Nên và không nên làm gì nếu thấy người thân có dấu hiệu đột quỵ não?
Nên và không nên làm gì nếu thấy người thân có dấu hiệu đột quỵ não?
Trích đoạn nằm trong cuốn sách “Đột quỵ não – Những nguyên tắc vàng trong dự phòng và chăm sóc đột quỵ”

1. NHẬN BIẾT ĐỘT QUỴ NÃO NHƯ THẾ NÀO?

Khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút, nhiều nhất là sau vài giờ với các dấu hiệu như sau:

  •   Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể, ví dụ yếu liệt tay và chân bên trái).

  •   Đột ngột không nói được, giọng nói bị thay đổi (ví dụ: nói ngọng, khó nghe) hoặc bệnh nhân nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói.

  •   Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt.

  •   Đột ngột đau đầu dữ dội.

  •   Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn (đặc biệt khi chóng mặt đi kèm với bất kỳ các triệu chứng trên).

Để nhận biết nhanh chóng một người có khả năng bị đột quỵ não, chúng ta nên sử dụng thang điểm FAST (hình dưới):

Thang điểm FAST chỉ cần một phút để đánh giá nhanh ba dấu hiệu điển hình đối với người bị đột quỵ não. Bệnh nhân có cả ba dấu hiệu thì khả năng bị đột quỵ não là trên 87%.

2. THANG ĐIỂM FAST

 

3. NÊN LÀM GÌ VỚI BỆNH NHÂN ĐỘT QUỴ NÃO?

Vì đột quỵ não có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tàn tật vĩnh viễn, điều quan trọng là phải hành động nhanh. Nếu bạn nghi ngờ người thân đang bị đột quỵ não, thì đây là những gì bạn nên và không nên làm trong thời gian quan trọng này:

Thực hiện ngay những việc sau:

  •  Gọi xe cứu thương ngay lập tức: Nếu người thân đang bị đột quỵ não, bản năng đầu tiên của bạn sẽ là đưa họ đến bệnh viện. Nhưng trong tình huống này, tốt nhất là gọi cấp cứu 115. Xe cứu thương có thể đến địa điểm của bệnh nhân và đưa người đó đến bệnh viện nhanh hơn. Thêm vào đó, nhân viên y tế được trang bị để xử lý các loại tình huống khẩn cấp khác nhau, họ có thể hỗ trợ cứu sống bệnh nhân trên đường đến bệnh viện và có khả năng làm giảm các tác động gây hại của đột quỵ não.

  •  Phải nói “đột quỵ não” với cấp cứu 115: Một khi bạn gọi 115 và yêu cầu trợ giúp, hãy thông báo cho người điều hành rằng bạn nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ não. Nhân viên cấp cứu 115 sẽ được chuẩn bị tốt hơn và chọn bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ não trước khi họ chuyển bệnh nhân.
  •  Phải theo dõi các triệu chứng: Người thân của bạn có thể không giao tiếp được tại bệnh viện, vì vậy bạn càng cung cấp nhiều thông tin thì càng tốt. Ghi nhớ trong đầu hoặc viết lại các triệu chứng, bao gồm cả thời điểm bắt đầu bị đột quỵ. Nếu bạn đã biết tiền sử bệnh tật của bệnh nhân, hãy chuẩn bị chia sẻ thông tin đó với nhân viên y tế. Những bệnh này có thể bao gồm: tăng huyết áp, bệnh tim, ngừng thở khi ngủ hoặc bệnh tiểu đường, v.v..
  •  Hãy hỏi chuyện người bị đột quỵ não: Trong khi chờ xe cứu thương đến, hãy thu thập càng nhiều thông tin từ người bệnh càng tốt nếu họ vẫn có thể nói được. Hỏi về bất kỳ loại thuốc nào mà bệnh nhân đang dùng, tình trạng sức khỏe, có dị ứng gì không. Viết thông tin này lại, để bạn có thể chia sẻ chúng với bác sĩ trong trường hợp người thân của bạn không thể giao tiếp được sau này.

  •  Hãy khuyến khích người bệnh nằm xuống: Nếu người bệnh đang ngồi hoặc đứng, khuyến khích họ nằm nghiêng, tư thế đầu cao. Vị trí này giúp tăng cường lưu lượng máu đến não, tuy nhiên đừng di chuyển người bệnh nếu họ bị ngã. Để giữ cho họ thoải mái hãy nới lỏng quần áo của người bệnh.

 

 

  • Thực hiện ngay hồi sinh tim phổi (CPR): Một số người có thể bị bất tỉnh trong cơn đột quỵ não. Nếu điều này xảy ra, hãy kiểm tra người thân của bạn xem họ có còn thở không. Nếu bạn không thể bắt được mạch, hãy bắt đầu thực hiện hồi sinh tim phổi. Nếu bạn không biết cách thực hiện CPR, nhân viên 115 có thể hướng dẫn bạn thực hiện quy trình cho đến khi có trợ giúp.


  • Hãy bình tĩnh: Cố gắng giữ bình tĩnh trong suốt quá trình này, điều đó sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc liên lạc với nhân viên cấp cứu 115.

4. NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM ĐỐI VỚI BỆNH NHÂN ĐỘT QUỴ NÃO

  • Không cho phép người bệnh tự lái xe đến bệnh viện: Các triệu chứng đột quỵ não có thể rất khó nhận biết ngay từ đầu. Người bệnh có thể nhận ra có gì đó không ổn, nhưng không nghi ngờ đột quỵ não. Nếu bạn tin rằng người bệnh đang bị đột quỵ não, thì không để người bệnh tự lái xe đến bệnh viện. Hãy gọi ngay 115 và chờ đợi sự giúp đỡ.

  • Không được cho người bệnh uống thuốc: Mặc dù aspirin là chất làm loãng máu, tuy nhiên không được cho bệnh nhân uống aspirin hoặc bất kỳ một loại thuốc nào khác trong khi họ bị đột quỵ não. Cục máu đông chỉ là một trong nhiều nguyên nhân gây đột quỵ não. Đột quỵ não cũng có thể do một mạch máu vỡ trong não gây ra, vì bạn không biết loại đột quỵ não nào mà người bệnh đang mắc phải, nên không được cho uống bất kỳ loại thuốc nào có thể làm chảy máu nặng hơn.

  • Không cho người bệnh ăn hoặc uống bất cứ thứ gì: Tránh đưa thức ăn hoặc nước cho người bị đột quỵ não. Bởi vì bệnh nhân bị đột quỵ thường không tỉnh táo và có thể có rối loạn nuốt, do đó cho ăn hoặc uống có thể bị nghẹn, gây sặc dẫn đến suy hô hấp, viêm phổi sau đó.
Trích đoạn bạn vừa đọc nằm trong cuốn Đột Quỵ Não - cuốn tài liệu bổ ích về một trong những căn bệnh phổ biến gây ra hậu quả nặng nề nhất tới sức khỏe con người do các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai biên soạn. Hiện sách đã có mặt trên toàn quốc, bạn đọc quan tâm có thể đặt sách ngay tại: https://etsdata.vn/products/dot-quy-nao

 

Tags: