Ngành sách tìm hướng đi cho phát hành điện tử
Ngành sách tìm hướng đi cho phát hành điện tử
Thương mại điện tử của các đơn vị phân phối sách đã phát triển khá mạnh trong đại dịch. Các nhà xuất bản, công ty cũng hợp tác để khai thác sách điện tử, sách nói.

Trong thời gian đại dịch bùng phát, TP.HCM, Hà Nội - hai đô thị tập trung nhiều nhà xuất bản, công ty sách, đồng thời cũng là thị trường lớn của ngành sách - thực hiện giãn cách kéo dài.

 Các hệ thống nhà sách, cửa hàng sách độc lập đóng cửa, nhà xuất bản, công ty sách làm việc từ xa. Nhiều đơn vị rơi vào tình trạng khó khăn và tìm hướng đi nơi xuất bản, phát hành trực tuyến.

Phát hành điện tử bùng nổ

Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.HCM (Fahasa) là một trong những đơn vị phân phối sách lớn của cả nước. Đại dịch bùng phát khiến hầu hết cửa hàng thuộc hệ thống Fahasa phải đóng cửa. Doanh thu từ các cửa hàng bán lẻ đã và đang sụt giảm nghiêm trọng, có thời điểm gần như bằng 0.

Trong bối cảnh đó, đội ngũ Fahasa đã tìm hướng phát triển thương mại điện tử. Mảng bán sách trực tuyến đã được đơn vị này chú trọng trong vòng 5 năm nay, tuy nhiên, phải đến khi đại dịch xảy ra, hoạt động này mới phát triển mạnh.

Từ đầu năm 2020, khi đại dịch diễn ra, Fahasa chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội của kênh thương mại điện tử.

“Từ thời điểm đó, chúng tôi đã không ngừng đầu tư cho thương mại điện tử, vì nhìn thấy triển vọng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này trong giai đoạn dịch bệnh, cũng như giai đoạn bình thường mới về sau”, ông Phạm Nam Thắng - Quyền Tổng giám đốc Fahasa - chia sẻ.

Trang web fahasa.com được cải tiến, quy trình vận hành tại kho cũng được áp dụng công nghệ mới, nhằm đưa hàng hóa đến tay người mua nhanh nhất.

Dù không thể bù đắp cho doanh thu toàn hệ thống, song thương mại điện tử là hướng đi mang về nguồn thu cho Fahasa hiện nay. “Thương mại điện tử chiếm trên 50% doanh thu bán lẻ. Chúng tôi còn mảng bán sỉ sách trực tiếp cho nhà trường", ông Phạm Nam Thắng thông tin.

Đến tháng bảy năm nay, doanh thu thương mại điện tử của Fahasa tăng hơn 50% so với năm 2020, tăng gấp 2,5 lần so với trước đại dịch. Ước tính, doanh thu thương mại điện tử 2021 tăng gần gấp 3 lần so với năm 2019 - năm trước đại dịch.

Tương tự, hệ thống nhà sách Phương Nam trên thực địa cũng đóng cửa, và chuyển trọng tâm kinh doanh sang kênh thương mại điện tử. Lượng đơn sách và doanh thu ở mảng thương mại điện tử của Phương Nam bùng nổ. Doanh thu online của Phương Nam tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng tám là mùa cao điểm bán sách và dụng cụ học tập của Phương Nam. Đơn vị này nhận được rất nhiều đơn hàng qua trang web nhasachphuongnam.com. Ngoài ra, đơn vị này cũng có gian hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, Shopee…

Theo quan sát của bà Trần Nhật Hoàng Phương, Trưởng phòng Marketing, Công ty Phương Nam, từ làn sóng Covid-19 lần đầu, nhiều đơn vị đã suy nghĩ lại, những đơn vị còn chần chừ trước đây, giờ đã bắt tay với thương mại điện tử, chú ý phát hành trên các sàn thương mại điện tử, tập trung phát triển trang web của riêng mình. Nếu 2020 là năm chuẩn bị, thì sang 2021, nhiều đơn vị ngành xuất bản, phát hành đã sẵn sàng với thương mại điện tử.

Tuy nhiên, do các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt, nên dù hệ thống thương mại điện tử đã sẵn sàng, việc vận hành vẫn gặp khó. Dù đơn hàng tăng cao, các đơn vị cũng gặp khó trong khâu vận chuyển. Để đến tay khách hàng, trước đây đơn sách đi mất 1-2 ngày (trong TP.HCM), 2-5 ngày (ngoài TP.HCM); còn nay, đơn sách đi nhanh cũng mất một tuần, hoặc 2 tuần mới tới tay người mua. Điều này ảnh hưởng tới trải nghiệm với thương mại điện tử của khách hàng, đồng thời ảnh hưởng đến cả doanh thu của nhà sách.

Hội sách Trực tuyến Quốc gia năm nay đã thực sự trở thành ngày hội trên môi trường số của giới làm sách và người đọc. Sự tăng trưởng về lượng người truy cập, doanh thu, các sự kiện phong phú cho thấy đây không chỉ là giải pháp tình thế giữa đại dịch, mà còn mở ra hướng đi mới cho ngành sách.

 

Nhiều nhà xuất bản, công ty sách đang hợp tác khai thác sách điện tử và sách nói. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang

Đẩy mạnh hợp tác trong xuất bản điện tử

Nếu các công ty phát hành, phân phối sách tập trung vào thương mại điện tử, bộ phận xuất bản cũng tập trung vào sản xuất và bước đầu kinh doanh sách điện tử.

Sachweb là kho sách điện tử được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM duy trì 10 năm nay. Kho sách có 2.000 cuốn sách với nội dung, thể loại phong phú. Từ khi đại dịch bùng phát, phát hành sách giấy khó khăn trong vận chuyển, nên nhà xuất bản khai thác kho sách điện tử.

Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM đã phối hợp một số đơn vị để đưa sách điện tử vào khu cách ly, bệnh viện điều trị Covid-19. Mã QR để truy cập kho Sachweb được dán và phổ biến trong các điểm cách ly, bệnh viện này. Người có nhu cầu sử dụng chỉ cần quét mã là có thể đọc sách điện tử thuận tiện.

Bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM - cho biết khi khai thác sách điện tử, nhà xuất bản đã chia thành các gói phù hợp với đối tượng đọc, đồng thời có mức giá ưu đãi cho khu cách ly, bệnh viện dã chiến.

Dù doanh thu còn rất ít so với đầu tư, song điều đó thể hiện sự năng động của đơn vị xuất bản trong việc tìm hướng đi giữa khó khăn của đại dịch.

Một số nhà xuất bản, công ty sách khác thì bắt tay với doanh nghiệp để khai thác sách nói. Nhà xuất bản Kim Đồng đề nghị Cục Xuất Bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp nhanh cho phép được xuất bản điện tử.

Khi không phát hành được sách giấy, sách điện tử là hướng đi mới, giúp bạn đọc tiếp cận sách một cách an toàn, không tiếp xúc.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng - cho biết nhà xuất bản đang hợp tác với các đơn vị sách nói như Fonos và Voiz FM để thực hiện ghi âm sách.

“Khi không phát hành được sách giấy, sách điện tử là hướng đi mới, giúp bạn đọc tiếp cận sách một cách an toàn, không tiếp xúc. Hiện tại, chúng tôi chưa kinh doanh sách nói nên chưa thể khẳng định điều gì, nhưng đó sẽ là một hướng đi mới. Bạn đọc bây giờ không còn lạ sách nói nữa. Chúng tôi muốn tạo điểm mới lạ trong mảnh đất sách nói cho thiếu nhi”, bà Vũ Thị Quỳnh Liên nói.

Giữa tháng chín, Công ty Thái Hà và Fonos ký kết hợp tác trong lĩnh vực xuất bản. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Thái Hà Books - cho biết với kinh nghiệm tham gia nhiều hội sách, các sự kiện và hội nghị lớn thế giới nhiều năm qua, ông thấy rất rõ tương lai và tiềm năng phát triển của việc ứng dụng âm thanh số trong việc phát triển văn hoá đọc.

Theo người sáng lập Thái Hà Books, trong khi Covid-19 diễn ra, xuất bản sách giấy có nhiều khó khăn, phát hành và vận chuyển bị ngưng trệ, sách nói rõ ràng đi đúng hướng, cần thiết và thật sự cần phát triển mạnh, nhanh đáp ứng xu hướng và nhu cầu số hóa nội dung với đa dạng hình thức: Audiobook, ebook và podcast.

Theo Zing News

 

Tags: