Mỗi khi bắt đầu điều gì đó, sẽ luôn có một câu nói thường trực xuất hiện trong đầu ta: Mình có nên tiếp tục nữa không?
Từ bỏ vốn không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng học cách buông bỏ như thế nào cho đúng lại càng là một bài toán khó nhằn hơn.
Để dễ hình dung, tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện có thực.
Vào mùa hè năm 1973, ở Long Island có hai cậu nam sinh trung học, cùng gặp nhau ở phòng tập thể hình và trở thành bạn thân. Qua nhiều năm, tình bạn của họ càng thêm khăng khít cho đến khi cả hai cùng tốt nghiệp cao trung. Đó là lúc, họ bước trên những con đường riêng để đến với cánh cổng trường đại học.
Ben Cohen nhanh chóng nhập học tại trường Đại học Colgate và kiếm thêm thu nhập bằng cách làm việc bán thời gian cho một chiếc xe bán kem vào mùa hè sau đó. Khi lên đến năm hai, anh bỏ học và chuyển về quê nhà Long Island, sống bằng những công việc chân tay trong khi tham gia vài khóa đào tạo về trang sức và đồ gốm sứ. Chỉ trong vài năm, Ben đã kinh qua đủ thứ nghề nghiệp: từ nhân viên thu ngân, người giao hàng, lái xe taxi, nhân viên siêu thị đến lao công, bảo vệ.
Trong khi đó, người bạn của anh - Jerry Greenfield lại là một chàng sinh viên cần mẫn. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Jerry theo học một khóa dự bị y khoa ở trường cao đẳng Oberlin. Anh cũng từng làm một nhân viên bán kem ở căng-tin trường để trang trải cuộc sống.
Kết thúc khóa học, Jerry ghi danh vào một trường đại học Y nhưng bị từ chối tới hai lần. Anh chuyển tới sống ở New York cùng Ben tại một căn hộ chung cư, làm một kỹ thuật viên tại phòng thí nghiệm trong thành phố. Trong lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng nộp đơn, may mắn tiếp tục không mỉm cười với anh.
Chán nản vì bị từ chối, anh dọn về sống tại North Carolina trong vài năm, để rồi sau đó lại trở lại New York với Ben. Trải qua bao lần thất bại, giờ đây họ quyết định sẽ cùng nhau làm một điều gì đó khác.
Cả hai người đều ấp ủ trong lòng về việc mở một mô hình kinh doanh từ lâu. Vậy nên họ đã quyết định lựa chọn một thứ mà cả hai người cùng hiểu rõ: kem. Sau khi tự học một khóa làm kem tại nhà trị giá 5 USD (học phí chia nhau), cùng với 12.000 USD tiền đầu tư, họ mở cửa hàng đầu tiên của mình tại Vermont. Và giờ đây, Ben & Jerry đã trở thành thương hiệu kem nổi tiếng với hệ thống cửa hàng trải khắp toàn cầu.
Ben & Jerry đã gặt hái được thành công rực rỡ. Nhưng tại sao họ lại theo đuổi con đường bất ngờ đó? Tại sao họ biết mô hình bán kem sẽ là sự lựa chọn đúng đắn, dù rõ ràng không ai trong số họ được đào tạo bài bản về kinh doanh?
Câu trả lời đơn giản thôi: Vì họ đã học được cách buông bỏ, từ rất nhiều lần trước đó.
Hẳn bạn sẽ bĩu môi trước câu nói này: Cứ như thể trong thâm tâm Ben và Jerry vốn biết mình nên từ bỏ hay tiếp tục ở mỗi giai đoạn trong đời vậy. Nói thì dễ, nhưng làm thì không đơn giản chút nào.
Khởi nghiệp với những kinh nghiệm tự học và chút vốn đầu tư không phải là điều khó khăn. Nhưng biết mình nên tập trung những gì và từ bỏ những gì thì không như vậy. Khi bắt đầu với dự án làm kem, cả Ben và Jerry đều có những lựa chọn khác trong đời họ. Nhưng họ đã nói “Không” với những cơ hội đó.
Liệu có ánh sáng nơi cuối đường hầm?
Nếu mọi thứ chẳng hề tiến triển bất chấp việc bạn đã cố gắng vượt qua rất nhiều trở ngại, đó là lúc bạn nên từ bỏ. Bạn cứ vướng mãi vào tranh luận hay bất đồng với một người, hoặc luôn bị lờ đi trong những lần đề bạt thăng chức. Bỏ đi! Đừng cay cú về những điều đó, bởi chúng không còn đáng để bạn bận tâm nữa.
Một chi tiết khá thú vị trong câu chuyện thành công của Ben & Jerry là việc Ben Cohen bị bệnh mất vị giác. Anh không thể phân biệt được các vị kem, cũng như không ngửi được mùi của chúng. Ben bèn nảy ra sáng kiến cho những mẩu bánh quy hay sôcôla vào kem, giúp anh cảm nhận được kết cấu của món ăn dễ dàng hơn, bù đắp cho những khiếm khuyết của mình. Và những vụn bánh đó, nay đã trở thành một dấu ấn đặc trưng làm nên thương hiệu kem Ben & Jerry.
Rõ ràng việc làm chủ một doanh nghiệp đồ ăn trong khi chính bạn lại bị mất vị giác có vẻ quá sức vô lý. Nhưng Ben đã rất khôn ngoan khi biến những điểm trừ trở thành lợi thế. Câu chuyện của Ben là một ví dụ điển hình cho việc chúng ta nên phân biệt rõ liệu đâu là những khó khăn tạm thời, và đâu là một trở ngại không thể vượt qua.
Một khó khăn tạm thời sẽ luôn xảy đến khi bạn phải đối mặt với những hoàn cảnh bất lợi, nhưng luôn có ít nhất một cách giải quyết để giúp bạn đạt được mục đích của mình. Các chướng ngại - dù ít hay nhiều - đều nằm dưới tầm kiểm soát của bạn và có thể khắc phục được. Như Ben Cohen, bất chấp những khiếm khuyết của mình, ông luôn tự tin vì bên cạnh mình là một người đồng sự sở hữu vị giác ổn định.
Còn trở ngại không thể vượt qua thì khác. Bạn gần như không có xác suất tiến triển trong công việc. Qua thời gian, tuổi tác và sức khỏe sẽ là hai điều kiện lớn ngăn trở bạn phát triển. Vậy nên ra đi để tìm một cơ hội mới phù hợp hơn là một lựa chọn đúng đắn, như câu chuyện của Jerry. Bị từ chối khỏi trường tới ba lần, không ai biết rằng liệu Jerry có cơ hội nào để tiếp tục sự nghiệp Y khoa nếu cứ cần mẫn nộp đơn sau đó. Nhưng ông đã dừng lại, vì xét cho cùng, thời gian chẳng bao giờ chờ đợi ai bao giờ.
Khi sự hy sinh trở nên đau đớn
Làm sao để phân biệt được rằng sự đau đớn và mệt mỏi đến từ điều gì: vì đó là điều bạn không thích, hay vì bạn đã cố gắng quá nhiều vì nó? Tác giả nổi tiếng Margaret Atwood đã phải khổ sở với chứng đau dây thần kinh cột sống, chỉ vì dành quá nhiều thời gian bên bàn viết. Nhưng những thành quả mà Atwood nhận được, có lẽ lớn hơn rất nhiều so với những gì bà đã phải hy sinh. Bà thấy được ý nghĩa của việc viết lách, bất chấp những cơn đau và sự khó chịu. Viết văn đã trở thành sứ mệnh của bà, và không điều gì có thể thay đổi được điều đó.
Còn bạn, nếu bạn đang đứng phân vân giữa đôi dòng nước, hãy thử cân nhắc giá trị của việc tiếp tục. Nó có đáng so với những khó khăn mà bạn đang trải qua không? Suy nghĩ kiểu “tư bản” có lẽ khá phù hợp vào những lúc như thế này. Bạn nên đong đếm những chi phí cơ hội và coi quyết định ở lại hay rời đi như một cuộc mua bán trao đổi, không hơn.
Có nhiều người hay “tiếc” khi phải từ bỏ một điều gì đó. Tiếc thời gian, tiền bạc, công sức mà họ đã đầu tư vào lựa chọn của mình, để rồi khi mọi việc không như ý, họ không thể dứt áo ra đi. Đó là lý do mà chúng ta nên thử nghiệm ý tưởng của mình trong một khoảng thời gian ngắn, trước khi đầu tư công sức dài hơi vào nó. Trong trường hợp của Ben & Jerry, họ từng cân nhắc việc mở một cửa hàng bánh mì, nhưng sau khi biết rằng các thiết bị và nguyên liệu cần thiết quá đắt đỏ với số vốn đang có, họ đã lập tức thay đổi ý định.
Sự trì trệ mang tên “Thói quen”
Nhưng với những lựa chọn quan trọng hơn trong đời, lối tư duy kiểu này có thể giết chết bạn. Đó là khi bạn cứ mãi gắn bó với một công việc không có triển vọng, hoặc theo đuổi một ý tưởng chẳng có chút tiềm năng nào. Đó không phải là đam mê. Chỉ đơn giản là bạn quá lười biếng với những lựa chọn của mình.
Nếu bạn cảm thấy mình đang vướng phải khó khăn trên, hãy thử bước ra khỏi vòng an toàn và trải nghiệm một điều gì đó để mở mang tầm mắt của mình. Giống như cách mà Ben và Jerry hợp tác với nhau - tại một nơi hoàn toàn xa lạ - để can đảm theo đuổi ý tưởng táo bạo của mình.
Đánh mất chính bản thân mình
Nhưng khi kết hợp cùng nhau, họ đã suy nghĩ nghiêm túc về những gì mình thực sự yêu thích. Đối với Ben và Jerry, ước muốn thầm kín của họ bấy lâu là được kinh doanh. Nhìn lại quá khứ, họ nhận ra mình muốn hợp tác với đối phương để cùng nhau chia sẻ tình yêu với thứ họ thích nhất: đồ ăn. Hãng kem Ben & Jerry chính là hiện thân sống động nhất của hai người bọn họ, và đó chính là mấu chốt để họ biến nó trở nên thành công như ngày hôm nay.
Có nhiều lý do chi phối để bạn quyết định làm một điều gì đó. Đôi khi nó là áp lực của xã hội, cũng có thể là để thỏa mãn kỳ vọng của những người mà bạn yêu thương. Jerry cũng vậy. Ông lựa chọn ngành y vì mong muốn được tiếp nối truyền thống của gia đình, thay vì sở thích của chính bản thân.
Đã đến lúc để bạn - chính bạn - tin vào những giá trị mà mình thực sự yêu mến và theo đuổi. Sẽ có không chỉ một, và có thể bạn sẽ phải cân nhắc về độ ảnh hưởng của những phương châm đó. Nhưng một khi đã tìm ra chúng, bạn sẽ không còn phải phiền muộn trước sự lựa chọn của mình.
Tạm kết
Theo Medium
Vân Anh (biên dịch)