Mặc dù dịch Covid-19 khiến nhiều ngành nghề chịu ảnh hưởng không nhỏ, trong đó có Xuất bản, nhưng năm vừa qua một số đơn vị xuất bản vẫn gặt hái thành công trong hoạt động bán bản quyền sách ra nước ngoài. Nhà xuất bản (NXB) Trẻ mới đây đã thông tin, tác phẩm “Tôi là Bêtô” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được NXB 59mins của Hàn Quốc mua bản quyền để dịch và dự kiến xuất bản tại Hàn Quốc vào đầu năm 2022. Đây là tác phẩm thứ hai của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được xuất bản tại Hàn Quốc - sau tác phẩm đầu tiên “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” do NXB Dasan Books ấn hành bằng tiếng Hàn vào năm 2013.
Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn có khá nhiều tác phẩm đến được với bạn bè quốc tế. Tháng 9-2020, hai tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” và "Đi qua hoa cúc” của nhà văn được NXB Nikkei và Quỹ Daido Life chọn mua bản quyền để xuất bản tại Nhật Bản, nối tiếp hai tác phẩm khác đã được xuất bản tại xứ sở Hoa anh đào trước đó là “Mắt biếc” (NXB Terrainc, 2004) và “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (NXB Canaria, 2017).
Ngoài ra, tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” từng được dịch và xuất bản tại Thái Lan vào năm 2011 (NXB Nanmee Books), tại Mỹ vào năm 2014 (NXB Overlook Press). “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng được NXB Hannacroix Creek Books mua bản quyền và phát hành tại Mỹ vào năm 2020.
Ngoài các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ từng thử nghiệm dịch và giới thiệu “Open the window, eyes closed” ("Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ") của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần ra thị trường quốc tế thông qua các website bán sách online, qua các hội chợ sách quốc tế. Cũng nhờ thế mà tác phẩm đã được một NXB ở Thụy Điển biết đến và liên hệ mua bản quyền. Một số đầu sách về cổ tích, lịch sử Việt Nam của NXB Trẻ như “Cây tre trăm đốt”, “Tấm Cám”, “Trầu cau”, “Sự tích Hồ Gươm”... cũng được xuất bản bằng song ngữ.
Mới đây, NXB Kim Đồng đã thành công trong việc kết nối và đồng hành với hai tác giả Nhật - Việt xung quanh cuốn sách “Những người bạn” (phần lời của tác giả nổi tiếng Nhật Bản Aihara Hiroyuki, minh họa của nữ họa sĩ Việt Nam Đốm Đốm). Tháng 10-2021, cuốn truyện tranh này đã được NXB Sunny Side (Nhật Bản) ấn hành. Trong “Thư gửi độc giả” in trong ấn bản “Những người bạn” xuất bản tại Việt Nam, nhà văn Aihara Hiroyuki đã viết: “Họa sĩ Đốm Đốm đã thể hiện lại cảm xúc của tôi bằng những bức tranh tuyệt vời. Tôi thực sự thích những bức tranh của cô ấy và hy vọng các bạn cũng vậy”.
Năm 2020, NXB Kim Đồng đã thành công trong “xuất khẩu sách” khi cuốn "Chang hoang dã - gấu" được bán bản quyền cho NXB Pan Macmillan (Anh) với một số tiền kỷ lục. NXB Pan Macmillan đã mua bản quyền toàn cầu cuốn "Chang hoang dã-gấu" (trừ sách xuất bản bằng tiếng Việt tại thị trường Việt Nam) và nhượng quyền cho 5 nước gồm Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy không phải là lần đầu tiên NXB Kim Đồng bán bản quyền tác phẩm ra nước ngoài, nhưng đây là giao dịch có giá trị cao nhất và có ý nghĩa nhất.
Trước đó, NXB Kim Đồng cũng chuyển nhượng bản quyền một số tác phẩm như “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Lược sử nước Việt bằng tranh”, “Đúng là Tết - This is Tết”... NXB Kim Đồng có nhiều cách để đưa tác phẩm Việt xuất bản tại nước ngoài, như trao đổi thông qua các trung gian bản quyền, qua tác giả hoặc các tổ chức văn hóa phi chính phủ. Ngoài ra, còn một cách kết nối khác với các đơn vị xuất bản nước ngoài khá hiệu quả, đó là giao lưu, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ sách quốc tế.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng chia sẻ: “Những cuốn sách Việt Nam được bán bản quyền và xuất bản tại nước ngoài cho thấy các đề tài và cách thể hiện của các tác giả Việt Nam đã được bạn đọc quốc tế quan tâm, đón nhận. Đây là niềm vui rất lớn đối với những người làm sách trong nước”.
Những tín hiệu vui nói trên cho thấy tiềm năng xuất khẩu sách Việt. Lâu nay, ngoài những tác phẩm nổi tiếng như "Truyện Kiều", "Nhật ký trong tù", "Dế Mèn phiêu lưu ký"... thì phần lớn độc giả thế giới thường chỉ biết đến Việt Nam qua những tác phẩm về chiến tranh. Một số ít tác giả được chọn dịch, xuất bản tác phẩm ở nước ngoài là nhờ con đường "ngoại giao văn hóa", trao đổi dịch thuật giữa Việt Nam và các nước bạn. Chúng ta đã và đang thiếu những tác phẩm đương thời đến được với bạn bè thế giới.
Trong bài phát biểu trực tuyến mới đây tại Hội chợ Sách quốc tế Venezuela 17, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có nói: “Sau năm 1975, những nhà văn, nhà thơ Việt Nam tới Mỹ. Và người Mỹ đã vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra trong những tác phẩm của những nhà văn người lính Việt Nam ngập tràn những giấc mơ đẹp đẽ. Và những người Mỹ cho rằng: Phát hiện lớn nhất của họ về Việt Nam là phát hiện ra nền văn hóa của dân tộc này thông qua những tác phẩm văn học”.
Đưa sách Việt ra quốc tế cũng là cơ hội quảng bá, giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng nói: "Mỗi dân tộc đều có treo một quả chuông trước cửa sổ tâm hồn của mình. Nhà văn có sứ mạng phải rung những quả chuông đó lên, bằng văn chương". Thực tế đã chứng minh, các nhà xuất bản nước ngoài quan tâm đến sách Việt Nam ở 3 nhóm đề tài chính: Các tác phẩm văn học nổi tiếng; sách về lịch sử, văn hóa dân tộc, phong tục tập quán; sách về các vấn đề toàn cầu như môi trường, bảo tồn thiên nhiên, các vấn đề về trẻ em... Bên cạnh đó, sách mỹ thuật được đầu tư kỹ lưỡng cũng có nhiều cơ hội để “vươn ra biển lớn”.
Tuy nhiên, cho đến nay, hành trình đưa sách ra “biển lớn” chủ yếu vẫn là nỗ lực kết nối từ các cá nhân tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu và sự chủ động của các nhà xuất bản đơn lẻ. Chúng ta đang thiếu một chiến lược lâu dài, toàn diện cho việc đưa sách Việt đến với thị trường quốc tế, thiếu định hướng về xuất bản sách song ngữ, thiếu hỗ trợ cho việc quảng bá tác phẩm ra nước ngoài, và thiếu cả một đội ngũ dịch chuyên nghiệp. Thực tế, Việt Nam có nhiều tác phẩm hay, nhưng chuyển ngữ để vẫn giữ được “hồn cốt” của tác phẩm trong bản gốc và phù hợp với nền văn hóa của ngôn ngữ được dịch không phải là điều dễ dàng.
Bởi thế, để sách Việt có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn, và ngày càng nhiều hơn thì sự nỗ lực không chỉ thuộc về mỗi tác giả hay một NXB nào, mà đòi hỏi ngành Xuất bản “vào cuộc” tích cực hơn. Cần xây dựng lộ trình đưa sách đến với bạn bè thế giới, kiến nghị các chính sách hỗ trợ việc giới thiệu, quảng bá tác phẩm tại các hội chợ sách quốc tế, thành lập các trung tâm hoặc các nhóm chuyên dịch thuật, phụ trách bản quyền một cách chuyên nghiệp. Nếu không có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, sẽ khó có đơn vị nào đủ khả năng và kinh phí để đi đường dài trong hành trình xuất khẩu sách “made in Việt Nam”.
Được biết, cách đây chưa lâu, Hội Nhà văn Việt Nam đã chính thức vận hành trang thông tin điện tử mới ở tên miền vanvn.vn, thay cho trang cũ vanvn.net. Tại trang mới này, ngoài những thông tin chuyên môn về hoạt động của Hội, giới thiệu tác phẩm mới, tác phẩm đọc lại, văn học nhà trường, văn học nước ngoài, tư liệu văn học, văn hóa và đời sống... thì trọng tâm trong những năm tới đây sẽ là thông tin về văn học trẻ, văn học thiếu nhi, về biên giới và biển đảo... để góp phần tăng cường quảng bá văn học nói riêng và hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Theo báo Hà Nội mới