Mỗi người là một cá thể không hoàn hảo...
Mỗi người là một cá thể không hoàn hảo...
"Mỗi người là một cá thể không hoàn hảo, vì vậy chúng ta có thể mắc sai lầm và được phép sai lầm. Bởi vì không hoàn hảo nên chúng ta hãy có cái nhìn bao dung hơn với bản thân cũng như với mỗi người xung quanh. Chỉ khi có cái nhìn bao dung bạn sẽ cảm thấy vui vẻ và ấm áp, thấy cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn"

Đó là một phần ý nghĩa cuốn sách được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tặng cho 1000 phạm nhân nữ Trại giam Phú Sơn 4, Cục Quản lí trại giam, Bộ Công an trong chương trình Làm việc nhỏ bằng cả trái tim.

Để có được những cuốn sách ý nghĩa, phù hợp với người đọc đang thụ án tại trại giam, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng bạn đọc ủng hộ sách và tiền để quy ra sách, tặng các phạm nhân và thư viện tại trại giam. Sau hai tuần phát động, chiến dịch Làm việc nhỏ bằng cả trái tim đã quyên góp và mua được hơn 1.500 cuốn sách. Trong đó, đáng chú ý là mục tiêu ủng hộ 1.000 cuốn sách Hạnh phúc hay không do ta quyết định dành tặng riêng các nữ phạm nhân ở Trại giam Phú Sơn 4. Tác phẩm này của tác giả người Nhật Watanabe Kazuko do dịch giả Nguyễn Quốc Vương chuyển ngữ. Nội dung của cuốn sách muốn nói rằng: Mỗi người là một cá thể không hoàn hảo, vì vậy chúng ta có thể mắc sai lầm và được phép sai lầm. Bởi vì không hoàn hảo nên chúng ta hãy có cái nhìn bao dung hơn với bản thân cũng như với mỗi người xung quanh. Chỉ khi có cái nhìn bao dung bạn sẽ cảm thấy vui vẻ và ấm áp, thấy cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn. Khi tha thứ cho bản thân mình và tha thứ cho người khác, bạn sẽ trở nên tự do. Người tự do là người có thể quyết định cả sự hạnh phúc và bất hạnh của cá nhân bằng trái tim mình. Đồng thời, con người có tự do trong việc tiếp nhận các điều kiện được đem lại như thế nào và bản thân sẽ như thế nào dưới những điều kiện đó để tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình. Đừng nhìn vào những thứ đã mất đi, hãy nhìn vào những thứ mình đã có để sống. Không có một ai trong chúng ta là người sinh ra và sống một mình trong thế giới này. Bạn sẽ không cần phải đau khổ nữa! Những việc buồn tẻ, những nỗi khổ đau cũng sẽ trở thành thứ có giá trị…

Trong những ngày dịch bệnh bùng phát và có nguy cơ bùng phát ở các nơi, trong những ngày cả xã hội thực hiện giãn cách thì điều thú vị, ý nghĩa và phù hợp nhất có lẽ là đọc sách. Mặc dù, nếu không có dịch bệnh, thì việc giữ thói quen đọc sách vẫn là một trong những điều thú vị và ý nghĩa hàng đầu đối với con người. Thế nhưng, có những nơi, có những trường hợp bị hạn chế hơn trong việc tiếp cận với sách. Thấu hiểu và xem đó là sự thiệt thòi đối với các phạm nhân, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã phát động chương trình Làm việc nhỏ bằng cả trái tim khởi nguồn từ Thư ngỏ của Trại giam Phú Sơn 4 gửi tới nhiều nơi, trong đó có Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, với mong muốn nhận được sách ủng hộ của các cá nhân, đơn vị, để bổ sung cho thư viện của trại giam có thêm nhiều đầu sách, báo phục vụ nhu cầu đọc của phạm nhân.

Bên cạnh đó, chương trình tặng sách cũng lưu ý đến sách thiếu nhi ở độ tuổi mẫu giáo để tặng cho các cháu đang ở cùng mẹ trong trại giam (các cháu dưới 3 tuổi), và các đầu sách văn học, sách kĩ năng sống, sách kinh tế - khởi nghiệp, sách chăm sóc sức khỏe…

Đại diện Nxb Phụ nữ Việt Nam trao tặng sách cho Trại giam Phú Sơn 4. Ảnh: PNVN

Vừa qua, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Trại giam Phú Sơn 4 và Thư viện tỉnh Thái Nguyên, cùng một số đơn vị xuất bản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phối hợp tổ chức lễ trao sách tại Thư viện tỉnh Thái Nguyên. Do tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp nên việc tặng sách không thực hiện ở trại giam (có diễn giả nói chuyện với phạm nhân) như kế hoạch ban đầu. Trong buổi trao tặng sách, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn thông qua chương trình này muốn gửi tặng những cuốn sách bổ ích với nội dung hấp dẫn đến các phạm nhân. Đồng thời, mong rằng lãnh đạo Trại giam Phú Sơn 4 sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho phạm nhân được tiếp xúc với sách và tri thức qua đó góp phần tích cực vào việc giáo dục, giúp các phạm nhân nâng cao nhận thức, hiểu được sự nhân văn, cải tạo tốt hơn để sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình và xã hội".

Được biết, từ năm 2013, nhằm giúp phạm nhân tiếp cận với tri thức qua đó cải tạo tốt hơn, Trại giam Phú Sơn 4 đã thành lập thư viện và kêu gọi các đơn vị, cá nhân đóng góp sách. Theo thống kê, các thư viện, tủ sách của Trại giam Phú Sơn 4 đã thu hút được khoảng 18 nghìn lượt phạm nhân đọc sách tại các thư viện, tủ sách mỗi năm. Sách chứa đựng tri thức của nhân loại, không có ai tiếp cận với sách mà không học hỏi, cảm nhận được những điều tích cực nào đó. Sách cũng không chối từ bất cứ người đọc nào, dù đó là ai. Bởi vậy, dù bạn là ai, bạn như thế nào thì bạn cũng có quyền được tiếp cận với sách. Tri thức không bao giờ bỏ qua những người thực sự muốn tiếp cận nó. Việc tặng sách cho các phạm nhân tại trại giam là một việc làm mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp trong cuộc sống của chúng ta. Có rất nhiều cuốn sách được người gửi tặng nắn nót viết lời đề tặng, đó là sự trao tặng đầy tình cảm và văn minh.

Chia sẻ về chương trình tặng sách, ông Lãnh Văn Lượng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó giám thị Trại giam Phú Sơn 4 mong muốn tăng cường sự hỗ trợ từ phía các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội để phát triển nguồn sách và các hoạt động có ý nghĩa dành cho các phạm nhân. Qua đó, hình thành phát triển văn hóa đọc, định hướng tư tưởng, mang tri thức, tạo môi trường giúp phạm nhân cải tạo tốt và sớm hòa nhập cộng đồng.

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam có kế hoạch sẽ cùng độc giả tiếp tục tặng 4.000 đầu sách cho các phân trại của Trại giam Phú Sơn 4, khi tình hình dịch bệnh được đẩy lùi, và sẽ mời diễn giả tới nói chuyện với phạm nhân về sách và giá trị của việc đọc sách. Điều đáng quý là hoạt động này đã nhận được sự quan tâm, lan tỏa trong cộng đồng, sau khi thông báo kết thúc chương trình, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vẫn tiếp tục nhận được sách và tiền độc giả gửi ủng hộ. Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam thông báo ngừng nhận tiền nhưng sẽ vẫn tiếp tục nhận sách ủng hộ. Bạn đọc ủng hộ sách cho chương trình có thể gửi về địa chỉ: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, 39 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo Đức Sơn - VNQĐ

Tags: