Những đóng góp âm thầm của các dịch giả
Những đóng góp âm thầm của các dịch giả
Ngày Quốc tế Dịch thuật (30/9 hàng năm) là dịp để người làm công tác dịch thuật bày tỏ niềm tự hào về những đóng góp trong nghề của mình.

Jerónimo de Estridón được suy tôn là biểu tượng của giới dịch thuật vì là người đã chuyển ngữ ấn phẩm Thánh Kinh sang tiếng Latinh. Từ năm 1953, ngày giỗ của ông (30/9) được chọn làm ngày Quốc tế Dịch thuật.

 Nhiều năm qua, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Bích Lan, Nguyễn Xuân Hồng hay một số cây bút trẻ là các dịch giả đã không ngừng chuyển ngữ các tác phẩm đặc sắc, đóng góp không nhỏ cho hoạt động xuất bản của Việt Nam, đưa văn hóa thế giới du nhập vào trong nước và quảng bá văn học Việt Nam ra thị trường xuất bản quốc tế.

Dịch giả của những cuốn sách best-seller

Nguyễn Hiến Lê là nhà giáo, nhà văn, học giả và dịch giả ghi dấu ấn với 120 tác phẩm đặc sắc thuộc nhiều lĩnh vực. Ông là người đầu tiên dịch và đặt tiêu đề cho cuốn sách Đắc nhân tâm. Ấn phẩm này lọt danh sách best-seller tại Việt Nam trong nhiều năm liền, gây tiếng vang lớn trong lòng công chúng.

Sự đóng góp của Nguyễn Hiến Lê đi từ những phát kiến về ngữ học Việt Nam đến cách vận dụng sự tiến bộ mới nhất của ngôn ngữ thế giới vào ngữ pháp tiếng Việt. Tên tuổi của ông được đánh dấu bởi các tác phẩm dịch như Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống, Tìm hiểu con chúng ta, Gương danh nhân

Nổi lên trong thời gian gần đây là “hiện tượng tái bản” của ấn phẩm Muôn kiếp nhân sinh (GS John Vũ - Nguyên Phong). Ngoài là tác giả, GS John Vũ - Nguyên Phong còn là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học, tâm linh phương Đông nổi tiếng như Hành trình về phương Đông, Hoa sen trên tuyết, Hoa trôi trên sóng nước…

Một gương mặt nổi lên trong giới dịch giả là Nguyễn Xuân Hồng. Sau 25 năm theo đuổi nghề biên dịch, Nguyễn Xuân Hồng đã chuyển ngữ một số tác phẩm ăn khách như: Nguồn cội (một trong 10 tựa sách bán chạy nhất tại Hội chợ sách TP.HCM năm 2018, có số lượng in lần đầu tới 10.000 cuốn) hay Hỏa ngục (một trong những tiểu thuyết trinh thám mật mã bán chạy nhất thế giới của Dan Brown).

Mới đây, cuốn sách dịch thứ 98 của anh đã lên kệ. Anh chia sẻ trên trang mạng xã hội: “Dư âm cuốn sách dịch thứ 97 chưa hết, lại nhận được tin cuốn thứ 98 lên kệ. Khả năng cao là tôi sẽ cán được đích 100 cuốn sách dịch trong năm nay”.

Dịch sách để tìm cảm hứng sống và viết

Trong số những người làm nghề biên dịch sách, nhiều trường hợp nói rằng họ không chỉ tìm được niềm vui trong công việc mà còn cảm thấy như tiếp thêm được nguồn cảm hứng sống vượt mọi khó khăn.

Dịch giả Nguyễn Bích Lan đã chuyển ngữ khoảng 40 tựa sách, trong số đó có những tựa sách gây được tiếng vang trong giới xuất bản như: Cây cam ngọt của tôi, Triệu phú khu ổ chuột, Được học… Đó đều là những tác phẩm ý nghĩa, truyền cảm hứng sống cho độc giả.

Đặc biệt, cuốn Được học (tác giả Tara Westover) do Nguyễn Bích Lan chuyển ngữ đã đoạt giải C - Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2020. Trước đó, Triệu phú khu ổ chuột cũng giúp tác giả này nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn năm 2010, đưa cô trở thành hội viên Hội Nhà văn.

Từ năm 14 tuổi, Nguyễn Bích Lan mắc chứng bệnh loạn dưỡng cơ, không thể đến trường. Sau thời gian suy sụp, cô nhận ra mình đã tìm thấy niềm vui khi tự học tiếng Anh và đọc sách. Từ đó, ngoài công việc dịch sách, cô bắt đầu viết truyện, làm thơ và ra mắt sách.

Khi nhà văn dịch tác phẩm của người khác, đó là một hình thức giải trí, vì họ được đọc và chơi với ngôn từ.

Tác giả Nhật Phi

Cuốn sách Sống trong chờ đợi của Nguyễn Bích Lan mới đây đã ra mắt độc giả. Trong lời tựa sách, cô viết: “Suy cho cùng, con người sống trên đời này không phải để tích lũy của cải, cũng chẳng phải để tích lũy kiến thức, mà để tận hưởng hạnh phúc nếu có, vượt qua khổ đau nếu cần và hoàn thành hành trình làm người trong cảm giác thanh thản”.

Nhiều cây bút trẻ hiện nay cũng coi việc dịch sách là một nghề tay trái. Khi đọc và trực tiếp chuyển ngữ các tác phẩm nổi tiếng trên văn đàn thế giới, họ tìm được ý tưởng cho những trang viết của riêng mình.

Cây bút trẻ Nhật Phi (người đoạt giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ năm) trong thời gian tìm kiếm ý tưởng cho cuốn sách mới, đã luôn chăm chỉ với công việc dịch tiểu thuyết, serie sci-fi mỗi khi rảnh rỗi.

Tác giả Người ngủ thuê cho rằng khi nhà văn dịch tác phẩm của người khác, đó là một hình thức giải trí, vì họ được “đọc và chơi với ngôn từ”.

Còn đối với tác giả trẻ Hiền Trang (giải ba cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ sáu), bất kỳ công việc tay trái nào của nhà văn, suy cho cùng, cũng là cách để nuôi dưỡng ước mơ văn chương.

“Khi viết sách, tôi luôn xác định phải có một công việc nữa để sống. Dịch sách hay làm những việc khác giúp tôi được sống trong nhiều thế giới. Có vốn kiến thức rồi, người viết sẽ tạo nên sự khác lạ cho ngôn từ trong bầu không khí văn chương của riêng mình”, Hiền Trang nói.

Theo Zing News

Tags: