“Những chuyện kể của Thornton Burgess” và câu chuyện về sự khởi đầu của Burgess
“Những chuyện kể của Thornton Burgess” và câu chuyện về sự khởi đầu của Burgess
Chỉ trong vòng 55 năm sáng tác (từ 1910 đến 1965), Burgess đã để lại một dấu ấn không thể nào quên cho nền văn học thiếu nhi Hoa Kỳ.

Có rất nhiều người khởi sự làm bao điều lớn lao từ những việc nho nhỏ, tưởng như vu vơ. Khi Lewis Carrol kể chuyện cho Alice nghe trong những buổi chiều vàng, khi Richard Adams nghĩ ra vài chuyện giải khuây cho hai cô con gái nghe suốt  dặm trường rong ruổi trên xe, hẳn họ cũng không thể ngờ rằng sau này những câu chuyện ngẫu hứng ấy lại trở thành các tác phẩm lớn. Điều tương tự cũng đã diễn ra với sự nghiệp sáng tác của Thornton Burgess. Trong những đêm khuya dỗ dành đứa con côi cút vắng bóng mẹ hiền, Burgess đem hết những kiến thức hiểu biết về thế giới tự nhiên của mình để tạo ra những mẩu chuyện nhỏ về cư dân của Đồng XanhRừng Thẳm. Từ những buổi tối ấy, Burgess đã chắp bút để viết ra hơn 170 quyển sách và trên 15,000 mẩu truyện đăng hàng kỳ trên báo. Chỉ trong vòng 55 năm sáng tác (từ 1910 đến 1965), Burgess đã để lại một dấu ấn không thể nào quên cho nền văn học thiếu nhi Hoa Kỳ.

 Bộ truyện của Burgess do Nhà xuất bản Groset & Dunlap ấn hành

Năm 1910, khi Burgess lần đầu giới thiệu quyển sách đầu tay “Những chuyện kể cùng Mẹ Già Gió Tây”, ông quả thực có chút lo lắng rằng biết đâu tác phẩm của mình sẽ không được mến mộ. Thế nhưng thực tế đã cho một câu trả lời hoàn toàn bất ngờ. Tính cho đến thời điểm Burgess qua đời vào năm 1965, những tác phẩm của ông được in đi in lại nhiều lần, cả dưới dạng sách bìa cứng lẫn các tập sách mỏng, bìa mềm cùng rất nhiều tranh minh họa. Ngay cả sau khi Burgess mất, đời sống của những tác phẩm mang đâm chất hơi thở đồng xanh này vẫn tiếp tục duy trì và tỏa hương sắc, vượt qua biên giới của Mỹ để đến với nhiều trẻ em khắp nơi trên thế giới. Trên những trang web của các nhà xuất bản, người ta nhắc về những kỷ niệm với bộ sách Mẹ Già Gió Tây như thể đó những điều ngọt ngào của ấu thơ. Rất nhiều gia đình Mỹ suốt bốn thế hệ từ cụ kỵ đến cháu chắt đã chuyền tay nhau đọc những câu chuyện về Già Ếch, về Cáo Reddy, Thỏ Peter, Bầy gió con tinh nghịch… Chính vì thế mà bộ sách liên tục được các nhà xuất bản tái bản và có nhiều phiên bản minh họa khác nhau.

Đời sống tái sinh của những phiên bản mới   

Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự quay trở lại đầy ngoạn mục của các tác phẩm văn học kinh điển. Penguin, Harper Collins cùng nhiều đơn vị khác cho ra mắt những phiên bản được làm lại bìa kèm các tranh minh họa bắt mắt. Đó được xem là một trong những cách để thu hút một thế hệ độc giả trẻ đừng quay lưng lại với sách kinh điển. Khi nhìn biểu đồ thống kê sau vào năm 2016 của YouGov, một trang thống kê số liệu thị trường có trụ sở đặt tại Anh, ta có thể hiểu phần nào lý do các nỗ lực của giới xuất bản[1]

Biểu đồ của The Guardian

Những phiên bản sách đi kèm bìa và minh họa bắt mắt đã có tác dụng phần nào, bởi lẽ rõ ràng đây là thời đại của hình ảnh. Tuy nhiên theo như ý kiến Gower, nhà thiết kế của Penguin thì điều giữ chân người đọc là sự hấp dẫn đến từ bên trong các tác phẩm bởi lẽ không gì làm người đọc thất vọng hơn là việc nhận ra mình đã bị phỉnh phờ bằng những hình vẽ không liên quan đến nội dung sách. Các tác phẩm sở dĩ được gọi là kinh điển bởi lẽ cho dù được viết ra từ thế kỷ XVII hay XVIII thì những vấn đề mà chúng đề cập đến vẫn hoàn toàn phù hợp trong thế kỷ XXI. Và cũng bởi chúng luôn mới mẻ dưới những góc nhìn khác nhau của từng thời đại, các tác phẩm này mang đến niềm cảm hứng vô tận cho cả người đọc và những nghệ sĩ sáng tạo các phiên bản sách khác nhau.


Những câu chuyện của Thornton Burgess cũng chứa đựng những giá trị xuyên thời gian như vậy. Mục đích sáng tác của tác giả sẽ quyết định rất nhiều đến tính chất của tác phẩm ấy. Nếu như George Orwell viết Trại súc vật để nhằm bộc lộ những quan điểm mang tính tiên đoán của ông về thể chế chính trị, cho nên các trang viết đậm chất châm biếm và nhân vật mang tính ẩn dụ cao độ thì với Burgess, ông kể cho con nghe những câu chuyện về muông thú vào trước giờ đi ngủ, vì thế chúng thường ngắn gọn, tình tiết và giọng điệu hóm hỉnh duyên dáng. Những mẩu chuyện của Burgess thường chỉ dài trong độ vài trang giấy, vừa đủ gọn cho 20 phút đọc trước giờ ngủ của con trẻ. Và vì ông là một người chuyên nghiên cứu về thiên nhiên, ông truyền tải những kiến thức quý giá ấy vào các câu chuyện của mình thật tự nhiên. Những tập quán sinh hoạt của cáo, thỏ, chồn, ếch, cảnh quan trải rộng từ đồng quê mênh mông đến rừng thẳm hay những dòng suối róc rách hát ca được tưới đẫm thứ ngôn từ đẹp đẽ, trong sáng. Burgess mong muốn những đứa trẻ đọc sách của ông đều tìm được cho mình sự kết nối và thấu hiểu thêm với thế giới tự nhiên, cây cỏ, muôn thú ngoài kia. 

Bộ sách “Những chuyện kể của Thornton Burgess” do Crabit Kidbooks ấn hành tháng 5/2020.

 Tất nhiên nhiều thế hệ phụ huynh rất yêu thích bộ sách của Burgess và gọi chúng như là những “ngụ ngôn hiện đại”, vì các câu chuyện đều lấy động vật làm nhân vật chính và đi kèm vài thông điệp về cách ứng xử, đạo đức cho trẻ em như đừng tham lam, hãy trung thực, hạnh phúc với những gì mình có, … Tuy nhiên, đó lại không phải là ưu tiên hàng đầu của Burgess khi viết ra các tác phẩm này. Trên tất cả, ban đầu ông mong muốn đứa con thơ của mình có niềm vui với thế giới truyện và sau đó niềm say mê đọc ấy được nhân rộng ra cho hàng trăm ngàn đứa trẻ khác trên thế gian này. Chính vì vậy, những bài học nếu có được lồng ghép vào thì cũng đi kèm giọng văn đầy hóm hỉnh nhẹ nhàng và đi cạnh chúng là những đoạn thơ nho nhỏ reo vang lấp lánh:

Những ngày hè ngập nắng

Ngày dài, đêm lại ngắn,

Mẹ thúc giục liến thoắng

‘Mau mắn ra sân chơi!’" 

Những minh họa được vẽ mới hoàn toàn trong bộ sách “Những chuyện kể của Thornton Burgess” do Crabit Kidbooks ấn hành mang vẻ đẹp của tác phẩm kinh điển tới gần gũi hơn với bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam.

Những câu chuyện ấy, dù được kể bởi một người cha từ đầu thế kỷ 20, cách chúng ta tận hơn 100 trước, vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp và sự cuốn hút, để mỗi người đọc đều có cảm giác háo hức lật sách, hệt như chú thỏ Peter nghiêng đầu ngóng chờ Già Ếch kể cho nghe bao điều kỳ thú về những bạn bè trong thế giới thiên nhiên.

[1] Biểu đồ trích dẫn từ nguồn: https://www.theguardian.com/books/booksblog/2016/jan/21/dont-read-classic-books-because-you-should-war-peace-fun

 Quỳnh Lê (Trạm đọc)

Tags: