Thói quen hàng ngày của 20 nhà văn nổi tiếng (và cách bạn có thể sử dụng chúng để thành công)
Thói quen hàng ngày của 20 nhà văn nổi tiếng (và cách bạn có thể sử dụng chúng để thành công)

Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá thói quen hàng ngày của một số nhà văn nổi tiếng, và bạn có thể học được cách phát triển và sử dụng những thói quen này trong cuộc sống của mình để tiến bộ, đạt được những gì bạn đã đặt ra. 

 

1/ Stephen King: “Tôi cố gắng viết sáu trang mỗi ngày”

 

Nhà văn kinh dị bán chạy nhất Stephen King đã viết hơn 50 cuốn tiểu thuyết và bán được hơn 350 triệu bản trong sự nghiệp kéo dài hơn 40 năm.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tác giả Game Of Thrones, George R.R. Martin, Martin đã hỏi Stephen King làm thế nào mà ông có thể viết nhanh và hoàn thành được nhiều tác phẩm như vậy. 

Và câu trả lời của Stephen King là: “Tôi cố gắng hoàn thiện tác phẩm và tôi cố gắng hoàn thành sáu trang mỗi ngày. Tôi làm việc khoảng ba hay bốn giờ hàng ngày và cố gắng viết sáu trang đó, viết chúng rõ ràng nhất có thể. Vì vậy, nếu bản thảo dài 360 trang thì tôi có thể hoàn thành trong hai tháng. Nhưng đó là giả sử mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp.”

Nếu bạn thắc mắc thói quen buổi sáng của Stephen King là gì, thì: “Mỗi ngày, khoảng 8 giờ đến 8 rưỡi sáng, tôi uống một cốc nước hoặc một tách trà, uống vài viên vitamin, bật nhạc, và ngồi cùng một chỗ làm việc với giấy tờ được sắp xếp ở cùng một vị trí…”

 

 

2/ Haruki Murakami: “Sự lặp lại bản thân nó đã là điều quan trọng.”

 

Trong một cuộc phỏng vấn tạp chí Paris năm 2004, Haruki Murakami đã tiết lộ thói quen hàng ngày và thói quen để thành công của mình.

“Khi đang viết tiểu thuyết, tôi thức lúc 4 giờ sáng và làm việc từ 5 đến 6 tiếng. Vào buổi chiều, tôi chạy mười cây số hoặc bơi khoảng một cây rưỡi (hoặc cả hai), sau đó tôi đọc sách một chút và nghe nhạc. Tôi đi ngủ lúc chín giờ tối.

Tôi giữ thói quen này hàng ngày mà không thay đổi. Bản thân sự lặp lại đã trở thành điều quan trọng; đó là một hình thức thôi miên. Tôi mê hoặc bản thân để đạt đến trạng thái tâm trí sâu hơn. 

Nhưng để duy trì sự lặp lại như vậy trong thời gian dài - sáu tháng đến một năm - đòi hỏi phải có sức mạnh thể chất và tinh thần tốt. Theo nghĩa đó, viết một cuốn tiểu thuyết dài cũng giống như việc rèn luyện cơ thể. Sức mạnh thể chất cũng cần thiết như sự nhạy cảm về nghệ thuật.”

 

 

3/ Susan Sontag: “Tôi sẽ bảo mọi người không gọi vào buổi sáng.”

 

Trong nhật ký năm 1977 của mình, Susan Sontag, nhà tiểu luận phê bình, tiểu thuyết gia và nhà văn của cuốn “Bàn về nhiếp ảnh”, tiết lộ những quyết tâm đã giúp cô duy trì thói quen viết lách hàng ngày.

“Bắt đầu từ ngày mai - nếu không phải hôm nay:

- Mình sẽ thức dậy mỗi sáng trước 8 giờ. (Có thể phá vỡ quy tắc này mỗi tuần một lần.)

- Mình sẽ chỉ ăn trưa với Roger Straus. ('Không, mình không ra ngoài ăn trưa.' Có thể phá vỡ quy tắc này hai tuần một lần.)

- Mình sẽ viết vào sổ ghi chép mỗi ngày. (Mẫu sổ: Lichtenberg’s Waste Books.)

- Mình sẽ bảo mọi người không gọi vào buổi sáng, hoặc mình không trả lời điện thoại.

- Mình sẽ cố gắng giới hạn việc đọc vào buổi tối. (Mình đọc quá nhiều - vì nó như một lối thoát khỏi việc viết.)

- Mình sẽ trả lời thư mỗi tuần một lần. (Thứ sáu? - Dù sao thì mình cũng phải đến bệnh viện.)”

 

 

4/ WH Auden: “Thói quen, ở người thông minh, là dấu hiệu của tham vọng”

 

Người đoạt giải Pulitzer năm 1948, WH Auden được nhiều người coi là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất thế kỷ 20, tiết lộ chiến lược của ông để có những thói quen tốt hơn, giải phóng óc sáng tạo. 

Auden viết vào năm 1958: “Thói quen thường ngày ở một người đàn ông thông minh là dấu hiệu của tham vọng”. Nếu điều đó đúng thì bản thân Auden là một trong những người đàn ông tham vọng nhất trong thế hệ của ông. Nhà thơ bị ám ảnh bởi việc đúng giờ và sống theo một thời gian biểu chính xác trong suốt cuộc đời mình.

Một vị khách của Auden từng nói: “Anh ấy kiểm tra đồng hồ nhiều lần. Ăn, uống, viết, mua sắm, giải ô chữ, thậm chí cả việc nhận thư - tất cả đều được tính giờ đến từng phút và có các thói quen đi kèm.”

Auden tin rằng một cuộc sống chính xác như quân luật là điều cần thiết cho sự sáng tạo của ông, là một cách để thuần hóa nàng thơ theo lịch trình của riêng ông. Ông nhận xét: “Một người khắc kỷ hiện đại biết rằng cách chắc chắn nhất để kỷ luật niềm đam mê là kỷ luật thời gian: quyết định điều bạn muốn hoặc phải làm trong ngày, sau đó luôn thực hiện việc đó vào cùng một thời điểm mỗi ngày, và niềm đam mê sẽ không tạo ra rắc rối.”

Auden thức dậy ngay sau 6 giờ sáng, pha cà phê và nhanh chóng bắt tay vào làm việc, sau khi đã giải trò chơi ô chữ đầu tiên. Trí óc của ông nhạy bén nhất từ ​​​​7 giờ đến 11 giờ 30 sáng và ông hiếm khi phá vỡ khoảng thời gian này. (Ông không thích những người ‘cú đêm’: “Chỉ có ‘Hitler của thế giới’ mới làm việc vào ban đêm; không có nghệ sĩ trung thực nào lại làm thế cả.) Auden thường tiếp tục công việc của mình sau bữa trưa và tiếp tục đến chiều muộn. Đúng 6:30 tối, ông uống một ly cocktail cùng một vài vị khách. Sau đó bữa tối được phục vụ với rất nhiều rượu vang, tiếp theo là nhâm nhi rượu vang và trò chuyện. Auden đi ngủ sớm, không bao giờ muộn hơn 11 giờ đêm, và khi ông ấy lớn tuổi hơn, giờ đi ngủ là 9:30 đêm).

 

 

5/ E.B. White: “Một nhà văn cứ chờ đợi những điều kiện lý tưởng để làm việc thì sẽ chết mà không viết được chữ nào trên giấy.”

 

Trong một cuộc phỏng vấn ở Paris năm 1969, E.B. White, tác giả nổi tiếng của một trong những cuốn sách thiếu nhi hay nhất mọi thời đại - “Charlotte và Wilbur”, chia sẻ các chiến lược đối phó với sự xao lãng và duy trì thói quen viết hàng ngày của mình.

“Tôi không bao giờ nghe nhạc khi làm việc. Tôi không có kiểu quan tâm như vậy và tôi không thích điều đó chút nào. Mặt khác, tôi có thể giải quyết khá tốt những phiền nhiễu thông thường. Nhà tôi có một phòng khách là nơi diễn ra mọi hoạt động: đó là lối đi dẫn xuống hầm, vào bếp, tới tủ điện thoại. Có nhiều lối đi. Nhưng đó là một căn phòng sáng sủa, vui tươi và  tôi thường dùng nó làm phòng để viết lách, bất chấp lễ hội đang diễn ra xung quanh tôi.

Kết quả là, các thành viên trong gia đình không bao giờ để ý đến việc tôi là một người viết lách - họ gây ra tiếng động và ồn ào như bình thường. Nếu tôi gặp vấn đề về việc đó, tôi có nhiều nơi khác để đi. Một nhà văn cứ chờ đợi những điều kiện lý tưởng để làm việc thì sẽ chết mà không viết được chữ nào trên giấy.”

 

 

6/ Ernest Hemingway: “Tôi viết mỗi buổi sáng.”

 

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1954, Ernest Hemingway, người đoạt giải Nobel Văn học và là tiểu thuyết gia, nổi tiếng với những tác phẩm vĩ đại bao gồm “Giã từ vũ khí” “Ông già và biển cả”, đã chia sẻ về thói quen thực sự hàng ngày của mình.

“Khi tôi đang viết một cuốn sách hoặc một câu chuyện, tôi viết vào mỗi buổi sáng ngay khi mặt trời ló dạng. Lúc đó, không ai có thể làm phiền bạn, trời thì mát hoặc se se, và bạn khi làm việc, bạn sẽ cảm thấy ấm áp.

Bạn đọc những gì bạn đã viết và, vì luôn dừng lại khi biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, bạn sẽ tiếp tục từ đó. 

Bạn viết cho đến khi mà bạn thấy đủ và bạn biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo thì bạn dừng lại, cố gắng sống sót đến hôm sau, rồi lặp lại nó. Chẳng hạn, bạn bắt đầu lúc 6 giờ sáng và có thể tiếp tục đến trưa hoặc làm xong trước đó.

Khi bạn tạng ngưng, hãy chẳng làm gì cả. Không có gì có thể làm tổn thương bạn, không có gì có thể xảy ra, không có gì có ý nghĩa cho đến ngày hôm sau khi bạn tiếp tục việc của ngày hôm trước. Việc chờ đợi đến ngày hôm sau thật khó.”

 

 

7/ Maya Angelou: “Tôi cố gắng đến đó vào khoảng 7 giờ và làm việc đến 2 giờ chiều.”

 

Maya Angelou là một nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động dân quyền và tác giả từng đoạt giải thưởng nổi tiếng với cuốn hồi ký nổi tiếng “Tôi biết tại sao chim trong lồng vẫn hót” - cuốn sách phi hư cấu của một phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên bán chạy nhất. 

Trong cuốn sách “Daily Rituals - Women at Work”, Angelou mô tả chi tiết thói quen và lịch trình hàng ngày của cô từ sáng đến tối.

“Tôi thường thức dậy vào khoảng 5h30 và sẵn sàng đi uống cà phê lúc 6h, thường là với chồng. Anh ấy đi làm vào khoảng 6h30, còn tôi đi làm việc của mình. 

Tôi thường tìm một phòng khách sạn để làm việc - một căn phòng nhỏ, tầm thường với một chiếc giường, và đôi khi nếu có thể, thì có cả một chiếc bồn rửa mặt. Tôi mang theo một cuốn từ điển, một cuốn Kinh thánh, một bộ bài và một chai rượu sherry đến căn phòng. Tôi cố gắng đến đó vào khoảng 7 giờ và làm việc đến 2 giờ chiều.

Nếu công việc không suôn sẻ, tôi ở lại đến 12h30. Nếu mọi việc suôn sẻ, tôi sẽ ở lại chừng nào nó vẫn ổn. Việc này tuy cô đơn nhưng cũng rất thích. Khi về nhà lúc 2h, tôi đọc lại những gì mình đã viết ngày hôm đó và cố gắng quên nó đi.

Tôi tắm rửa, chuẩn bị bữa tối để khi chồng về, tôi không còn mải mê làm việc nữa. Chúng tôi có vẻ như có một cuộc sống bình thường. Chúng tôi cùng nhau uống rượu và ăn tối. Có lẽ sau bữa tối tôi sẽ đọc cho anh nghe những gì tôi đã viết ngày hôm đó. Anh ấy không bình luận. Tôi không mời mọi người nhận xét, ngoại trừ biên tập viên của tôi, nhưng việc nghe những gì tôi viết được đọc to lên cũng tốt. Đôi khi tôi nghe thấy sự bất hòa trong tâm trí, nhưng tôi sẽ giải quyết nó vào buổi sáng.” 

 

 

8/ Kurt Vonnegut: “Anh chống đẩy và gập bụng liên tục”

 

Năm 1965, Kurt Vonnegut, tác giả nổi tiếng người Mỹ nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết “Lò sát sinh số 5”, đã viết một bức thư cho vợ mình là Jane, trong đó ông tiết lộ thói quen buổi sáng và thói quen viết lách hàng ngày của mình.

“Anh thức dậy lúc 5:30, làm việc đến 8:00, ăn sáng ở nhà, làm việc đến 10:00, đi bộ qua vài dãy nhà vào thị trấn, làm việc vặt, đi đến hồ bơi gần đó và bơi trong nửa giờ, trở về nhà lúc 11:45, đọc thư, ăn trưa. Buổi chiều, anh sẽ làm việc của trường hoặc chuẩn bị giáo án. 

Khi từ trường về lúc 5:30, anh sẽ làm dịu lại trí óc đang suy nghĩ của mình bằng vài ngụm Scotch và nước, nấu bữa tối, đọc và nghe nhạc jazz (anh có nhiều bản nhạc hay lắm), sau đó đi ngủ lúc 10 giờ. 

Anh chống đẩy và gập bụng liên tục và và cảm thấy như thể mình ngày càng thon gọn và săn chắc, nhưng cũng có thể là không.”

 

 

9/ John Steinbeck: “Đừng nghĩ đến 400 trang mà chỉ viết một trang mỗi ngày”

 

Năm 1962, tiểu thuyết gia người Mỹ và người đoạt giải Nobel, John Steinbeck đã viết một lá thư cho bạn mình tiết lộ sáu chiến lược tốt nhất để đạt năng suất, đánh bại sự trì hoãn và để “tránh bị phát điên”.

“Bây giờ hãy để tôi kể cho bạn nghe kinh nghiệm của tôi khi đối mặt với 400 trang giấy trắng - thứ kinh khủng mà tôi phải lấp đầy hết chỗ đấy. Tôi biết là chẳng ai thực sự muốn nghe theo kinh nghiệm của người khác, đó là vì sao những kinh nghiệm ấy được chia sẻ miễn phí nhiều đến vậy. Nhưng dưới đây là một số điều tôi đã làm để tránh mình bị phát điên. 

- Hãy từ bỏ ý nghĩ rằng bạn sẽ hoàn thành công việc. Đừng nghĩ đến 400 trang mà chỉ viết một trang mỗi ngày; nó có tác dụng đó. Để rồi khi kết thúc, bạn sẽ bất ngờ. 

- Viết thoải mái và nhanh nhất có thể, ném toàn bộ chữ nghĩa lên giấy. Không bao giờ sửa hoặc viết lại cho đến khi hoàn thành. Việc viết lại trong lúc đang viết thường là nguyên nhân khiến bạn không thể tiếp tục viết. Nó cũng cản trở sự trôi chảy và nhịp điệu vốn chỉ có thể được tạo ra khi vô thức được liên kết với chất liệu. 

- Hãy quên đi khán giả chung chung, Đầu tiên,  những khán giả không được điểm mặt đặt tên sẽ khiến bạn chết khiếp, và thứ hai, không giống như rạp hát, những khán giả vô danh ấy không tồn tại. Trong viết lách, khán giả của bạn là một độc giả duy nhất. Tôi nhận thấy rằng đôi khi việc chọn ra một người - một người có thật mà bạn biết hoặc một người tưởng tượng và viết thư cho người đó sẽ rất hữu ích.

- Nếu một cảnh hoặc một phần khiến bạn thích thú hơn và bạn vẫn nghĩ mình muốn nó - hãy bỏ qua nó và tiếp tục. Khi bạn đã hoàn thành toàn bộ, bạn có thể quay lại phần đó, sau đó bạn có thể nhận ra rằng nó lại chẳng phù hợp.

- Hãy cảnh giác với những phần khiến bạn cảm thấy thân thương hơn những phần khác. 

- Khi viết hội thoại, hãy đọc to nó lên khi bạn viết. Chỉ khi đó bạn mới biết lời nói đó được nói ra như thế nào.

Từ một lá thư gửi Robert Wallsten,

Tháng 2 năm 1962” 

 

 

10/ Ray Bradbury: “Viết một truyện ngắn mỗi tuần. Không thể viết liên tiếp 52 truyện ngắn dở được… mỗi tối trước khi đi ngủ hãy đọc một truyện ngắn.”

 

Trong bài phát biểu năm 2001, Ray Bradbury, tác giả truyện giả tưởng và kinh dị nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết “451 độ F”, đã chia sẻ những câu chuyện và bài học quan trọng từ cuộc đời của ông về cách trau dồi kỹ năng viết lách. 

“Viết tiểu thuyết có một vấn đề là bạn có thể dành cả năm để viết một cuốn nhưng nó có khả năng không thành công vì bạn chưa học viết. Với những người bắt đầu viết hoặc những người viết ở trình độ bậc trung, cách làm tốt nhất là viết thật nhiều truyện ngắn. Nếu bạn có thể viết một truyện ngắn mỗi tuần, hay dở không quan trọng, nhưng ít nhất bạn đang luyện tập và đến cuối năm bạn có 52 truyện ngắn và sau khi viết được 52 truyện, tôi thách bạn viết dở được đấy. Không thể viết dở được đâu.”

“Tôi sẽ cung cấp cho bạn một chương trình để làm theo mỗi tối. Chương trình rất đơn giản. Hãy đọc một truyện ngắn trong 1.000 đêm tiếp theo. Nó chỉ khiến bạn mất mươi mười lăm phút mỗi đêm mà thôi.”

 

 

11/ Alice Munro: “Tôi có ngưỡng số trang.”

 

Trong một cuộc phỏng vấn của Paris Review năm 1994, Alice Munro, người đoạt giải Nobel và là nhà văn viết truyện ngắn người Canada được giới phê bình đánh giá cao, đã chia sẻ thói quen làm việc hàng ngày và chiến lược thiết lập mục tiêu của mình.

“Tôi viết vào mỗi buổi sáng, bảy ngày một tuần. Tôi bắt đầu vào khoảng 8h và kết thúc lúc khoảng 11h… Tôi phải đạt đến một ngưỡng số trang nhất định. Bây giờ tôi cũng phải đi bộ bao nhiêu lâu mỗi ngày… 

Tôi đi bộ 3 dặm mỗi ngày, nếu tôi nghỉ 1 ngày thì những ngày khác tôi phải bù vào. Cha tôi cũng làm điều tương tự. Nếu bạn thực hiện tất cả những nghi thức và thói quen này thì không gì có thể làm khó bạn.”

 

 

12/ Simone de Beauvoir: “Tôi gặp bạn bè”

 

Trong một cuộc phỏng vấn của Paris Review năm 1965, Simone de Beauvoir, nhà văn, triết gia trí thức và hiện sinh người Pháp, chia sẻ chiến lược cân bằng giữa công việc và cuộc sống của bà như sau:

“Đầu tiên tôi uống trà và sau đó, lúc khoảng 10h, tôi bắt đầu làm việc cho đến 1h chiều. Sau đó, tôi gặp bạn bè, rồi lúc 5h chiều, tôi quay lại làm việc cho đến 9h tối. Tôi không gặp khó khăn gì trong việc tiếp tục công việc của buổi chiều.” 

Buổi tối thì bà xem phim, nghe nhạc tại căn hộ của mình.

 

 

13/ John Updike: “Tôi cố gắng gắn bó với nó ngay cả trong những ngày buồn tẻ”

 

Trong một cuộc phỏng vấn với Paris Review năm 1994, John Updike, một trong ba nhà văn duy nhất nhiều lần giành giải Pulitzer hạng mục tiểu thuyết, đã chia sẻ một số mẹo về cách duy trì động lực ngay cả khi bạn cảm thấy buồn chán khi làm việc.

“Tôi viết vào mỗi buổi sáng các ngày trong tuần. Tôi cố gắng thay đổi những gì tôi đang làm và lúc này, một câu thơ có vẻ có ích. Khi bắt tay vào một dự án dài hơi, tôi cố gắng gắn bó với nó ngay cả trong những ngày buồn tẻ.”

 

 

14/ Henry Miller: “Khi bạn không thể sáng tạo thì bạn có thể làm việc.”

 

Năm 1932, nhà văn và họa sĩ nổi tiếng Henry Miller tiết lộ “11 điều răn” đã giúp ông tuân thủ lịch trình làm việc và thói quen hàng ngày trong nhiều năm.

  1. Làm từng việc một cho đến khi hoàn thành.
  2. Không bắt đầu, không thêm chất liệu mới vào “Black Spring”. 
  3. Đừng lo lắng. Hãy làm việc một cách bình tĩnh, vui vẻ, liều lĩnh với bất cứ việc gì có trong tay.
  4. Làm việc theo Chương trình, không theo tâm trạng. Ngừng làm việc đúng thời gian đã hẹn!
  5. Khi bạn không thể sáng tạo thì bạn có thể làm việc.
  6. Khiến một điều chắc chắn hơn mỗi ngày, thay vì cố gắng làm thêm điều mới. 
  7. Đừng quên phần “người”! Gặp gỡ mọi người, đi nhiều nơi, uống rượu nếu bạn cảm thấy thích.
  8. Đừng biến mình thành trâu ngựa! Chỉ làm việc với niềm vui.
  9. Loại bỏ Chương trình khi bạn cảm thấy thích - nhưng hãy quay lại với nó vào ngày hôm sau. Tập trung. Thu hẹp. Loại trừ.
  10. Hãy quên những cuốn sách bạn muốn viết đi. Chỉ nghĩ đến cuốn sách bạn đang viết.
  11. Luôn ưu tiên việc viết. Hội họa, âm nhạc, bạn bè, điện ảnh, tất cả những thứ này đều là thứ yếu.”

 

 

15/ Leo Tolstoy: “Tôi nhất định phải viết mỗi ngày”

 

Tác giả người Nga, bậc thầy về tiểu thuyết hiện thực và là một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thế giới, nổi tiếng với tác phẩm “Chiến tranh và hòa bình”, chia sẻ chiến lược của ông về cách bám sát mục tiêu cuối cùng ngay cả khi bạn không muốn làm bất cứ điều gì.

“Tôi phải viết mỗi ngày không ngừng nghỉ, không phải vì sự thành công mà là để công việc trở thành thói quen.” 

Sau đó, ông thường dùng bữa sáng, ăn hai quả trứng luộc và không ăn gì cho đến 5h chiều. Vào cuối năm 1880, ông bắt đầu thói quen  ăn trưa lúc 2h hoặc 3h chiều. Ông không nói nhiều trong bữa sáng và nhanh chóng quay trở lại phòng làm việc với một ly trà. Sau đó không ra ngoài phòng cho đến bữa tối. 

Theo Sergei, Tolstoy làm việc một cách biệt lập, không ai được phép vào phòng làm việc của ông, và cửa các phòng liền kề đều bị khóa để đảm bảo ông không bị làm phiền.

 

 

16/ Mark Twain: “Tôi… viết… khi mặc một chiếc áo cùng chất liệu dùng làm áo sơ mi”

 

Tiểu thuyết gia và nhà báo nổi tiếng thế giới, nổi tiếng với “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” (1876) và “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” (1885) có phong cách làm việc rất riêng. 

Thói quen của ông rất đơn giản: ông đến phòng làm việc vào buổi sáng sau bữa sáng thịnh soạn và ở đó cho đến bữa tối vào khoảng 5h chiều. Ông bỏ bữa trưa vì những người thân trong gia đình ông không dám đến gần phòng làm việc của ông nên ông thường làm việc liên tục trong vài giờ. 

Ông viết cho một người bạn của mình rằng: “Vào những ngày nắng nóng, tôi để phòng làm việc mở, dùng những cục gạch để đè chặt giấy tờ của mình và viết giữa những cơn gió, mặc một chiếc áo cùng chất liệu dùng làm áo sơ mi.”

 

 

17/ Charles Dickens: “Dickens rời bàn làm việc để đi bộ ba tiếng qua vùng nông thôn hoặc đường phố London”

 

Tiểu thuyết gia người Anh nổi tiếng, được coi là vĩ đại nhất của thời đại Victoria. Tác phẩm hay nhất của ông bao gồm “Giáng sinh yêu thương”, “Hai kinh thành”. Dưới đây là thói quen hằng ngày và những thói quen kỳ lạ của ông để tái tập trung  và tạo ra những ý tưởng mới. 

“Giờ làm việc của Dickens là không thay đổi. Con trai cả của ông kể lại rằng ‘không có nhân viên nào trong thành phố ngăn nắp và có kỷ luật hơn ông; không có nhiệm vụ buồn tẻ, đơn điệu, thông thường nào có thể được hoàn thành đúng giờ hoặc đều đặn hơn những gì ông làm với trí tưởng tượng của mình. 

Cha tôi  thức dậy lúc 7h, ăn sáng lúc 8h và nghiên cứu lúc 9h. Ông ở đó đến 2h chiều, nghỉ một chút để ăn trưa với gia đình, trong thời gian đó, ông thường xuyên ăn uống một cách máy móc và hầu như không nói một lời rồi vội vã quay lại bàn làm việc.

Vào một ngày bình thường, ông có thể viết được 2.000 từ theo cách này, nhưng những lúc bay bổng hơn, ông có thể hoàn thành gấp đôi số từ. Tuy nhiên, những ngày khác, ông hầu như không viết gì cả; tuy nhiên, ông vẫn kiên trì làm việc hàng giờ, vẽ nguệch ngoạc và nhìn ra ngoài cửa sổ để giết thời gian.

Lúc đúng 2h, Dickens rời bàn làm việc để đi bộ ba tiếng, qua vùng nông thôn hoặc đường phố ở London, tiếp tục nghĩ về câu chuyện của mình và, như ông mô tả là tìm kiếm một số bối cảnh mà ông muốn xây dựng dựa trên đó. 

Anh rể của ông nhớ lại: “Khi trở về, em ấy trông tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết như thể rỉ ra từ những lỗ chân lông.” 

Tuy nhiên, buổi tối của Dickens rất thư thái: ông ăn tối lúc 6h, sau đó dành thời gian cho gia đình hoặc bạn bè trước khi đi ngủ vào lúc nửa đêm.”

 

 

18/ Jane Austen: “Nếu có khách đến thăm, bà sẽ giấu giấy tờ đi và tham gia may vá.”

 

Tiểu thuyết gia người Anh nổi tiếng với “Kiêu hãnh và Định kiến”, “Lý trí và Tình cảm”, đã chia sẻ chiến lược của bà để loại bỏ những phiền nhiễu và tập trung vào công việc trước mắt.

“Austen dậy sớm trước những người phụ nữ khác thức dậy và bà chơi piano. Vào lúc 9h, bà ăn sáng cùng gia đình, làm công việc nội trợ. Sau đó, bà ngồi viết trong phòng khách, mẹ và em gái bà thường lặng lẽ ngồi may vá gần đó. Nếu có khách đến thăm, bà sẽ giấu tờ giấy đi và tham gia may vá. Bữa tối, bữa ăn chính trong ngày, được phục vụ từ 3h đến 4h. Sau đó là trò chuyện, chơi bài và uống trà. Buổi tối được dành để đọc to các cuốn tiểu thuyết, và trong thời gian này Austen sẽ đọc tác phẩm đang thực hiện của mình cho gia đình nghe.”

 

 

19/ Anthony Trollope: “Tôi buộc bản thân phải viết 250 từ mỗi 15 phút…”

 

Một trong những tiểu thuyết gia người Anh vĩ đại nhất thời đại Victoria, nổi tiếng với tác phẩm “Chronicles of Dorsetshire”, Trollope đã viết hơn 40 cuốn sách trong suốt cuộc đời. Trong cuốn sách “Daily Rituals” của Mason Currey, chiến lược của ông được mô tả như sau: 

“Vào thời điểm này, nó đã trở thành thói quen của tôi - và vẫn là thói quen của tôi, mặc dù gần đây tôi đã trở nên hơi khoan dung với bản thân - đặt đồng hồ trước mặt trong khii viết và buộc bản thân phải viết 250 từ mỗi 15 phút… 

Sự phân chia thời gian này cho phép tôi viết hơn 10 trang tiểu thuyết mỗi ngày, và nếu duy trì trong 10 tháng, tôi sẽ viết được ba cuốn tiểu thuyết, mỗi cuốn gồm 3 tập…”

 

 

20/ Bernard Malamud: “Cuối cùng thì mọi người đều làm  theo cách tốt nhất của riêng mình.”

 

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1975, Người đoạt giải Pulitzer, Bernard Malamud, một trong những nhân vật nổi bật nhất trong văn học người Mỹ gốc Do Thái, đã tóm tắt sự thật đằng sau việc tìm ra thói quen hàng ngày hoàn hảo của mình.

“Bạn biết cách ngồi xuống và viết. Không có thời gian hay địa điểm cụ thể – miễn sao phù hợp với bản thân, bản chất của bạn…Cuối cùng thì mọi người đều làm  theo cách tốt nhất của riêng mình.”

- Trạm Đọc

- Tham khảo The Ladders

 

Tags: