Dường như mỗi dấu chân của Phan Cát Cẩn trên đường đời đều ít nhiều để lại “dấu chân thơ” trong tác phẩm của ông. Cảm giác đi là để nạp thêm vốn sống, đi là để nạp thêm cảm xúc rất rõ trong ý thức tự thân của nhà thơ người gốc Sơn Tây này. Hai sự nạp này rất quan trọng đối với người viết, nhằm chống lại sự hữu hạn và khô cứng thường trực của nguồn sáng tạo.
Nhưng “nạp thêm vốn sống”, “nạp thêm cảm xúc”, dù có thế nào vẫn chỉ là “nguyên liệu” góp phần tạo nên thơ. Chúng chỉ là yếu tố “cần”, chưa phải là yếu tố “đủ”. Cái làm nên yếu tố đủ là phải biết xâu chuỗi, kết nối ý tưởng một cách tự nhiên, để tạo nên tứ thơ, làm nên tứ thơ. Tứ thơ, chắc chắn là cái đích gần như cuối cùng và cũng là mong ước gần như cuối cùng của mỗi người cầm bút khi nghĩ về một bài thơ hoàn chỉnh.
Tôi đã đọc kỹ “Mắt bão” - tập thơ mới nhất của nhà thơ Phan Cát Cẩn. Tôi nhận thấy ông là người hiểu và yêu thương cuộc sống, hiểu và yêu thương con người đến độ. Ông cũng là người rất nặng lòng với đời sống này. Nếu không phải là người như thế, làm sao ông viết: “Dốc nghiêng cong mình uốn lối/ Những hạt bụi đời níu chân” (“Đường xưa”), “Rượu đổ lấp nỗi buồn trôi dạt/ Ta trở về ký ức xa xăm” (“Chiều Thiên Cầm”), “Ta lại về nắm từng vốc cát chênh chao” (“Hành trình cát”)...
Với ông, “hình bóng quê nhà” luôn là những gì cố hữu, bất biến, đầy thương cảm. Rất nhiều bài thơ của ông mang dấu ấn này. Có thể kể tên “Hoa và cỏ”, “Phù sa về đâu?”, “Cối đá”... Với ông, “hình bóng quê nhà” với “khói lam chiều gió bấc/ ngô khoai nuôi núm ruột bần hàn/ dạ dày nhớ bữa...” luôn là những ám ảnh một thời. Ông thương cả “kiếp phù du ven sông” và xót xa khi “hồn làng lưu lạc” trong nỗi “đăm đăm chiều heo may”...
Từ thân phận của cối đá, ông cảm thấu được thân phận của con người, cụ thể ở đây là người nông dân và quy luật của đời sống. Từ đó ông có những tứ thơ độc đáo. Trong “Cối đá” là những câu chắc nịch và sâu sắc, nhiều trải nghiệm, đọc lên thấy xa xót, ngậm ngùi: “Cối lặc lè gồng những bàn chân thô nhám/ Hàng ngàn năm sự thật đã an bài/ Hạt gạo vẫn màu trắng/ Phận người thì đen”. Trong “Mắt bão”, ông có hai câu gần như mang tín hiệu dự báo: “Ngõ nhỏ lối, bấm ngón chân bùn đỏ/ Thiên hạ quay cuồng trong mắt bão”. Trong “Giếng làng”, ông có hai câu lục bát tài hoa: “Ta về tìm lại tuổi thơ/ Bạc lòng mây thả mộng mơ ngang trời”.
Cả khi đến Nha Trang, cảm giác ông không chỉ trong vai một du khách mà còn trong vai một người về với Nha Trang trong một tâm trạng sảng khoái để vui sống, để mở lòng ra mà sống, để mở lòng mà viết: “Về đây Nha Trang/ rũ tù túng, bon chen/ con đường thiên đường - địa ngục/ khỏa đục khơi trong tắm biển/ tẩy bụi trần/ bỏ mọi hệ lụy/ những chênh vênh cuộc đời/ tận hưởng bình minh trinh nguyên biển/ xanh ngời Nha Trang...”.
Nên nhớ, đối với con người, đặc biệt là người ở những nước tiên tiến, Enjoy (vui sống, tận hưởng cuộc sống) là một tiêu chuẩn sống, một đòi hỏi sống hạnh phúc. Hình như chính ở vùng biển này, Phan Cát Cẩn những mong “bỏ mọi hệ lụy” và “những chênh vênh cuộc đời” trong “bình minh trinh nguyên biển” và “xanh ngời Nha Trang”. Khi cảm như thế, ngẫm như thế, Phan Cát Cẩn cũng đã nhận ra một nguồn sáng của riêng mình và ngộ ra một điều gì đấy từ nguồn sáng ấy, đáng được coi là đáng kể và có nhiều ý nghĩa.
Đọc “Những hạt bụi đời níu chân”, tôi chợt nhớ đến một tứ thơ của R. Tagore - nhà thơ lớn người Ấn Độ - Giải thưởng Nobel văn chương năm 1913, trong đó có hai câu làm nhiều độc giả phải ngẫm nghĩ: “Khi những đứa trẻ xúng xính trong bộ áo quần vương giả/ Cũng là lúc chúng đã đánh mất đi những hạt bụi đời trong sạch của mình...”.
Và tôi nghĩ, “hạt bụi đời níu chân” nhà thơ Phan Cát Cẩn, hẳn phải là hoặc chắc chắn là thứ bụi đời trong sạch như R.Tagore từng chỉ ra và khai sáng trong thơ.
Theo Hà Nội Mới