Nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Hoàng Tuấn Phổ (1935-2021) bắt đầu sự nghiệp cầm bút từ những năm 1960. Ông có nhiều đóng góp cho nền văn hóa xứ Thanh, nhất là văn hóa dân gian. Thanh Hóa ngàn xưa lưu dấu, Bà Chúa Liễu, Những làng cổ xứ Thanh… là những tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng người yêu văn hóa.
Trong đó, Tinh hoa văn hóa xứ Thanh là công trình nghiên cứu những thành tựu nhiều mặt như lịch sử, kiến thiết làng xã, nghệ thuật kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo… mang đậm nét “tinh hoa” vùng đất Thanh Hóa.
Để hiểu hơn về quá trình hoàn thiện và giá trị cuốn sách này, Zing có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Văn Tú - Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Hóa - người đã làm việc chung với tác giả Hoàng Tuấn Phổ khi thực hiện bản thảo tác phẩm.
- Trong thời gian biên soạn, chỉnh sửa bản thảo, ông có kỷ niệm nào đặc biệt với tác giả?
- Đề tài cuốn sách đã được “thai nghén” từ năm 2010, nhưng tác giả Hoàng Tuấn Phổ chính thức bắt tay viết năm 2015, hoàn thành năm 2018 và đến năm 2019 thì sách được xuất bản.
Kỷ niệm với tác giả thì nhiều, bởi ông là nhà nghiên cứu có hàng chục tác phẩm do đơn vị chúng tôi ấn hành. Cá nhân tôi may mắn được tiếp xúc với ông gần 20 năm, cho đến khi ông qua đời. Điều làm tôi ấn tượng nhất đó là cách làm việc cần mẫn, khoa học, nghiêm túc. Ông có cách tra cứu, dẫn giải vấn đề chi tiết, logic, dù tuổi đã cao.
Tôi nhớ có một trưa mùa hè, trời nóng bức, nhưng ông say sưa trao đổi với tôi đến mức quên đi cái nóng và thời gian. Đến khi nhìn đồng hồ đã hơn 12h trưa nên tôi đành xin phép để ông có thời gian nghỉ trưa.
- Tác giả có gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm tư liệu phục vụ cho nội dung sách không, thưa ông?
- Tôi nghĩ rằng tư liệu phục vụ cuốn sách phần lớn là sự tích lũy cả một đời nghiên cứu về vùng đất, con người Thanh Hóa, cũng là quê hương của tác giả. Trước đó, ông đã có hàng chục cuốn sách, từ nghiên cứu, biên khảo, địa chí, truyện, tiểu thuyết lịch sử, văn hóa dân gian đến kịch bản sân khấu. Tất cả đều viết về vùng đất này.
Bên cạnh đó, ông cũng có nhiều bài tham luận, chuyên luận trong các cuộc hội thảo về lịch sử, văn hóa của Thanh Hóa được đăng trên sách, báo, tạp chí.
Khi bắt tay vào viết, vấn đề không phải là tìm kiếm tư liệu, mà là huy động, xử lý khối kiến thức đồ sộ ấy như thế nào. Đặc biệt, cách viết “tinh hoa” khác với biên soạn địa chí, nghĩa là tác giả phải có sự chọn lọc, khái quát rất cao.
Trải qua lịch sử hàng trăm nghìn năm hình thành và phát triển vùng đất, việc nhìn nhận, đánh giá và lựa chọn giữa những “tinh hoa” và những gì chỉ mang tính lịch sử, truyền thống không phải điều đơn giản.
Để thực hiện ấn phẩm này, tác giả đã có sự trợ giúp của con trai là Hoàng Tuấn Công trong việc thực hiện chế bản phần nguyên văn chữ Hán trong sách hay tra cứu mở rộng tư liệu.
Song, việc tác giả đặt bút viết công trình này khi đã ở độ tuổi 84 khiến quá trình hoàn thiện gần 2.000 trang bản thảo viết tay, mọi tra cứu, trích dẫn đều phải thực hiện hoàn toàn thủ công, không có sự hỗ trợ của công nghệ, Internet. Đó là một nỗ lực phi thường. Chưa kể, trong quá trình viết, do tuổi già, sức khỏe, tác giả đã phải tạm dừng để nằm viện điều trị (vào năm 2016, 2018).
- Nhiều tác phẩm viết về văn hóa vùng, miền của chính người cầm bút. Vậy theo ông, đâu là điểm mới, mang tính chất đóng góp của cuốn sách "Tinh hoa văn hóa xứ Thanh"?
- Riêng tác giả Hoàng Tuấn Phổ đã có hàng chục cuốn sách viết về Thanh Hóa. Tuy nhiên, đúng như tên gọi Tinh hoa văn hóa xứ Thanh, công trình này là sự kết tinh thành quả một đời nghiên cứu, nghiền ngẫm của tác giả.
Điểm mang tính chất đóng góp, phát hiện của tác giả nằm ở việc ông đã chứng minh một cách rất thuyết phục rằng Thanh Hóa không chỉ là “tiểu vùng văn hóa” như quan điểm lâu nay của các nhà nghiên cứu, mà vùng đất cổ này mang trong mình cả một nền văn minh có tên “Văn minh sông Mã”, sánh bước với “Văn minh sông Hồng” trong tiến trình lịch sử của dân tộc.
- Cuốn sách gồm 43 chương viết về các vấn đề: Lịch sử, kiến thiết làng xã, nghệ thuật kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo… Là đại diện đơn vị xuất bản, đồng thời cũng là người con xứ Thanh, ông ấn tượng nhất với điểm nào?
- Cụm từ “tinh hoa” trong tiêu đề cuốn sách mang ý nghĩa truyền tải rằng tác phẩm đã lựa chọn những gì tinh tuý, đặc sắc nhất của Thanh Hóa sau khi trải qua sự đào thải khắc nghiệt của hàng nghìn năm lịch sử.
Bởi vậy, ngay từ khi tiếp cận bản thảo, tôi đã đọc một cách say mê và cảm thấy chương nào cũng đặc sắc, lôi cuốn và thú vị. Tinh hoa văn hóa xứ Thanh thuộc thể loại nghiên cứu, nhưng cách viết của tác giả vẫn rất giàu cảm xúc với lối viết bay bổng.
Song, những chương như “Ngược dòng sông Mẹ”, “Văn hóa cuốc đá”, “Mặt trời Đông Sơn”, “Người Việt sông Mã”, “Làng quê xứ Thanh”, “Làng đá An Hoạch”… làm tôi ấn tượng hơn cả. Tất cả đều gợi lên trong lòng tôi suy nghĩ rằng mảnh đất này chính là một Việt Nam thu nhỏ.
- Vậy theo ông, nét “tinh hoa” nào đã khiến nơi đây được đánh giá cao?
- Thanh Hóa không chỉ mang trong mình đầy đủ những điều kiện tự nhiên như miền núi, trung du, đồng bằng, biển cả, tài nguyên phong phú, giao thông đầy đủ, mà trong suốt quá trình phát triển, vùng đất này đã hình thành nên nhiều bản sắc độc đáo, đóng góp và làm giàu thêm bản sắc dân tộc.
Cuốn sách mở ra một góc nhìn mới về Thanh Hóa, không chỉ là tiểu vùng văn hóa, mà là vùng đất mang trong lòng nền văn minh sông Mã.
Ông Hoàng Văn Tú
Nhà sử học Phan Huy Chú viết trong Lịch triều hiến chương loại chí: “Thanh Hóa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía đông, Ai Lao sát phía tây, bắc giáp trấn Sơn Nam, nam giáp đạo Nghệ An... Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra những bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ hợp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý cũng khác mọi nơi”.
Còn học giả người Pháp H.Le Breton lại cho rằng Thanh Hóa đối với Việt Nam “là nơi giàu cảnh đẹp nhất, cũng là nơi lưu giữ những ký ức lịch sử và truyền thuyết hào hùng nhất”.
Đó cũng là nguyên nhân vùng đất này đã được quan tâm nghiên cứu, khảo sát từ hàng trăm năm trước.
- Giá trị cuốn sách đối với Nhà xuất bản Thanh Hóa nói riêng và người con Thanh Hóa nói chung là gì?
- Có nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã dành thời gian nghiên cứu và viết về Thanh Hóa. Tuy nhiên, theo tôi, Tinh hoa văn hóa xứ Thanh là cuốn sách đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện tại đã có sự đánh giá, chọn lọc những gì tinh tuý, đặc sắc nhất của vùng đất này trong dòng chảy lịch sử.
Đặc biệt, cuốn sách còn mở ra một góc nhìn mới về Thanh Hóa, không chỉ là “tiểu vùng văn hóa”, mà vùng đất này còn mang trong lòng “nền văn minh sông Mã”.
Cuốn sách là tư liệu quý không chỉ đối với bạn đọc trong và ngoài tỉnh mà còn đối với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khi nghiên cứu về Thanh Hóa nói riêng, Việt Nam nói chung.
Tác giả Hoàng Tuấn Phổ vừa qua đời, để tri ân tới ông, trong thời gian tới, Nhà xuất bản Thanh Hóa sẽ tiếp tục giới thiệu, tổ chức hội thảo, tái bản tác phẩm phục vụ nhu cầu của bạn đọc và các nhà nghiên cứu.
Theo Zing News