn (tại Kenya), khởi hành một chuyến đi dài và cam go xuống Nairobi. Godfrey và tôi phải hành hương một chuyến. Mà nói đó chỉ là một giải chạy thì cũng đúng. Lại một nhóm người chạy quanh một khoảng sân. Nhưng giải việt dã vô địch quốc gia Kenya có lẽ là giải chạy khốc liệt nhất, đua tranh nhất thế giới. Hàng trăm vận động viên hàng đầu Kenya ở mỗi nhóm tuổi cùng tập hợp lại, những người nhanh nhất trong những người chạy nhanh, đua nhau giành vài vị trí trong đội tuyển quốc gia tham dự giải vô địch thế giới. Đó là dịp quy tụ đông đảo nhất các anh tài chạy bộ đẳng cấp thế giới. Hẳn nhiên tôi phải có mặt ở đó. Để chứng kiến sự kiện ngoạn mục này và hy vọng hiểu được thêm về bí kíp chạy bộ thành công của người Kenya.

Ban đầu, Godfrey bảo sẽ cho tôi đi nhờ xe, nhưng vài ngày trước, anh gọi lại báo rằng kế hoạch thay đổi. Xe anh vẫn trong xưởng sửa chữa. Giờ anh tính đi xe bus với Anders đến Nairobi trước một hôm vì cần giúp một vận động viên lấy visa.

 Vậy là, chiều hôm đó, tôi đứng bơ vơ bên cạnh chiếc xe của mình trong một thị trấn nóng bức, bụi bặm, cách Iten chừng 80 km, chờ một vận động viên chạy bộ khác cùng vợ anh ta. Godfrey đã thu xếp để họ được đi nhờ, còn tôi thì có bạn đồng hành và dẫn đường.

Trong khi tôi đang đứng chờ thì một người mặc áo sơ mi kẻ, nách kẹp chiếc áo khoác to tiến lại gần, chìa tay chào hỏi.

“Chào anh bạn. Anh đang đi đâu vậy?”

“Nairobi.” Tôi bắt tay anh và trả lời.

“Tôi sẽ đi cùng.” Anh ta bảo. Xem ra đó không có vẻ là một câu hỏi. Khó lòng nói được anh ta vừa mới quyết định đi Nairobi chỉ vì tôi bảo thế, hay định tới đó từ đầu. Thấy vẻ hoài nghi của tôi, anh ta liền trấn an: “Tôi là cảnh sát.”

Tôi đồng ý cho anh ta đi nhờ. Anh đang trên đường về thăm gia đình dịp cuối tuần. Lát sau, vận động viên chạy bộ tôi đang đợi cũng xuất hiện cùng vợ, bực dọc ra mặt và phàn nàn suốt về chuyến xe matatu từ làng.

Đã là giữa chiều, Mặt trời thiêu đốt từng ngóc ngách thị trấn khi chúng tôi lên xe và chạy dọc con đường gồ ghề, tiến vào một vùng hoang sơ chỉ trơ trọi xương rồng và một lòng sông cạn đáy, trơ sỏi đá.

Từ đó tới Nairobi còn bốn giờ lái xe, băng qua những khu nhà lúp xúp và xiêu vẹo trên các giao lộ hay những cánh cổng trường to lớn, đường lên toàn dốc, hết vượt máy kéo, xe tải, lại tránh những chiếc matatu cùng những chiếc xe phả khói mù mịt chạy ngược chiều. Tới một đoạn, chúng tôi gặp một đàn khỉ đầu chó ngồi ngay bên lề đường đang bới lông cho khỉ con và thản nhiên nhìn những chiếc xe chạy qua. Cuối cùng, con đường cũng dốc xuống và hướng vào Nairobi.

Thoạt đầu, các hành khách của tôi còn cố nói tiếng Anh để tôi tham gia vào cuộc trò chuyện, nhưng dần dần họ chuyển sang tiếng Swahili. Tôi kệ họ, ánh mắt trôi về phía cơn mưa trên những vạt đồi. Ở đấy, cỏ xanh và mềm với hàng hàng luống luống rau màu tươi tốt. Người trên đường đều đã mặc áo mưa và hối hả đạp xe dưới bầu trời nặng mây xám.

Tới Nairobi, chúng tôi đến khách sạn YMCA để gặp Godfrey và Anders như đã hẹn. Theo kế hoạch thì Godfrey đã đặt phòng cho cả ba, nhưng căn phòng hóa ra lại chỉ có độc một chiếc giường.

“Không sao.” Anh bảo. “Tôi biết một chỗ gần đây.”

Chúng tôi để xe tôi lại rồi nhảy lên chiếc xe không hiểu Godfrey kiếm đâu ra. Anh chở chúng tôi ngày càng xa ra ngoài thành phố, bỏ lại những căn nhà lớn kiên cố sau lưng, cứ đi như vậy suốt 45 phút. Cuối cùng, đến sẩm tối, anh mới rẽ xuống một con đường nhánh dẫn tới một chỗ trông như một khu trung tâm hội nghị bỏ hoang. Tấm biển tại lối vào đề dòng chữ: Trung tâm đào tạo năng lực lãnh đạo Ngân hàng KCB. Nơi này trông không có vẻ gì là một khách sạn. Anders nhìn tôi hoang mang, nhưng Godfrey vẫn tự tin như mọi khi.

“Tin tôi đi.” Anh nói. “Các anh sẽ thích mê nơi này.”

Người gác cổng có vẻ bất ngờ khi thấy chúng tôi. Godfrey kéo cửa kính xe xuống và toét miệng cười. Nhưng người bảo vệ ngơ ngác thấy rõ. Có vẻ anh ta đang cố nói với Godfrey rằng nơi này chỉ tổ chức hội nghị chứ không phải là khách sạn.

Godfrey chào người đó và lùi xe lên đường.

“Ở đây kín chỗ rồi.” Anh nói tỉnh bơ. “Đang có hội nghị.”

Vài phút sau, chúng tôi dừng xe tại Khách sạn Shade. Phòng ốc ở đây nhếch nhác, rẻ tiền nhưng có nhà ăn. Chúng tôi đều đã mệt lử và đói mềm nên quyết định chọn đại.

Các vận động viên tại Kenya đang chạy bộ

Dường như đến cả nửa dân thị trấn Iten đều đang có mặt tại giải chạy trong công viên Uhuru Gardens ở trung tâm Nairobi này. Họ chạy ngược xuôi quanh đường chạy để nhìn cho đã mắt các vận động viên. Ngoài số đông người hâm mộ như tôi, còn có các huấn luyện viên và nhà quản lý, họ vừa cổ vũ khích lệ vừa hò hét vận động viên của mình. Khi người của họ chiến thắng, họ cười sảng khoái và đập tay ăn mừng như thể các thương nhân chứng kiến món hàng của mình tăng giá.

Hàng nghìn người dân địa phương cũng kéo đến. Đây là con số lớn với một giải việt dã, nhưng tôi vẫn không bỏ được ý nghĩ rằng ở đây, tại thủ đô của quốc gia yêu chạy bộ nhất thế giới này, khán giả phải đông hơn mới phải.

Dầu vậy, người hâm mộ thực sự hài lòng. Một người quay sang tôi, cười rạng rỡ khi vận động viên nữ dẫn đầu chạy qua: “Tôi vừa được trông thấy tận mắt Linet Masai [cuối cùng cô về nhất]. Không phải là trên Internet.”

Các vận động viên diễu hành ra điểm xuất phát như những chiến binh, tay vung vẩy, bật nhảy trên đầu ngón chân. Đó là một buổi sáng ấm áp nhiều gió, tôi dành hầu hết thời gian xăng xái chạy khắp nơi để chụp ảnh. Tôi muốn thu lại bằng được toàn bộ sự hoành tráng của giải đua, cùng màn phô diễn sức mạnh và tốc độ của các vận động viên hàng đầu. Tuy nhiên, mọi thứ dường như lọt thỏm giữa không gian rộng mở của công viên. Chưa kể những chiếc máy bay cứ chốc chốc lại thấy xuất hiện phía trên đầu để hạ cánh xuống sân bay Wilson gần đó, khiến các vận động viên trông càng thêm nhỏ bé. Tôi nóng lòng được choáng ngợp trước giải đua, tôi đã vượt cả chặng đường dài để tới xem giải, thế nên tôi cố sức chiêm ngưỡng thật trọn vẹn các vận động viên nhanh đến mức nào. Và rồi, trong cuộc đua cuối, khi người giành giải nhất hạng mục nam, Geoffrey Mutai, lao qua góc cua cuối ngay trước mặt tôi, anh suýt nữa đã chạy sai đường. Đưa anh ta về đúng đường chạy lúc đó không khác gì bẻ lái một đoàn tàu cao tốc. Chúng tôi phải nhảy tránh đường khi anh phi thẳng tới và định chạy tiếp một vòng nữa, như thể có thể chạy mãi được. Các nhân viên giám sát giải đã xoay xở tóm được anh ta và hướng anh ta trở lại đúng đoạn đường thu hẹp hình phễu để về đích.

Anh ta hoàn thành đường đua 12 km trên mặt đường gồ ghề, trong một ngày đầy gió, ở nơi cao hơn nhiều so với mực nước biển với thời gian gây sửng sốt 34 phút 35 giây.

Để hình dung được mức độ khốc liệt của các cuộc đua trong giải này, hãy nghĩ đến việc bốn nhà đương kim vô địch thế giới – cả vận động viên trưởng thành và vận động viên trẻ, cả nam và nữ – đều tham dự, nhưng cả bốn đều không lọt được vào tốp mười người đứng đầu. Leonard Komon, vài tháng trước vừa phá kỷ lục thế giới cự ly 15K và 10K, chỉ về đích thứ sáu trong giải nam.

Trước khi tôi rời khỏi đó, Godfrey giới thiệu tôi với một cô gái trẻ đến từ một ngôi làng nhỏ đâu đó ở thung lũng Rift. Giống hết thảy các nữ sinh Kenya, đầu cô cạo trọc còn hàm răng thì ố vàng. Rất có thể cô vừa tới đây sau một ngày bận rộn trồng ngô ngoài ruộng. Cô ngượng ngùng đưa tay cho tôi bắt. Cô là Mercy Cherono, nhà vô địch thế giới giải trẻ năm trước. Tuy nhiên, ngày hôm nay, cô về thứ 13, bị vượt qua bởi một đám các cô gái đến từ những làng quê nhỏ bé, bụi bặm khác.

 

Cuộc gặp gỡ với Mercy Chrono khiến tôi suy nghĩ. Có điều gì đó ở cô dường như đã gói gọn toàn cảnh hiện tượng chạy bộ của người Kenya. Có gì đó ngẫu nhiên, thậm chí là vô thức về tài năng của cô gái này.

Một tối cách đây vài tuần, tại khách sạn Kerio View ở Iten, vợ chồng tôi gặp một cặp đôi uống rượu vang trên sân thượng. Người đàn ông là nhân sự cấp cao của công ty viễn thông lớn nhất Kenya – Safaricom, sống ở Nairobi, nhưng gốc gác Eldoret. Tôi hỏi anh đâu là bí quyết thành công ở môn chạy bộ của người Kenya. Anh nhìn tôi qua ly rượu trên tay.

“Cứ thử hỏi xuất thân của bất kỳ vận động viên chạy bộ đỉnh cao nào, rồi anh cũng sẽ thấy người đó đến từ một gia đình nghèo khó.” Lúc ấy, tôi vẫn nghĩ đó là một cách nhìn thô thiển, nhưng càng nghĩ, tôi lại càng thấy đáng xem xét. Nói chuyện với Mercy Cherono, tôi hiểu rõ rằng thành công của cô không phải là kết quả của nhiều năm bền tâm quyết chí, được cha mẹ định hướng tập luyện và thi đấu giải. Ngôi trường nơi cô học có thể còn chẳng có đường chạy riêng để luyện tập. Đơn giản là sự nhọc nhằn cố hữu của đời sống hằng ngày đã sản sinh ra một tài năng chạy bộ chiến thắng cả thế giới.

Thầy Colm gật đầu khi tôi nêu ra nhận định là tất cả các vận động viên chạy bộ người Kenya đều xuất thân trong các gia đình nghèo. “Nói cho đúng nhất thì,” ông nói, “họ xuất thân từ những gia đình nông thôn nghèo. Chúng tôi chưa từng có vận động viên chạy bộ giỏi nào ở thành phố.”

Cuộc sống ở nông thôn Kenya rất nhọc nhằn. Trẻ con phải lao động từ rất sớm, phải chăn dê hoặc cày cuốc ngoài ruộng và muốn đi đâu cũng đều phải chạy hoặc đi bộ. Bạn có thể thấy chúng lếch thếch tới trường trên các con đường mòn từ lúc mới bình minh. Đó chính là nền tảng hoàn hảo cho một vận động viên thể thao sức bền.

Tôi nhớ lại ngày cùng ăn trưa với Daniel Komen ở Câu lạc bộ golf Eldoret. Anh mặc bộ vest màu xanh lục thẫm. Ngày hôm đó trời oi bức, lũ trẻ đang chơi đùa trong bể bơi. Buổi tiệc nướng đang hồi cao trào. Những người phục vụ vận áo sơ mi trắng tinh bê các khay đồ uống màu sắc sặc sỡ đi lại trên bãi cỏ.

“Tôi thường phải vắt sữa bò hằng ngày, chạy bộ tới trường, rồi chạy về nhà ăn trưa, rồi chạy lại trường, về nhà, rồi lại chăm sóc lũ bò.” Anh nói mà không hề mỉm cười. Đó không phải là những ký ức vui vẻ. “Đó là cuộc sống ở Kenya.”

Chris Cheboiboch cũng từng kể cho tôi chuyện tương tự. “Chúng tôi thường xuyên tập luyện mà không hay biết.” Anh ta bảo. “Ngày nào cũng vậy, chạy, chạy và chạy.”

Họ không chỉ chạy bộ từ nhỏ, mà còn chạy ở nơi có độ cao lớn. Tập luyện ở nơi có độ cao lớn giúp các vận động viên sức bền chạy bộ nhanh hơn nhờ làm tăng khả năng đưa oxy đi khắp cơ thể – đây là điều khoa học đã chứng minh. Hầu hết các vận động viên chạy bộ đường dài tầm cỡ quốc tế đều thêm vào lịch tập của mình những giai đoạn tập luyện trên độ cao lớn. Nhưng người Kenya lại được sinh ra và lớn lên ở nơi sẵn có độ cao và chạy bộ khắp nơi từ khi còn nhỏ, điều này mang lại cho họ lợi thế rất lớn.

Tôi trở lại khách sạn Kerio View để tìm Renato Canova và thấy ông vẫn ngồi đúng chỗ đó, với cốc sữa trên mặt bàn. Khi nhìn thấy tôi, ông ra hiệu cho tôi ngồi xuống rồi gọi cho tôi một ly nước ép chanh leo. Tôi hỏi ý kiến ông về giả thuyết tuổi thơ nhọc nhằn ở nông thôn khiến người Kenya trở thành những vận động viên chạy bộ kiệt xuất.

Ông nghĩ ngợi một lát, đắn đo lời lẽ như thể ông có thể trả lời câu hỏi đó theo cả trăm cách. “Đúng vậy.” Ông nói. “Ở phương Tây, chúng ta có chất lượng cuộc sống tốt, phải không? Nhưng ‘chất lượng cuộc sống’ là gì nào, là ít mệt mỏi hơn. Là làm cho mọi việc dễ dàng hơn. Trong khi chạy bộ lại là chuyện bạn có thể chịu được mệt mỏi đến mức nào.”

Bản danh sách của tôi lại dài thêm ra, nhưng tất cả các lý do – những bí mật tôi đang khám phá – đang dần tụ hợp lại một điểm. Tuổi thơ khó khăn, lao động cực nhọc, chạy bộ chân đất, độ cao so với mực nước biển, chạy bộ đến trường – tất cả đều là tự nhiên từ đời sống hằng ngày của người Kenya. Chẳng việc nào được thực hiện với ý đồ trở thành vận động viên. Đó đơn thuần chỉ là cách sống của họ. Đơn giản chỉ là nhờ lớn lên trên sườn thung lũng Rift, cách xa thành thị và các công nghệ mà phương Tây sáng chế ra để làm cuộc sống dễ chịu hơn, họ đã trở nên vượt trội trong môn thể thao tự nhiên nhất thế giới.

Khi đám trẻ nhà tôi đến Eldoret tham gia giải việt dã, không khí ở đó không giống những cuộc chạy phong trào chúng từng trải nghiệm hồi còn ở Anh. Không có những cặp chân mũm mĩm hay những khuôn mặt ửng hồng, không có đám trẻ con chạy lạch bạch đáng yêu, hào hứng tham gia một hoạt động vận động cơ thể để thay đổi không khí. Ở Eldoret, lũ trẻ tràn trề năng lượng, nôn nóng, chạy ngược xuôi trên vạch xuất phát. Có thứ gì đó đã bắt rễ, rất lâu trước bất cứ buổi rèn luyện điền kinh nào. Lila và Uma chỉ nhìn thôi là đã đủ hoảng.

“Để có được nền tảng thể lực và sức bền để chạy các cự ly dài, phải mất khoảng mười năm.” Canova bảo tôi. “Khi một người Kenya đến tuổi 16,” ông nói và mỉm cười, như thể muốn bảo, anh bạn ạ, mọi thứ đều gói gọn lại trong một điểm, một đoạn âm thanh ngắn gọn mà anh có thể mang theo mình, “khi một người Kenya 16 tuổi, anh ta đã xây dựng xong nền tảng đó rồi.”

 

Lúc này, ở Nairobi, tôi đang chuẩn bị lên đường chạy một buổi. Giờ đây, khi giải Lewa Marathon đã tới gần, tôi gần như tập mỗi ngày. Tập luyện đã bắt đầu trở thành việc hằng ngày của tôi, giống như Japhet, Beatrice và tất các vận động viên chạy bộ khác ở Iten. Trừ một điều, ở chốn thành thị này, mọi việc rất khác.

“Nào mọi người, thôi tự sướng đi, tập trung lại đây.”

Đó là một nhóm tạp nham đang túm tụm quanh chiếc xe hai cầu màu đỏ trong bãi đỗ xe của khách sạn Nest ở Ngong, thị trấn vệ tinh phía bắc Nairobi. Người trong nhóm, loanh quanh khoảng 40 tuổi, đa phần đều bị thừa cân. Một số đang uống nước có ga. Một phụ nữ mặt mũi dữ tợn còn đang phì phèo thuốc lá. Tất cả đều mặc quần áo chạy bộ.

“Đường chạy dài hôm nay là mười kilômét.” Người trưởng nhóm thông báo. “Đường chạy ngắn là tám kilômét. Chúc vui vẻ.”

Hầu hết đều có vẻ phải cố lắm mới leo nổi thang gác để lên được quầy bar. Nhưng với những tiếng cười đùa hòa nhã, chúng tôi nối đuôi nhau ra khỏi bãi đỗ xe, lên đường lớn và bắt đầu chạy.

Trước khi trở về Iten, tôi đi thăm mấy người bạn cũ của Bruce Tulloh, Ray và Doreen Meynick. Ray kể hai trong số những huyền thoại chạy bộ vĩ đại nhất Kenya, Catherine Ndereba và Paul Tergat là bạn thân của anh. Theo lời anh, họ là hàng xóm, cách nhau chỉ một lối rẽ ở vùng ngoại ô Karen đông đúc. Họ thường đến nhà anh ăn tối. Tôi đã hy vọng thêm được điều gì đó vào danh mục những lý do khiến người Kenya chạy bộ giỏi đến vậy, nhưng đáng tiếc là chẳng ai trả lời điện thoại.

Ray lại khăng khăng rằng ở Nairobi tốt hơn hết là tôi nên gặp vài tay chạy bộ không phải kiểu sừng sỏ gì cả – những người chạy bộ để giải trí, một khái niệm bất thường ở Kenya. “Chạy bộ với người Kenya ấy à?” Anh ta châm chọc. “Thì đấy, họ cũng là người Kenya đấy.”

Với hơn 1.700 nhóm hội họp ở hầu hết các thành phố lớn khắp thế giới, câu lạc bộ Hash House Harriers là một hiện tượng tầm quốc tế. Giống một câu lạc bộ giao lưu hơn là một câu lạc bộ chạy bộ điển hình, họ thường tự mô tả bản thân là “một câu lạc bộ nhậu nhẹt nghiện chạy” nhưng vẫn đều đặn cùng nhau đi chạy khắp các thành phố nơi câu lạc bộ có mặt. Thay vì chạy theo một tuyến đường cố định, các thành viên của Hash thường chạy theo đường chạy được đánh dấu bằng phấn trắng.

Tốc độ của nhóm chạy cuối chậm đến đau khổ: các vận động viên gắng sức lết theo đường Ngong, thỉnh thoảng lại suýt bị những chiếc xe buýt chật cứng người lao động trên đường trở về nhà sau giờ làm tông phải.

 Ở đầu đoàn chạy, một số người thân hình gọn gàng hơn đang tách xa nhóm cuối. Tôi đuổi theo họ, nhưng ngay khi tôi bắt kịp, họ đứng nấp sau một bức tường và dừng lại. Bọn họ cười nhăn nhở.

“Có chuyện gì vậy?”

Một người đàn ông lớn tuổi khuyết răng cửa, chỉ tay về phía hai vạch phấn trắng trên nền đất.

“Thế có nghĩa là đây là đường chạy giả.” Ông ta nói. Nhưng ông ta không muốn những người còn lại nhận ra điều đó, ít nhất là trước khi họ chạy hết cả đoạn đường bụi bặm mà chúng tôi vừa đi qua. Chạy bộ kiểu này đúng là rất khác so với ở Iten.

Khi cả đoàn lại tụ lại thành đám rồi rẽ sang một đường chạy đúng  cũng được đánh dấu bằng phấn, vẫn mấy người lúc trước lại chạy lên đầu đoàn, tôi bám theo họ. Một lát sau, chúng tôi chạy qua sân sau của mấy căn nhà gỗ ọp ẹp, chui qua những sợi dây phơi, nhảy qua lũ trẻ đang chơi đùa trong bùn đất.

Nhưng có vẻ như chúng tôi lại lạc đường. Cả hội còn đang mải xem xét đường chạy thì một người đàn ông trên bậu cửa nhà đã chỉ về phía khe hẹp giữa hai căn nhà. Không kịp cám ơn, chúng tôi lao về phía đó và dĩ nhiên, ở đó lại có thêm dấu phấn.

“Lên nào, lên nào.” Họ hò hét khi nhóm chạy chậm hơn bắt đầu đuổi tới nơi.

Và mọi việc cứ tiếp diễn như vậy. Mỗi khi chúng tôi mắc kẹt tại một lối rẽ, những người chạy phía sau lại có cơ hội bắt kịp. Khi tìm được lối đi đúng, chúng tôi lại hét: “Lên nào, lên nào” và cuộc bứt phá lại lặp lại.

Dù thoạt đầu còn dè dặt, tôi nhanh chóng thấy trò này khá vui. Chúng tôi chạy lồng lên trong những ngõ hẻm lụp xụp, tìm kiếm các vệt phấn trắng. Chính tôi cũng hét “Lên nào, lên nào” khi thấy vết đánh dấu. Hai người phụ nữ ngồi ở bậu cửa nhìn tôi chạy qua. Phía sau tôi là hàng dài những người Kenya vận đồ thể thao và áo bib phát quang nặng nhọc bám theo.

Chạy được khoảng nửa đường, chúng tôi thấy một chiếc xe đỗ, cốp xe để mở. Bên trong bày sẵn hàng cốc nước, dưa vàng và mía cắt khoanh để gặm. Ngồi ở ghế trước là người phụ nữ hút thuốc ở điểm xuất phát.

Tôi là người đầu tiên tới nơi, nhưng tất cả nhanh chóng bắt kịp. Khi chúng tôi đang đứng quanh chiếc xe ăn uống và lấy hơi thì ai đó lên tiếng: “Hát một bài đi.”

Lập tức, tất cả cùng hưởng ứng cất lời hát một phiên bản đầy cảm xúc của bài “Hát trong cơn mưa” vừa hát vừa lắc mông, lè lưỡi. Những người sống trong con hẻm san sát các tiệm cắt tóc và những quầy bán xoài phủ bụi này túm năm tụm ba nhìn chúng tôi đầy tò mò.

Câu lạc bộ Hash chỉ có vài mzungu da trắng, còn thành viên chủ yếu là người Kenya. Họ đều lái những chiếc xe lớn và sẵn lòng trả 150 shilling Kenya (1,5 đô-la Mỹ) – số tiền còn lớn hơn thu nhập hàng ngày của nhiều người Kenya – chỉ để chạy.

Và sau khi chạy xong, các thành viên của Hash sẽ nhậu nhẹt thâu đêm, với bia được giảm giá đặc biệt và phòng khách sạn đặt sẵn cho những người quá say không thể về nhà. Từng nghe chuyện kể về các nghi thức chào sân bẽ bàng dành cho “lính mới”, nên thay vì ở lại điều tra, tôi lẻn trốn dưới bầu trời đang ngả về tối.

 

Xét về chất lượng, buổi chạy của tôi với Hash House Harriers giống như lên tàu vũ trụ bay về ghé thăm một câu lạc bộ chạy ở quê nhà trong một đêm. Những đôi chân vòng kiềng và những cái bụng bia lao đi với tốc độ hơn sáu phút/kilômét. Sở dĩ Đông Phi thống trị các cuộc chạy đường dài một phần cũng là bởi người phương Tây thực tế đang trở nên chậm chạp hơn. Bất chấp những lợi thế trong công nghệ tập luyện, dinh dưỡng và vật lý trị liệu, bất chấp sự gia tăng cả về chất lượng lẫn số lượng các giải chạy, cũng như những khoản tiền thưởng ngày càng lớn, ở phương Tây, chúng ta đang mắc kẹt trên một chiếc băng tải chuyển động ngược chiều. Lấy ví dụ năm 1975, người Mỹ 34 lần chạy giải marathon với thời gian dưới 2 giờ 20 phút, người Anh thực hiện được 23 lần, còn Kenya thì không một lần nào. Thế nhưng, đến năm 2005, thành tích này của người Mỹ chỉ còn là 22 lần, người Anh là 12 lần, còn người Kenya thì lại ngất ngưởng 490 lần.

Mỗi lý do mang lại thành công cho người Kenya luôn đi cùng một xu thế ngược lại ở phương Tây. Trong khi người Kenya có một tuổi thơ vô cùng năng động, thì chúng ta đang ngày càng trở nên ì ạch. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Essex chỉ ra rằng trong khoảng mười năm qua, trẻ em mười tuổi người Anh đã yếu ớt hơn, ít cơ bắp hơn và khả năng thực hiện các nhiệm vụ yêu cầu thể chất cũng suy giảm. Tác giả của nghiên cứu này, tiến sĩ Gavin Sandercock phát biểu: “Điều đó có thể bắt nguồn từ thay đổi trong thói quen sinh hoạt, ví dụ ít tham gia các hoạt động như leo dây thừng trong giờ thể dục, hay ít nghịch ngợm trèo cây hơn so với trước.”

Hồi những năm 1970, chúng ta không hẳn là chạy chân đất, nhưng hầu hết các loại giày chạy thời đó đều có đế mỏng và nhẹ, khá giống “giày chạy kiểu chân đất” hiện đang rất thịnh hành. Hơn nữa, chúng ta lớn lên cùng những đôi giày như thế, đồng nghĩa với việc ta có dáng chạy tốt hơn, bắp chân khỏe hơn và vòm gan bàn chân cao hơn.

Chế độ dinh dưỡng của chúng ta cũng kém dần. Trong khi người Kenya có món ugali giàu carbohydrate thì chúng ta đang ăn đồ chứa muối và chất béo nhiều hơn bao giờ hết. Tỷ lệ béo phì và bệnh tiểu đường gia tăng. Theo tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì ở Mỹ và Anh đã tăng ít nhất ba lần so với năm 1980.

Người Kenya còn có vô số các hình mẫu thành công, là nguồn cảm hứng để họ thử sức với môn chạy bộ và giúp họ tin tưởng rằng mình có thể trở thành người chạy bộ giỏi. Những câu chuyện thành công có ở khắp nơi. Nicolas, tay huấn luyện viên xe đạp người Singapore nói rằng anh ta không có lợi thế này với đội xe đạp.

“Khó lòng tuyển được các tay đua xe ở độ tuổi mười lăm, mười sáu. Họ không có hình mẫu để noi theo như trong môn chạy bộ. Trong môn đạp xe không có những người như Paul Tergat.”

Dĩ nhiên, người Kenya càng thành công thì các vận động viên chạy bộ của các nước khác càng bị đẩy ra rìa, khiến nhóm này càng có ít hình mẫu để noi theo hơn.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng chính cái quan niệm ngày càng ăn sâu rằng người Kenya chạy bộ giỏi hơn các dân tộc khác cũng mang lại cho họ lợi thế tâm lý trong các cuộc đua. Nếu một vận động viên người châu Âu tự đoán trước là đối thủ người Kenya trong cuộc đua sẽ chạy nhanh hơn thì ý nghĩ đó có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới thành công của chính anh ta, nhất là khi mọi người xung quanh cũng tin là thế. Ngược lại, nếu vận động viên chạy bộ người Kenya tin mình chạy nhanh hơn vì mình là người Kenya, thì suy nghĩ đó lại có tác động tích cực đến anh ta trong quá trình chạy.

Khi một người chạy bộ nước khác tạo nên đột phá, anh ta sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới thế hệ tiếp theo. Ví dụ, trước khi Kelly Holmes giành được huy chương vàng ở các cự ly 800 m và 1.500 m tại thế vận hội 2004, nước Anh hầu như chẳng có chút vinh quang nào trong lịch sử chạy bộ cự ly trung bình của nữ giới. Nhưng năm năm sau, chiến thắng đó đã trở thành một lực đẩy to lớn, đem lại tấm huy chương bạc cự ly 1.500 m và huy chương đồng cự ly 800 m trong giải vô địch thế giới năm 2009.

Với số lượng hình mẫu và tiềm năng thành công ngày một ít ỏi, ngày càng có ít người sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để theo đuổi sự nghiệp thể thao. Càng ít vận động viên chuyên nghiệp, càng hiếm các ngôi sao.

Xâu chuỗi mọi thứ lại, đó như thể một chiếc cân đòn mà quả nặng dồn hết về một phía. Vì vậy, khỏi cần bàn cãi tại sao người Kenya lại chạy giỏi hơn. Việc một người như Paula Radcliffe vượt lên được ở một lĩnh vực toàn những điều kiện bất lợi và phá vỡ kỷ lục marathon thế giới, xét ở chừng mực nào đó, có thể coi là một phép màu nho nhỏ.

Đọc lại bài giới thiệu cuốn sách Chạy bộ cùng người Kenya

Trạm đọc tặng bạn mã "doccungtram" giảm giá thêm 10% khi:

- Mua cuốn sách Chạy bộ cùng người Kenya  tại link sau: https://etsdata.vn/products/chay-bo-cung-nguoi-kenya-sap-phat-hanh

- Mua cuốn sách Sinh ra để chạy tại link sau: https://etsdata.vn/products/sinh-ra-de-chay

- Mua cuốn sách Meb viết cho người phàm tại link sau: https://etsdata.vn/products/meb-viet-cho-nguoi-pham

Trạm đọc

 

Tags: