Làm thế nào để nổi bật trước đám đông?: Trước hết hãy chiến thắng những nỗi sợ hãi của chính bạn
Làm thế nào để nổi bật trước đám đông?: Trước hết hãy chiến thắng những nỗi sợ hãi của chính bạn
Bạn đang chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn xin việc hay lên kế hoạch cho buổi hẹn hò đầu tiên với người yêu…? Làm thế nào để thu hút sự chú ý của người kia?
Tác giả của cuốn sách này là Tiến sĩ Tâm lý học mang quốc tịch Anh, Rob Yeung, người đã có nhiều bài viết được xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành và trang tin tức uy tín như The Guardian, Financial Times. Trong cuốn “Nổi bật cũng cần chiến thuật”, ông chọn một lối viết rất riêng, hoàn toàn khác so với những quyển sách self-help mà chúng ta vẫn thường đọc.


Qua từng chương sách, ông không chỉ đưa ra lập luận, giải thích, nêu ví dụ mà còn đề cập sâu đến nhiều nghiên cứu khoa học và chỉ ra những kỹ thuật được các nhà nghiên cứu mách bảo, đó là thứ phù hợp với hầu hết mọi người. Chính vì vậy, lời khuyên dựa trên kết quả đã được kiểm chứng của ông có sức thuyết phục rất cao.


“Nổi bật cũng cần chiến thuật” được chia thành 4 chương chính. Nếu như tác giả dành ba chương đầu để truyền cảm hứng cho người đọc thì ở chương cuối cùng, ông lại bàn về cách để mỗi độc giả tự tìm đến niềm đam mê cho công việc mình làm. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ai đam mê nghề nghiệp thì họ sẽ đảm đương các nhiệm vụ tốt hơn những người chán ngán với việc họ làm.

Chiến thắng sự sợ hãi

Tiến sĩ Rob Yeung mở đầu chương thứ nhất với câu nói mộc mạc nhưng vô cùng sâu sắc của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: “Tôi nghiệm ra rằng, lòng dũng cảm không phải là không sợ hãi, mà là chiến thắng sự sợ hãi”. Thực vậy, chúng ta nhìn thấy sự tự tin của rất nhiều người nổi tiếng nhưng ta đâu hiểu được nỗi sợ hãi, căng thẳng họ từng trải qua ra sao. Những gì chúng ta nhìn thấy chỉ là “sự tự tin giả” của họ mà thôi.

Tác giả lấy dẫn chứng về nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ xuất thân ở Bắc London (Anh), Adele. Cô có một sự nghiệp âm nhạc khiến nhiều người thầm ghen tỵ như giành giải Oscar cho ca khúc chủ đề trong phim James Bond, Skyfall vào năm 2013 và đĩa đơn thứ 21 của cô đứng đầu bảng xếp hạng của hơn 30 quốc gia. Thưởng thức giọng hát tuyệt vời cùng màn biểu diễn đầy mê hoặc của cô, ai cũng ngỡ ngàng khi cô thành thực chia sẻ trên tạp chí Rolling Stone rằng, cô từng mắc phải nhiều cơn rối loạn lo âu trước các chuyến lưu diễn. Trong một chương trình âm nhạc ở Amsterdam, cô sợ khán giả đến mức cô từng trốn ra ngoài bằng cửa thoát hiểm. Và để đạt được thành công như hiện tại, cô đã luôn cố gắng vượt qua cảm giác sợ hãi.

Bạn có “làm chủ” được chính mình?

Sang chương thứ hai, tác giả tiếp tục đi sâu trình bày về cách sử dụng hiệu quả ba thủ thuật giao tiếp không lời như biểu cảm gương mặt (mỉm cười thích thú, nhăn mũi, nheo mắt tức giận…), cử chỉ và chuyển động của cơ thể (lắc hông, gật hay nghiêng đầu, các động tác tay…) và ngữ điệu phát âm (nhịp điệu, cường độ, âm nhấn và ngữ điệu của lời nói, tức mọi thứ về giọng nói, ngoại trừ bản thân các từ) nhằm khiến diễn giả trở nên lôi cuốn và thú vị hơn.

Theo Tiến sĩ Rob Yeung, tuỳ vào từng trường hợp, chúng ta sẽ lựa chọn phong cách cẩn thận và tôn trọng hay hào hứng và vui vẻ. Điểm mấu chốt là chúng ta lựa chọn ngôn ngữ không lời càng phù hợp bao nhiêu thì thông điệp bạn muốn truyền tải đến người nghe sẽ càng thuyết phục bấy nhiêu.

Nếu bạn muốn lời nói của mình không bị khán giả bỏ ngoài tai thì hãy tiếp tục đọc chương thứ 3 của cuốn sách. Với tiêu đề “Chiến thắng bằng lời nói”, tác giả dành toàn bộ chương này không chỉ nhằm giúp bạn biết cách đưa ra lập luận khiến người nghe gật đầu tán thành mà còn khiến họ phải thay đổi.

Một bí quyết nữa để chinh phục lòng người nghe đó là bạn hãy kể chuyện nhiều hơn, thậm chí chia sẻ câu chuyện về chính cuộc đời bạn. Các diễn giả chuyên nghiệp cũng hay sử dụng các phép so sánh, ẩn dụ, câu hỏi tu từ, đối lập và liệt kê. Vì thế, bạn cũng hãy tập làm theo họ và đừng quên kết hợp lời nói cùng những dấu hiệu không lời (đã bàn kỹ ở chương 2) nhé!

Nổi bật nhờ sự đam mê

Chương thứ tư có lẽ là phần đáng đọc nhất đối với những bạn trẻ đang trải qua nhiều công việc khác nhau và chưa biết đâu là “bến đỗ” thực sự của mình.

Dường như việc đổi từ công việc này sang công việc khác là xu hướng dễ thấy trong thế kỉ 21. Vì vậy, bạn hãy xem mỗi công việc như một trải nghiệm, một cơ hội để gia tăng vốn hiểu biết của mình. Và như lời tác giả nói: “Hãy cảm nhận sự tự do để dạo chơi trên những con đường khác nhau”. Khi chưa tìm được sự nghiệp hoàn hảo cho mình, bạn hãy lắng nghe trái tim mách bảo và rồi cuối cùng, bạn sẽ tìm ra điều bạn thực sự yêu thích.

Chúng ta hãy nhớ rằng, giá trị chúng ta gán cho công việc mang tính chủ quan. Hai người làm cùng một công việc nhưng mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau. Người lạc quan và kiểm soát công việc tốt thì họ sẽ tận tuỵ, nhiệt huyết với công việc của mình. Ngược lại, những người chán ghét công việc mình đang làm thì cách tốt nhất là họ hãy từ bỏ vì họ sẽ chẳng thể có chút thăng tiến nào trong công việc đó.

Nếu bạn muốn tạo ra một cuộc sống mới và có sự nghiệp nổi bật thì hãy áp dụng những các kỹ thuật được chắt lọc trong cuốn sách này và dùng tư duy của một nhà khoa học để xem điều gì phù hợp với bạn. Hành trình nào cũng có những va vấp và đôi khi lâm vào thế bế tắc. Tuy vậy, sau một thời gian nhìn lại, bạn sẽ ngẫm ra: “Giờ mình đã tốt hơn nhiều so với trước đây!”.

“Bằng nỗ lực của bản thân, bạn chắn chắn sẽ tiến bộ”.

Đây cũng là lời cuối cùng, tác giả muốn gửi đến độc giả trước khi chúng ta gấp quyển sách lại.

Minh Phương

Tags: