Những trở ngại người hướng nội cần vượt qua: Đừng cố bắt chước người hướng ngoại
Những trở ngại người hướng nội cần vượt qua: Đừng cố bắt chước người hướng ngoại
Nếu là một người hướng nội, hẳn bạn cũng từng cố gắng học theo những đồng nghiệp hướng ngoại của mình khi bạn muốn gây ảnh hưởng đến người khác.
Sức Mạnh Của Sự Trầm Lắng
(44 lượt)

Bạn có biết…

 Những ý tưởng tuyệt vời nhất thường nảy sinh những khi bạn ở một mình và tâm hồn đang lắng sâu?

Một e-mail thuyết phục có thể khiến một dự án được xúc tiến nhanh hơn một cuộc trao đổi theo đúng bài bản?

Lắng nghe điều không được nói ra quan trọng hơn lắng nghe điều được nói ra?

Những Người Ảnh hưởng Hướng nội - những người đạt được thành công mà không cần dùng đến những chiêu thức gây khiêu khích - đã học được những bài học trên bằng chính trải nghiệm của mình. Như những gợn sóng trên mặt hồ, họ chẳng gây ồn ào mà vẫn tạo ra tác động mạnh mẽ. Khi cần tạo ảnh hưởng, người hướng nội tập trung suy nghĩ thật cẩn trọng và thấu đáo. Họ không cần quá ồn ào hay khoa trương. Với bản tính trầm lắng và khiêm nhường, người hướng nội luôn đảm bảo những người họ cần tác động đến hiểu được thông  điệp họ muốn truyền tải. Thế nhưng, họ thường bị công ty và đồng nghiệp, những người tin rằng lời nói luôn chiếm ưu thế, coi thường và đánh giá thấp.

Nếu là một người hướng nội, hẳn bạn cũng từng cố gắng học theo những đồng nghiệp hướng ngoại của mình khi bạn muốn gây ảnh hưởng đến người khác. Tôi đoán cách tiếp cận đó chẳng giúp ích cho bạn: nó khiến bạn mệt mỏi, cảm thấy thiếu tự tin vì không đủ lý lẽ và rốt cuộc thì cách thức này cũng không mang lại hiệu quả. Trái với lời khuyên trong phần lớn những quyển sách nói về cách tạo ảnh hưởng, giải pháp dành cho bạn không phải là cố gắng trở thành người hướng ngoại. Tuy vậy, tôi tin bạn sẽ trở thành một người có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn khi bạn ngừng bắt chước người hướng ngoại và thay vào đó, bạn biết tận dụng tối đa những ưu thế hướng nội bẩm sinh của mình. Qua những câu chuyện và bí quyết được chia sẻ bởi những Người Ảnh hưởng Hướng nội thành công, quyển sách này sẽ hướng dẫn bạn làm thế nào để nhận diện, phát huy và vận dụng những thế mạnh bẩm sinh của mình để có thể tạo ra sự khác biệt lớn mà không cần khoa trương. Bạn sẽ học được cách nhận ra sức mạnh nội tại của mình, khai thác sự thông tuệ của nguồn năng lượng đó và kết nối sâu sắc với thế giới bên ngoài.

 

 

Những trở ngại người hướng nội cần vượt qua 

 

 

Có một điều không thể phủ nhận là ngày nay, cách tiếp cận gây chú ý theo kiểu hướng ngoại đang chiếm ưu thế trong môi trường làm việc. Cách thức này phủ nhận thiên hướng của hơn một nửa dân số thế giới và dựng lên những chướng ngại cho người hướng nội khi họ muốn khẳng định sức mạnh của sự trầm tĩnh. Bạn đã từng gặp trở ngại nào trong số những trở ngại sau đây chưa?

Áp lực khi làm việc nhóm

Vào những năm 1980, các công ty đi theo xu hướng khai thác hiệu quả làm việc nhóm và phương pháp quản lý này nhanh chóng phát triển, từ đó dẫn đến thực tế ngày nay là hầu hết các vị trí công việc đều đòi hỏi khả năng làm việc nhóm. Bạn và những đồng nghiệp làm việc cùng bạn thường được tổ chức thành một “nhóm”, còn người quản lý trực tiếp của bạn được gọi là “trưởng nhóm”. Ở nơi làm việc, mọi người được bố trí ngồi cùng các thành viên trong nhóm của mình. Chúng ta thực hiện phần lớn công việc của mình trong “những buổi họp nhóm”; chúng ta lên ý tưởng thông qua các cuộc thảo luận nhóm; mỗi thành viên phấn đấu hoàn thành mục tiêu của nhóm; và hầu hết nhân viên thường chỉ chắc chắn mình được tuyển vào sau khi đã gặp gỡ và được sự tán thành của tất cả thành viên trong nhóm. Đối với người hướng nội, cách làm việc xem trọng tinh thần đội nhóm này khiến họ gặp khó khăn. Việc phải liên tục giao tiếp và tìm cách hòa nhập với người khác không chỉ làm họ cạn kiệt năng lượng mà còn lấy đi không gian riêng tư bên ngoài và cả trong nội tâm của họ, trong khi đó là nơi giúp họ khai thác tối đa khả năng tư duy của mình. Là người hướng nội, bạn biết rõ rằng mình cần được ở một mình để suy tư và sáng tạo. Khi áp lực này gia tăng, nhiều người hướng nội đề cập đến việc “trốn vào nhà vệ sinh để có không gian riêng”. Trên thực tế, trong một cuộc khảo sát tôi thực hiện trên một trăm người hướng nội, có bốn trong năm người được hỏi trả lời rằng họ thấy “kiệt sức vì phải giao tiếp với người khác”. Nếu phải chịu áp lực giao tiếp cả ngày với những người xung quanh, Người Ảnh hưởng Hướng nội sẽ khó có được khoảng thời gian yên tĩnh để nuôi ý tưởng và chuẩn bị kế hoạch cho công việc của mình.

Áp lực khi cần dùng lời nói để thể hiện thành tích và trình bày ý tưởng

Trong hầu hết các tổ chức, việc kể ra các thành tích mình đạt được góp phần tạo nên “thương hiệu” cá nhân của bạn. Mọi người biết đến bạn và đánh giá cao những giá trị bạn đem lại cho tổ chức nhờ vào việc bạn nói về bản thân và những thành tựu của mình. Vấn đề là những người không “khoe khoang” (hầu hết người hướng nội đều như thế) sẽ cảm thấy bản thân như vô tình đứng ngoài cuộc. Nếu họ không có được một cấp trên thường xuyên yêu cầu họ tham gia đóng góp ý kiến, khen ngợi tài năng hay khiến mọi người chú ý đến họ, mọi người hẳn sẽ chẳng còn biết đến sự tồn tại của họ. Văn hóa doanh nghiệp ngày nay không đề cao tính khiêm nhường. Hạn chế đặc trưng này thường khiến người hướng nội không tạo được sự chú ý. Những ý tưởng tuyệt vời của họ thường không được lắng nghe. Trong môi trường làm việc nhóm, họ có thể là người nghĩ ra những giải pháp thông minh nhất nhưng dường như không tìm thấy cơ hội để trình bày các ý tưởng của mình. Thậm chí trong những cuộc đối thoại giữa chỉ hai người với nhau, đặc biệt là với một người hướng ngoại, họ cũng không biết làm thế nào để “chen” ý tưởng của mình vào giữa cuộc đối thoại sao cho người đối diện phải lắng nghe. Do không quen với việc nói về bản thân, những người trầm tính thường không ở trong tầm chú ý của mọi người. Và có rất ít đồng nghiệp hướng ngoại nghĩ đến việc khuyến khích người hướng nội chia sẻ ý tưởng. Vì vậy mà người hướng nội hay gặp khó khăn khi cần thu hút sự chú ý của mọi người và tận dụng sự chú ý đó để tác động đến tình huống. 

Áp lực khi phải hành xử như người hướng ngoại

Nhiều nền văn hóa châu Á đánh giá cao khả năng kiềm chế, không thể hiện cảm xúc. Tuy nhiên, chốn công sở ở phương Tây lại không chấp nhận những khuôn mặt “vô cảm” hay những người có tính cách quá trầm lặng. Có vẻ như để hòa nhập, bạn phải trở nên sôi nổi và hoạt ngôn. Nhưng nếu đây không phải là phong cách của bạn? Thật đáng tiếc. Nếu muốn thành công, bạn buộc phải “đóng kịch”. 

Oliver Goldsmith, nhà văn người Ireland ở thế kỷ mười tám, từng miêu tả tính cách một nhân vật như sau: “Trên sân khấu, anh ta tự nhiên, đơn giản và lan tỏa sức ảnh hưởng. Nhưng khi rời sân khấu, anh ta bắt đầu diễn”. Người hướng nội cùng thường thể hiện tương tự như vậy. Họ “đóng vai” hạnh phúc, hòa đồng và bộc lộ cảm xúc, trong khi thậm chí họ không cảm thấy như vậy. Trong quyển Quiet: The Power of Introverts in a World that Can't Stop Talking, tác giả Susan Cain có nhắc đến áp lực của người hướng nội khi phải sống là chuẩn mực). Một Người Ảnh hưởng Hướng nội đã mô tả theo lý tưởng hướng ngoại" (xem kiểu sống hướng ngoại những cuộc phiếm đàm tại các sự kiện của giới kinh doanh là “những âm thanh ồn ào thể hiện cái tôi ganh đua”. Susan Cain nói rằng khi tham gia những sự kiện ấy, cô cảm thấy không còn là chính mình.

Trong khi đó, để thay đổi thực trạng và truyền động lực cho người khác phát triển, chúng ta phải sẵn sàng thể hiện con người thật của mình. Người hướng nội cảm thấy chùn bước trong nỗ lực tạo ảnh hưởng khi họ bị người khác đánh giá là khó hiểu và khi chính họ cũng cảm thấy kiệt sức trước áp lực phải “thể hiện mình".

Áp lực khi cần đưa ra quyết định nhanh chóng

Từ việc trả lời câu hỏi trong cuộc họp cho đến phản hồi một e-mail bất ngờ từ khách hàng, môi trường làm việc ngày nay buộc chúng ta phải nhanh chóng đưa ra quyết định. Rất nhiều tổ chức đánh giá cao một e-mail phản hồi ngay thay vì phản hồi sau khi đã suy nghĩ thấu đáo. Tốc độ của công nghệ và xu thế cạnh tranh ngày càng tăng trên toàn cầu đã đẩy nhanh nhịp độ công việc. Giờ đây, người ta không còn dành thời gian để suy ngẫm một vấn đề nan giải từ nhiều góc độ. Thời của những câu hỏi như “Nếu... thì sẽ thế nào?” và cơ may quay lại thu thập thêm dữ liệu trước khi ra quyết định đã không còn nữa. Những khách hàng tiềm năng mà chúng ta đang ra sức bản ý tưởng và sản phẩm cho họ chỉ muốn thấy kết quả tức thì.

Thật không may, người hưởng nội lại một lần nữa ở tình thế bất lợi. Họ thấy bức bối khi không thể làm chậm lại quy trình ra quyết định hiện thời. Họ cảm thấy không có đủ thời gian để xử lý các quyết định trong đầu và có sự chuẩn bị cần thiết để đạt kết quả tốt nhất. Vì thế, họ thường bị gắn mác là “chậm chạp” hay “đi sau thời đại” và không nhận được sự tôn trọng xứng đáng. Trong khi cân nhắc để ra quyết định và phân tích tình huống, người hướng nội thường không nhận ra dấu hiệu cho thấy họ có nguy cơ tụt lại phía sau. Cái giá phải trả cho sự “chậm trễ” đó là họ đánh mất cơ hội tác động đến việc ra quyết định.

Trở ngại khi giới hạn riêng tư bị thu hẹp

Tương tự như việc thăm dò ý kiến một cách vô ích tại các sự kiện xã hội, những trang mạng xã hội như Facebook đang gây áp lực, buộc chúng ta phải cởi mở nội tâm với thế giới bên ngoài. Giới hạn riêng tư bị thu hẹp tạo ra một không gian sống không thoải mái cho người hướng nội, những người vốn thích tìm hiểu người khác trước khi bộc bạch tâm tư của mình. Họ phải đấu tranh mỗi ngày với tình trạng quá tải thông tin (tiếng Anh: too much information - viết tắt là TMI).

Những người hướng nội có hiểu biết đều nhận thức được rằng để trở nên có sức ảnh hưởng đến người khác, họ cần xây dựng các mối quan hệ. Chỉ là họ muốn từ từ tìm hiểu người khác thay vì đề cập thẳng vào chuyện cá nhân. Áp lực phải chia sẻ và kết nối với người khác theo nhịp độ nhanh mỗi ngày khiến họ căng thẳng, cạn kiệt năng lượng và thách thức cả những mối quan hệ mà họ đang tìm cách vun đắp theo cách riêng của mình.

Bị ngắt lời

Trong số những rào cản cho quá trình tạo ảnh hưởng của người hướng nội, việc bị ngắt lời có lẽ là trở ngại khiến họ nản chí nhất. Trong môi trường coi trọng sự hoạt ngôn như xã hội phương Tây, ngắt lời người khác là chuyện không tránh khỏi. Nếu một người hướng nội nói nhỏ giọng hoặc tạm ngừng trong khi đang nói, người khác sẽ ngay lập tức chen vào giành quyền phát biểu. Ngay cả khi một người hướng nội đang nói với âm lượng bình thường trình bày ý tưởng với lý lẽ rất thuyết phục đã được chuẩn bị trước, những người hướng ngoại có thể vẫn muốn ngắt lời họ. Với thói quen “nghĩ gì nói nấy”, người hướng ngoại xem việc ngắt lời người khác đơn thuần là cách họ đóng góp thêm cho ý tưởng thú vị của người nói. Nhưng đối với người hướng nội, sự chen ngang đó như một tấm chăn cách âm chặn mất tiếng nói của họ. Người hướng nội sẽ cảm thấy ý tưởng của họ, thay vì đang được tập thể lắng nghe, giờ đây bị lấn lướt bởi người “ăn to nói lớn” nhất ở đây. Kết quả là người hướng nội mất tinh thần và không còn cảm hứng để tiếp tục đưa ra ý tưởng mới.

Không chỉ vậy, người hướng nội còn cảm thấy áp lực khi ở trong “trận chiến chen ngang”. Nhiều người hướng nội là người châu Á chia sẻ rằng những lúc ấy, tâm trí họ bị giằng xé bởi hai tiếng nói trái ngược nhau: một bên là truyền thống giáo dục của gia đình, “phải luôn nhã nhặn và lễ độ”, và một bên là sự kỳ vọng của cấp trên, “cần năng nổ, hoạt bát” và mạnh dạn đưa ra ý kiến trong các cuộc họp. Yêu cầu của môi trường làm việc tạo ra sự mâu thuẫn sâu sắc cho người hướng nội, những người có thói quen tư duy thấu đáo, tận dụng những khoảng lặng trong cuộc trò chuyện không phải để nói mà là để nghĩ. Họ không chỉ phải chấp nhận việc bị ngắt lời mà họ còn được kỳ vọng phải áp đặt lên người khác một phong cách mà ngay bản thân họ cũng cảm thấy thật khó để thích nghi vì nó trái ngược với bản tính của họ.

Nếu bạn cũng đang gặp phải những trở ngại này và trong bạn khởi lên cảm giác bất an thì hãy nhớ rằng bạn không hề đơn độc. Bạn chỉ là một trong những người hướng nội bị mắc kẹt trong một thế giới mà người hướng ngoại chiếm ưu thế. Thay vì tìm cách né tránh những trở ngại này khi đi trên “xa lộ” dành cho người hướng ngoại, bạn hoàn toàn có thể chọn một hướng đi trực tiếp, hiệu quả và dễ chịu hơn. Hãy chấp nhận và làm theo bản tính của bạn để đón nhận những kết quả tuyệt vời hơn. Những người hướng nội khác đã làm được điều này: họ bước ra thế giới, trình bày những giải pháp tương lai cho căn bệnh ung thư, đưa ra câu trả lời cho vấn đề nóng lên toàn cầu hay các biện pháp chấn chỉnh nền giáo dục... Bạn hoàn toàn có thể làm được những điều tương tự.

Bài viết được trích lược từ cuốn Quiet Influence - Sức Mạnh Của Sự Trầm Lắng do First News phát hành. Bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc thêm tại đây
Tags: