Logic chỉ đơn giản là quá trình tạo ra ý nghĩa, là khoa học về lập luận đúng đắn, và một số người gọi nó là kỷ luật của tâm trí. Một số người lập luận logic hơn những người khác bởi họ có thể đưa ra những suy luận đúng đắn dựa trên bằng chứng mà họ có. Nhờ học hỏi, quan sát và thực hành, chúng ta có thể có được kỷ luật tinh thần đó nhằm sử dụng logic để thuyết phục người khác một cách hiệu quả.
BỐN QUY LUẬT CỦA LOGIC
Có ba quy luật logic cổ điển: quy luật đồng nhất, quy luật bài trung và quy luật bất mâu thuẫn. Năm 1818, triết gia người Đức Arthur Schopenhauer đã đưa ra quy luật thứ tư: quy luật lý do đầy đủ.
QUY LUẬT ĐỒNG NHẤT: Mọi thứ đồng nhất với chính nó.
Quy luật này giải thích rằng mọi thứ đồng nhất với chính nó. Một thuật ngữ được sử dụng trong diễn ngôn logic có thể đề cập đến một và chỉ một sự vật. Khi một thuật ngữ có nghĩa nhiều hơn một sự vật trong cùng một cuộc thảo luận, vi phạm này phản ảnh một ngụy biện được gọi là lập lờ nước đôi.
Ví dụ về ngụy biện lập lờ nước đôi: “Jack ăn những gì phù hợp (right), và Jill ăn những gì còn lại (left).” Right có nghĩa là “phù hợp” trong nửa đầu câu và ngụ ý chỉ hướng trong nửa câu sau. Tương tự, left cũng có nghĩa kép, hướng ngược lại so với right, và nghĩa “phần còn lại”.
QUY LUẬT BÀI TRUNG: Mỗi và mọi thứ đều đúng hoặc không.
Một phát biểu có thể đúng hoặc không. Nếu có hai phát biểu trái ngược nhau, thì phát biểu thứ nhất đúng và phát biểu thứ hai không đúng, hoặc ngược lại, phát biểu thứ nhất không đúng và phát biểu thứ hai đúng. Ví dụ: “Arthur là một người chồng chung thủy” và “Arthur ngoại tình dù đã kết hôn”. Ngoại tình là biểu hiện của sự không chung thủy. Do đó, nếu Arthur chung thủy thì không có chuyện anh ta ngoại tình, hoặc Arthur đã ngoại tình thì không có chuyện anh ta chung thủy.
QUY LUẬT BẤT MÂU THUẪN: Không có gì đồng thời có và không.
Các phát biểu mâu thuẫn không thể đồng thời và có cùng nghĩa. Quy luật này tương tự quy luật đồng nhất. Chó chăn cừu Đức không thể là giống chó sục Yorkshire hoặc không phải là giống chó Shih-tzu (không phải giống chó chăn cừu của Đức). Một tòa nhà cao tầng không thể là một bungalow (tức là một căn thấp tầng). Nhưng chúng ta cần cẩn thận để đảm bảo rằng các mệnh đề thực sự loại trừ lẫn nhau. Benjamin Franklin là một chính khách, nhưng ông cũng là một nhà khoa học. Là một nhà khoa học không có nghĩa là không được làm chính khách, bởi là một chính khách vẫn có thể là một nhà khoa học, và ngược lại. Khi hai phát biểu có thể cùng tồn tại, chúng không mâu thuẫn và không vi phạm quy luật bất mâu thuẫn.
QUY LUẬT LÝ DO ĐẦY ĐỦ: Mọi thứ đều có nguyên nhân của nó.
Trong bốn quy luật logic, đây là quy luật gây tranh cãi nhất. Nó cũng phức tạp nhất, vì vậy chúng tôi sẽ giải thích nó bằng một ví dụ. Giả sử Joe muốn mua một chiếc mô tô để đi lại. Một người đàn ông xa lạ đã tiếp cận anh và nói rằng, một người bạn của đồng nghiệp của anh rể anh ta cho biết Joe đang cần xe. Người lạ nọ sẽ bán cho Joe chiếc mô tô mới tinh của anh ta với giá 500 đô-la nếu Joe thanh toán trong vòng ba giờ.
Joe đồng ý ngay và nói: “Quả là một món hời!” Nhưng nếu là một người có tư duy logic, suy nghĩ đầu tiên của anh ta nên là: “Tại sao?” Đây là điểm căn bản của quy luật thứ tư. Đối với mọi sự thật không thể giải thích, người lý trí sẽ tìm kiếm lý do đằng sau nó. Chỉ cần bất kỳ lý do nào lý giải cho tình huống ngược lại là đủ. Trong ví dụ này, Joe cần trả lời những câu hỏi như: Tại sao người lạ này lại muốn bán xe nhanh đến vậy? Sao giá lại thấp như vậy? Chiếc xe có vấn đề gì không? Nó có phải là hàng lậu không? Nó có phải là đồ ăn cắp không? Làm sao người lạ nọ lại biết Joe?
- Trích: Bẫy ngụy biện trong tư duy phản biện