Nhà văn Ma Văn Kháng và những trải lòng về thời gian viết Mùa lá rụng trong vườn
Nhà văn Ma Văn Kháng và những trải lòng về thời gian viết Mùa lá rụng trong vườn
Bài viết được trích lược từ cuốn Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương của nhà văn Ma Văn Kháng do Sống phát hành

Ba mươi Tết Quý Hợi, tức 12 tháng 2 năm 1983, tôi bắt tay vào viết cuốn Mùa lá rụng trong vườn. Viết hối hả trong cả mấy ngày Tết. Cứ nghĩ trong khi thiên hạ nghỉ ngơi, vui chơi, mà mình vẫn làm việc là đã thấy thú vị và kiêu hãnh rồi.

Cái gì đã có sẵn trong mình, chỉ cần khẽ cất lời huy động là lập tức chúng có mặt, hiện lên thành câu thành chữ trên trang viết ngay. Sau Tết, từ ngày 1 tháng 3 năm 1983, công việc theo đà tăng tốc đến chóng mặt. Cuối tháng 6 năm 1983 tôi nộp bản thảo đầu tiên cho Nhà xuất bản Phụ nữ.

Phải nói ngay rằng, Nhà xuất bản Phụ nữ đối với tôi là một địa chỉ có nhiều uy tín và ân tình. Và điều đó là vì nhiều nguyên nhân, trong đó đặc biệt là do tình cảm yêu mến, trân trọng, thái độ ân cần đối với cộng tác viên cùng phong cách làm việc mang bản sắc nữ tính là hết sức tinh tường, chu đáo và cẩn trọng của các chị lãnh đạo và biên tập viên ở đây [...]

Biên tập sách hồi ấy kĩ càng lắm. Tôi nhớ cái tên sách thoạt đầu chỉ là Mùa lá rụng, nhưng các chị bảo nghe nó tiêu điều bi quan quá, nên suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng tôi phải thêm vào hai chữ trong vườn. Lá rụng ở trong vườn, trong một gia đình thôi, có tiêu điều thì cũng chỉ tiêu điều trong một tế bào xã hội thôi. Chứ đâu có phải là toàn cảnh xã hội! Gay go nhất là bức thư của Cừ, đứa con út gia đình ông Bằng, một gia đình gia giáo nề nếp, từ Canada di tản gửi về cho gia đình. Giám đốc Nguyệt Tú yêu cầu cắt bỏ những đoạn nói đến các mặt tiêu cực xã hội. Tôi đành chịu. Còn những chi tiết khác, chẳng hạn, thằng cháu nội ông Bằng viết chữ “g” đuôi chữ rất giống chữ ông nó viết, tôi găng, quyết không chịu sửa. Chi tiết này có can hệ gì tới nội dung tư tưởng mà phải sửa! Lần này khác với lần in Đồng bạc trắng hoa xoè, tôi tự tin ở tư cách nhà văn của mình hơn.

[...] Thời gian trôi qua thật nhanh, quẩn quanh thế nào đến tận quý IV năm 1984 bản thảo mới xong khâu biên tập và được đưa vào nhà in. Sốt ruột quá. Đúng lúc ấy, Ban Tổ chức Trung ương mở cuộc vận động khảo sát tình hình cấp huyện ở các tỉnh để chuẩn bị cho Đại hội Toàn quốc của Đảng lần thứ VI năm 1986. Tôi được Tổng Liên đoàn cử đi huyện Kim Bảng, Hà Nam Ninh. Nhập vào công việc này, một mặt là dịp tôi hiểu thêm nông thôn đang ở thời kì khó khăn, đòi hỏi một sự thay đổi lớn lao, mặt khác tôi cũng được thảnh thơi đầu óc, đỡ trương căng vì chờ đợi, chờ đợi cuốn sách, đứa con của mình ra đời. 

Cuối cùng, đến giữa năm 1985, tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn cũng đã được chào đời. Chịu trách nhiệm xuất bản là Giám đốc Nguyệt Tú. Biên tập là Mai Quỳnh Giao. Vẽ bìa là hoạ sĩ Lê Thanh Đức. Khắc gỗ là Lê Đình Chuyên. Sách in lần đầu 10.200 cuốn, khổ 13x19cm. Nộp lưu chiểu tháng 6 năm 1985. Giá bán 21 đồng.

[...] Tới nay, Mùa lá rụng trong vườn đã được tái bản nhiều lần. Đã được chuyển thành phim truyện. Có đoạn trích được đưa vào sách giáo khoa học sinh lớp 12 trung học phổ thông. Năm 1989, sách được dịch sang tiếng Nga do Nhà xuất bản Raduga (Cầu vồng) ấn hành. Dịch giả là chị Dimônhina. Chị còn dịch mấy truyện ngắn nữa của tôi. Nhà văn Vương Trí Nhàn dạo đó đang làm việc ở Mátxcơva đã viết lời giới thiệu in ở đầu cuốn sách. Vui nhất là

chuyện này: bà con ở một xã nọ thuộc huyện Trực Ninh, Nam Định, bắt đầu từ một độc giả đọc sách của tôi, theo nhân vật chị Hoài gieo hạt mướp đêm ba mươi Tết, rồi mọi người làm theo, tới nay trong xã, đến mùa, nhiều nhà có giàn mướp xanh tốt um tùm, quả sai lủng liểng. Nhà văn kể cho tôi nghe chi tiết này bảo: “Anh Kháng mà về xã ấy thì người ta sẽ công kênh lên hoan hô đấy!”.

Cuốn Mùa lá rụng trong vườn nói chung được dư luận chấp nhận, ngoại trừ một vài phản ứng nho nhỏ. Nhiều người thích cái màu sắc tình cảm đằm thắm nhuần nhụy của nó. Vấn đề gia đình, nổi lên thành mối quan tâm của xã hội. Đã có nhiều cuộc bàn luận, hội thảo. Trên nhiều tờ báo có không khí trao đổi khá sôi nổi.

Bàn bạc và phản ứng nếu có thì trước hết là về nhân vật Đông. Đông là trung tá, hết chiến tranh xuất ngũ, trở về với đời sống gia đình, bỡ ngỡ xa lạ, và hoàn toàn thiếu năng lực ứng phó với cái phức tạp của đời sống thực tế, và do đó ngù ngờ bất lực trước những khó khăn gay go của cuộc sống ngày thường. Đông là con người của thời chiến, là vẻ đẹp của người chiến sĩ ngoài trận tuyến, nhưng Đông cũng là sản phẩm thuần tuý của cơ chế bao cấp. Giới nữ có vẻ thích thú nhân vật này. Nghe kể, trong một cuộc họp lớp của cựu nữ sinh trường Trưng Vương, các chị đều lên tiếng tố khổ chồng mình và đồng thanh nhận định, có đến 4/5 đức ông chồng bọn mình là lão Đông trong Mùa lá rụng trong vườn. Có hai ông đại tá về hưu đạp xe từ Hà Đông ra tìm tôi, khen cuốn sách, nhưng không tán thưởng nhân vật Đồng. “Chúng tôi biết cả, nhưng không nói ra thôi, chứ đâu có ngu ngơ như lão Đông của ông!”. Hai ông nói.

Đồng có nguyên mẫu từ ông anh vợ tôi, ông Hoàng Tống. Các cháu tôi đọc tiểu thuyết của tôi xong, chúng nhận ra bóng hình bố chúng trong nhân vật Đông. Chúng mách: “Bố ơi, chú Kháng chú ấy viết bố đấy!”. Ông anh vợ tôi công nhận và cười hiền hiền “Thiếu gì thằng như tao!”. 

[...] Nói chung, Mùa lá rụng trong vườn, với tất cả những gì đã xảy ra trong thời đoạn đó, đều thấp thoáng hình ảnh, sự kiện đã từng thấy ở gia đình tôi. Ông Bàng là hình bóng cha tôi trong kí ức của tôi. Chị Hoài là chị gái tôi, người phụ nữ lấy chồng nông thôn mỗi lần Tết nhất lại trở về gia đình như một cuộc hồi tổ. Ngay cả chuyện nhân vật Cừ ruồng rẫy vợ con, trôi dạt nơi chân trời góc biển cũng là chuyện của chú em út tôi. Còn Lý, nhân vật phức tạp nhất cuốn sách thì là bóng dáng tổng hòa, sinh động các bà chị dâu đáo để, xinh đẹp của tôi. Dạo đó, công cuộc đổi mới vừa manh nha. Có độc giả viết thư cho tôi, nói: “Nhân vật Lý ở đâu ra mà tháo vát hấp dẫn thế hãy giới thiệu để tôi xin cô ấy về làm Trưởng phòng Hành chính - Trị sự cái xí nghiệp còn đang trì trệ của tôi!”.

Trong cuốn sách có một nhân vật ít được bạn đọc quan tâm bàn bạc. Đó là Phượng. Nhưng đó lại là nhân vật tôi gửi gắm nhiều tin yêu cảm phục nhất. Phượng là một giáo viên, là vợ Luận nhà báo, anh con thứ của ông Bằng. Luận trong một câu nói giới thiệu vợ mình với vợ Cừ mới lưu lạc đến ở nhờ nhà chồng, có nói: Cô ấy, tức Phượng còn tốt hơn cả tôi kia! Câu nói ấy là một đánh giá chính xác.

Lặng lẽ, khiêm nhường, nhẫn nại chịu đựng, không dành riêng gì cho mình, chia sẻ, nhịn nhường, tất cả vì người khác, Phượng là tiêu biểu cho lớp người thuộc số đông phụ nữ nước ta, họ là nền tảng của đạo đức, họ là thành trì chống lại sự băng hoại của luân lý, họ là vẻ đẹp vững bền, vĩnh cửu ở cuộc đời này.

Phượng mang hình bóng của vợ tôi, Hoàng Thu Phòng. Phòng của tôi không sắc sảo, nổi trội đường ăn nói, giao tiếp, không tinh tường bén nhạy trong công việc mưu sinh, nhưng Phòng của tôi là một phụ nữ hiền hậu, chân thật, đức độ trọn vẹn, tận tụy, hết lòng với công việc chung, yêu thương đến mức xả thân cho chồng con, người thân. Tôi yêu Phòng từ khi em là một nữ sinh xinh tươi.

Trạm đặc biệt dành tặng mã YEUSACH22 - Giảm 5% tối đa 10.000 ₫ cho các đơn hàng có giá trị tối thiểu 99.000 ₫ tại Tiki Trạm Đọc
Tags: