Ở đâu có nỗi sợ, ở đó có ước muốn
Ở đâu có nỗi sợ, ở đó có ước muốn
Khám phá nỗi sợ là một cách đi tìm ham muốn.

1. Sợ là một cách để chúng ta tránh né thứ mình sợ. Nếu mãi sợ bơi, bạn sẽ không bao giờ phải xuống nước. Nếu cứ lúc định chat với người ấy thì cơn sợ trào dâng, bạn sẽ không bao giờ phải nói chuyện với họ. Tận sâu nỗi sợ có thể luôn có một nỗi sợ khác: bí ẩn hơn, cải trang tốt hơn và đáng sợ hơn.

Sợ vừa là một cơ chế phòng vệ cảm xúc giúp bảo vệ bạn khỏi nguy hiểm, vừa là một chiêu thức để chúng ta tránh tiếp xúc với thực tại.

Chúng ta hay mơ thấy những thứ mình sợ hãi trong đời thực, vì mơ là một phép thử an toàn để giúp bạn đối diện với thứ gây sợ hãi. Nếu bạn sợ gặp một người, nhưng lại mơ thấy người đó: ít nhất bạn đã được tập dượt một lần.

Giấc mơ là cách bạn "chơi nháp": chỉ là mơ thôi, không sao đâu cả, tỉnh dậy sẽ hết. Ác mộng xảy đến khi nỗi sợ trở nên vượt ngoài tầm kiểm soát của giấc mơ.

2. Một cô gái sợ đi xe máy, sau vài buổi tập luyện và đỗ bằng lái, bỗng nhận ra: "Nếu mình biết đi, thì từ giờ ai sẽ chở mình?". Một cậu bé phải tập rời xa vòng tay của người mẹ, bỗng nghĩ: "Nếu mình tự lập, ai sẽ chăm sóc mình?".

Nỗi sợ giúp ta bớt sợ. Trước nỗi sợ to lớn hơn, bạn cần sinh ra một nỗi sợ nhỏ hơn để giảm nhẹ sự đáng sợ. Chẳng ai sợ sếp, chúng ta chỉ sợ không có tiền từ ông sếp: vì thế người nhiều tiền chẳng sợ ai mấy (dù họ sẽ sợ thứ khác, như mất hết tiền).

Tất nhiên, càng đi sâu vào nỗi sợ của mình, bạn sẽ càng tìm thấy nhiều ham muốn của mình. Ví dụ, đằng sau nỗi sợ phổ biến 'làm phiền người khác' (Triệu chứng: tự mình làm tất cả, không muốn nhờ vả ai) là ham muốn 'mình sẽ không làm ai khó chịu'. Ẩn sau nó có thể nỗi sợ sâu hơn 'mình sẽ phải làm hài lòng mọi người; mình không cho phép ai trên thế giới này được ghét mình; mình muốn mọi người yêu mình vô điều kiện như một bà mẹ yêu một đứa trẻ sơ sinh'.

Ở đâu có nỗi sợ, ở đó có ham muốn (và tổn thương).

3. Người ta thường kiểm soát nỗi sợ bằng ba cách: vũ trang cho bản thân (bạn đủ giấy tờ thì lướt qua CSGT cũng đỡ sợ; học bài rồi thì cho cô gọi thoải mái); tiếp xúc dần dần với nỗi sợ cho quen (mỗi ngày xích lại gần cô ấy thêm vài cm nữa); đối diện trực tiếp với nỗi sợ (gặp Boss làm một trận cho xong).

Ví dụ nỗi sợ chia tay, người ta hay dùng: cách 1, làm mình mạnh lên bằng cách có niềm vui khác như sách, dự án...; cách 2, đọc nhiều/xem nhiều về chủ đề này/kinh nghiệm chia tay cũ...; cách 3, khám phá xem ham muốn/hy vọng lẩn khuất trong nỗi sợ mất người yêu là gì.

Trong 3 cách này, cách dễ nhất để thôi sợ (chứ không phải vượt qua nỗi sợ) đó là từ bỏ ham muốn: nếu không còn ngọn lửa của mong ước, bạn sẽ chẳng sẽ còn sợ. Không muốn sợ người ấy, thì đừng mong ước gì từ người ấy. Những kẻ chẳng sợ ai là những kẻ chẳng còn ham muốn gì với đời - bất cần đời.

Nói theo The Man From Nowhere thì: "Những người chỉ sống cho ngày mai không có cơ hội chơi lại những kẻ chỉ sống cho hôm nay như tôi. Tôi chỉ sống ngày hôm nay thôi và tôi sẽ cho anh thấy nó tồi tệ đến thề nào".

Khám phá nỗi sợ là một cách đi tìm ham muốn.

Minh Đào – Trạm Đọc

Tags: