1/ Anna Karenina
Bất kỳ người hâm mộ nào của những câu chuyện liên quan đến các chủ đề hấp dẫn như ngoại tình, cờ bạc, âm mưu kết hôn, và chế độ phong kiến Nga, sẽ ngay lập tức xếp Anna Karenina vào danh sách “tiểu thuyết hay nhất” của họ.
Và đó chính xác là thứ hạng mà các ấn phẩm như tạp chí Time dành cho cuốn tiểu thuyết kể từ khi nó được xuất bản toàn bộ vào năm 1878.
Tiểu thuyết gia người Nga Leo Tolstoy đã kết hợp các cuộc thảo luận sâu sắc về tình yêu, nỗi đau và gia đình trong xã hội Nga với một dàn nhân vật khá lớn được coi là có tính nhân văn thực tế.
Cuốn tiểu thuyết đặc biệt mang tính cách mạng trong cách đối xử với phụ nữ, miêu tả những định kiến và khó khăn xã hội thời bấy giờ bằng cảm xúc sống động.
2/ Giết con chim nhại
Harper Lee, được cho là một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất, nổi tiếng chỉ với một cuốn tiểu thuyết duy nhất.
Cuốn sách Giết con chim nhại của bà được xuất bản năm 1960 và ngay lập tức trở thành tác phẩm được xét vào dòng kinh điển của văn học.
“Giết con chim nhại” đã giành được giải Pulitzer cho tiểu thuyết năm 1961 và được dựng thành phim đoạt giải Oscar năm 1962, giúp câu chuyện cùng các nhân vật của nó có sức sống và ảnh hưởng sâu sắc hơn trên phạm vi xã hội Mỹ.
3/ Đại gia Gatsby
“Đại gia Gatsby” của F. Scott Fitzgerald được coi là một trong những tác phẩm hay nhất để giới thiệu cho học sinh về nghệ thuật đọc văn học có tính phê bình.
Cuốn tiểu thuyết cung cấp cái nhìn của người trong cuộc về Thời đại nhạc Jazz những năm 1920 trong lịch sử Hoa Kỳ, đồng thời phê phán ý tưởng về “Giấc mơ Mỹ”.
4/ Trăm năm cô đơn
Cố tác giả người Colombia Gabriel García Márquez đã xuất bản tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, “Trăm năm cô đơn”, vào năm 1967.
Cuốn tiểu thuyết khám phá thể loại chủ nghĩa hiện thực ma thuật bằng cách nhấn mạnh bản chất phi thường của những điều bình thường trong khi những điều huyền bí lại được cho là bình thường.
Márquez nhấn mạnh sự phổ biến và sức mạnh của truyền thuyết và truyện dân gian trong lịch sử và văn hóa Mỹ Latinh.
Cuốn tiểu thuyết đã mang về nhiều giải thưởng cho Márquez, đưa ông đến với giải Nobel Văn học năm 1982 cho toàn bộ tác phẩm của mình, trong đó “Trăm năm cô đơn” thường được ca ngợi là tác phẩm nổi bật nhất của ông.
5/ A Passage to India
E.M. Forster đã viết cuốn tiểu thuyết A Passage to India sau nhiều chuyến đi đến đất nước này trong suốt những năm đầu đời của mình.
Cuốn sách được xuất bản năm 1924 và kể về một bác sĩ người Ấn Độ theo đạo Hồi tên là Aziz và mối quan hệ của ông với một giáo sư người Anh Cyril Fielding, cùng một giáo viên người Anh tên là Adela Quested.
Câu chuyện lấy bối cảnh ở thành phố hư cấu Chandrapore. Trong một chuyến đi tới hang động Marabar gần đó, khi Adela cáo buộc Aziz đã hành hung cô, căng thẳng giữa cộng đồng người Ấn Độ và cộng đồng người Anh thuộc địa ngày càng gia tăng.
Nhưng trong những cuộc xung đột ấy cũng tồn tại tình bạn, sự kết nối giữa người Anh và người Ấn Độ, bất chấp sự khác biệt về văn hóa.
Những mô tả đầy màu sắc về thiên nhiên, phong cảnh Ấn Độ và ngôn ngữ gợi hình đã khiến cuốn tiểu thuyết hư cấu này tạo được ấn tượng mạnh mẽ.
6/ Người vô hình (Invisible Man)
Thường bị nhầm lẫn với cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng gần cùng tên của H.G. Wells (“The Invisible Man”), “Người vô hình” của Ralph Ellison là một cuốn tiểu thuyết đột phá trong việc định vị bản thân của những nam giới người Mỹ gốc Phi.
Người kể chuyện là một người đàn ông vô danh và tin rằng mình “vô hình” trong xã hội. Câu chuyện của anh ta là hành trình từ miền Nam nước Mỹ đến khi vào đại học, và sau đó là chuyển đến New York. Ở mỗi nơi, anh ta phải đối mặt với nghịch cảnh và sự phân biệt chủng tộc đến khắc nghiệt, thất nghiệp, các mối quan hệ và các phong trào xã hội, cùng những cách suy nghĩ bảo thủ, ương ngạnh.
Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng với cách viết siêu thực, khám phá chủ nghĩa biểu tượng xung quanh bản sắc và văn hóa của người Mỹ gốc Phi. “Người vô hình” đã giành được Giải thưởng Sách Quốc gia Hoa Kỳ cho hạng mục tiểu thuyết năm 1953.
7/ Thương (Beloved)
Cuốn tiểu thuyết đầy ám ảnh của Toni Morrison kể câu chuyện về một nô lệ trốn thoát tên là Sethe, người đã trốn đến Cincinnati, Ohio, vào năm 1873.
Tác phẩm kể về cuộc đấu tranh sinh tồn của Sethe và cô con gái Denver sau khi thoát khỏi kiếp sống nô lệ. Một ngày, một cô gái trẻ xuất hiện tại ngôi nhà của hai mẹ con, tự xưng tên mình là “Beloved”. Sethe tin rằng đây chính là đứa con gái xấu số đã bị cô tự tay giết chết từ lúc hai tuổi để đánh đổi lấy sự sống cho mình và Denver. Cuốn tiểu thuyết dựa trên cuộc đời thực của một người phụ nữ da đen tên là Margaret Garner.
Cuốn tiểu thuyết được ca ngợi vì đề cập đến những tác động tâm lý của chế độ nô lệ cũng như tầm quan trọng của gia đình và cộng đồng trong việc chữa lành. “Beloved” đã được trao giải Pulitzer cho tiểu thuyết năm 1988.
8/ Bà Dalloway
Đây có thể coi là cuốn tiểu thuyết có phong cách riêng nhất trong danh sách này, “Bà Dalloway” của Virginia Woolf mô tả chính xác một ngày trong cuộc đời của một người trong xã hội người Anh tên là Clarissa Dalloway.
Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết là cách viết dòng ý thức, kết hợp giữa lời kể ở ngôi thứ ba và suy nghĩ của nhiều nhân vật khác nhau, từ đó thể hiện cái nhìn sâu sắc vào tâm trí các nhân vật. Đó là sự hối tiếc và những hồi tưởng về quá khứ, cuộc đấu tranh của các nhân vật với bệnh tâm thần và căng thẳng sau chấn thương tâm lý từ Thế chiến thứ nhất, cũng như ảnh hưởng của áp lực xã hội.
Phong cách, chủ đề và bối cảnh thời gian độc đáo của cuốn tiểu thuyết khiến nó trở thành một trong những tác phẩm được đánh giá cao nhất mọi thời đại.
- Theo: Britannica