Những tác phẩm để đời của “người khổng lồ văn chương” Milan Kundera 
Những tác phẩm để đời của “người khổng lồ văn chương” Milan Kundera 
Vừa qua, nhà văn Milan Kundera - một trong những tiểu thuyết gia có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 đã qua đời ở tuổi 94. Thông báo về sự ra đi của ông, thư viện Moravia viết: "Milan Kundera, một tác giả người Pháp gốc Czech và là một trong những tác giả được dịch thuật nhiều nhất thế giới, đã qua đời vào ngày 11-7-2023 tại căn hộ của ông ở Paris". Trong bài viết này, hãy cùng Trạm điểm qua những tác phẩm của Milan Kundera đã được xuất bản tại Việt Nam.

Hai nửa cuộc đời của Milan Kundera

Theo Hãng tin AP từ Pháp, tin tức được báo chí Cộng hòa Czech đăng tải đầu tiên. Milan Kundera là nhà văn gốc Tiệp Khắc (còn được coi là gốc Czech). Ông sống lưu vong ở Pháp từ năm 1975, có quốc tịch Pháp từ năm 1981. Từ năm 2019, ông có thêm quốc tịch Czech.

Trong đời sống, Milan Kundera như có hai cuộc đời: nửa đầu tiên ở Tiệp Khắc và nửa còn lại ở Pháp. Về khía cạnh văn chương, ông tự coi mình là một nhà văn Pháp và khẳng định tác phẩm của mình cần được nghiên cứu như là văn học Pháp.

Trong đời sống, Milan Kundera chọn cho mình lối sống kín tiếng. Ông quyết liệt bảo mật về đời sống riêng tư của mình vì cho rằng chúng ta đang sống trong một thời đại mà "cuộc sống riêng tư bị hủy hoại". Ông chỉ trả lời một số ít cuộc phỏng vấn và giữ thông tin tiểu sử của mình ở mức tối thiểu.

Ngay cả khi tuyển tập tác phẩm của ông được phát hành hoàn chỉnh vào năm 2011, ông cũng từ chối xuất hiện trước máy quay. Ông yêu cầu mọi cuốn sách của ông chỉ được phép có bản in và không số hóa, vì ông lo sợ cho tương lai của văn chương và không đồng tình với lối đọc sách bằng "màn hình".

Với Cộng hòa Czech - quê hương nhưng cũng không hẳn là quê hương khi quốc gia thời ông sống đã biến mất khỏi bản đồ thế giới - nhà văn có một mối quan hệ phức tạp. Ông ít khi quay lại nơi đây và nếu quay lại, ông sẽ đi ẩn danh, đặt phòng khách sạn bằng một bút danh khác.

Dù quốc tịch Czech được khôi phục cho ông vào năm 2019, ông vẫn luôn coi mình là người Pháp.

"Khi tôi còn là một cậu bé, nếu ai đó nói với tôi rằng 'Một ngày nào đó, đất nước của cậu sẽ biến mất khỏi thế giới', tôi sẽ coi đó là lời nói vô nghĩa, không thể tưởng tượng nổi. 

Một người đàn ông biết mình là phàm nhân, nhưng anh ta mặc nhiên cho rằng quốc gia của mình sẽ sống đời vĩnh cửu" - Kundera nói với tác giả Philip Roth trong một cuộc phỏng vấn với New York Times vào năm 1980, một năm trước khi ông nhập quốc tịch Pháp.

Nhà văn luôn tin tưởng vào “sức mạnh của tiểu thuyết”

Theo CNN, phong cách văn chương của Milan Kundera đan xen giữa sự dí dỏm, hài hước và những cuộc tranh luận triết học sâu sắc, những mô tả châm biếm về cuộc sống.

Là người rất tin tưởng vào sức mạnh của tiểu thuyết, ông cho rằng thể loại này nên được công nhận là một loại hình nghệ thuật của riêng nó. Kundera cũng dần trở nên ngày càng kỹ lưỡng và bảo vệ tác phẩm của mình. Ông nổi tiếng với việc xem xét rất kỹ các bản dịch của sách. Ông đã xem lại hết sức kỹ càng bản dịch tiếng Pháp của bảy tiểu thuyết đầu tiên, ngày nay ông coi chúng là bản chuẩn và yêu cầu các dịch giả sử dụng chúng. 

Bên cạnh đó, ông cấm tất cả các bản chuyển thể thành phim từ sách của ông, kể từ bộ phim The Unbearable Lightness of Being (1988). Kundera từng là cố vấn cho bộ phim này - do cặp tài tử minh tinh Daniel Day-Lewis và Juliette Binoche đóng vai chính. Nhưng sau đó ông nói rằng bộ phim có rất ít điểm chung với tinh thần của cuốn sách.

Những tác phẩm của Milan Kundera đã được xuất bản tại Việt Nam

 

1/ Đời nhẹ khôn kham

 

Được Milan Kundera sáng tác năm 1982 và xuất bản lần đầu tiên năm 1984 tại Pháp, “Đời nhẹ khôn kham” là một cuốn tiểu thuyết đậm chất hiện sinh, ngay từ tựa đề cuốn sách. 

Câu chuyện xoay quanh hai người đàn ông và hai người phụ nữ. Tomas - nhân vật chính của tiểu thuyết - là một bác sĩ phẫu thuật, đào hoa và vui tính, coi tình dục và tình yêu là hai thực thể độc lập. Anh ngủ với rất nhiều phụ nữ, chỉ yêu duy nhất một người. Tác phẩm nói về ẩn ức trong tình yêu, tình dục và sự phù du của kiếp người.

 

2/ Sách cười và lãng quên

 

Cuốn tiểu thuyết được xuất bản lần đầu tiên tại Pháp vào năm 1979, tập trung khám phá và nắm bắt những bí ẩn về bản chất con người trong sự biến đổi của các tình huống.

Cuốn tiểu thuyết “Sách cười và lãng quên” được xuất bản lần đầu tiên tại Pháp vào năm 1979, tập trung khám phá và nắm bắt những bí ẩn về bản chất con người trong sự biến đổi của các tình huống.

Như hầu hết những tác phẩm khác mà Milan Kundera viết trước đó hoặc sau này, "Sách cười và lãng quên" chẳng thể đứng bên ngoài những biến động lịch sử. Chiếm phần trọng đại nhất trong mỗi tác phẩm của Kundera, luôn luôn, là cuộc truy tìm đến tận cùng bản ngã con người, nhưng bao giờ cuộc truy xét đó cũng chấm dứt trong nghịch lý.

 

3/ Nghệ thuật tiểu thuyết 

 

Trong tác phẩm phi hư cấu này, Milan Kundera đưa ra một "lời thú nhận của học viên" về nghệ thuật của cuốn tiểu thuyết. Milan Kundera viết: “Mỗi tác phẩm của tiểu thuyết gia đều chứa đựng một tầm nhìn ngầm về lịch sử của cuốn tiểu thuyết, một ý tưởng về cuốn tiểu thuyết là gì.”

Cuộc thảo luận của Kundera về tác phẩm của chính ông bao gồm quan điểm của ông về vai trò của các sự kiện lịch sử trong tiểu thuyết, ý nghĩa của hành động và việc tạo ra nhân vật trong tiểu thuyết hậu tâm lý. Những suy tư của ông về tình trạng của tiểu thuyết châu Âu hiện đại trong thời đại "nghịch lý đầu cuối" cũng dí dỏm, nguyên bản và sâu rộng như tiểu thuyết độc đáo của ông.

 

4/ Những di chúc bị phản bội 

 

Những di chúc bị phản bội là một tiểu luận gồm chín phần liên kết với nhau bằng các phân đoạn và trình tự, không có tường thuật hay cốt truyện, không có nguyên tắc kết cấu hay chủ đề bao quát; nhưng có một sự thông suốt trong tư tưởng về nghệ thuật và người sáng tạo nghệ thuật.

Trong cuốn sách này, Kundera dành sự quan tâm đặc biệt với các nhà văn lớn của thế kỉ 20 như Franz Kafka, Thomas Mann, Hemingway, Rabelais và những nhà soạn nhạc mà ông ngưỡng mộ như Stravinsky và Janacek, với lượng kiến thức về văn học và âm nhạc đầy choáng ngợp.

 

5/ Chậm

 

Chậm” (tên gốc là “La Lenteur”) là tiểu thuyết đầu tiên mà Kundera viết bằng tiếng Pháp được xuất bản năm 1995. 

Milan Kundera viết “Chậm” không chỉ về tình yêu, mà còn chứa đựng những nghịch lý. Tác phẩm giới thiệu những ý niệm của chủ nghĩa hưởng lạc và hiện tượng xã hội hiện đại đang làm giới hạn khả năng tận hưởng những điều thanh nhã và đẹp đẽ của cuộc sống. 

 

6/ Sự bất tử

 

Năm 1990, ông xuất bản cuốn Sự bất tử và trung thành đến mức cực đoan với tuyên bố của chính mình - từ chối mọi mối nối kịch tính có thể dẫn câu chuyện của ông đến với những khuôn mẫu có sẵn, viết để không ai chuyển thể sách thành một dạng tồn tại nào khác, ngoài tiểu thuyết. 

Cuốn “Sự bất tử” đơn giản về cốt truyện nhưng là thách thức nếu người đọc tìm đến nó với mong mỏi có một câu chuyện giật gân. Kundera không dẫn người đọc đến một sự hợp lý nào (logic) trong hệ thống nhân vật và các hành động của họ. Những nhân vật không đấu tranh với ai ngoại trừ sự tồn tại của chính họ.

 

7/ Lễ hội của vô nghĩa

 

Làm sáng tỏ những vấn đề nghiêm túc nhất mà không hề dùng một câu đao to búa lớn, luôn cuốn theo hiện thực thế giới đương thời, nhưng đồng thời xa lánh chủ nghĩa hiện thực. Đó chính là “Lễ hội của vô nghĩa”.

Đưa một phần “không-nghiêm-túc” vào tiểu thuyết, hẳn điều đó không còn là bất ngờ đối với những ai từng đọc các tác phẩm trước của Kundera.

 

8/ Những mối tình nực cười

 

Bảy truyện ngắn của Milan Kundera, với lối viết minh triết mà sinh động, phóng túng, và đặc biệt là hài hước, có thể xem như một lối mở nhẹ nhàng, lý thú cho nhiều tầng lớp bạn đọc tiếp cận tư tưởng cũng như bút pháp của nhà văn nổi tiếng phức tạp và kỳ vĩ này.

Thông qua chuyện tình yêu và tình dục nực cười, Kundera phê phán những ảo tưởng đạo đức, hành vi, và đặc biệt là tư tưởng, trói buộc con người trong quan niệm lỗi thời, xa lạ với khả năng cảm thụ và nhận chân thực sự cá nhân cũng như đời sống.

 

9/ Một cuộc gặp gỡ

 

Nhan đề là “Một cuộc gặp gỡ”, nhưng thực ra trong cuốn sách này Milan Kundera đã có nhiều cuộc gặp với nhiều tác giả qua các bài đọc sách, trò chuyện, phân tích. Tựu trung ở đây câu chuyện vẫn là bàn về tiểu thuyết, về nghệ thuật, là sự tra vấn về nghệ thuật và quan hệ của nó đối với thế giới, tiếng cười, cái chết, sự lãng quên và ký ức.

 

10/ Màn

 

Trong “Màn”, tác giả thử định nghĩa tiểu thuyết là gì, tại sao nó lại đặc biệt đến vậy, trước hết là trong văn học và rồi sau đó so với các môn nghệ thuật khác. Ông muốn hiểu tiểu thuyết và trước hết đưa tiểu thuyết vào một bối cảnh lịch sử rồi địa lý. Ý tưởng là để nắm được quá trình phát triển của môn nghệ thuật mà mục đích có thể gói gọn trong việc tìm cách đi vào tâm hồn sự vật.

 

11/ Vô tri

 

Câu chuyện kể về những chuyến trở về nước của một số người Séc sinh sống ở nước ngoài: Irena sống nhiều năm tại Pháp cùng chồng, còn Josef sống ở Đan Mạch. Người chồng Séc của Irena đã qua đời, còn người vợ Đan Mạch của Josef cũng không còn. Họ quay trở về nước, tình cờ gặp nhau, một cuộc gặp lại trớ trêu. Trong thời gian ở Séc, cả hai người đều phải đối mặt với những cuộc gặp gỡ, một cuộc đối mặt với quá khứ nhiều khi gây ra những vấn đề không nhỏ về tâm lý, xúc cảm và tinh thần.

- Trạm Đọc tổng hợp

 

Tags: