Nam Cao với vấn đề thanh lọc tâm hồn và hoàn thiện nhân cách con người
Nam Cao với vấn đề thanh lọc tâm hồn và hoàn thiện nhân cách con người
Đã có không ít bình luận về đời và văn Nam Cao, rộ lên từ khoảng năm 1960 trở đi. Nhiều hội thảo lớn về Nam Cao đã diễn ra, sau đó lại có công trình "Nghĩ tiếp về Nam Cao". Một nhà văn lớn có bao giờ được coi là nghĩ hết?

Vốn là một người yếu đuối (cả người và tâm tính), sợ thay đổi, sợ cái gì khỏe quá, nhưng chống những cái sợ đó, bao giờ Nam Cao cũng tìm cách tạo cho mình một tính nết ngư- ợc lại, một thói quen mới.

- Tô Hoài

Trước Cách mạng, Nam Cao với chủ nghĩa hiện thực cách mạng mang tính nhân văn sâu sắc, đã đề cập đến số phận con người, thậm chí kiếp người trong khổ đau, đè nén, kìm hãm, đày đọa cùng cực vào thời nô lệ.

Chân dung cố nhà văn Nam Cao

Bao bi kịch, thảm cảnh đã diễn ra được trình bày trên các trang văn. Đó là bi kịch sống mòn mỏi, quẩn quanh, thiểu não, tàn lụi  của lớp tri thức nghèo thành thị. Đó là cuộc sống mù xám đã bị lên án đến mức mốc lên, rỉ đi, mòn ra, mục ra, là sống mòn cũng là chết mòn, chẳng khác nào đã chết khi còn đang sống (Sống mòn). Rồi bi kịch của kẻ cố cùng, tha hóa bị giày xéo tột độ đã dẫn đến thảm kịch tự kết liễu đời mình cùng với manh động giết kẻ thù cường hào, ác bá.

Tuy nhiên, qua những hoàn cảnh bi thảm đó ngoài tiếng nói phê phán, lên án, tố cáo còn có thông điệp triết lý sâu xa của nhà văn về trạng thái tâm hồn và vấn đề cải tạo bản thân để vượt thoát khỏi bi kịch tinh thần, tư tưởng của con người.

*

Chủ đề của Sống mòn đề cập đến cách sống. Qua tác phẩm là một cuộc sống bế tắc, quẩn quanh, tù túng, ngưng đọng đến  mốc meo, mòn rỉ và mục rữa như đang tự hủy hoại. Đó là cuộc sống không ra sống, sống như chết – chết ngay trong lúc sống, chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống.

Cuộc sống ấy đã tố cáo chính quan niệm sống của những con người mòn mỏi, thiểu não, vừa đáng thương vừa đáng giận.

Thứ thể hiện rất rõ một tâm trạng đầy dằn vặt, lo lắng, tủi hổ, chua chát về phận nghèo. Qua đó là những tính toán nhỏ nhen, vụn vặt, tầm thường của con người “còm nhom, sẻn so. Cuộc sống dồn ép nhà trường đóng cửa. Thứ lại ở trên con tàu về một xó nhà quê với bao tủi  cực, anh sẽ chết mà chưa sống, sống, sống, ngước mắt lên, hít thở tự do…

Nguồn ảnh: Review Sách

Tóm lại, Thứ có khát vọng sống chính đáng, sống lương thiện bằng sức lực của mình, có thoáng ý thức vượt thoát hoàn cảnh sống rất tù túng, nhưng bất lực, buông trôi không dám vì không đủ sức đổi thay hoàn cảnh. 

Y nhu nhược, hèn yếu quá! Y không bao giờ cưỡng lại, không bao giờ nhảy xuống sông, xuống bể, không bao giờ chĩa súng lục vào người bẻ lái và ra lệnh hãm máy, quay mũi lại. Y để mặc cho con tàu mang đi.

Đó chính là thực trạng của bi kịch tự nhận thức, xuất phát từ cảm hứng nhân đạo của Nam Cao.

Nhân vật tự ý thức được về mình, về hoàn cảnh và giá trị thực của bản thân. Tự ý thức là trình độ cao của ý thức để tự đào sâu, mổ xẻ nội tâm, để tự cải tạo. Con người dám nhìn thẳng vào tâm hồn, vào lương tâm mình và tiến hành đấu tranh với những yếu kém, bất cập, phát huy trách nhiệm sống và ước vọng sống.

Nhân vật của Nam Cao từng có những khát vọng cao đẹp của cuộc sống đời người: 

Mỗi người sống phải làm thế nào cho phát triển tận độ những khả năng của loài người chứa đựng trong mình. Phải gom góp sức lực của mình vào những công việc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi phải để lại một chút gì đó cho nhân loại.

Qua tác phẩm, Nam Cao thể hiện một quan niệm chính đáng. Nhà văn không hoàn toàn đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan của xã hội, mặc dù đó là một áp lực tàn nhẫn ghê gớm.

Còn có vấn đề trách nhiệm cá nhân. Trước hết, đó là trách nhiệm về bản thân mình, hoàn cảnh riêng của cá nhân. Nếu có đầy đủ ý thức sẽ tạo được sức mạnh vượt thoát. Sức mạnh ấy chính là ở tâm hồn con người, ở sự thức tỉnh, sự bừng ngộ bản thân. Nhà văn kêu gọi một quan niệm sống chính đáng, một ý thức đầy trách nhiệm trong mối quan hệ mật thiết với sự phát triển chung của xã hội loài người. Đó là tinh thần nhân văn mới mẻ và sâu sắc của Nam Cao.

*

Thế giới tâm hồn dưới ngòi bút hiện thực tâm lý Nam Cao là cực kỳ phong phú và phức tạp.

Nhân vật Chí Phèo mang tính cách đặc biệt: tính cách lưỡng hóa. Tính cách này có rất nhiều dao động. Sự vận động tính cách của Chí Phèo rất phức tạp, là sự vận động đa tuyến, dao động trên nhiều phương diện: đạo đức (thiện – ác), tình cảm (yêu – ghét), nhận thức (ý thức – vô thức) và triền miên trong  trạng thái sinh lý tỉnh – say, say – tỉnh. Từ lương thiện, Chí trở thành con quỷ dữ  của làng Vũ Đại.

Tạo hình Chí Phèo và Thị Nở trong bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy"

Tuy nhiên, hắn đã nhiều lần thể hiện khát vọng hướng thiện. Khát vọng ấy trồi lên, tụt xuống. Cuối cùng là sự phá sản của nhân phẩm. Chí trở nên bất lực trước hành động để thực hiện mơ ước hướng thiện của mình.

Chí Phèo hướng thiện còn nằm ở tiềm năng, ở phần mơ ước. Tuy nhiên, cần xác định là đã có sự đấu tranh qua các mặt đối lập trong con người hắn. Chí đã có những thời khắc thức tỉnh, đã có những phút giây “lột xác”. Hắn đã sống buông thả, không tự chủ cho đến cuối đời với kết cục bi thảm. Cái chết đến với hắn là sự cô đơn tuyệt đối “Ai cho tao lương thiện?”.

Chí chưa là một nhân cách tự chủ. Và không có  một nhân cách tự chủ thì không thể sống mà làm người lương thiện được.

Nguyễn Minh Châu, khi nhận xét về Chí, đã xác định được một vấn đề hết sức quan trọng mà Nam Cao một đời đau đáu  nghĩ suy – nhân cách con người. Con người trở nên tốt, hay xấu là do ý chí, sức mạnh tâm hồn, đó là sự thật không thể chối cãi. Cũng theo Nguyễn Minh Châu, một phẩm chất cao đẹp về tư cách nghệ sĩ của nhà văn Nam Cao là thái độ tự trọng cao độ, nghiêm khắc đến mức riết róng đối với chính mình về việc giữ gìn nhân cách. Từ đó, nhà văn kêu gọi mọi người cần biết giữ vững nhân cách.

***

Nam Cao phát hiện ra cái sức lực bản thân. Quan trọng nhất,  đó là cái nội lực tâm trí của mỗi người. Thêm vào đó là sự động viên của các đồng chí, đồng bào: 

Tôi xấu hổ cho tâm hồn ủy mị của tôi. Các anh hãy dạy tôi biết hy sinh, biết chiến đấu – chiến đấu lặng lẽ, chiến đấu không nghĩ gì đến cái tên mình nữa. Các anh hãy rọi vào lòng tôi ánh nắng rực rỡ trong đôi mắt và cõi lòng của các anh. Lòng tôi vẫn còn u ám lắm. Những đám mây đen xưa cũ vẫn còn lởn vởn. Các anh hãy quét sạch nó hộ tôi. Quét sạch! Để cho tâm hồn quang quẻ và mới hẳn.

Nam Cao đề xuất vấn đề đầy ý nghĩa sâu xa: sự thanh lọc tâm hồn.

Dấn thân thực sự vào đời sống, vào nhân dân, vào hiện thực cách mạng và kháng chiến, Nam Cao đồng thời tiến hành cuộc tự cải tạo, từ bỏ những thói tật cũ xấu xa, và bồi đắp những ý thức, tư tưởng mới cách mạng. Nói cách khác, nhà văn tiến hành cuộc tẩy rửa, thanh lọc tâm hồn để trở thành con người mới của xã hội tự do, dân chủ. Nhà văn làm nên mình để làm nên văn. Chuyển biến tư tưởng sẽ tạo nên chuyển biến của ngòi bút.

*

Nam Cao đã có dự cảm về thời thế thay đổi và nhà văn muốn có sự thay đổi trong con người ngay từ bây giờ. Thực ra, tham vọng của nhà văn lớn lao lắm. Nam Cao có tham vọng lọc máu con người giai cấp và cả con người dân tộc.

Cách mạng tháng Tám là cuộc rung chuyển long trời lở đất, đã làm thay đổi tất cả. Nó đã đổi đời, đổi phận cho con người và cũng đã góp phần rất quan trọng đổi nhân cách cho con người: Những kẻ quê mùa đã thành trí thức/ Tăm tối cần lao nay hóa anh hùng (Người đi tìm Hình của Nước, Chế Lan Viên).

Vậy là, cách mạng đem lại tư thế mới cho con người tự do, nhưng việc cải tạo con người xã hội cũ  để trở thành con người thực sự tự do là cả một lộ trình phấn đấu đầy gian khổ, cực nhọc, nhiều khi rất quyết liệt nữa. Những di hại tư tưởng chẳng những cản trở tiến bộ cá nhân, mà có khi lại có tác hại lớn  đến cả  tiến bộ xã hội.Tư tưởng tiểu nông, làm ăn manh mún không có tầm nhìn xa, tính cố hữu bảo thủ, trì trệ, rồi tinh thần dao động thiếu kiên trì, tư duy có nét  lãng mạn đến  mức duy ý chí,  ảo tưởng …đã là những hiện thực xót xa của đời sống cá nhân và hoạt động xã hội một thời để lại những bài học sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới ngày nay.

*

Trong xã hội mới, nói như nhà văn Nguyễn Tuân, con người cũ phải tiến hành lột xác mới mong biến hóa thành con người mới. Vấn đề thanh lọc tâm hồn luôn được đặt ra thường xuyên, và rất cần thiết để luôn giữ gìn, bồi bổ được tâm hồn trong trắng, thuần khiết, thanh cao, có đủ tâm và đủ sức cống hiến cho sự nghiệp chung.

Nam Cao là một lương tâm lớn, một nhân cách cao đẹp. Nhà văn đã có tầm nhìn xa vượt thời gian với mối quan tâm hàng đầu trong sống và viết là hoàn thiện nhân cách con người, bằng chủ nghĩa nhân đạo cách mạng cao cả. Những vấn đề đã đề xuất, từ lâu vẫn còn mới mẻ, hiện đại, rất gần gũi với chúng ta hôm nay.

Trên ý nghĩa ấy, Nam Cao như vẫn đồng hành với chúng ta trên trận chiến của cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa đầy gian khó nhứng hết sức vinh quang ngày nay.

Đoàn Trọng Huy / Phê Bình Văn Học

 

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bỏ Mèo - Kỷ niệm về cha

Nhân loại, một lịch sử đầy hy vọng

Những lời bộc bạch của Khỉ Shinagawa