Những cuốn sách tăm tối: Liệu tiểu thuyết có khả năng đầu độc tâm hồn chúng ta bằng ngôn từ
Những cuốn sách tăm tối: Liệu tiểu thuyết có khả năng đầu độc tâm hồn chúng ta bằng ngôn từ
Đọc sách mang lại nhiều điều bổ ích. Tuy nhiên sách có một thứ sức mạnh nguy hiểm: chúng có thể làm chúng ta đánh mất bản thân, lây nhiễm chúng ta bằng các ý tưởng.

Đọc tiểu thuyết có ích với bạn, ít nhất là cho đến bây giờ thì người ta vẫn coi điều đó vẫn đúng. Một nghiên cứu vào năm 2013 tại trường Đại học New School đã chỉ ra rằng việc đọc những đoạn văn của Lydia Davis hay Don DeLillo sẽ ngay lập tức có ảnh hưởng tới người đọc trong việc nhận ra cảm xúc của người khác. Một nghiên cứu khác ở đại học Emory chỉ ra rằng việc đọc tiểu thuyết có thể tạo ra những kết nối cao trong não bộ và sách là một trong những yếu tố giảm stress hiệu quả nhất.

 Khi chúng ta coi những trò chơi điện tử bạo lực hay các bộ phim nhiều cảnh tình dục nóng bỏng là những thứ nguy hiểm và có hại cho tâm trí, tiểu thuyết luôn được ca ngợi như một thứ giải phóng tinh thần và được chào đón, dù nội dung của nó là gì đi chăng nữa: một cốc smoothie cho tâm hồn. Khi chúng ta đang nói về những cuốn sách ‘nguy hiểm’, nó thường đi kèm với một cái gật đầu đầy hiểu biết và một cái nháy mắt: những thứ ngụ ý là những người đó hiểu rõ hơn. Trong một buổi phỏng vấn với Guardian, nhà văn gây tranh cãi Melvin Burgess khẳng định rằng những cuốn sách ‘nguy hiểm’ thực sự chỉ là một mối đe dọa với những người nguy hiểm - những kẻ muốn kiểm soát người khác. Bất kì một gợi ý nào nói một cuốn sách có thể nguy hiểm, chỉ là một biểu hiện của sự cố chấp hoặc sợ hãi.

Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Trong suốt thế kỉ 19, tiểu thuyết thời đó luôn bị nghi ngờ và bị đối xử như cách chúng ta làm với phim “Saw” ngày nay. Chúng nguy hiểm không chỉ đơn giản bởi những câu chuyện trong đó - những biểu hiện lãng mạn của việc thỏa mãn dục vọng đưa Emma Bovary vào con đường ngoại tình - mà còn là cả vì việc đọc được coi như một sự chiếm đoạt: ‘những người khác’ lấn át chính bản thân ta.

Trong bài diễn văn Những trò tiêu khiển đời thường (1869), giáo sĩ người Mỹ Jonathan Townley Crane cảnh báo các tín đồ của ông về việc đọc tiểu thuyết: 'những dành nhiều giờ quý giá để mơ mộng những chuyện lãng mạn vớ vẩn, trong đó họ là những người phụ nữ xinh đẹp và các quý ông dũng cảm đã đạt được những điều tuyệt vời ... 'chỉ để tìm thấy chính mình được hòa vào nhân vật chính của câu chuyện ', mất đi ý thức họ thực sự là ai.

Quan điểm như thế nghe có vẻ lỗi thời bởi vì hiện tại chúng ta thường nói về những lợi ích của việc đọc nhiều hơn là sự nguy hiểm về mặt đạo đức của nó. Nhưng liệu việc coi tiểu thuyết là món ăn bổ ích cho trí não có khiến chúng ta chủ quan trước những nguy cơ mà nó đem lại? Sau cùng thì không chỉ mỗi nhà đạo đức học tôn giáo Crane này khám phá những nguy cơ của việc đọc tiểu thuyết và những động lực nguy hiểm từ các truyện kể: các tiểu thuyết gia và nhà văn đã chú ý và chỉ trích việc áp đặt quyền lực một chiều của mình lên độc giả.

Rất nhiều trong số các tác giả - triết gia Soren Kierkegaard ở Đan Mạch, các tiểu thuyết gia Barbey D’Aurevilly và Octave Mirbeau ở Pháp, hay Oscar Wilde ở Anh đã hưởng ứng một xu hướng tri thức rộng lớn hơn vào thế kỉ 19: biến người nghệ sĩ thành một sự thay thế cho Đấng sáng tạo trong một kỉ nguyên mà người ta quay lưng lại với các quan niệm độc tài truyền thống về Chúa; một nghệ sĩ bán thần, với ngôn từ của họ, theo nhà thơ Samuel Taylor nói, là một “sự lặp lại trong một bộ óc hữu hạn những hành động sáng tạo vĩnh cửu trong vô hạn CÁI TÔI. Nhà văn-triết hia như Johann Fichte và Friedrich Schlegel, dựa vào nền triết học của Immanuel Kant để tôn vinh sức mạnh của trí tuệ con người trong việc đặt ra nguyên tắc và cấu trúc trong thế giới hỗn loạn,và những người nghệ-sĩ-kể-chuyện như một über-Mensch, một siêu nhân, người có sức mạnh sắp xếp từ những câu chuyện mượn hình dáng hư vô.

Nhưng quyền lực ngang với Chúa trời cũng có mặt tối của nó. Và trong các tác phẩm của một số nhà văn vĩ đại nhất của thế kỷ 19, chúng ta có cái nhìn thoáng qua về mặt tối đó: cái gì đó sâu sắc hơn, quỷ quyệt hơn cả những gì Crane có thể tưởng tượng.

 

Điều mỉa mai nhất là con ma cà rồng uống máu từ những người tình nhân khiến hắn cảm thấy dịu đi, đưa hắn vào giấc ngủ và tra tấn hắn bằng những cơn ác mộng.

 

 

Đó là những gì Kierkergaard mô tả vào năm 1841, một nghệ sĩ tối thượng sẽ lấy sức sống từ những người mà anh ta quan sát và sau đó hòa trộn với độc dược. Và trong suốt thế kỉ 19, những người kể chuyện thường được coi như hình tượng ma cà rồng: một kẻ làm người khác mất nhận thức về cái tôi và hút sức sống bằng những ảnh hưởng ăn mòn.

Hãy nói về nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết “Bức chân dung của Dorian Gray”, chịu ảnh hưởng của người nghệ sĩ Lord Henry Wotton, và nhờ quyển sách mà Henry tặng cho anh ta - cuốn “Chống lại Tự nhiên”, đã khiến cuộc sống anh ta ngày một suy đồi.

Đó là câu chuyện về một người Pháp, suốt đời đi tìm cái đẹp vả khoái lạc - mọi thứ khoái lạc, cả tốt lẫn xấu. Dorian đọc từ giờ này sang giờ khác. Đó là một quyển sách đáng sợ, đầy những ý tưởng kì lạ và những giấc mơ nguy hiểm - những giấc mơ đang từ từ trở thành hiện thực với Dorian.

Dorian đọc đi đọc lại cuốn sách này. Thật ra, hắn không thể ngừng đọc nó được, và trải qua năm tháng nó càng trở nên hấp dẫn hơn. Hắn cảm thấy cuộc đời của người Pháp này là tấm gương phản chiếu chính cuộc đời của hắn.

Dorian tạm thời mất khả năng tương tác với thế giới bên ngoài. Hắn bắt đầu trải nghiệm ảo giác; kiến thức của hắn về tội lỗi được mở rộng, tự phá vỡ giới hạn mà hắn mở ra. Dorian là nạn nhân của ma cà rồng cuối cùng: được biến đổi bởi cuộc chạm trán này thành một tấm gương đen tối phản chiếu hình ảnh chính người tạo ra ảnh hưởng.

Trong một buổi nói chuyện của TEDx năm 2009, nhà văn Chimamanda Ngozi Adichie đã nhấn mạnh sự nguy hiểm của một câu chuyện, và giải thích vì sao cô, một người Nigeria, đã thấy cảm giác mình bị chèn ép bởi các câu chuyện - ‘những câu chuyện đơn lẻ từ châu Phi’. Như một đứa trẻ, Adichie viết chính xác những câu chuyện mà cô tiếp xúc:

 

Tất cả nhân vật của tôi đều có da trắng và mắt xanh, họ chơi trong tuyết, họ ăn táo và nói rất nhiều về thời tiết, về sự tuyệt vời của mặt trời… Tôi chưa bao giờ ra khỏi Nigeria. Chúng tôi không có tuyết, chúng tôi ăn xoài và chúng tôi không bao giờ nói về thời tiết bởi vì điều đó không cần thiết.

 

 

Để là một nhân vật hoàn chỉnh, trong những câu chuyện mà Adichie đọc, người đó sẽ phải là dân Anh và da trắng; nhưng câu chuyện của châu Phi thì ngược lại, là một câu chuyện của những điều tiêu cực, những điều khác biệt và của bóng tối.

Ở đây hành động đọc cũng mang là một hành động trải nghiệm mang trong mình nguy cơ khác: trong trường hợp này, sự nguy hiểm tới từ việc viết, khi tác giả đánh mất mình vào chính những thứ mình viết ra. ‘Giống như kinh tế và chính trị’, các câu chuyện cũng được xác định bởi nguyên tắc nkali: chúng được kể như thế nào, ai là người kể chúng, khi được kể thì có bao nhiêu câu chuyện được kể, tất cả đều phụ thuộc vào quyền lực. Quyền lực là khả năng không chỉ đơn giản kể câu chuyện của người khác, mà biến câu chuyện đó đích xác là của người đó.

Những điều trên có lẽ không phải thứ sức mạnh ma cà rồng đã được các nhà văn thế kỉ 19 dự đoán, nhưng mối nguy hiểm của sự kiểm soát trong việc kể chuyện cũng không kém phần độc hại vì bản chất chính trị của nó. Kể chuyện không thể tách rời với quyền lực: hành động đọc tốt xấu gì cũng là một hành động cho phép một thế lực bên ngoài có được đặc quyền về ngôn từ và về kể chuyện. Những điều tốt đẹp nhất của tiểu thuyết đã được ca ngợi từ những nghiên cứu gần đây. Nhưng theo hướng tồi tệ nhất, những cuốn tiểu thuyết có thể làm xói mòn ý thức của chúng ta: một người phụ nữ đọc cuốn Clarissa của Samuel Richardson có thể thấy rằng bản thân cô chấp nhận được một thế giới trong truyện nơi mà hiếp dâm là hành vi hợp pháp, một người da màu lớn lên khi đang đọc cuốn Kim của Rudyard Kippling có thể tiếp thu một thế giới mà người da trắng chủ yếu nắm quyền lực trong tay, hay giống như Dorian Gray, qua việc đọc Huysmans, đã coi việc ăn chơi trác táng là bình thường.

Ngày nay chúng ta trải nghiệm những góc độ khác của sự độc hại trong tâm hồn qua TV, trò chơi điện tử và smartphone. Chúng ta sợ rằng việc chơi GTA sẽ khiến ta trở nên bạo lực, hay xem phim Saw sẽ làm chúng ta xa lạ với cảm giác chịu đựng đau khổ của đồng loại. Nhưng chúng ta lại mù quáng trước những nguy cơ mà tiểu thuyết mang lại trong từng câu chữ của nó - không khác gì các cốt truyện trong trò chơi điện tử. Ta cứ tưởng rằng tất cả mọi loại sách, mọi câu chuyện đều ‘an toàn’, và chúng ta thờ ơ trước quyền sinh sát của nó.

Ở cấp độ cơ bản, việc đọc là đã đặt bản thân mình vào nguy cơ, khiến mình dễ bị tổn thương bằng cách chào đón sự hiện diện của người khác trong tâm hồn mình. Đây có thể là một trải nghiệm giúp ta biến đổi triệt để, thách thức chúng ta phải vượt lên trên bản thân. Nhưng tệ hơn, chúng ta biến mình thành khách mời trong bữa tối của The Torture Garden hay Don Juan - phần chúng ta bị sở hữu bởi người kể chuyện đánh thức con người bạo lực bên trong ta. Dù sao đi chăng nữa, việc đọc là hành động chấp nhận thứ quyền lực của người khác: một thứ quyền lực - dù có thể không ngang với chúa trời - nhưng cũng là tuyệt đối trong phạm vi của cuốn tiểu thuyết.

Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ cấm tất cả các loại tiểu thuyết. Chúng ta phải tôn trọng thứ quyền lực của tiểu thuyết mà nó có thể mang lại sự hủy diệt cho chúng ta. Quyền lực càng lớn, như người ta thường nói, đi kèm với trách nhiệm càng cao. Ít nhất là một thế hệ nhà văn đã có ý thức để biết rằng khuôn mẫu đó có thể bị lật đổ hay nhào nặn lại để dùng cho mục đích tốt đẹp. Một truyền thống văn học phản ứng lại chính trị, từ chủ nghĩa hậu thuộc địa cho tới chủ nghĩa nữ quyền đã nổi lên trong các thập kỉ gần đây, trong đó các cuốn sách văn chương kinh điển bị thách thức hoặc bị đem ra xét lại trong cuộc phản kháng sự áp đặt bằng câu từ của chúng.

Chúng ta cần hiểu rằng các tiểu thuyết có khả năng hủy diệt chúng ta không kém gì so với khả năng chúng khai sáng chúng ta, và từ đó cũng cần hiểu rằng sách, cũng như con người, vốn dĩ không hoàn toàn có đạo đức hoặc vô đạo đức. Chỉ bằng cách tôn trọng khả năng các cuốn sách cũng hủy diệt con người chúng ta - vì nó thật sự đáng sợ như vậy - chúng ta hoàn toàn có thể có niềm tin đích thực trong việc nó khiến chúng ta một lần nữa gần nhau hơn.

Theo Aeon.co

Tags: