Nếu bạn thông minh, tại sao bạn lại không hạnh phúc?
Nếu bạn thông minh, tại sao bạn lại không hạnh phúc?
Thật là một nghịch lý: Chẳng phải IQ cao thì sẽ có cuộc đời thành công và viên mãn hơn sao!

Một tác phẩm học thuật đã chỉ ra rằng, sau khi đã đáp ứng được các nhu cầu cơ bản, người ta cần ba nguyên liệu sau cho hạnh phúc: các mối quan hệ xã hội thiết thực, thành đạt trong công việc, và tự do đưa ra các quyết định độc lập.

Nhưng một công trình nghiên cứu về hạnh phúc đã chỉ ra một sự thực ít người để ý: học hành tử tế hơn, giàu có hơn, hay thành đạt hơn chẳng có liên quan nhiều đến việc họ có hạnh phúc hay không. Hay nói cách khác, một người như thế ít có khả năng cảm thấy hài lòng với cuộc sống hơn.

Raj Raghunathan, Giáo sư chuyên ngành marketing, trường Kinh doanh Austin’ McCombs thuộc Đại Học Texas, đã cố gắng lí giải vấn đề hóc búa này trong cuốn sách gần đây If You’re so Smart, Why aren’t You Happy (tạm dịch: Nếu thông minh, tại sao bạn lại không hạnh phúc). Cuốn sách của Raghunathan được xếp vào nhóm sách self-help (gồm có các bài nói chuyện truyền cảm hứng, và bài tập đánh giá sự tiến bộ), nhưng những cam kết của ông đối với nghiên cứu khoa học đã tạo nền móng vững chắc cho thể loại này với những hướng tiếp cận sắc sảo hơn.

 

Gần đây tôi đã có buổi trò chuyện với Raghunathan về cuốn sách của ông. Bài phỏng vấn dưới đây đã được biên tập và cô đọng giúp người đọc dễ hiểu.

---

Joe Pinsker: Một trong những cơ sở của cuốn sách là người đọc có thể có ý niệm về những thứ khiến họ hạnh phúc, nhưng cách họ tiếp cận những thứ đó lại khiến họ không thể có được hạnh phúc tối đa. Ông có thể đưa ra ví dụ cho sự mâu thuẫn này không?

Raj Raghunathan: Nếu muốn giỏi giang, tinh thông trong một lĩnh vực nào đó, bạn có thể xem xét hai hướng tiếp cận lớn sau. Thứ nhất là quan tâm đến cái người ta vẫn gọi là so sánh xã hội, hay chính là muốn trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực đó chẳng hạn như “Tôi muốn trở thành giáo sư giỏi nhất”, hoặc đại loại như thế.

Hướng tiếp cận này tồn tại nhiều vấn đề, trong đó một vấn đề lớn là rất khó đánh giá. Tiêu chuẩn nào để đánh giá một người trong một lĩnh vực cụ thể? Tiêu chuẩn nào để trở thành giáo sư giỏi nhất? Có liên quan đến nghiên cứu, giảng dạy không? Nếu như chỉ làm công tác giảng dạy, thước đo đó có phải là đánh giá từ học sinh, là nội dung giảng dạy ở lớp học, hay là số lượng học sinh làm bài kiểm tra điểm cao hay số lượng học sinh thi đỗ? Nói chung, việc đánh giá gặp khó khăn bởi vì các tiêu chuẩn đánh giá càng trở nên nhập nhằng trong các lĩnh vực nhỏ hơn hay thiên về kĩ thuật nhiều hơn.

Thông thường mọi người sẽ hướng đến các tiêu chuẩn ít mơ hồ hơn – kể cả nếu chúng chẳng hề ăn nhập. Mọi người đánh giá những giáo sư giỏi nhất thông qua số lượng giải thưởng hay mức lương họ nhận được, hoặc ngôi trường họ đang công tác. Nhìn qua chúng có vẻ là những tiêu chuẩn tốt để đánh giá mức độ giỏi giang của một người, nhưng thực sự chúng chẳng hề tương ứng với một lĩnh vực cụ thể nào.

Thế mà chúng ta lại rất nhanh chóng thích nghi với những tiêu chuẩn đó. Tháng này nếu được tăng lương khủng, niềm hạnh phúc của bạn có thể kéo dài trong 1 tháng, 2 tháng, có thể 6 tháng. Nhưng khi bạn đã quen với việc đó, bạn sẽ muốn có một bước nhảy lớn khác. Bạn sẽ luôn muốn có những thứ đó để duy trì hạnh phúc. Nếu để ý hầu hết mọi người, bạn sẽ thấy nguồn hạnh phúc này không hề bền vững.

Pinsker: Vậy hướng tiếp cận còn lại là gì?

Raghunathan: Tôi đề xuất một hướng tiếp cận thay thế, đó là quan tâm hơn đến những thứ bạn thật sự giỏi và những điều bạn thích làm. Khi bạn không cần bận tâm so sánh bản thân với người khác, bạn sẽ hướng đến những điều bạn thực sự thích làm, những điều bạn thực sự giỏi, và nếu bạn đủ kiên trì, khả năng bạn thành công là rất cao. Lúc đó danh tiếng, quyền lực, và cả tiền bạc, mọi thứ sẽ đến với bạn như những sản phẩm phụ, chứ không phải bạn trực tiếp theo đuổi chúng để trở nên nổi trội hơn người khác.

Trở lại với ba điều mọi người cần sau khi các nhu cầu cơ bản được đáp ứng - sự giỏi giang, mối quan hệ và sự tự chủ - tôi sẽ thêm một điều nữa: chính là thái độ, cách nhìn cuộc sống. Cách nhìn đó thể hiện qua một trong hai xu hướng: một là tiếp cận theo tư duy khan hiếm, nếu mình chiến thắng thì người khác sẽ thất bại. Tư duy này trói buộc bạn vào các so sánh xã hội. Hướng còn lại là tiếp cận theo tư duy dư thừa, trong đó mọi người đều có không gian để phát triển.

Pinsker: Tôi rất quan tâm đến ranh giới giữa dư thừa và khan hiếm mà ông chỉ ra trong cuốn sách bởi vì điều đó khiến tôi nghĩ đến kinh tế học ngay lập tức. Trên nhiều phương diện, kinh tế học là ngành học nghiên cứu về những thứ khan hiếm. Ông có thể chia sẻ thêm về quá trình tư duy được vận dụng khi người ta nghĩ đến sự khan hiếm không?

Raghunathan: Trong cuốn sách, tôi không cố gắng thuyết phục rằng tư duy khan hiếm là nông cạn hay hoàn toàn vô ích. Nếu bạn đang ở giữa chiến trận, hay trong khu vực nghèo đói bủa vây, nếu bạn đang đấu tranh vì sự sống còn, hay tham gia một cuộc thi thể thao cạnh tranh như đấm bốc, tư duy khan hiếm đóng vai trò rất quan trọng.

Thế giới phát triển theo định hướng khan hiếm thông qua quá trình tiến hóa từ rất lâu rồi, con người chúng ta là hậu duệ của những người sống sót trong quá trình chọn lọc ấy. Khan hiếm thực phẩm, khan hiếm tài nguyên, khan hiếm đất đai màu mỡ, v.v. Vì thế chúng ta rất tự nhiên đi theo con đường tư duy khan hiếm. Nhưng tôi nghĩ thực ra chúng ta không phải ngày nào cũng chiến đấu vì sự sống còn theo đúng nghĩa đen.

Tôi nghĩ con người là động vật bậc cao, chúng ta cần nhận ra rằng một số tàn tích của quá trình tiến hóa có thể kìm hãm chúng ta lại. Nhiều nghiên cứu trong các lĩnh vực như quảng cáo, hay thiết kế phần mềm cho thấy nếu bạn không để bản thân suy nghĩ theo tư duy khan hiếm,

 

 

nếu bạn không lo lắng về kết quả và bạn tận hưởng quá trình việc chứ không phải mục tiêu công việc, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn nhiều.

 

 

Pinsker: Bởi vì từ khi sinh ra chúng ta luôn suy nghĩ theo tư duy khan hiếm, tôi rất muốn biết chúng ta có thể làm gì để thay đổi lối tư duy của một người. Trong cuốn sách ông có nói đến thí nghiệm: những nhân viên mỗi ngày đều nhận được thư nhắc nhở việc đưa ra các quyết định để có được hạnh phúc tối đa thì hạnh phúc hơn những người không nhận được thư. Hạnh phúc chỉ đơn giản như thế thôi sao?

Raghunathan: Một mặt, rất tự nhiên, chúng ta đã chú ý nhiều hơn đến những điều tiêu cực. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng rất tự nhiên tìm kiếm hạnh phúc, khao khát được thành đạt và cố gắng hết sức để trở thành người giỏi nhất. Thực ra những gì chúng ta cần để hạnh phúc lại khá đơn giản: Chỉ cần làm những việc mà bạn cảm thấy ý nghĩa, và ngày ngày bạn có thể chìm đắm trong công việc đó. 

Nếu quan sát, bạn sẽ thấy những đứa trẻ rất giỏi việc này. Chúng không bị xao nhãng bởi tất cả những tiêu chuẩn bề nổi kia. Chúng chỉ quan tâm đến những thứ thực sự khiến chúng vui. Trong cuốn sách, tôi có nói về việc mua cho con trai một chiếc ô tô đồ chơi nhỏ khi nó khoảng 3 tuổi, bởi vì nó thấy nhà hàng xóm có một chiếc ô tô như thế. Thằng bé chỉ chơi với chiếc ô tô được khoảng 3 ngày. Sau đó, nó muốn chơi với cái hộp đựng chiếc xe. Nó chẳng hề biết chiếc ô tô đắt hơn, giá trị hơn, hay có công nghệ tiên tiến hơn. Nó chơi với cái hộp chỉ bởi vì nhìn thấy nhân vật lợn con Hamilton trên tivi sống trong cái hộp. Thằng bé muốn bắt chước lợn con sống như thế.

Với nghiên cứu cụ thể đó, chúng tôi muốn mọi người chú ý đến những việc đơn giản khiến họ hạnh phúc. Ví dụ, thay vì ngồi xem TV, ông bố có thể cùng con trai chơi bóng chày. Dựa theo những nghiên cứu được thực hiện với các nhân viên của Fortune 500 và các sinh viên, những việc mọi người làm có thể khác nhau nhưng khi có lời nhắc, chúng tôi thấy họ thường đưa ra các quyết định nhỏ - thậm chí có thể gọi là vụn vặt tầm thường, nhưng chúng lại góp phần xây nên một cuộc sống hạnh phúc. Lời nhắc đơn giản mỗi ngày này chính là một dạng kiểm tra thực tế khiến mọi người chú ý đến mọi việc hơn.

Pinsker: Thông điệp về những yếu tố cần có để thành công trong kinh doanh mà mọi người nhận được trái ngược với lối tư duy này, ông nghĩ sao về việc này? Hay nói cách khác, ông có cho rằng việc leo lên chiếc thang nghề nghiệp không cần phải có tư duy dư thừa?

Raghunathan: Trong cuốn sách Động lực chèo lái hành vi (Drive), Daniel Pink có nói về việc những thứ trước đây từng được dùng để tạo động lực cho nhân viên - ông ấy gọi là phương pháp cây gậy và củ cà rốt- giờ đây đang được thay thế bằng “Động lực 2.0” bằng cách tìm ra niềm đam mê thực sự của mọi người. Một số công ty lớn nổi tiếng như Google và Whole Foods đang cố gắng áp dụng mô hình này.

Tôi cho rằng chúng ta đang dựa dẫm quá nhiều vào cách doanh nghiệp từng hoạt động trước đây. Trong một cuốn sách, Simon Sinek đã lí luận rằng doanh nghiệp và các quy tắc mà doanh nghiệp vận hành được tổ chức giống như cách quân đội từng hoạt động – theo cấp bậc và theo tư duy khan hiếm. Nhưng ông bảo, nếu để ý hơn đến các nhà lãnh đạo giỏi nhất trong quân đội, họ thường không như thế. Vì thế dựa trên cách mọi thứ từng hoạt động trong quá khứ, có một số ý kiến đang bị hiểu sai. Trên thực tế, một hướng tiếp cận thành công hơn trong kinh doanh và để đạt được thành công đang nổi lên hiện nay là tiếp cận theo tư duy dư thừa

Trong bức tranh tổng thể, các thông điệp đến từ giới kinh doanh hơi nhập nhằng. Tôi thấy các trường giảng dạy về kinh doanh thúc đẩy việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và tìm kiếm đam mê. Nhưng đồng thời nếu nhìn vào những người được mời tới để có bài phát biểu quan trọng hoặc việc chúng ta tập trung cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng doanh nghiệp hàng tuần, những điều đó chỉ là yếu tố bề nổi. Chúng ta mời những người làm ra triệu đô, rồi chúng ta nhìn vào những sinh viên theo học thạc sĩ mới vào trường và nhìn vào tiền lương của họ lúc ra trường.

Pinsker: Ông có nhắc đến việc mọi người dễ dàng thích nghi với những thay đổi tích cực trong cuộc sống. Tôi biết một nghiên cứu chỉ ra rằng những người trúng xổ số ở thời điểm một năm sau đó không hề hạnh phúc hơn những người gần đây vừa mới bị thương nghiêm trọng. Điều đó khiến tôi ấn tượng. Nếu ông bảo tôi quay lại thời trung học, và tôi viết bài cho tạp chí, tôi chắc hẳn đã vui mừng khôn xiết. Còn bây giờ, tôi hạnh phúc theo nhiều cách khác nhau, nhưng tôi vẫn có những cảm giác bất ổn và lo lắng như cũ về tương lai. Tôi cho rằng nhiều người khác cũng phải trải qua cảm giác đó. Ông có thể cho mọi người biết làm thế nào để xua tan những suy nghĩ đó không?

Raghunathan: Tôi cho rằng hầu hết mọi người trên thế giới đều gặp phải tình huống éo le này. Bạn có những kì vọng, nếu bạn đạt được những điều đó, bạn sẽ hạnh phúc. Nhưng hóa ra điều đó lại không đúng. Nguyên nhân một phần là do sự thích ứng, nhưng một phần khác giống như bạn nhìn thấy ngọn núi trước mặt và bạn muốn trèo qua. Nhưng khi bạn đã trèo qua, bạn sẽ thấy rằng còn rất nhiều ngọn núi nữa cần phải trèo.

Về mặt này, khái niêm mà trong cuốn sách tôi gọi là “vô tư theo đuổi đam mê” (the dispassionate pursuit of passion) đã giúp tôi rất nhiều, và chung quy lại khái niệm này không đánh đồng hạnh phúc với những thành tựu đạt được. Không nên trói buộc hạnh phúc vào kết quả vì bản thân kết quả không có tác động tích cực hay tiêu cực rõ ràng đối với hạnh phúc. Có một số kết quả vô cùng khắc nghiệt như bị bênh giai đoạn cuối, hay là con cái qua đời, nhưng hãy để chúng sang một bên. Nếu bạn nghĩ đến việc chia tay người bạn gái thuở ấu thơ, hay việc bạn bị gãy tay và phải ở bệnh viện hai tháng, những lúc đó, bạn có thể cảm thấy, “Ôi, trời ơi, đúng là ngày tận thế mà. Mình sẽ chẳng thể nào bình thường được.”

 

 

Nhưng thực ra, chúng ta lại rất giỏi hồi phục. Không chỉ thế, những chuyện mà ta nghĩ cực kì tồi tệ lại đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp chúng ta học hỏi và trưởng thành.

 

 

Mọi người đều có dự cảm về những điều tốt đẹp hay những điều xấu sắp xảy ra. Khoa học chẳng có cách nào chứng minh dự cảm này đúng hơn dự cảm khác. Bạn tin vào điều nào bạn sẽ tìm thấy minh chứng cho điều đó. Nếu bạn tin cuộc sống nhân từ, bạn sẽ thấy nhiều minh chứng cho sự nhân từ đó và ngược lại. Điều này giống như viên thuốc trấn an lòng người. Giả sử tất cả những niềm tin này đều có giá trị như nhau, sao ta không tiếp nhận những niềm tin hữu ích trong cuộc sống?

Pinsker: Sau khi đọc sách và nói chuyện với ông, tôi hiểu rõ hơn, văn hóa nước Mỹ và thậm chí là chủ nghĩa tư bản nói chung, không mấy khuyến khích hướng tiếp cận dư thừa. Ông có biết nền văn hóa hay xã hội nào đã làm điều này không, hay thông thường một xã hội luôn gửi đi các thông điệp nhất định và mỗi người sẽ có lựa chọn riêng?

Raghunathan: Như tôi nói, có vẻ như chủ nghĩa tư bản nói chung không khuyến khích tư duy rộng rãi. Nhưng tôi nghĩ điều đó không hoàn toàn đúng. Chủ nghĩa tư bản có thể được chia theo hai tiêu chí quan trọng: Một là tự do luân chuyển con người, suy nghĩ và hàng hóa và tự do lựa chọn; Hai là sự phân bổ nguồn lực theo năng lực chứ không theo nhu cầu của mọi người.

Theo tôi, tiêu chí thứ nhất rất hay và tôi không thể bỏ qua. Và nếu tư tưởng đó đồng hành với sự phân bổ nguồn lực dựa theo năng lực thì tôi ủng hộ. Tôi không ủng hộ việc giới hạn quyền tự do suy nghĩ, tự do lựa chọn của mọi người, kể cả nếu như nó đi cùng với sự phân bổ nguồn lực theo nhu cầu của mọi người.

Tóm lại, bạn không thể ép mọi người chấp nhận lối tư duy dư thừa. Mỗi người phải tự mình lựa chọn, bằng cách tự mình khám phá và tự vấn lương tâm cũng như dựa vào khoa học. Lúc đó, một số người chủ động lựa chọn lối sống theo hướng xã hội chủ nghĩa hơn. Tôi nghĩ đó là cách hiệu quả nhất để chủ nghĩa tư bản tự mình thay đổi quan điểm và hướng đến lối tư duy dư thừa.

 

Trạm Đọc (Read Station)

Theo The Atlantic