Được NXB Algonquin Books (New York, Mỹ) xuất bản vào tháng 3/2020, The Mountains Sing sau đó đã có mặt ở nhiều thị trường nói tiếng Anh như Canada, Ấn Độ, Singapore, Australia… Đến nay, The Mountains Sing đã được dịch ra 12 ngôn ngữ khác nhau như tiếng Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Italy, Thụy Điển, Croatia…
Gây bất ngờ khi được trao những giải thưởng uy tín như: Giải thưởng BookBrowse năm 2020 dành cho tiểu thuyết đầu tay xuất sắc; Lannan Literary Award Fellowship năm 2020 vì “đóng góp cho hòa bình và hòa giải”; Bloggers Book Prize năm 2021; Sách quốc tế năm 2021 ở 2 hạng mục Đa văn hóa và Văn học hư cấu; PEN Oakland/ Josephine Miles Literary Award Fellowship năm 2021; Giải thưởng Văn học Dayton vì Hòa bình năm 2021.
Có lẽ, trong những năm qua, đây là cuốn sách của một tác giả người Việt gây được sự chú ý nhiều nhất, rộng rãi nhất khi chỉ trong một thời gian ngắn đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới và được vinh danh bằng những giải thưởng danh giá.
Theo chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, điều này cũng gây bất ngờ đối với chính bản thân chị. Bởi vì, khi bắt tay vào viết tiểu thuyết này, chị chỉ đơn giản mong muốn mình viết văn bằng tiếng Anh như sự trau dồi, học hỏi không ngừng mỗi ngày.
The Mountains Sing là câu chuyện kể về một gia đình họ Trần đã trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử như quá trình xâm lược của thực dân Pháp và Phát xít Nhật, nạn đói năm 1945, thời kỳ chiến tranh, ném bom phá hoại của Mỹ và thời kỳ hậu chiến.
Qua câu chuyện kể của người bà tên Diệu Lan với cô bé Hương, những con người trong gia đình họ Trần gồm trên 20 nhân vật không chỉ sống sót qua những biến cố khắc nghiệt của lịch sử, mà còn phải hàn gắn những mối quan hệ trong gia đình, học cách hi sinh, tha thứ…
Chính vì thế, The Mountains Sing là một câu chuyện về một gia đình nhưng cũng chính là câu chuyện về lịch sử Việt Nam của nữ tác giả luôn tự hào là người Việt Nam, tự hào về màu sắc, chiều sâu của văn hóa Việt.
Trong tiểu thuyết, người bà dành cho đứa cháu yêu của mình những lời nhắn nhủ rằng: “Những thử thách mà người Việt ta đã phải đương đầu trong suốt chiều dài lịch sử cao vời vợi như những ngọn núi. Nếu đứng quá gần, cháu sẽ không thể nhìn thấy đỉnh núi. Khi cháu lùi lại, tách mình ra khỏi dòng đời ngược xuôi, cháu sẽ có được cái nhìn toàn cảnh…”.
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ rằng, chị đã mất tới 7 năm để hoàn thành tiểu thuyết The Mountains Sing. Đến với văn chương bằng thơ, The Mountains Sing là cuốn tiểu thuyết đầu tay của chị, nhưng lại được viết bằng tiếng Anh là thử thách đối với chính tác giả, đồng thời cũng là điều khiến độc giả Việt tò mò vì cho đến nay phiên bản tiếng Việt của tiểu thuyết vẫn chưa xuất hiện tại Việt Nam.
Đam mê văn chương và thích đọc sách từ nhỏ, nhưng Nguyễn Phan Quế Mai lại tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh - Đại học Monash (Australia), có nhiều năm làm việc với các đối tác nước ngoài, sau đó chị học thạc sĩ, rồi trở thành tiến sĩ ngành viết văn tại Đại học Lancaster (Anh).
Con đường Nguyễn Phan Quế Mai đến với văn chương như là số phận khi chị quyết định trở lại với văn chương ở tuổi ngoài 30 với các tập thơ Trái cấm (2008), Cởi gió (2010, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội) và Bí mật của hoa sen (2014). Chị cũng có nhiều đóng góp trong việc kết nối, giới thiệu và dịch văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài.
Nguyễn Phan Quế Mai tâm sự: “Khi theo học chương trình dạy viết Đại học Lancaster, yêu cầu của trường là khi tốt nghiệp phải nộp một bản thảo tác phẩm có chất lượng để có thể xuất bản. Đây chính là động lực để tôi bắt tay vào sáng tác. Nhưng khi tôi nộp bản thảo đầu tiên, cô giáo tôi đã nhận xét rằng, bản thảo của tôi khô khan như một báo cáo tài chính. Cô giáo tôi thực sự đã 'quất' cho tôi những roi rất đau để tôi 'tỉnh' và phải suy nghĩ rất nhiều, phải bắt đầu lại, đọc, học hỏi, tìm tòi tư liệu và làm việc không ngừng cho đến khi The Mountains Sing ra đời!”.
Về lý do chọn cách viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh thay vì viết bằng tiếng Việt sau đó dịch sang tiếng Anh, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ: “Theo quan sát của tôi, có rất nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Anh về Việt Nam đã được xuất bản, còn tác phẩm do người Việt viết rất ít. Những bộ phim, tiểu thuyết của các tác giả người Mỹ hay phương Tây thường diễn đạt về nước Việt, người Việt theo cách thứ yếu, cốt để làm nền cho câu chuyện của họ. Chính vì thế, tôi muốn viết bằng tiếng Anh để 'phản kháng lại sự đô hộ của phương Tây trong văn học viết về Việt Nam'. Khi người Việt chúng ta góp được tiếng nói của mình vào dòng văn học tiếng Anh, ở đó con người Việt được đặt ở vị trí trung tâm, là cách thức chúng ta chống lại sự đô hộ đó! Chính vì thế, tôi đề nghị nhà xuất bản phải giữ nguyên tên riêng các nhân vật có dấu như trong tiếng Việt. Tôi mong muốn mời độc giả phương Tây vào với văn hóa Việt Nam, tìm hiểu văn hóa Việt Nam…”.
Nguyễn Phan Quế Mai kể rằng chị đã hoàn thành The Mountains Sing bằng cảm xúc và tình yêu đối với văn học, với đất mẹ, với gia đình của mình. Chị có mong muốn viết một tác phẩm về lịch sử gia đình mình, đất nước mình từ nhiều năm trước nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu nên cứ tích lũy dần bằng các cuộc phỏng vấn với các nhân chứng lịch sử để ghi chép, lắng nghe, chia sẻ với họ và nuôi dưỡng cảm xúc viết cho mình cho đến khi tìm được “chìa khóa” để đi vào tác phẩm.
Nhiều trở ngại trong quá trình lần đầu sáng tác một tiểu thuyết lại viết bằng tiếng Anh đã xuất hiện như: Không đủ vốn từ để thể hiện, không truyền tải được hết cảm xúc và câu văn không được hay. Vì thế, Nguyễn Phan Quế Mai phải vượt qua việc học và thực tập mỗi ngày. Bên cạnh đó, mỗi khi viết bằng tiếng Anh không truyền tải được hết suy nghĩ, cảm xúc của mình, chị lại trở về với tiếng mẹ đẻ để mở ra cánh cửa cảm xúc rồi mới trở lại viết bằng tiếng Anh.
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ để tác phẩm The Mountains Sing được nhiều nhà xuất bản trên thế giới biết đến như hôm nay, chị phải đặc biệt cảm ơn “Người đại diện văn học” của mình - cô Julie Stevenson - đã giúp giới thiệu bản thảo đến với các nhà xuất bản uy tín.
Ở nước ngoài, các nhà xuất bản này thường không nhận bản thảo trực tiếp từ tác giả mà sẽ nhận từ “người đại diện văn học” - vốn phải là những người có uy tín, được tin cậy trong giới xuất bản. Nhờ sự kết nối này, tác giả đã nhận được lời mời của một số nhà xuất bản nhưng chị đã nhận lời hợp tác với bà Betsy Gleick - Giám đốc và là biên tập kỳ cựu của nhà xuất bản Algonquin Books.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm để đưa một tác phẩm văn học ra với thế giới, nhà thơ Nguyễn Phan Quê Mai nói: “Các nhà xuất bản có uy tín sẽ không ngại đầu tư vào việc quảng bá và phân phối sách. Công việc này được làm một cách cực kỳ bài bản. Khoảng 6 tháng trước khi bản in chính thức được phát hành, nhà xuất bản Algonquin Books đã in hàng trăm bản đọc thử và gửi đi khắp nơi để khởi động chiến dịch truyền thông. Các bản in thử này được gửi đến tòa soạn các tờ báo, các nhà sách, những nhà phê bình, những người có tầm ảnh hưởng để họ giúp tạo dư luận cho quyển sách. Nhà xuất bản còn đề nghị tôi viết thư tay cho các đơn vị, cá nhân này để tự giới thiệu, phải xuất hiện trên các mạng xã hội để cùng tham gia quá trình quảng bá sách!”.
Với những kinh nghiệm quý giá từ việc sáng tác và quảng bá tác phẩm The Mountains Sing ra thế giới, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai hi vọng rằng, các tác giả trẻ, các nhà văn Việt Nam có thể trau dồi thêm ngoại ngữ để có thể tiếp cận trực tiếp với các trào lưu và dòng chảy sáng tác văn học của thế giới.
Chị cũng tiết lộ, năm 2023 tới đây, tiểu thuyết Dust Child (Bụi đời) của chị sẽ tiếp tục được nhà xuất bản Algonquin Books ấn hành. Ở tác phẩm này, sẽ là câu chuyện kể về số phận những đứa con lai trong chiến tranh cũng như thời kỳ hậu chiến.
Theo Zing