Neil Gaiman: Lý do tại sao xã hội chúng ta cần tiểu thuyết và trí tưởng tượng để phát triển? 
Neil Gaiman: Lý do tại sao xã hội chúng ta cần tiểu thuyết và trí tưởng tượng để phát triển? 
Bài giảng của Neil Gaiman cho Reading Agency năm 2013 thực sự mang đến cho chúng ta nhiều suy ngẫm về việc đọc, nghĩa vụ của người đọc. Trạm xin gửi tới bạn đọc bài giảng của ông trong bài viết dưới đây.
Điều cần thiết là trẻ em được khuyến khích đọc và tiếp cận với tiểu thuyết nếu chúng ta muốn sống trong một xã hội lành mạnh. 

Một lần ở New York, tôi đã nghe một cuộc nói chuyện về việc xây dựng các nhà tù tư nhân – một ngành công nghiệp phát triển rất lớn ở Mỹ. Ngành công nghiệp nhà tù cần lập kế hoạch phát triển trong tương lai - họ sẽ cần bao nhiêu phòng giam? Sẽ có bao nhiêu tù nhân trong 15 năm nữa? Và họ thấy rằng họ có thể dự đoán câu trả lời rất dễ dàng bằng cách sử dụng một thuật toán khá đơn giản: dựa trên tỷ lệ phần trăm trẻ em 10 và 11 tuổi không biết đọc. Và chắc chắn, việc đọc này không phải là đọc cho vui.

Bạn không thể nói rằng một xã hội biết chữ không có tội phạm. Nhưng có những mối tương quan rất thực tế.

Và tôi nghĩ rằng một số trong những mối tương quan đó, theo cách đơn giản nhất, đến từ một cái gì đó rất đơn giản. Người biết chữ đọc tiểu thuyết. 

Tiểu thuyết có hai cách sử dụng. 

 

Đầu tiên, tiểu thuyết là liều thuốc dẫn đến việc đọc. 

 

Động lực muốn biết điều gì xảy ra tiếp theo khiến chúng ta muốn lật sang trang khác, muốn đọc tiếp và phải biết mọi chuyện kết thúc như thế nào.

… Đó là một động lực rất thực tế. Và nó buộc bạn phải học từ mới, suy nghĩ những suy nghĩ mới để tiếp tục đọc và khám phá ra rằng bản thân việc đọc đã rất thú vị. Một khi bạn học được điều đó, bạn đang trên đường đọc mọi thứ. Và đọc sách là chìa khóa. Cách đây vài năm, một số người cho rằng chúng ta đang sống trong một xã hội hậu biết chữ, trong đó khả năng hiểu ý nghĩa của các từ được viết bằng cách nào đó là không cần thiết. Nhưng những ngày đó đã qua, từ ngữ quan trọng hơn bao giờ hết: chúng ta điều hướng thế giới bằng từ ngữ và khi thế giới được đăng tải lên web, chúng ta cần theo dõi, giao tiếp và hiểu những gì chúng ta đang đọc. 

Những người không hiểu nhau không thể trao đổi ý tưởng, không thể giao tiếp vì thế các chương trình dịch thuật mới phát triển như vậy. 

Cách đơn giản nhất để đảm bảo rằng chúng ta nuôi dạy những đứa trẻ biết chữ là dạy chúng đọc và cho chúng thấy rằng đọc là một hoạt động thú vị. Và đơn giản, điều đó có nghĩa là tìm những cuốn sách mà trẻ thích, cho phép trẻ tiếp cận những cuốn sách đó và để trẻ đọc chúng. 

Tôi không nghĩ có một cuốn sách tồi dành cho trẻ em. Thỉnh thoảng, một số người lớn lại được coi là sành điệu khi chỉ vào một tập hợp con sách dành cho trẻ em, một thể loại hoặc một tác giả, và tuyên bố chúng là những cuốn sách tồi, những cuốn sách mà trẻ em không nên đọc. Tôi đã thấy nó xảy ra nhiều lần; Enid Blyton bị tuyên bố là một tác giả tồi, RL Stine cũng vậy, hàng chục người khác cũng vậy. Truyện tranh đã bị chỉ trích là thúc đẩy nạn mù chữ.

Điều đó hết sức phi lý. Đó là sự hợm hĩnh và đó là sự ngu ngốc. 

Không có tác giả nào không tốt cho trẻ em, mà trẻ em thích đọc, muốn đọc và tìm đọc, bởi vì mỗi đứa trẻ đều khác nhau. Chúng có thể tìm thấy những câu chuyện chúng cần, và đắm mình vào những câu chuyện đó. Đối với trẻ em, một ý tưởng lỗi thời cũng có thể trở nên mới mẻ. Đừng ngăn cản trẻ đọc chỉ bởi vì bạn cảm thấy chúng đọc sai hướng. Tiểu thuyết bạn không thích là con đường dẫn đến những cuốn sách khác mà bạn thích hơn. Và không phải ai cũng có sở thích giống bạn. 

Những người lớn có ý tốt có thể dễ dàng phá hủy niềm yêu thích đọc sách của trẻ: ngăn chúng đọc những gì chúng thích, hoặc đưa cho chúng những cuốn sách đáng giá nhưng buồn tẻ mà bạn thích, giống như việc đưa văn học “tiến bộ” của thế kỷ 21 về thời Victoria vậy. 

Chúng ta cần con cái của mình bước lên nấc thang đọc sách: bất cứ thứ gì chúng thích đọc sẽ đưa chúng lên từng nấc thang để biết chữ. 

(Ngoài ra, đừng làm điều mà tôi đã làm: khi cô con gái 11 tuổi của tôi say mê RL Stine, nhưng tôi lại đi lấy một cuốn Carrie của Stephen King và nói rằng: "Nếu con thích những thứ đó, con sẽ thích cuốn này!" Holly không đọc gì ngoài những câu chuyện an toàn về những người định cư trên thảo nguyên trong suốt thời niên thiếu của con bé, và vẫn trừng mắt với tôi khi nhắc đến tên Stephen King.)

 

Thứ hai, tiểu thuyết giúp gia tăng sự đồng cảm. 

 

Khi bạn xem TV hoặc xem một bộ phim, bạn đang xem những điều đang xảy ra với người khác. Văn xuôi hư cấu là thứ bạn xây dựng từ 26 chữ cái và một số dấu chấm câu, và bạn, chỉ mình bạn, sử dụng trí tưởng tượng của mình để tạo ra một thế giới và con người trong đó, nhìn vào câu chuyện bằng con mắt khác. Bạn có thể cảm nhận mọi thứ, ghé thăm những nơi và thế giới mà bạn sẽ không bao giờ biết. Bạn học được rằng mọi người khác ngoài kia cũng là mình. Bạn đang là một người khác, và khi bạn trở về thế giới của riêng mình, bạn sẽ thay đổi một chút.

Đồng cảm là một công cụ để mọi người tạo thành các nhóm, giúp ta thể hiện khả năng nhiều hơn khi chỉ là một cá thể.

Đọc cũng giúp bạn nhận ra những điều quan trọng để tìm ra con đường cho chính bạn.

Thế giới có thể khác đi.

Tôi đã ở Trung Quốc vào năm 2007, tại hội nghị khoa học viễn tưởng và giả tưởng được đảng chấp thuận đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. SF đã bị từ chối trong một thời gian dài. Tại một thời điểm, tôi kéo một quan chức hàng đầu sang một bên và hỏi anh ta điều gì đã thay đổi? Anh ấy nói với tôi rằng: “Đơn giản thôi, người Trung Quốc rất xuất sắc trong việc tạo ra mọi thứ nếu người khác đưa ra kế hoạch cho họ. Nhưng họ không đổi mới và họ không phát minh. Họ không tưởng tượng. Vì vậy, họ đã cử một phái đoàn đến Mỹ, tới Apple, tới Microsoft, tới Google, và họ hỏi những người ở đó ai là người đang phát minh ra tương lai. Và họ phát hiện ra rằng tất cả những người đó đều đã từng đọc khoa học viễn tưởng khi còn là những cô bé cậu bé.

Tiểu thuyết có thể cho bạn thấy một thế giới khác. Nó có thể đưa bạn đến một nơi nào đó mà bạn chưa từng đến. Một khi bạn đã đến thăm các thế giới khác, giống như những người đã ăn trái cây thần tiên, bạn không bao giờ có thể hoàn toàn hài lòng với thế giới mà bạn đã lớn lên. Không hài lòng là một điều tốt: những người không hài lòng có thể sửa đổi và cải thiện thế giới của họ, để nó tốt hơn, khác biệt hơn.

Và trong khi chúng ta đang nói về chủ đề này, tôi muốn nói vài lời về chủ nghĩa thoát ly thực tế. Tôi nghe rằng thuật ngữ này được bàn tán như thể nó là một điều xấu. Như thể tiểu thuyết "thoát ly" là một loại thuốc phiện rẻ tiền được sử dụng bởi những kẻ mê muội, ngu ngốc và bị lừa dối. Và tiểu thuyết duy nhất xứng đáng đọc cho cả người lớn hay trẻ em, là tiểu thuyết bắt chước, phản ánh điều tồi tệ nhất của thế giới mà người đọc thấy mình trong đó.

Nếu bạn bị mắc kẹt trong một tình huống không thể ngờ tới, ở một nơi khó chịu, xung quanh đang có những người có ý đồ xấu với bạn, và một ai đó gợi ý cho bạn một lối thoát tạm thời, vậy tại sao bạn lại không nhận? Và tiểu thuyết thoát ly thực tế chỉ có thế: mở ra một cánh cửa, cho bạn thấy ánh sáng mặt trời, cho bạn một nơi để đến, nơi bạn có thể kiểm soát, ở bên những người bạn muốn ở cùng; và quan trọng hơn, trong quá trình thoát ly, sách hư cấu cũng có thể cung cấp cho bạn kiến thức về thế giới và tình trạng khó khăn của bạn, cung cấp cho bạn vũ khí, áo giáp, những thứ thực tế mà bạn có thể mang về nhà tù của mình. Kỹ năng, kiến thức và công cụ bạn có thể sử dụng để thực sự thoát ly. 

Như J.R.R. Tolkien đã nhắc nhở chúng ta, những người duy nhất phản đối việc trốn thoát là cai ngục.  

Tất nhiên, một cách khác để phá hủy yêu thích đọc sách của trẻ là không cho chúng có bất kỳ cuốn sách nào xung quanh chúng. Và để cho chúng không còn nơi nào để đọc những cuốn sách ấy nữa. 

Tôi đã rất may mắn khi có một thư viện địa phương tuyệt vời. Cha mẹ tôi cũng khá dễ tính khi tôi có thể thuyết phục họ đưa tôi đến thư viện khi họ đang trên đường đi làm. Thủ thư cũng không ngại tiếp một cậu bé không có người lớn đi kèm quay đến thư viện dành cho trẻ em vào mỗi buổi sáng, tự tìm kiếm danh mục sách, đọc những cuốn sách về ma quỷ hay phép thuật, sách về tên lửa, ma cà rồng, thám tử, phù thủy hoặc về những điều kỳ diệu. Và khi đọc xong thư viện thiếu nhi, tôi bắt đầu đọc sách người lớn. 

Họ là những thủ thư giỏi. Họ thích sách và họ thích những cuốn sách được đọc. Họ dạy tôi cách đặt mua sách từ các thư viện bằng hình thức mượn liên thư viện. Họ không hợm hĩnh về bất cứ điều gì tôi đọc. Họ dường như chỉ thích một cậu bé mắt to thích đọc, và sẽ nói chuyện với tôi về những cuốn sách tôi đang đọc, học sẽ tìm cho tôi những cuốn sách khác trong một bộ. Họ đối xử với tôi như một độc giả, không hơn không kém, điều đó chứng tỏ họ đối xử với tôi bằng sự tôn trọng. Tôi không quen với việc được đối xử như một đứa trẻ tám tuổi. 

Thư viện là Tự do. Tự do đọc, tự do tư tưởng, tự do giao tiếp. Thư viện là giáo dục (nhưng giáo dục ở đây không phải là quá trình chúng ta hoàn thành chương trình phổ thông hay đại học), là sự giải trí, là việc tạo ra không gian an toàn và là việc tiếp cận thông tin. 

Tôi lo rằng trong thế kỷ 21, mọi người hiểu sai thư viện là gì và mục đích của chúng. Nếu bạn coi thư viện là một kệ sách, nó có vẻ lỗi thời nhưng không phải tất cả sách in đều có bản kỹ thuật số. Nhưng điều cơ bản mà chúng ta đã bỏ lỡ.

 

Đó là bản chất của thông tin.

 

Thông tin có giá trị, và thông tin đúng có giá trị rất lớn. Trong toàn bộ lịch sử loài người, chúng ta đã sống trong thời kỳ khan hiếm thông tin, và việc có những thông tin cần thiết luôn quan trọng và luôn có giá trị: khi nào nên gieo trồng, tìm đồ ở đâu, bản đồ, lịch sử và những câu chuyện. Thông tin là một thứ có giá trị và những người muốn có nó có thể phải trả phí.

Trong vài năm gần đây, chúng ta đã chuyển từ nền kinh tế khan hiếm thông tin sang nền kinh tế thừa thông tin. Theo Eric Schmidt của Google, hiện nay cứ hai ngày loài người tạo ra lượng thông tin bằng với lượng thông tin mà chúng ta đã tạo ra từ buổi bình minh của nền văn minh cho đến năm 2003. Đó là khoảng 5 exobyte dữ liệu mỗi ngày. Khi này, thách thức không phải là tìm loại cây khan hiếm mọc trên sa mạc, mà là tìm một loại cây cụ thể trong rừng rậm. Chúng ta sẽ cần sự điều hướng thông tin để tìm thứ chúng ta thực sự cần. 

Thư viện là nơi mọi người tìm kiếm thông tin. Sách chỉ là phần nổi của tảng băng thông tin: chúng ở đó, và các thư viện có thể cung cấp sách cho bạn một cách tự do và hợp pháp. Nhiều trẻ em đang mượn sách từ thư viện hơn bao giờ hết – sách đủ loại: giấy, kỹ thuật số và âm thanh. Nhưng thư viện cũng là nơi mà mọi người, những người không có máy tính, không có kết nối internet, có thể truy cập trực tuyến mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào. Điều này cực kỳ quan trọng khi bạn tìm hiểu về công việc, xin việc hoặc tiếp cận với những lợi ích đang ngày càng trở nên độc quyền trực tuyến. Thủ thư có thể giúp những người này điều hướng thế giới đó. 

Tôi không tin rằng tất cả những cuốn sách sẽ hoặc nên được chuyển lên màn hình: như Douglas Adams đã từng chỉ ra cho tôi, hơn 20 năm trước khi kindle xuất hiện, một cuốn sách giấy giống như một con cá mập. Cá mập đã già, nó xuất hiện trong đại dương trước cả khủng long. Và lý do cá mập vẫn tồn tại đến ngày nay vì không có bất cứ thứ gì làm tốt vai trò của cá mập hơn là cá mập. Sách giấy cũng vậy, chúng khó bị phá hủy, cho bạn cảm giác dễ chịu khi cầm trên tay: chúng làm tốt vai trò của sách và sẽ luôn có chỗ cho chúng. Chúng thuộc về thư viện, giống như thư viện đã trở thành nơi bạn có thể đến để truy cập sách điện tử, sách nói, DVD và nội dung web.

Thư viện là nơi lưu trữ và cung cấp cho mọi công dân quyền truy cập bình đẳng vào thông tin. Đó là một không gian cộng đồng. Đó là một nơi an toàn, một thiên đường. Các thư viện trong tương lai sẽ như thế nào là điều mà chúng ta nên hình dung ngay từ bây giờ.

Trong thế giới của văn bản và email, việc đọc quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta cần đọc và viết, chúng ta cần những công dân toàn cầu có thể đọc một cách thoải mái, hiểu những gì họ đang đọc, và khiến bản thân họ được hiểu. 

Thư viện thực sự là cánh cổng dẫn đến tương lai. Vì vậy, thật không may khi các địa phương đóng cửa các thư viện một cách dễ dàng để tiết kiệm kinh phí mà không nhận ra rằng, theo đúng nghĩa đen, họ đang đánh cắp tương lai. Họ đang đóng loại những cánh cổng cần được mở ra. 

Theo một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Anh là “quốc gia duy nhất mà nhóm dân số tuổi cao nhất có trình độ đọc viết và tính toán cao hơn nhóm người trẻ nhất. 

Hay nói một cách khác, con cháu chúng ta ít đọc và kém tính toán hơn chúng ta. Chúng ít có khả năng điều hướng thế giới, hiểu thế giới để giải quyết vấn đề. Chúng dễ dàng bị lừa, ít có khả năng thay đổi thế giới xung quanh. Và tới tư cách là một quốc gia, Anh sẽ tụt hậu so với các quốc gia phát triển khác vì sự thiếu hụt lực lượng lao động lành nghề. Trong khi các chính trị gia đổ lỗi cho bên nọ bên kia thì sự thật là chúng ta cần dạy con mình đọc và yêu thích việc đọc. 

 

Chúng ta cần thư viện, cần sách và những công dân biết đọc. 

 

Tôi không quan tâm những cuốn sách là giấy hay sách số, hay bạn đang đọc trên giấy hay trên màn hình. Điều quan trọng là nội dung bạn đọc. 

Sách là cách mà chúng ta giao tiếp với những người đã không còn trên thế giới này. Cách chúng ta học những bài học từ những người đã mất, rằng nhân loại đã tự xây dựng, tiến bộ, làm cho kiến ​​thức ngày càng gia tăng chứ không phải thứ gì đó phải học đi học lại. Có những câu chuyện lâu đời hơn hầu hết các quốc gia, những câu chuyện tồn tại lâu hơn các nền văn hóa và các tòa nhà mà lần đầu tiên chúng được kể.

Tôi nghĩ chúng ta có trách nhiệm với tương lai. Trách nhiệm và nghĩa vụ đối với trẻ em, đối với những người lớn mà những đứa trẻ sẽ trở thành, đối với thế giới mà chúng sẽ sinh sống. Tất cả chúng ta – với tư cách độc giả, nhà văn, công dân: chúng ta có nghĩa vụ.

Tôi tin rằng chúng ta có nghĩa vụ phải đọc với niềm yêu thích, ở nơi riêng tư và nơi công cộng. Nếu chúng ta đọc với niềm yêu thích, thì chúng ta học và vận dụng trí tưởng tượng của mình. Khi đọc, chúng ta cho người khác thấy rằng đọc là một điều tốt.

Chúng ta có nghĩa vụ hỗ trợ các thư viện. Sử dụng thư viện, khuyến khích người khác sử dụng thư viện, phản đối đóng cửa thư viện. Nếu bạn không coi trọng thư viện thì bạn không coi trọng thông tin, văn hóa hay trí tuệ. Bạn đang bịt miệng tiếng nói của quá khứ và bạn đang hủy hoại tương lai.Bạn đang bịt miệng tiếng nói của quá khứ và bạn đang hủy hoại tương lai.

Chúng ta có nghĩa vụ phải đọc to cho con cái chúng ta nghe. Đọc cho chúng những điều chúng thích. Với những câu chuyện chúng ta đã quá quen thuộc, hãy đọc với giọng điệu thú vị. Và khi trẻ biết đọc rồi, cùng đừng dừng lại việc đọc cho chúng nghe. Hãy để thời gian đọc sách cho con trở thành khoảnh khắc để gắn kết, gạt hết những phiền nhiễu của thế giới sang một bên. 

Chúng ta có nghĩa vụ sử dụng ngôn ngữ. Tìm hiểu ý nghĩa của các từ và cách triển khai chúng, giao tiếp rõ ràng, nói những gì chúng ta muốn nói là cách thúc đẩy bản thân. Chúng ta không được đóng băng ngôn ngữ, hoặc coi ngôn ngữ là một thứ đã chết nên được tôn kính, mà chúng ta nên coi nó là một sinh vật đang sống, cho phép nó thay đổi theo thời gian. 

Chúng ta, những nhà văn, đặc biệt là những nhà văn viết cho thiếu nhi, đều có nghĩa vụ với độc giả của mình: phải viết những điều chân thực, nhất là khi sáng tác những câu chuyện về những người không tồn tại ở những nơi chưa từng tồn tại. Suy cho cùng, tiểu thuyết là lời nói dối nói lên sự thật. Chúng ta có nghĩa vụ không làm cho độc giả của mình buồn chán mà phải khiến cho họ tiếp tục lật những trang sách. Và trong khi chúng ta phải nói với độc giả những điều chân thực, trao cho họ vũ khí, áo giáp và truyền lại bất kỳ sự khôn ngoan nào mà chúng ta đã thu thập được sau thời gian ngắn ngủi ở thế giới xanh này, chúng ta có nghĩa vụ không rao giảng, không thuyết giáo, không áp đặt những tiêu chuẩn đạo đức. Và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta có nghĩa vụ không bao giờ viết bất cứ thứ gì cho trẻ em đọc mà bản thân chúng ta không muốn đọc. 

Chúng ta có nghĩa vụ phải hiểu và thừa nhận rằng với tư cách là nhà văn viết cho thiếu nhi, chúng ta đang làm một công việc quan trọng, bởi vì nếu chúng ta làm viết những cuốn sách buồn tẻ khiến trẻ em không muốn đọc sách thì chúng ta đã thu hẹp tương lai của chính chúng ta và cả tương lai của trẻ. 

Tất cả chúng ta – người lớn và trẻ em, nhà văn và độc giả – đều có nghĩa vụ mơ mộng. Chúng ta có nghĩa vụ phải tưởng tượng.

Thật dễ dàng để giả vờ rằng không ai có thể thay đổi bất cứ điều gì, rằng chúng ta đang ở trong một xã hội rất rộng lớn và cá nhân chẳng là gì cả: một nguyên tử trong bức tường, một hạt gạo trong một cánh đồng lúa. Nhưng sự thật là, các cá nhân thay đổi thế giới của họ hết lần này đến lần khác, các cá nhân tạo ra tương lai và họ làm điều đó bằng cách tưởng tượng rằng mọi thứ có thể khác đi.

Hãy tạm dừng một chút và nhìn quanh căn phòng bạn đang ở. Tôi sẽ chỉ ra một điều hiển nhiên đến mức bị lãng quên. Đó là: mọi thứ bạn có thể nhìn thấy, bao gồm cả những bức tường, tại một thời điểm nào đó đều là kết quả của trí tưởng tượng. Một chiếc ghế đã được phát minh vì một ai đó đã nghĩ rằng ngồi trên ghế sẽ dễ chịu hơn khi ngồi trên mặt đất. Chúng ta có thể nói chuyện với một người bạn ở London vì một ai đó đã tưởng tượng ra cách thức trò chuyện từ xa. Căn phòng này và những thứ trong đó, và những thứ khác trong tòa nhà này, thành phố này đều tồn tại vì hết lần này đến lần khác, con người tưởng tượng ra mọi thứ. Họ mơ mộng, tạo ra những thứ không thực sự hiệu quả, mô tả những thứ chưa tồn tại cho những người cười nhạo họ. Và rồi họ đã thành công. Các phong trào chính trị, phong trào cá nhân, tất cả đều bắt nguồn từ việc mọi người tưởng tượng ra một cách tồn tại khác. 

Chúng ta có nghĩa vụ làm cho mọi thứ trở nên đẹp đẽ. Đừng để thế giới trở nên xấu xí hơn những gì chúng ta từng thấy, đừng làm trống rỗng các đại dương, đừng để lại những vấn đề của chúng ta cho thế hệ sau. Chúng ta có nghĩa vụ tự dọn dẹp và không để lại cho con cháy một thế giới bị rối tung, thiếu sót và thiển cận. 

Chúng ta có nghĩa vụ nói với các chính trị gia của mình những gì chúng ta muốn, bỏ phiếu chống lại các chính trị gia thuộc bất kỳ đảng phái nào không hiểu tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc tạo nên những công dân tốt, hay những người không muốn hành động để bảo tồn và bảo vệ kiến ​​thức cũng như khuyến khích việc đọc. Đây không phải là vấn đề chính trị của các đảng phái. Đây là vấn đề của nhân loại.

Albert Einstein từng được hỏi làm thế nào để thế hệ sau trở nên thông minh hơn. Câu trả lời của ông vừa đơn giản, vừa khôn ngoan: “Nếu bạn muốn con mình thông minh, hãy đọc cho chúng nghe truyện cổ tích. Nếu bạn muốn chúng thông minh hơn, hãy đọc cho chúng nhiều truyện cổ tích hơn.”

Ông ấy hiểu giá trị của việc đọc và tưởng tượng. Tôi hy vọng chúng ta có thể mang đến cho con cái mình một thế giới mà chúng sẽ đọc, được đọc cho nghe, chúng tự do tưởng tượng và hiểu theo cách của chúng.

Cảm ơn vì đã lắng nghe!

- Bài giảng của Neil Gaiman cho Reading Agency.

- Theo: One man book club



Tags: