Nhà văn Yên Ba: Chơi sách như một cách để tu tâm dưỡng tính
Nhà văn Yên Ba: Chơi sách như một cách để tu tâm dưỡng tính
Gần đây, nhiều cuốn sách cũ được bán với giá vài trăm triệu đồng, một tủ sách cũ sưu tầm 5 - 7 tỷ đồng không còn là chuyện lạ trong giới mê sách. Yên Ba - nhà báo, nhà văn, nhà sưu tập tên tuổi trong giới chơi sách đã bật mí với độc giả KH&ĐS những góc khuất “âm thầm” mà không kém phần sôi động của thú chơi tao nhã này!

Giá trị lưu lại hàng trăm năm

Điều gì cuốn hút người ta đến với thú sưu tầm sách, thưa ông?

Giống như sưu tầm đồ cổ, có người chơi vì đẹp, có người chơi vì quý, có người chơi để giao lưu trao đổi hoặc có lý do riêng. Khi có thu nhập cao hơn, thư thả hơn, không phải lo mưu sinh, nhiều người đến với thú sưu tầm sách như một cách để tu tâm dưỡng tính. Cũng có người sưu tầm như một cách để lưu giữ tài sản cho con cháu. Theo nhịp sống xã hội, thú chơi sách cũng có nhiều biến đổi. Giới trẻ bây giờ thích sưu tầm sách ấn bản đặc biệt: S50, S100, S500...

Vì mua những ấn bản đặc biệt rất lãi chăng?

Các phiên bản đặc biệt thường có chữ ký, triện son của tác giả hoặc dịch giả. Bìa sách được thiết kế riêng thủ công, có thể mạ vàng, bọc vải, đánh số thứ tự cho từng cuốn khiến ấn bản trở nên đặc biệt và duy nhất. Gần đây các nhà xuất bản mới làm sách đặc biệt chứ thời xưa, các cụ in sách bao giờ cũng làm ấn bản đặc biệt bán cho người chơi sách. Thời ấy, ấn bản đặc biệt được làm bằng giấy nhập khẩu từ Pháp hay châu Âu, dai, in hoa văn chìm, có cuốn phủ nhũ, bìa có vân, có phụ bản... Phụ bản thường là tranh. Tranh thời đó thường của các họa sĩ nổi tiếng như Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị, Trần Văn Cẩn... Khi vẽ họ làm khắc gỗ, rập ra đúng số tranh theo số phụ bản. Nó khiến cho “Tập văn họa Kiều Kỷ niệm Nguyễn Du” xuất bản năm 1942 lên đến 150 triệu đồng.

Câu hỏi mà người ta hay đặt ra cho người chơi sách là mua về đọc hay mua về ngắm?

Đó là một câu hỏi vô nghĩa! Trước đây một cái ghế dùng để ngồi, bình vôi để tôi vôi ăn trầu... giờ người ta có thể chỉ để bày, để cắm hoa... Sách cũng vậy. Có người chơi đọc rất nhiều. Có người chỉ để sưu tầm, để cảm nhận vẻ đẹp của sách cũ, giấy cũ, của những giá trị thời gian lưu lại hàng trăm năm.

Làm thế nào thẩm định được một cuốn sách cũ quý giá, có giá trị?

Rất nhiều yếu tố tạo nên giá trị của một cuốn sách cũ. Ví dụ: Năm xuất bản, giấy, bìa, chữ, tên tác giả, nhà xuất bản, phụ bản, minh họa, có chữ ký hay không, thể loại, nội dung... Chỉ riêng năm xuất bản đã là một giá trị. Tất nhiên không hẳn lâu năm là quý. Nó còn tùy thuộc vào giá trị văn học, giá trị nội dung, tác giả nổi tiếng hay không... Ví như cuốn Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng hiện Việt Nam duy nhất có 1 ấn bản được người sưu tầm đã mua với giá hàng trăm triệu. Những cuốn của Nguyễn Tuân đều trên dưới trăm triệu. Vang bóng một thời có thể tới 150 - 200 triệu đồng.

Vậy có người nào giàu lên bằng sách cũ?

Tôi chưa thấy! Nhưng ở Việt Nam có những tủ sách được bán trên dưới 5 tỷ đồng. Tủ sách trên dưới 1 tỷ đồng thì có nhiều. Một anh Việt kiều tôi quen mua tủ sách 150.000USD (hơn 3 tỷ đồng). Tủ sách 5 tỷ đồng là thực tế, không phải đồn đại vì bản thân tôi biết những người đấy.

Nghe thì 3 - 5 tỷ đồng có vẻ nhiều nhưng nó là bao nhiêu kỷ niệm, kỷ vật, công sức sưu tầm...

Chính xác. Cho nên khi bán một tủ sách là bán cả tuổi thanh xuân, bán cả giá trị đam mê, thời gian đi tìm kiếm... Đó chính là cái làm nên giá trị của một tủ sách. Cái giá trị thặng dư cộng thêm đấy mới buộc người ta bỏ tiền ra mua với cái giá bằng cả một căn hộ.

Sưu tầm sách, đọc sách là đam mê của nhà văn Yên Ba.

Chữ duyên rất quan trọng

Nghe nói nhà ông chật kín sách, hàng nghìn cuốn, có những bộ rất “hiểm”?

Các bạn đến nhà chơi thấy nhiều sách thì cứ tự đưa ra một con số hàng nghìn chứ bản thân tôi chưa đếm bao giờ và tôi nghĩ không ai ngồi đếm cả. Tôi được giới sưu tầm biết đến là bởi bộ sưu tập Tam Quốc. Tôi có khoảng 400 bộ Tam Quốc diễn nghĩa. Trong đó có nhiều bản hiếm. Bản Tam Quốc in năm 1909 của tôi được giới sưu tầm cho là một trong những bộ sách có giá trị.

Lý do gì khiến ông say mê sưu tầm Tam Quốc diễn nghĩa?

Đơn giản là ngày bé tôi rất thích đọc Tam Quốc mà không được đọc. Đến lúc lớn lên đi làm có tiền dù chưa nhiều tôi bắt đầu đi tìm. Tôi đi tìm điên cuồng để làm sao có đủ 13 tập trọn bộ xuất bản năm 1960. Thế rồi nảy sinh ý nghĩ sao mình không sưu tập các bộ của những năm khác, càng cũ càng thích. Rồi sau đó tôi tìm tiếp những ấn bản cũ khác vẫn dịch giả Phan Kế Bính và tìm được bản in năm 1909. Đó là một cơ may! (cười mãn nguyện)

Vậy để có được bộ sưu tập phải mất cả một đời và cần phải có chữ duyên?

Đúng thế! Cái chữ duyên rất quan trọng trong chuyện sưu tầm của dân chơi sách. Nhiều khi vô duyên thì ngay trước mắt rồi mà cũng không có được. Hữu duyên thì có thể tự dưng nó đến. Ví dụ, bộ Tam Quốc diễn nghĩa 1909 của tôi chẳng hạn. Cách đây 15 năm, tôi bay vào Sài Gòn lục lọi các nhà sách nhưng tìm không ra. Tôi đang đi Vũng Tàu chơi thì một bạn sưu tầm chỉ cho. Lập tức tôi chạy về Sài Gòn mua ngay và có được bộ sách dù lúc đó giá 1,8 triệu đồng là tương đối cao.

Ở Việt Nam hiện nay những cuốn sách cũ nào lập kỷ lục về quý hiếm được trả giá cao?

Nói về giá trị quý hiếm phải kể đến bản Số đỏ năm 1938 của Vũ Trọng Phụng. Trong suốt mấy chục năm người ta nghĩ nó đã không còn, thất truyền nhưng đột nhiên gần đây xuất hiện. Đó là cuốn cực hiếm. Nhưng có những bản còn quý hơn đó là Tập Gái quê năm 1936 của Hàn Mặc Tử. Người ta chỉ nghe huyền thoại về nó. Đến lúc này chưa một ai công khai dù tôi biết có người có (họ không muốn công khai). Tôi chứng kiến một người mua bộ từ điển Taberd với giá 300 triệu đồng. Đó là bộ từ điển tiếng Việt được viết bằng cả chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, xuất bản năm 1838 tại Serampore, Ấn Độ. Một trong những đặc điểm khiến cho nó đắt giá vì trong cuốn từ điển có phụ bản là An Nam Đại Quốc họa đồ. Chính là bản đồ mình dùng để đấu tranh với Trung Quốc về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa.

Thú chơi sách có kén người không ông?

Có! Nhiều người lúc đầu mua rất ghê, mua nhiều, mua bạo, nhưng một thời gian chán. Chơi sách cũ phải thật sự đam mê sách, đam mê những giá trị xưa cũ và vẻ đẹp của những cuốn sách. Thứ hai là phải có hiểu biết, có kiến thức. Không có hiểu biết thì chơi rất nông cạn, không có sự mở mang, không có sự thăng tiến trong bộ sưu tập. Thứ ba quan trọng không kém là tiền. Chuyện đồng nát đi qua nhà, lấp ló cuốn sách, mở ra ôi kỳ thư tuyệt thế vô song... không bao giờ xảy ra ở thời đại hiện nay. Bây giờ sưu tầm sách phải có mối, quen biết, chịu khó lăn lộn và rất nhiều tiền.

Tốn nhiều tiền, để chật nhà... hẳn sẽ rất khó để thuyết phục người thân trong gia đình chấp nhận?

Nhà chật là bi kịch của 99% anh em chơi sách. Nhiều người đi công tác xa, người thân ở nhà không biết mang bán đồng nát hết. Rất nhiều câu chuyện đau lòng như thế trong giới chơi sách. Những người chơi sách nhất là sách cũ sách cổ mà không có sự ủng hộ của gia đình thì không chơi được đâu!

Sách cũ đắt thế, lại dễ mối mọt, khí hậu Việt Nam nóng ẩm, có cần công nghệ bảo quản gì đặc biệt khi sưu tầm?

Tôi không có công nghệ đặc biệt gì. Chỉ tình cờ đọc được một mẹo ở đâu đó và áp dụng. Đó là mua hạt tiêu rang khô xong cho vào bít tất mỏng hoặc vải xô, buộc lại, đặt vào các tủ sách.

Những người mê sách cũ nói rằng đó là một thú chơi cũng gây “nghiện” không kém những thú vui khác?

Khi chiêm ngưỡng một cuốn sách cũ đặc biệt, bạn có thể hình dung cuốn sách đó đã từng được chính tác giả hoặc nhiều tác giả (những nhà văn nổi tiếng) cầm trên tay, ký tặng, để lại thủ bút... Có những bản đặc biệt, giá trị vô hình không đo đếm được. Nó mang lại cho người sưu tầm cảm xúc, sự xúc động, ý nghĩa, sự thú vị... Nói chung dân chơi sách cảm nhận được rất rõ điều đó. Đó là lý do mà vì sao người ta cứ lao vào tìm những cuốn sách cũ kỹ, thậm chí rách bươm, giấy còn thòi ra cả sợi rơm. Vì đằng sau đó là cả một câu chuyện, một thời đại, một số phận...

Xin cảm ơn nhà văn!

Theo Khoa học đời sống

Tags: