Tự cổ chí kim, nào có ai sống giữa cảnh đời tha phương náo nhiệt mà lại không thèm ước đến cái vị cũ hương xưa, không nhớ đến quay quắt cái làng quê nghèo nhưng êm ả, cái hương vị đạm bạc nhưng ngon lành của bữa cơm chiều, sao quên được bóng mẹ chập chờn bên bếp lửa dưới mái tranh nghèo lúc tờ mờ sáng…. Chắc hẳn cũng có nhiều người học đòi theo chí của tiền nhân, lòng muốn rũ sạch phồn hoa, tìm vui nơi điền dã. Nhưng hỡi ôi….. hoàn cảnh mỗi thời mỗi khác, mấy ai dễ được “như ý sở cầu”. Chỉ đành ôm lấy “mối sầu thiên lý”, giãi bày qua con chữ. Chỉ mong ngày sau, mỹ vị của những “thời trân” thuở ấy không phai nhòa theo năm tháng thì đã “thỏa lòng nguyện ước bấy lâu”.
Miếng nhớ miếng thương chính là những đoạn phim ngắn quay chậm, bình dị, mộc mạc nhưng đầy ý, hương, sắc, vị. Chúng len lỏi qua từng trang giấy, mời gọi, gợi nhớ, phô bày ký ức đẹp đẽ của Vũ Tam Huề về những “thời trân mĩ vị”. Từng dòng chữ được viết ra chỉ với mục đích lưu giữ kỷ niệm và chia sẻ nỗi niềm của một con người tha phương, nhưng lại có thể khiến độc giả xuyến xao, bồi hồi mường tượng một nền ẩm thực thảo thơm từng là ký ức đẹp đẽ của biết bao thế hệ.
Từng nghe cổ nhân có dạy:
“ Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng”
Nhưng đối với Vũ Tam Huề mà nói, ẩm thực cũng là một cuộc phiêu du, mà nơi xuất phát không đâu xa lạ, ngay trong gian bếp gia đình. Nơi đó có vú nuôi của anh, người mà anh gọi là Bà tiên bếp. Ban đầu, anh tưởng đó là một bà lão “già nua, đầu tro mặt muội, ăn mặc nâu sồng, trên vai tòng teng đôi quang gánh, lỉnh kỉnh nồi đồng, nồi đất, chum vại với tương cà mắm muối… bà ghé nhà nào là nhà ấy ngập tràn hạnh phúc”. Anh tin rằng chắc hẳn bà tiên bếp đã ghé ngang qua nhà mình, làm cho những “bữa ăn dù chỉ với tương cà mắm muối nhưng vẫn ngon quá là ngon”. Nhưng cuối cùng, cho đến lúc nằm mơ gặp được bà tiên bếp đang dọn dẹp nấu nướng, anh “mừng húm vội chạy đến, nhưng nhìn đi ngó lại, hóa ra vẫn chỉ là vú nuôi”.
Mang theo hành trang là ký ức về những món ăn vú nấu, lên đường nay đây mai đó, anh không còn mơ giấc mơ về bà tiên bếp, mà lại ngao du đến vùng tiên cảnh như mơ của núi rừng Hương Tích:
“Mơ hay là thực hỡi hoa mơ
Mơ trong thung lũng, mơ trên núi
Hoa bạch trong ngần vạn điểm thơ”
(Xuân Diệu)
Anh không chỉ đắm say cái vị chua thanh, thơm ngào ngạt của trái mơ rừng đất Hương Sơn, mà anh còn say cả vẻ đẹp của đất trời nơi đây:
“Trong tiết trời lạnh giá với những trận gió bấc buốt thấu xương, rừng mơ Hương Tích lặng lẽ đơm hoa. Rừng hoa mơ chạy dài hun hút, lúc dâng lên vách thẳng, triền cao như mây trắng phiêu bồng, khi lan xuống bãi thấp, thung sâu tựa sương chiều lãng đãng. Vây quanh ta một màu trắng muốt và một làn hương mơ thoảng nhẹ mơ hồ. Nói chẳng ngoa, bước tới rừng mơ mùa hoa nở, như lạc bước vào chốn bồng lai tiên cảnh…”
Anh cho độc giả của mình nếm thử vị của những trái mơ rừng mới hái bằng chính ngòi bút miêu tả tài tình và chân thực:
“ Quả mơ không chỉ có màu sắc gợi cảm, còn có một hương vị khá hiếm hoi. Quả mơ không cầu vị ngọt, cái tinh hoa là vị chua thanh và hương thơm ngào ngạt…. Mơ chín ngâm trong rượu, trong đường, hương thơm phát tiết, ngào ngạt đến lịm người…. Người sành mộ thứ mơ rừng. Cây mơ rừng mọc quanh triền núi, ít được chăm bẵm như mơ vườn. Chúng có sức sống hoang dã mãnh liệt, chắt chiu tinh chất của đá của nước, của khí núi mưa rừng, nên chi quả chỉ nhỏ thau tháu, điểm vài chấm son tươi, nhưng vị chua thanh thoát và hương thơm bát ngát hút hồn ”.
Cuộc phiêu du của anh lẫn độc giả đều thêm phần mê li và hấp dẫn khi càng bắt gặp được càng nhiều thời trân mỹ vị thì ngôn từ càng được tỉ mỉ lựa chọn. Ngòi bút của anh chân thực bao nhiêu, tài hoa bao nhiêu thì cái hồn, cái ý vị của món ăn càng hấp dẫn bấy nhiêu. Nếu như tác giả Vũ Bằng viết về Hà Nội với cả một trời yêu thương bằng ngòi bút chân thật và ngôn từ phong phú đến thần sầu, thì Vũ Tam Huề lại kể về Bắc Bộ với một sự chân thành, tỉ mỉ và da diết. Anh ấy không luận bàn về ẩm thực hay đánh giá về văn hóa, mà anh chỉ đơn thuần là miêu tả và kể lại câu chuyện đằng sau những món ăn, cách chế biến, cách thưởng thức và cái hồn của mùa trong đó. Hơn 45 món ăn của từng vùng khác nhau đều được đặc tả một cách chân thật nhưng tỉ mỉ và phức tạp. Mỗi món có một cái hồn riêng, “mùa nào thức ấy”, không lẫn vào đâu được. Cá mòi tháng ba, chim ngói tháng mười, bánh khúc mùa đông, bánh chưng ngày tết, ếch cốm mùa mưa, miếng phù du lúc ra giêng, hay món cháo cá rau cần mẹ nấu ở cữ đông xuân trong cái tiết trời rét ngọt:
“Phàm những thức gì chỉ có theo mùa mới thực sự quý, đúng nghĩa thời trân, cho dù chỉ là một mớ rau, quả ớt, cọng hành,... Thi thoảng vào những ngày lạnh giá, mẹ lại nấu cháo ám thay cho bữa cơm chiều. Mẹ thường chọn mua con cá quả thật tươi, làm cá không mổ bỏ ruột, rửa sạch rồi cho vào nồi cháo gạo thơm ninh liu riu cho tới lúc vừa chín… Cá chín tới ngọt mềm và dậy thơm… vớt cá từ nồi cháo ra, để lên đĩa bầu dục. Nước cháo đặc sánh phủ quanh thân cá một lớp màng mỏng, trong như thạch, trông mới tình tứ làm sao!”
Đúng, món ăn đâu chỉ là món ăn. Nó còn là tình, là nghĩa, là tấm lòng của mẹ, của chị, của bà dành cho con cháu.
“Với riêng tôi, không gì ngon bằng nồi cháo ám cá quả với rau cần, cải cúc, củ hành tươi mà mẹ tôi thường nấu cho chồng, cho con lúc sinh thời, trong những ngày gió lạnh sương giăng trên đất Bắc”.
Để sau này khi ở chốn phương xa, mỗi khi nhớ đến cố hương, lòng lại quay quắt với trăm mối nhớ thương. Mới chợt nhận ra mỗi món ăn đâu chỉ là chất, mà còn là tình, khiến người ta hoài niệm khôn nguôi:
“Dâu già lá rụng tằm vừa chín
Lúc sớm hương thơm cua béo ghê
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Giang Nam vui thật, chẳng bằng về!”
(Vũ Bằng)