Hãy cùng Trạm Đọc đi qua những trích dẫn sâu sắc trong tác phẩm “Và khi tro bụi” nhà văn Đoàn Minh Phượng.
Tác giả Đoàn Minh Phượng là một nữ nhà văn Việt Nam sống ở hải ngoại nhưng những tác phẩm của chị luôn mang một tâm thức hướng về quê hương và cội nguồn. Qua mỗi tác phẩm, chị đã phơi bày cho độc giả thấy một thế giới thầm kín, đa chiều, phức tạp trong tâm hồn của những con người xa xứ, lạc lõng nơi đất khách quê người. Chính vì điều này, tác phẩm đã lay động được tâm hồn người đọc, nhất là những con người xa quê hương.
Hãy cùng Trạm Đọc đi qua những trích dẫn sâu sắc trong tác phẩm “Và khi tro bụi” nhà văn Đoàn Minh Phượng.
“Tôi vẫn nhớ những thời khi tình yêu vẫn còn đó. Khi tôi nghe tiếng chim gọi nhau những chiều tối, hay tiếng còi của những con tàu chở than trên sông Rhein đi ngang qua thành phố, tôi tìm được chút ý nghĩa trong những âm thanh quen thuộc buồn buồn của một ngày. Hoặc khi tôi đi làm về nhà vào một chiều thu, bước vào một căn phòng chưa thắp đèn, nhìn thấy chút nắng cuối ngày hắt qua cửa sổ và rọi qua cái ly nước bằng thủy tinh uống dở còn để trên bàn, tôi tìm được cái đẹp trong cái ánh sáng mong manh đó. Những đồ vật và những khoảnh khắc của cuộc đời được gắn lại với nhau bằng một thứ keo, nối lại với nhau bằng chút ý nghĩa, một chút tình yêu, khẽ khàng và ít đam mê, nhưng bàng bạc đủ để cho cuộc đời được nguyên vẹn.”
“Thế giới không phải là thế giới mà chỉ là cảm nhận của chúng ta về nó mà thôi.”
“Ở giữa mẹ và tôi là tình yêu và niềm thương nhớ rũ rượi, là ơn sâu và sự bội bạc cần thiết, là trăm nghìn đổ vỡ cả mẹ và tôi chưa kịp hiểu hết đã vội vùi những mảnh vỡ đó vào niềm im lặng.”
“Âm nhạc không nằm ở những nốt nhạc mà ở cái khoảng không ở giữa những nốt nhạc. Giữa những nốt nhạc là âm nhạc. Giữa những con người là tình yêu. Những nốt nhạc và những con người không có ý nghĩa. Ý nghĩa nằm ở giữa chúng, ở giữa họ.”
“Tôi biết mặt đất là một thứ khó chia tay, nên tôi sẽ sống trên những chuyến tàu.”
“Khi đau thương xảy đến trong đời thật, người ta biết cái buốt của vết cắt trên da thịt, sự choáng váng ở bờ vực, màu đen mù lòa của sự suy sụp. Nhưng rồi với năm tháng, bóng tối không trở thành ánh sáng, nhưng nó loang vào trong màu thời gian. Thương đau biến thành nỗi buồn, và nỗi buồn gần với cái đẹp, cũng như hạnh phúc gần với cái đẹp. Từ lâu rồi người Hy lạp đã xếp bi kịch vào một ngành mỹ thuật.
Trong bất hạnh cũng có cái đẹp.”
“Nhưng biết đâu chuyện đời của hầu hết mọi người đều như vậy. Biết đâu trong đời không có sự thật nào hết ngoài những sự thật được cố ý làm ra. Những câu chuyện trong tiểu thuyết bao giờ cũng mạch lạc và ý nghĩa hơn cuộc đời. Chúng có thật còn những câu chuyện ở đâu đây, những câu chuyện của tôi, không được kể, thì không có thật.”
“Người ta sống trong ngày hôm nay, hoặc ngày mai, hoặc ngày hôm qua. Người ta tự nuôi mình bằng ao ước, hay là hạnh phúc, hay là hoài niệm. Tôi không tin giác quan, không tin ý nghĩ, không biết tình cảm. Tôi không có ao ước, không có hạnh phúc. Chỉ còn hoài niệm. Hoài niệm của tôi nghiệt ngã, nó chỉ là một tiếng vang dội ngắn ngủi của một phát súng trong nhà thờ. Trước và sau tiếng nổ ấy, mọi thứ mờ ảo. Tôi bước đi qua cuộc đời không cảm nhận được mặt đất dưới chân mình.”
“Tôi có chuyện buồn riêng, nên tôi tránh tất cả những chuyện buồn lớn hơn của nhân loại."
- Trạm Đọc