Sự khiêm nhường rất thường bị hiểu sai. Nó không hàm ý là mức độ tự tin thấp. Một trong những nghĩa gốc trong tiếng La-tinh của từ humility (khiêm tốn, khiêm nhường trong tiếng Anh) là “từ đất”. Nó nói đến trạng thái “tiếp đất” – nhận ra rằng chúng ta đều không hoàn hảo và có thể mắc sai lầm.
Tự tin là một thước đo về mức độ tin tưởng của bạn vào bản thân. Các bằng chứng chỉ ra rằng sự tự tin ấy là khác biệt với việc bạn tin tưởng bao nhiêu vào các phương pháp của mình. Bạn có thể tự tin vào khả năng đạt được mục tiêu trong tương lai của mình và đồng thời vẫn luôn khiêm nhường tự chất vấn liệu hiện tại bạn có đang sở hữu những công cụ đúng đắn để đạt mục tiêu ấy hay không. Đây chính là điểm lý tưởng của sự tự tin.
Chúng ta bị thói tự mãn che mắt khi tin tưởng tuyệt đối vào những thế mạnh và chiến lược của bản thân. Nhưng chúng ta lại bị sự hoài nghi làm tê liệt nếu thiếu niềm tin vào hai thứ này. Chúng ta có thể bị phức cảm tự ti nuốt chửng khi ta biết chính xác phương pháp thực hiện nhưng lại cảm thấy không chắc chắn về khả năng của mình trong việc thực hiện theo phương pháp ấy. Vì thế, phẩm chất chúng ta cần có là sự khiêm nhường tự tin: có niềm tin chắc chắn vào năng lực của bản thân trong khi nhận thức được rằng có khả năng chúng ta không chọn giải pháp đúng hoặc thậm chí không nhận diện được chính xác vấn đề. Tâm thế này cho chúng ta đủ sự hoài nghi cần thiết để suy xét lại những kiến thức hiện có và đủ tự tin để khai phá những hiểu biết mới.
Khi người sáng lập thương hiệu thời trang Spanx là Sara Blakely nảy ra ý tưởng về quần tất, cô tin vào khả năng của mình trong việc biến ý tưởng thành hiện thực, nhưng cô cũng đầy hoài nghi về các phương tiện mình có trong tay. Thời điểm đó, công việc cô làm ban ngày là gõ cửa từng nhà để bán máy fax, và cô ý thức rằng mình không biết chút gì về thời trang, hoạt động bán lẻ hay sản xuất. Sau khi thiết kế ra mẫu quần tất đầu tiên, cô dành một tuần lái xe đi khắp các xưởng sản xuất đồ dệt kim tìm kiếm sự giúp đỡ. Khi không có đủ tiền trả cho hãng luật để đăng ký bằng sáng chế, cô tìm đọc sách về vấn đề này và tự điền vào đơn xin cấp bằng sáng chế. Sự hoài nghi trong cô không có tính ăn mòn – cô tự tin rằng mình có thể vượt qua những thử thách trước mắt. Sự tự tin của cô không nằm ở kiến thức hiện có, mà ở khả năng học hỏi của bản thân.
Sự khiêm nhường tự tin là thứ có thể trau dồi.
Trong một thí nghiệm, các sinh viên được đọc một bài viết ngắn trên báo về những ích lợi của việc thừa nhận điều mình không biết thay vì tỏ ra chắc chắn về kiến thức của mình. Kết quả là tỷ lệ sinh viên tìm sự trợ giúp trong lĩnh vực không phải thế mạnh của mình tăng vọt từ 65% lên 85%. Họ cũng cởi mở tìm hiểu các quan điểm chính trị đối lập để thử học hỏi từ phía bên kia.
Sự khiêm nhường tự tin không chỉ giúp chúng ta cởi mở tâm trí để tái tư duy mà còn giúp chúng ta cải thiện chất lượng tái tư duy. Ở bậc đại học và sau đại học, những sinh viên có ý thức sẵn sàng nhìn nhận lại quan điểm cá nhân thường đạt điểm số cao hơn so với các bạn học. Ở bậc phổ thông những học sinh thừa nhận rằng mình không biết một vấn đề gì đó thường được giáo viên đánh giá là tiếp thu tốt và được bạn bè cùng nhóm nhận xét là đóng góp nhiều hơn. Điểm tổng kết năm học của các học sinh này trong môn toán cao vượt trội so với các bạn học hay tỏ ra chắc chắn về hiểu biết của mình. Thay vì mặc nhiên cho rằng mình đã tường tận bài học, họ thường tự mình vấn đáp để kiểm tra hiểu xem bản thân nắm vững kiến thức đến đâu.
Khi những người trưởng thành có đủ tự tin để thừa nhận điều mình không biết, họ sẽ chú ý hơn đến độ vững chắc của bằng chứng và dành nhiều thời gian hơn để tìm đọc những nội dung có quan điểm trái ngược với mình. Trong những nghiên cứu được thực hiện nghiêm ngặt về hiệu quả quản lý ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, các đội ngũ làm việc hiệu quả và có nhiều sáng kiến nhất không được dẫn dắt bởi người lãnh đạo tự tin hay khiêm nhường. Những người lãnh đạo hiệu quả, đạt điểm cao nhất trong bảng khảo sát là những người tự tin và khiêm nhường. Dù có niềm tin mạnh mẽ vào những thế mạnh của bản thân, họ cũng ý thức rất rõ những điểm hạn chế của mình. Họ biết rằng bản thân cần nhận ra và vượt lên giới hạn của mình trước khi muốn vượt qua những giới hạn lớn lao hơn nữa trong cuộc sống.
Nếu muốn hướng đến sự chính xác, chúng ta phải cương quyết xử lý các điểm mù của mình. Để có hình dung chính xác về kiến thức và kỹ năng của mình, có lẽ chúng ta cần nhìn nhận lại bản thân như cách các nhà khoa học nhìn qua kính hiển vi. Nhưng một trong những niềm tin mới định hình gần đây của tôi là đôi khi chúng ta tốt nhất nên đánh giá thấp bản thân một chút.