Nâu Nâu thị thành Xanh Xanh đồng quê - Đừng chờ đợi đủ lớn để hiểu nỗi đau của sự mất mát
Nâu Nâu thị thành Xanh Xanh đồng quê - Đừng chờ đợi đủ lớn để hiểu nỗi đau của sự mất mát
Liệu thực sự có tồn tại một thời điểm hoàn hảo để bắt đầu nói chuyện về nỗi đau mất đi người quan trọng trong đời hay không mà sao chúng ta vẫn chờ đợi mãi?
Tôi không biết lần đầu tiên mình cảm nhận được nỗi đau của sự mất mát là khi nào, nhưng tôi biết mình đã đối diện với nó từ khi còn rất bé. Những mảnh ký ức rời rạc từ thời thơ ấu khi ông bà nội của tôi qua đời, chú chó tôi yêu thương bỏ nhà ra đi, con búp bê tôi thích nhất lạc mất, món quà vặt tuổi thơ của tôi và lũ bạn giờ đã biến mất… thỉnh thoảng vẫn xuất hiện kèm theo một chút nhớ nhung, tiếc nuối và xót xa. 

Thời thơ bé, đúng là chúng ta vẫn còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau của sự mất mát những người hay những vật quan trọng, nhưng thực sự nó đã chạm mặt với ta từ khi ta mới tí tuổi đầu như vậy đấy. Trẻ con chắc chắn không có trải nghiệm hay vốn sống phong phú, đa dạng như người lớn, nhưng không phải vì vậy mà chúng ta mặc nhiên cho rằng trẻ con không biết hay không thể hiểu chút nào về nỗi đau khi mất đi thứ quan trọng. Cũng vì lẽ đó, tôi nghĩ rằng thứ chúng ta nên chờ đợi và tìm kiếm không phải là một thời điểm hoàn hảo nào đó trong tương lai để bắt đầu giải thích cho trẻ về sự mất mát, mà là một cách nào đó để trẻ tiếp cận với nó mà vẫn có thể chịu đựng được và không gục ngã. 

Không phải đề tài, mà chính cách chúng ta trò chuyện và truyền tải thông điệp mới là cốt lõi của việc bắt đầu nói về cái chết, sự mất mát đối với trẻ em.

Thật may mắn vì chúng ta có sách – những cuốn sách thay người lớn chúng ta trò chuyện với trẻ em về cái chết và an ủi trẻ em. Khi đọc xong 64 trang trong cuốn sách tranh “Nâu Nâu thị thành Xanh Xanh đồng quê” của bộ đôi nhà văn kiêm họa sỹ tài năng Mo Willems và Jon J Muth, tôi đã hy vọng các em nhỏ được đọc cuốn sách này càng sớm càng tốt. 

Cuốn sách kể về tình bạn chân thành và có phần kỳ lạ giữa hai con vật sống ở hai thế giới hoàn toàn khác nhau: một chú chó thành thị và một con ếch nông thôn (*). Sự khác biệt đã kéo cả hai đến với nhau. Con ếch chỉ cho chú chó tất cả những trò vui dân dã, mộc mạc của vùng thôn quê; ngược lại, chú chó cũng mang hết các thú vui thị thành ra bày cho con ếch. Vì sống ở hai nơi khác xa nhau, đôi bạn chỉ có thể gặp nhau vào những khúc giao mùa. Xuân sang, hạ đến, thu về, đông tới, mỗi khúc giao mùa mang đến cho ta một câu chuyện, một cảm xúc. Những bức vẽ màu nước tinh tế, sống động của Jon J Muth khiến từng câu chuyện, từng cảm xúc ấy trở nên sâu sắc và da diết hơn. 

Ở một trang đôi, Jon J Muth đã dùng hình vẽ tuyết trắng xóa trải dài và hình ảnh chú chó ngồi đơn độc ở một góc nhỏ chờ đợi người bạn của mình để nói về cái chết với trẻ em. Còn Mo Willems – cũng trên trang đôi đó, sử dụng sự lặng thinh để “nói” với trẻ con về nỗi đau của sự mất mát. Cái chết diễn ra trên trang đôi ấy có hình hài trắng tinh như tuyết, có nỗi nhớ bất tận, có nỗi đau không lời, và cũng có rất nhiều những khoảng trống để cho trẻ em cảm nhận về nó bằng trái tim và suy nghĩ của các em. 

Cũng như tác phẩm thiếu nhi kinh điển “Charlotte và Wilbur” của nhà văn E.B. White, “Nâu Nâu thị thành Xanh Xanh đồng quê” nhắc chúng ta nhớ rằng ngay cả khi sự mất mát và nỗi đau thương diễn ra, vòng đời vẫn cứ tiếp tục, mùa đông sẽ qua đi rồi một mùa xuân mới sẽ đến. Tình yêu, hạnh phúc và sự ươm mầm nảy nở của vạn vật - ở đây là một tình bạn mới – cũng sẽ đến một cách tất yếu, giống như cái chết vậy.

Tuy nhiên có thể nhiều độc giả sẽ khá hụt hẫng khi mà nhân vật chính vượt qua nỗi đau mất mát khá nhanh, chỉ sau một khúc giao mùa. Nhưng “một mùa nữa trôi qua” trong câu chuyện chỉ là ước lệ cho khoảng thời gian mà chúng ta có thể lại một lần nữa mở lòng và đón nhận những tình yêu mới. “Một mùa nữa” có thể là một năm với người này, có thể là chục năm với người khác, và cũng có thể là đến cuối cuộc đời đối với một ai đó. Điều quan trọng ở đây là niềm tin, là cơ hội thứ hai mà câu chuyện đặt vào nơi độc giả và cho họ được lựa chọn:

Một niềm tin rằng những độc giả của nó hoàn toàn có thể chịu đựng được nỗi đau của sự mất mát và họ vẫn sẽ tiếp tục được hạnh phúc.

 

Trang đôi trải dài duy nhất trong cuốn sách lột tả sự mất mát. Ảnh: Amanda J. Lepper

Tựa gốc của cuốn sách là “City Dog, Country Frog” nhưng ở bản tiếng Việt do Crabit Kidbooks, nó đã được chuyển ngữ thú vị và đậm chất Việt hơn là “Nâu Nâu thị thành, Xanh Xanh đồng quê”.

 

 

(*) Tuổi thọ của một chú chó Labrador là 10-12 năm; của ếch Mỹ khoảng 7-9 năm. Đây là 2 loài được lấy làm hình mẫu cho nhân vật trong sách. Khi viết câu chuyện này, Mo Willems đã phải suy nghĩ về sự chênh lệch tuổi đời của 2 nhân vật và cách nó tác động đến toàn bộ mạch chuyện.

Về tác giả của cuốn sách

Mo Willems là nhà văn kiêm họa sỹ người Mỹ từng giành tất cả sáu giải Emmy và ba giải Caldecott Honor cho các sáng tác của mình. 

Jon J Muth cũng là nhà văn kiêm họa sỹ người Mỹ đã từng nhận giải Caldecott Honor và Caroline Kennedy cho các tác phẩm của mình.

Theo Crabit Book

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

 
 
 
Tags: