Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh qua đời
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh qua đời
Nguyễn Xuân Khánh - tác giả các tiểu thuyết kinh điển "Hồ Quý Ly", "Mẫu thượng ngàn" - qua đời chiều 12/6 vì tuổi già, thọ 88 tuổi.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết tác giả qua đời tại nhà của con trai thứ. Vài năm nay, sức khỏe ông xuống dốc dần nên không còn viết lách, chỉ tập trung dưỡng bệnh.

Hay tin nhà văn mất, Nguyễn Đình Toán chọn bức hình đẹp từng chụp ông, mang đến cho gia đình làm di ảnh. Nhiếp ảnh gia nhớ lần gặp gần nhất năm ngoái, nhà văn vẫn minh mẫn nhưng không đi lại được, nói khó khăn, được vợ chăm sóc. Ông có ba con trai, không ai theo nghiệp bố.

Theo các đồng nghiệp, đến gần 80 tuổi, ông vẫn say mê sáng tác. Sinh thời, ông cũng thường xuyên tham gia các cuộc hội họp, gặp gỡ của văn giới. Nguyễn Xuân Khánh từng là nhà văn cao tuổi bậc nhất dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc tại Tuyên Quang năm 2011. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết cố nhà văn còn một bản thảo về chân dung các bạn văn, đang gửi ở Nhà xuất bản Phụ nữ, chưa ấn hành do dịch.

Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông đỗ Tú tài Toán, học Đại học Y khoa Hà Nội, đến hết năm 1952 thì tham gia bộ đội. Trong khoảng mười năm, ông ở một đơn vị pháo binh, rồi dạy văn hóa tại Trường Sĩ quan Lục quân trước khi chuyển về làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ năm 1966, ông là phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong trước khi về hưu non vào năm 1973.

Nguyễn Xuân Khánh có gia tài tác phẩm đồ sộ, với nhiều tiểu thuyết dung lượng lớn, bao hàm kiến thức nhiều lĩnh vực. Sinh thời, ông thường tìm chất liệu từ lịch sử, những giá trị văn hóa xưa cũ hay tín ngưỡng đạo Phật, đạo Mẫu. Ông nói không "khoái" hậu hiện đại khi bỏ nhân vật, bỏ tâm lý, bỏ cốt truyện và cắt đứt mối quan hệ với quá khứ.

Một trong những mảng nổi bật trong sự nghiệp của ông là tiểu thuyết văn hóa lịch sử, với bộ ba Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa. Trong toạ đàm tổ chức năm 2012Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng Nguyễn Xuân Khánh là người có tư tưởng riêng, viết lịch sử là để viết về con người, về những giá trị nhân văn trong đời sống. Tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh khiến Trần Đình sử liên tưởng tới Sông Đông êm đềm của M. Solokhov - miêu tả cái dữ dội của hiện thực từ một giai đoạn lịch sử để cuối cùng hướng tới khao khát nhân văn của nhân loại.

Tác phẩm "Chuyện ngõ nghèo" của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Ảnh: NXB Văn học.

Ngoài ra, ông gây chú ý với tập truyện ngắn Rừng sâu, tiểu thuyết Miền hoang tưởng, Chuyện ngõ nghèo, mang yếu tố trào phúng. Trong đó, Chuyện ngõ nghèo lấy cảm hứng từ chính cuộc đời tác giả, đồng thời vẽ nên bối cảnh những năm đói kém. Để tồn tại, nhiều người dân nông thôn và thành thị đổ xô đi nuôi lợn, từ anh xích lô, công nhân đến nhà khoa học. Hoàng - anh nhà văn trong truyện - bỏ nghề viết để nuôi lợn trong một xóm ven đô. Sách khép lại bằng cuộc trò chuyện của Linh - con trai Hoàng, một sinh viên đại học dự định theo nghề nuôi lợn để nuôi cả nhà. Tác phẩm ra đời năm 1981-1982, song đến năm 2016 mới được công ty Nhã Nam và Nhà xuất bản Văn học phát hành, đoạt giải Sách Hay năm 2018.

Nguyễn Xuân Khánh từng được trao nhiều giải thưởng, như giải cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998-2000 cho cuốn Hồ Quý Ly, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2001 (Hồ Quý Ly), giải Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006 (Mẫu thượng ngàn), giải Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 với tiểu thuyết Đội gạo lên chùa, giải Thành tựu văn học trọn đời năm 2018 của Hội Nhà văn Hà Nội.

Theo VnEpress

Tags: