NGÔN SỨ: Bạn lớn lao, cao cả hơn bạn biết
NGÔN SỨ: Bạn lớn lao, cao cả hơn bạn biết
Giữa trần gian, con người chẳng thể sống một mình; từ bản thân mỗi người và trong hiệp quần với tha nhân phát sinh các vấn đề, và chỉ có thể giải quyết đích thực chúng bằng cách sống nhân ái với trọn vẹn thể xác cùng tâm hồn chân chính của mình. Và Almustafa, ngôn sứ hóa thân của Kahlil Gibran trong The Prophet đã phát biểu về các vấn đề đó, theo chiều hướng đó, bằng hai mươi sáu bài thơ văn xuôi nhuốm đầy tình người ấm áp và hương vị triết lý.
Kahlil Gibran (1883-1931) là một nghệ sĩ, nhà thơ và nhà văn Liban. Ngôn sứ (1923) là tác phẩm nổi tiếng nhất của Gibran, đại diện cho triết lý tư tưởng, nhân sinh quan và thế giới quan. Đây là cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều người, và đồng thời cũng là lý do chính giúp ông trở thành một trong ba tác giả có tác phẩm bán chạy nhất trong thơ ca thế giới. Cho đến nay, tác phẩm đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng, tái bản gần 200 lần, với hơn 100 triệu bản in.

Tại sao độc giả trên toàn thế giới lại không ngừng yêu thích Ngôn sứ trong gần 1 thế kỷ qua? Có lẽ bởi vì trong tất cả chúng ta, từ bản thân mỗi người và trong cuộc hiệp quần với tha nhân đều phát sinh các vấn đề và ai cũng mong mỏi tìm ra những cách giải quyết tối ưu. Và tác phẩm này đã lần lượt giải quyết các vấn đề đó và đề xuất những “giải pháp” bằng cách biểu đạt thi ca nhuốm đầy tình người ấm áp và hương vị triết lý. Như trong phần mở đầu Ngôn sứ, dịch giả Nguyễn Ước viết rằng: Giữa trần gian, con người chẳng thể sống một mình; từ bản thân mỗi người và trong hiệp quần với tha nhân phát sinh các vấn đề, và chỉ có thể giải quyết đích thực chúng bằng cách sống nhân ái với trọn vẹn thể xác cùng tâm hồn chân chính của mình. Và Almustafa, ngôn sứ hóa thân của Kahlil Gibran trong The Prophet đã phát biểu về các vấn đề đó, theo chiều hướng đó, bằng hai mươi sáu bài thơ văn xuôi nhuốm đầy tình người ấm áp và hương vị triết lý. 

Cuốn sách bao gồm 26 bài giảng về các chủ đề: hôn nhân, con cái, cái đẹp, cái thiện, cái ác... của vị “ngôn sứ” trong khi ông chờ đợi để ra khơi về cố hương sau khi trải qua hàng chục năm lưu vong. Bối cảnh của Ngôn sứ là buổi chiều chia tay của Almustafa với dân thành Orphalese, những người chung sống trong yêu thương ông suốt mười hai năm. Trước khi lên đường trở về hòn đảo sinh thành, vị ngôn sứ ấy trả lời mọi câu hỏi được những kẻ đưa tiễn đặt ra cho ông. Chúng liên quan tới các chủ đề tình yêu và cái chết, lao động và khoái lạc, tự do và của cải, hôn nhân và tình bằng hữu, tôn giáo và lề luật... Và vì mọi đường lối giải quyết đều bắt đầu từ bên trong mỗi người nên Almustafa nói tới đời sống nội tâm, các cảm xúc và các niềm tin của con người sống trên đời, giữa đất trời và với Thượng đế. Tác phẩm này là một kết hợp tuyệt vời của thi ca và truyền thuyết thần bí, đã được đại chúng đón nhận không ngờ.

Theo Gibran, toàn bộ cuốn Ngôn sứ chỉ nói tới một điều duy nhất: Bạn lớn lao, cao cả hơn bạn biết – và Mọi sự đều tốt lành (You are far far greater than you know – and All is well). Dĩ nhiên mọi sự đều tốt lành, kể cả những yếu đuối và xui rủi của con người nếu mỗi người ứng xử trên nền tảng yêu thương trong mối quan hệ của con người với thiên nhiên và Thượng đế; và tình yêu ấy được Almustafa dùng làm yếu tố cốt lõi cho mọi lời giảng của ông. Trong Ngôn sứ, tình yêu là chân lý, thiện hảo và cái đẹp; tình yêu làm thăng hoa con người và tình yêu là chiếc bóng của Thượng đế trong mỗi người. – Dịch giả Nguyễn Ước

Ngôn sứ theo nhận định của Gibran, không hẳn là tác phẩm văn học mà đúng hơn, là thông điệp tâm linh và nhân bản ông trao cho con người giữa cuộc đời. Thai nghén Ngôn sứ từ thuở còn là sinh viên ở Liban, Gibran mang hoài bão ấy đi theo ông suốt đời. Ông phác thảo nhiều lần bằng tiếng Ả Rập, và cuối cùng viết ra bằng tiếng Anh. Từ nhan đề dự tính ban đầu là Counsels (Lời khuyên), sau hơn mười năm trau chuốt để “mỗi chữ là một chọn lựa tốt nhất”, nó trở thành The Prophet, hoàn tất năm 1921 và được xuất bản tại Mỹ năm 1923. 

Cuốn sách Ngôn sứ nằm trong Tủ sách Triết lý – Tư tưởng, thuộc dự án Tủ sách Đời người của Omega Plus. Sách sử dụng minh họa do chính tác giả vẽ, theo nguyên tác xuất bản lần đầu năm 1923.

Về Tủ sách Đời người: Dự án Tủ sách Đời người đặt mục tiêu tinh tuyển tối thiểu 100 cuốn sách có giá trị trường tồn với các tiêu chí quen thuộc, phổ biến, dễ tiếp nhận đối với đại chúng, được hệ thống hóa nương theo nhu cầu của các thế hệ độc giả. Tủ sách hướng tới trở thành tủ sách cơ bản trong mọi gia đình Việt.

VỀ TÁC GIẢ

Kahlil Gibran (1883-1931) là tiểu thuyết gia, họa sĩ, thi sĩ tâm linh với cung giọng ngôn sứ và triết gia theo chủ nghĩa hiện sinh hữu thần. Ông sinh tại làng Bsharri, thuộc vùng núi miền Bắc Li-băng. Gibran là tác giả được đại chúng đọc nhiều nhất và được thảo luận rộng rãi nhất trong thế kỷ 20. Theo thống kê của giới xuất bản sách, Gibran là thi sĩ có số lượng độc giả đông vào hàng thứ ba, chỉ sau Shakespeare và Lão Tử. Danh tiếng và ảnh hưởng của ông vượt qua thế giới Ả Rập. Về mặt triết học, ông được xem như một triết gia đại chúng và là điểm hội tụ của tư tưởng Đông – Tây.  Ký họa và tranh màu của Gibran được triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới.  

Gibran qua đời năm 1931 tại New York. Buổi tiễn biệt ông trên sân ga New York có đại diện của nhiều tôn giáo lớn.

Tác phẩm nổi tiếng: Ngôn sứ, Uyên ương gãy cánh, Tâm linh toàn mãn, Nhã ca tình yêu, Mật khải….

Tags: