Những BÀI HỌC nhìn TỪ cuộc sống DƯỚI ĐẠI DƯƠNG
Những BÀI HỌC nhìn TỪ cuộc sống DƯỚI ĐẠI DƯƠNG
Cuốn sách "Sống một đời tựa biển khơi" cho ta thấy cuộc sống ẩn giấu khắp nơi, các bí mật và vẻ đẹp tuyệt diệu, đầy màu sắc trong lòng đại dương.
Cuốn sách Sống một đời tựa biển khơi tập hợp 60 bài học nhỏ được đúc kết từ cuộc sống của các loài sinh vật dưới đại dương, mang đến những bài học nhẹ nhàng, sâu lắng và bình yên cho người đọc. Sách do tác giả Richard Harrington viết lời và họa sĩ Annie Davidson vẽ minh họa. 
Ảnh: Wings Books.

Chuyện thật như đùa, những chú ngao tưởng tầm thường dường như đã tinh tường công thức đánh bại sự lão hóa. Ngao biển khổng lồ ở Bắc Đại Tây Dương - loài động vật thân mềm hai mảnh vỏ - đã được các nhà khoa học chứng minh rằng sống thọ tới hơn 500 tuổi. Đáng kinh ngạc ở chỗ các mô của loài ngao này có rất ít dấu hiệu lão hóa so với các mẫu vật ít tuổi hơn. Bí quyết của chúng là gì? Có vẻ cuộc sống vùi trong lớp bùn mềm và nhâm nhi nguồn thức ăn dồi dào lọc từ nước biển đã làm nên điều kỳ diệu.

Cá hồi không giống các loài cá khác ở biển. Phần lớn thời gian chúng bơi lội tung tăng ngoài đại dương, nhưng lại chào và lìa đời tại những dòng sông nước ngọt. Thuở ấu thơ, cá hồi Đại Tây Dương chỉ là những quả trứng nhỏ xíu ẩn mình trong đá sỏi dưới lòng sông, cách biển xa lắc xa lơ. Để đẻ trứng ở đây, cá hồi bố mẹ đã kiên cường bơi ngược dòng, nhảy qua bao đập nước và thác ghềnh. Sau khi đẻ trứng, cả cá hồi đực và cái đều kiệt sức, nhưng một số con vẫn sống sót và trở về theo tiếng gọi của đại dương.

Sứa là một loài vật nguyên thủy và đơn giản, không có não hay tim mà cũng chẳng có xương. Nhiều loài sứa sở hữu thân hình tròn ủng hoặc hình chuông với miệng và ruột cấu tạo đơn giản, bên dưới là các xúc tu chứa nọc độc lơ lửng trong nước. Cấu tạo giản đơn này giúp sứa góp mặt ở tất cả các đại dương trên thế giới, từ vùng nhiệt đới đến vùng cực, từ tầng nước bề mặt đến tầng biển thẳm sâu. Sứa rất đa dạng về hình dáng và trông đẹp mắt, tuy nhiên một số loài có nọc cực độc, tốt nhất là không nên chạm vào.

Ẩn sau vẻ thô ráp xù xì, sao biển che giấu khả năng sinh tồn siêu việt. Ngày ngày, chúng phải đối mặt những cơn bão khắc nghiệt và các kẻ săn mồi đáng sợ. Nhưng chúng có thể bỏ hẳn một chân để nhanh chóng thoát thân rồi mọc lại một chân mới toanh sau đấy. Trên thực tế, sao biển có thể sống sót kể cả mất hai, ba, thậm chí bốn chân mỗi lần.Thông thường, chân cẳng của chúng sẽ mọc lại lành lặn trong ngót nghét một năm. Rủi ro và tai nạn có thể thường xuyên xảy ra với chúng ta, và sức mạnh tự hồi phục của cơ thể sau biến cố quả là đáng nể. Chớ để những tổn thương ngăn chúng ta làm những điều mình yêu thích, bạn nhé!

Cá thân bẹt là loài có xương, mình dẹt. Khi còn là những chú cá con lon ton giữa đám sinh vật phù du, chúng cũng có mỗi mắt nằm ở một bên đầu như bao loài cá thông thường. Lớn lên, con cá trải qua giai đoạn biến đổi kỳ lạ: Cả hai mắt của nó cùng nằm tại mặt trên của cơ thể. Cá bơn là cao thủ ngụy trang và náu mình trong cát. Nếu tìm thấy chúng và nhìn sát, bạn sẽ thấy cá bơn trông thật khôi hài, cái miệng méo mó khiến gương mặt nom nhăn nhăn nhó nhó.

Một số loài tảo biển vươn cao lừng lững như những thân cây mặc dù chúng chỉ sinh trưởng trong một mùa ngắn ngủi. Vào mùa xuân và mùa hạ, tảo bẹ khổng lồ dọc bờ biển California, Mỹ, mọc với tốc độ từ 30 đến 60 cm mỗi ngày, vươn lên bề mặt ngập nắng từ độ sâu tới 30 mét. May mắn thay, vùng nước lạnh ở đây rất giàu dinh dưỡng, các bóng khí giống như phao giúp tảo bẹ đứng thẳng và tắm đẫm ánh nắng gần mặt nước bên trên. Khi vươn tới mặt nước, lá tảo bẹ tiếp tục mọc dài và được rái cá biển tận dụng làm nơi neo bám lúc nghỉ ngơi.

Lưng lốm đốm vệt xanh đen, bụng lấp lánh màu bàng bạc, cá thu là một loài cá rất thu hút, sống thành những đàn khổng lồ lên tới vài chục nghìn con ở tầng nước gần mặt biển. Chúng bơi rất nhanh và phải tiếp tục bơi ngày bơi đêm để lấy oxy từ nước. Trong hành trình liên miên, cá thu không có thời gian kén chọn thức ăn và sẵn sàng nuốt hầu hết loại vật chất trôi nổi. Cá thu có thể sống đến 18 tuổi, là loài cá cho dầu phổ biến.

Mực bay Nhật Bản là động vật thân mềm có họ hàng với sên và ốc nhưng không hề chậm chạp, lề mề. Trái lại, chúng chẳng khác nào động cơ phản lực. Nước bắn vọt ra với tốc độ cực cao thông qua một ống hình phễu trong cơ thể mực bay để đẩy nó phóng đi. Mỗi năm, trên đường di trú, mực bay di chuyển hơn 1.200 dặm với vận tốc trung bình gần 1 m/s. Ở tốc độ cực đại, nó phóng trong nước với vận tốc lên tới 3 m/s, đủ để bay vọt lên khỏi mặt biển. Do lực cản của không khí kém hơn nước, mực bay có thể đạt tới tốc độ hai 25 dặm một giờ và chạy thoát khỏi bất kì kẻ săn mồi nào.

Bạch tuộc là sinh vật có nhiều đặc điểm độc nhất vô nhị. Chúng có 8 chi và 3 trái tim bơm máu màu xanh quanh cơ thể. Chúng có thể thay đổi màu da hay hình dáng nhanh như chớp trong một phần nghìn giây để bắt chước môi trường xung quanh hoặc bộc lộ một trong những tâm trạng phức tạp của mình. Chúng cũng sở hữu IQ cao ngất. Bạch tuộc rất hiếu kỳ, là nghệ sĩ thoát hiểm tài ba và được chứng minh rằng sở hữu trí nhớ siêu việt cùng khả năng giải quyết hàng loạt vấn đề hóc búa. Hệ thống não bộ của chúng được phân bố ở khắp các chi - dường như từng chi đều có thể tự tư duy.

Theo Zing News

Tags: