Những cuốn sách thu hút thế hệ trẻ Việt tìm hiểu về cội nguồn dân tộc
Những cuốn sách thu hút thế hệ trẻ Việt tìm hiểu về cội nguồn dân tộc
Trong những năm gần đây, thể loại sách nghiên cứu về lịch sử và văn hóa dân tộc ngày càng được nhiều độc giả trẻ đón nhận. Bởi, giới trẻ Việt hiện nay không chỉ năng động trong làn sóng hội nhập, mà còn luôn đề cao ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nổi bật trong số những cuốn sách thu hút thế hệ trẻ Việt tìm hiểu về cội nguồn dân tộc là “Tủ sách Đời người” của Omega Plus Books.
Mới đây, “Tủ sách Đời người” đã cho ra mắt 2 cuốn sách về đề tài văn hóa, lịch sử dân tộc Việt là: “Cổ học tinh hoa” và “Việt Nam phong tục” với những nét đặc biệt riêng. 

 

Cổ học tinh hoa

 

Cuốn sách đầu tiên trong tuyển tập là “Cổ học tinh hoa”, được nhóm hai vị học giả  Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân thu thập, chọn lọc và soạn lại từ các tài liệu cổ, các tích xưa và sách kinh điển của Trung Quốc như Khổng Từ tập ngữ, Ái Tử Xuân Thu, Han Thi ngoại truyện, v.v. Đây là tâm huyết của hai tác giả trong việc giữ gìn hồn cốt dân tộc để nhắc nhở thế hệ sau dù tiếp cận kiến thức mới mẻ từ các nền văn minh tân tiến vẫn không quên cái gốc rễ, đánh mất những giá trị trân quý.

sach-co-hoc-tinh-hoa
Cuốn sách "Cổ học tinh hoa" vừa được ra mắt bạn đọc

“Cổ học tinh hoa” bao gồm 250 điển tích điển cố. Mỗi câu chuyện lại chứa những triết lý sống giản đơn, dung dị, xoay quanh sự hiếu đễ, trung tín, lễ nghĩa, liêm sỉ, v.v., Những hàm ý trong chuyện tưởng như vô nghĩa vì ai cũng biết nhưng lại có giá trị sâu sắc, làm toát lên cốt cách đẹp đẽ của người phương Đông. Chẳng hạn như tích về Tử Tang với hàm nghĩa về cách nhìn nhận cuộc đời: 

“Nghèo như Tử Tang, đến đói không có ăn, mà trong lòng không oán cha mẹ, không trách trời đất, chẳng cũng là người cao sĩ ru! Không bù với những kẻ mới nhỡ bước, gọi là hơi nghèo mà đã vội lên giọng oán trách cả người sống, người chết, trời đất, chực những sự muốn làm càn. Còn hỏi tự đâu mà hóa nghèo, nếu đổ cho tại số mệnh như Tử Tang đây, thì cũng hợp với câu phương ngôn: “Số giàu của đến dửng dưng, số nghèo con mắt tráo trưng vẫn nghèo”.”

Có thể nói, đây là tác phẩm đúc kết trí tuệ vượt thời gian, đầy tính thực tiễn cả trong xã hội Việt Nam từ cổ xưa cho đến thời hiện đại. Mặc dù được biên soạn từ thế kỷ 20, trải qua gần 100 năm tuổi, những tri thức thu lượm trong cuốn sách vẫn có tính ứng dụng cao, không cũ mòn, lạc hậu. 

Ấn bản “Cổ học tinh hoa” do Omega Plus Books phát hành lần này giữ nguyên nguyên tác của bản in đầu tiên từ năm 1926 và được đối chiếu, so sánh với các ấn bản qua từng thời kỳ. Cuốn sách được chia thành nhiều phần, mỗi phần gồm nhiều câu chuyện nhỏ nên bạn đọc cũng không bị ngợp bởi mạch truyện dài.  Đồng thời, vì có chứa nhiều từ ngữ, điển tích điển cố nên đội ngũ biên tập đã bổ sung hệ thống chú thích, lời bình, hình minh họa để bạn đọc dễ dàng tra cứu, tăng trải nghiệm đọc. 

Nghiền ngẫm những câu chuyện trong “Cổ Học Tinh Hoa” chính là cách để mỗi chúng ta nuôi dưỡng, củng cố niềm tin, sự tử tế và hình thành nền tảng đạo đức vững chắc từ những di sản văn hóa vô giá mà ông cha ta để lại.

sach-co-hoc-tinh-hoa
Chân dung học giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. (Nguồn: Wikipedia)

Học giả Nguyễn Văn Ngọc (1890 - 1942) tự Ôn Như, nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam. Ông say mê với việc nghiên cứu văn hoá, văn học dân tộc, thể hiện qua việc biên tập, xuất bản nhiều sách khảo cứu như Cổ học tinh hoa, Nam thi hợp tuyến, Đào nương ca, Truyện cổ nước Nam, Tục ngữ phong dao. 

Học giả Trần Lê Nhân (1887 -1975), hiệu Từ An, là nhà Hán học, nhà giáo dục am tường triết học phương Đông và nghiên cứu cả triết học phương Tây. Ngoài dạy học, ông cũng tham gia biên soạn và dịch thuật nhiều cuốn sách giá trị, trong đó tiêu biểu là Cổ học tinh hoa, Hán học danh ngôn, đều là sách được chọn dùng trong các trường trung học thời bấy giờ. 

 

Việt Nam phong tục 

 

Nếu “Cổ học tinh hoa” là tài liệu tinh túy về văn hoá và lối sống phương Đông nói chung, thì cuốn sách thứ 2 trong tuyển tập lần này - “Việt Nam phong tục” của tác giả Phan Kế Bính lại là một nghiên cứu công phu, tỉ mỉ về văn hoá, lối sống đã tồn tại hàng nghìn năm của người Việt, trong mối quan hệ với gia đình, xã hội. Và trên thực tế, cuốn sách gần một trăm năm tuổi này hiện vẫn là một trong những công trình khảo cứu có giá trị bậc nhất về phong tục tập quán của người Việt Nam. 

sach-viet-nam-phong-tuc
Cuốn sách Việt Nam phong tục của tác giả Phan Kế Bính

Cuốn sách hướng đến đa dạng đối tượng độc giả, là học sinh, trí thức nhà nghiên cứu. Ngoài ra, do được trình bày dưới dạng văn xuôi dễ đọc, cùng lối hành văn khoa học, có tính khái quát cao, “Việt Nam phong tục” cực kì dễ  đọc, dễ nhớ, phù hợp với cả tầng lớp bình dân. 

Cuốn sách gồm 47 mục thuộc 3 thiên (3 chương): 

  • Chương 1: Phong tục trong gia đình
  • Chương 2: Luật lệ trong bản, làng, xã
  • Chương 3: Phong tục trong xã hội

3 chương của cuốn sách lại có thể chia thành 3 phần: Một phần, cuốn sách nói về những phong tục đã mất, một phần nói về những nghi lễ vẫn còn vẹn nguyên không thay đổi và phần khác khơi gợi lại các bài ca trù, hát xẩm, ả đào…. 

Trong cuốn sách, tác giả Phan Kế Bính đã diễn giải tỉ mỉ cách mà xã hội thuần Việt xa xưa giao lưu, tiếp thu văn hoá từ bên ngoài cấu thành phong tục độc đáo của người Việt, trả lời được các câu hỏi trọng tâm: các phong tục tập quán đã được hình thành, phổ cập như thế nào? Thói quen, hành vi của mỗi cá nhân trong mối quan hệ với gia đình, xã hội được quy ước, điều chỉnh ra sao? 

Bên cạnh những câu chuyện gần gũi thiết thân như cách xưng hô, lối ăn mặc, kiêng khem, những hội hè, lễ Tết, phong tục ma chay, cưới hỏi, v.v. những câu chuyện về tôn giáo, chính trị cũng được tái hiện, phục dựng trong cuốn sách, giúp người đọc dễ dàng hòa mình vào lối sống dung dị của cha ông cách đây hàng trăm năm. 

sach-viet-nam-phong-tuc
Chân dung tác giả Phan Kế Bính. (Nguồn: Wikipedia)

Ra mắt vào đầu thế kỷ 20, khi đất nước dần tiếp xúc với văn minh phương Tây, “Việt Nam phong tục” là tài liệu quý giá, có vai trò định vị giá trị dân tộc, ở cả mặt tốt và mặt xấu, giúp người đọc qua nhiều thế hệ có cái nhìn khách quan hơn về tiến trình phát triển của văn hoá nước nhà. Là người trong cuộc, được hưởng nền giáo dục của cả Nho học (cựu học) và Tây học (Tân học), Phan Kế Bính vừa đắm mình trong văn hoá truyền thống, vừa tiếp thu lối tư duy, cách sống phương Tây. Do đó, trong “Việt Nam phong tục”, tác giả đi vào mổ xẻ, nhận xét, bình luận, đánh giá từng phong tục tập quán một cách hệ thống, đôi khi còn gây sốc khi điểm mặt, chỉ tên mà phê phán lối sống sai sai trái, không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Ấy là góc nhìn tiến bộ, hiện đại của tác giả khi đã dự đoán được được đâu là phong tục nên duy trì và phát huy hơn nữa trong tương lai. Bởi vậy, những phân tích trong cuốn sách rất hợp với các bạn trẻ thời hiện đại.

Cũng giống như “Cổ học tinh hoa”, mặc dù đã tồn tại qua hàng thế kỷ “Việt Nam phong tục” vẫn vẹn nguyên giá trị văn hoá, tinh thần đất nước, là tư liệu quý giá mà người Việt qua nhiều thế hệ nên tìm đọc - đọc để hiểu, đọc để yêu dân tộc, đồng bào hơn.

Tủ sách Đời người bao gồm những cuốn sách tinh tuyển cho người Việt
Về Tủ sách Đời người của Omega Plus: Là dự án tinh tuyển 100 cuốn sách nên đọc cho người Việt, nương theo những dấu mốc quan trọng của cuộc đời mỗi con người. Các cuốn sách trong Tủ sách Đời người được lựa chọn dưới sự cố vấn của các chuyên gia có chuyên môn, uy tín, đồng thời thông qua cuộc bình chọn “100 cuốn sách nên đọc trong đời” được Omega Plus khởi xướng vào tháng 03/2022. Tham khảo thêm những cuốn sách của Tủ sách Đời người tại: tusachdoinguoi.vn

Trạm mời các bạn tìm đọc./.

Tags: